Sunday, March 31, 2013

BỆNH NẶNG QUÁ RỒI !

Có biểu hiện nhiễm "Căn bệnh Hà Lan"

Ngọc Lan thực hiện
Thứ Sáu,  29/3/2013, 16:23 (GMT+7)
   

 

 

Ông Phạm Quang Tú

(TBKTSG Online) - Việt Nam có nhiễm “căn bệnh Hà Lan” mà nhiều quốc gia giàu tài nguyên mắc phải khi phát triển ồ ạt ngành công nghiệp khai khoáng và xuất khẩu không? Nếu có, ở mức độ nào? TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE), xung quanh vấn đề này.
TBKTSG Online: Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa vào sự đóng góp đáng kể của ngành khai thác và xuất khẩu tài nguyên. Ông có nghĩ rằng, hiện nay nó vẫn mang lại các giá trị lớn cho nền kinh tế?
- Ông Phạm Quang Tú: Không thể phủ nhận vai trò ban đầu của ngành khai khoáng đối với tăng trưởng kinh tế, cụ thể là vai trò của ngành dầu khí và ngành than khi nội lực của Việt Nam cách đây vài chục năm còn rất yếu. Ở giai đoạn đó việc phải chấp nhận bán một phần nguồn lực khoáng sản để tạo đà cho sự phát triển là cần thiết.
Nhưng càng về sau, tư duy về vấn đề quản lý sử dụng tài nguyên phải thay đổi. Việt Nam đã bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, nếu cứ sa đà vào khai thác tài nguyên để phát triển thì “sập bẫy” thu nhập trung bình thấp. Chính phủ đã nhận ra điều đó qua nhiều chính sách, nghị quyết ở tầm vĩ mô. Nhưng từ văn bản đến thực tế lại có khoảng cách.
Từng có nhà lãnh đạo cấp cao khi muốn khai thác bauxite thì nói rằng nguồn tài nguyên dầu khí ngày một cạn kiệt, rất may chúng ta có được trữ lượng bauxite lớn để khai thác. Một vị bộ trưởng thì nói rằng ngoài bauxite chúng ta còn có nguồn titan. Nếu tính giá titan sau chế biến mỗi năm có thể thu được hàng tỉ đô la thay thế cho nguồn dầu khí.
Đây là cách tư duy coi khoáng sản là cứu cánh cho nền kinh tế, khai thác hết tài nguyên này đến tài nguyên khác. Nhưng tài nguyên không phải là vô tận. Nhiều quy hoạch thăm dò khoáng sản như bauxite, titan vẫn được xây dựng trên cơ sở khai thác tài nguyên càng nhanh càng tốt.
Nói tóm lại là tư duy khai thác và xuất khẩu tài nguyên không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Điều đó không đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt công nghiệp khai khoáng mà cần hướng tới tăng cường giá trị gia tăng, nhất là phục vụ các ngành công nghiệp nội địa.
Nhưng có ý kiến cho rằng nhiều ngành công nghiệp trong nước hiện không sử dụng hết lượng khoáng sản khai thác được nên phải xuất khẩu?
- Vậy cũng nên hỏi ngược lại. Ví dụ, than antraxit dùng để luyện than cốc rất cần cho nhiệt điện. Trước đây ta khai thác thủy điện nhiều nên ít dùng loại than antraxit, vì vậy mới phải xuất khẩu. Nay tổng sơ đồ VII của ngành điện hướng đến nguồn nhiệt điện rất lớn, loại than tốt rất cần thì chúng ta lại đang kiệt quệ và phải đi nhập sớm.
Bản chất ngành khai khoáng ở Việt Nam là khai thác và xuất thô. Ông có thể ước tính sự chèn lấn và thiệt hại của nó gây ra cho các ngành kinh tế có liên quan hay không, ít nhất từ cơ hội phát triển?
- Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đều có lập ra các thứ tự ưu tiên, đặt ra các mũi nhọn phát triển và một số địa phương quá chú trọng khai thác tài nguyên. Lúc hết tài nguyên, sẽ có nhiều nơi rơi vào cảnh hụt hẫng, cân đối thu chi ngân sách bị ảnh hưởng lớn.
Một số địa phương ở miền Trung đã chọn khai thác titan, thay vì du lịch, để thu lợi nhanh. Cách làm như vậy càng khiến làn sóng khai khoáng tăng mạnh, nhất là khai thác thô, bán ngay.
Dường như hiện nay nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa tiềm năng với trữ lượng, trong khi thực tế mọi tiềm năng không đồng nghĩa với trữ lượng và kể cả trữ lượng lớn thì không phải cứ đào cho bằng hết?
- Đúng vậy. Nếu không tỉnh táo chúng ta sẽ sa vào bẫy mà các doanh nghiệp khai khoáng “dàn trận”, ảo tưởng về tài nguyên. Chẳng hạn như titan có hai loại: titan trên tầng cát đen (trữ lượng khoảng 20 triệu tấn) và titan trên tầng cát đỏ (trữ lượng khoảng hơn 600 triệu tấn). Hai loại này hoàn toàn khác. Người ta thường gộp cả trữ lượng hai loại khoáng sản này với nhau. Titan tầng cát đen thì dễ khai thác nên đã được cấp phép ồ ạt với quan điểm cứ khai thác hết loại này còn loại khác; song titan tầng cát đỏ là “khúc xương” rất khó làm. Trữ lượng titan tầng cát đỏ chỉ mang tính dự báo tài nguyên.
Việc đánh tráo khái niệm (nếu có) suy cho cùng để đạt được lợi ích. Vì vậy không thể nhầm lẫn và không thể cấp phép ồ ạt, khai thác bừa bãi được.
Con đường xuất khẩu tài nguyên mà Việt Nam đang đi có vẻ giống con đường phát triển của nhiều quốc gia nghèo hoặc phát triển nóng và mắc phải "căn bệnh Hà Lan". Ông nghĩ chúng ta đang ở mức độ nào của "căn bệnh" này và liều thuốc nào để hạn chế sự mắc bệnh đang tăng theo cấp độ thời gian?
- Các quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào khai khoáng, xao nhãng các ngành khác có thể kéo theo sự trì trệ trong phát triển kinh tế, độc tài, nhóm lợi ích… Ở Việt Nam, thực ra ngành khai khoáng (cả dầu thô) chỉ đóng góp 10-11% vào tăng trưởng GDP, do đó chúng ta không rơi vào “căn bệnh Hà Lan” nhưng biểu hiện nhiễm bệnh thì có. Ở cấp quốc gia thì nhẹ nhưng ở một số địa phương thì nặng, nhất là các địa phương mà cơ cấu thu chi ngân sách phụ thuộc vào khai khoáng như Quảng Ninh. Tỉnh đó sẽ như thế nào nếu ngành than chững lại? Nếu không tỉnh táo xoay chuyển nhanh cơ cấu kinh tế vào các ngành dịch vụ, thương mại thì những năm tới sẽ không sống dựa vào tài nguyên mãi được.
Hay như Đắc Nông đã từng rất kỳ vọng vào ngành công nghiệp bauxite vì thế đã định hướng phát triển thị xã Gia Nghĩa thành thành phố công nghiệp –dịch vụ và đã mời đối tác Hàn Quốc lập quy hoạch phát triển Gia Nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng đó. Nhưng với những khó khăn hiện nay của các dự án bauxite, sự kỳ vọng đó cũng đã thay đổi nhiều, bản quy hoạch nói trên sẽ là điều không dễ thực hiện.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn:  http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/93825/Co-bieu-hien-nhiem-%22Can-benh-Ha-Lan%22.html

SCT: Trong bài đầu tiên của năm 2013, chúng tôi đã cảnh báo về Lời nguyền tài nguyên-Căn bệnh Hà Lan ở Việt Nam.
Xin Quý vị xem lại:  http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2013/01/hanh-tinh-xanh-cua-chung-ta-mot-vai.html

No comments:

Post a Comment