Saturday, March 30, 2013

HÃY TRÁNH VẾT XE ĐỔ

Đọc sách: CHẾT DƯỚI TAY TRUNG QUỐC



Death by China hay Chết dưới tay Trung Quốc được viết bởi Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công cộng tại Đại học California, Irvine, Peter Navarro và đồng sự Greg Autry. Quyển sách dày 320 trang này đã thống kê một cách cặn kẽ những chiêu thức kinh tế, xã hội, chính trị, và quân sự của Trung Quốc đã làm mất đi hàng triệu việc làm của Hoa Kỳ cùng mới 5 hiểm họa quân sự mà Hoa Kỳ và thế giới tự do phải đối đầu trong những thập niên tới. Gs. Navarro cũng phản biện mạnh mẽ những ý kiến của Thomas Friedman về thuyết "Thế giới phẳng". Ông cho rằng thế giới quả thật sự phẳng chỉ khi các quốc gia cùng tuân thủ một luật lệ chung. Trung Quốc không phải là trường hợp này.

Trích nguồn: Trang lưu trữ bản Việt ngữ "Chết dưới tay Trung Quốc"

Trích: Chương 12

Ngày mệnh chung cho Hành tinh lớn: 
Bạn có muốn bị chiên vào ngày tận thế không? 

Các vấn đề môi trường của Trung Quốc đang gia tăng. Sự ô nhiễm nước và khan hiếm nước sạch đang đè nặng lên nền kinh tế, mức độ ô nhiễm không khí gia tăng đe dọa sức khỏe của hàng triệu người Trung Quốc, và nhiều vùng đất đang nhanh chóng biến thành sa mạc.  
 Foreign Affairs 

So với thành phố đầy muội khói Lâm Phần thuộc tỉnh Sơn Tây nội địa Trung Quốc, thì thành phố Luân Đôn u tối trong truyện của Dickens trông trong sáng như một công viên thiên nhiên. Sơn Tây là trung tâm của vành đai than đá nước này, những ngọn đồi xung quanh Lâm Phần lỗ chỗ các mỏ than - cả mỏ lậu lẫn hợp pháp, không khí đầy muội than. Đừng có tính chuyện phơi quần áo vì quần áo sẽ  đen thui trước khi kịp khô. 
 Time

" Dân Trung Quốc vốn không phải là ngu ngốc. Nhưng những gì giới lãnh đạo chính phủ và giới kinh doanh Trung Quốc đang tác động tới bầu không khí, nguồn nước và đất đai trên đất nước họ - với sự chấp nhận ngầm của phần lớn dân chúng – hẳn phải là hành vi bạo lực sâu rộng nhằm tự hủy hoại một cách xuẩn ngốc nhất, thiển cận nhất chống lại Mẹ Thiên nhiên mà thế giới từng chứng kiến. Cho dù đó là đau nhức mắt, ngứa ngáy cổ họng, tức ngực khi tiếp xúc phải không khí nhiễm độc phun ra từ các khu nhà máy của Trung Quốc, hay các cơn sóng thần tsunami hóa chất gây ung thư, phân và chất thải chưa xử lý tràn ngập các dòng sông lớn nhất như Hoàng Hà và Dương Tử, hay ô nhiễm kim loại nặng khắp nơi, dư lượng thuốc trừ sâu và các chất thải điện tử chết người đang ngấm vào đất nông nghiệp màu mỡ, hay là cuộc Vạn lý Trường chinh phá rừng và sa mạc hóa từ vùng cực tây Tân Cương đến tận cổng thành Bắc Kinh, tất cả càng ngày càng trở thành một “Mùa xuân thầm lặng” (*) hầu như suốt năm."
.....
" Thực lòng mà nói, tình trạng thiếu quản lý môi trường ở Trung Quốc làm chúng tôi ngạc nhiên nhất. Chiếm tới 20% dân số thế giới nhưng Trung Quốc chỉ có 7% nước ngọt thế giới; nhiều vùng đất rộng lớn ở nước này – bao gồm hơn 100 thành phố - phải chịu hạn hán triền miên. Bất chấp thực tế thiếu nước, các chuyên gia cố vấn của chính phủ và giới kinh doanh Trung Quốc vẫn để mặc 70% toàn bộ sông suối, ao hồ và 90% nước ngầm nước họ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí, ở các thành trì công nghiệp như Sơn Tây, phần lớn nước sông độc hại tới mức không thể nhúng tay xuống. Jeffrey Hayes cung cấp một vài cảnh tóm tắt bộ phim thực tế đang diễn ra trên các sông hồ ở khắp Trung Quốc: 


Những vùng nước đáng lẽ đầy cá tôm và đón mời những người thích bơi lội thì nay là mặt nước váng đen và ngầu bọt, bốc mùi hôi thối. Các con kênh lớp lớp rác rưởi lềnh bềnh, rác dày hai bờ kênh. Phần lớn là các chai lọ nhựa đủ màu đã bạc do phơi nắng. 
Sự nguy hại ấy gây ra bởi lũ lượt hàng tỷ tấn chất thải công nghiệp chưa được giải quyết thích đáng, phân hóa học, nước thải chưa qua phân giải của người và động vật thải ra từ khắp mọi nơi, từ các nhà máy hóa chất, sản xuất thuốc và sản xuất phân bón, từ nhà máy thuộc da, sản xuất giấy hay những trại nuôi heo. Chính vì hàng loạt khối chất thải chưa giải quyết đó được thải ra, hàng tỷ dân Trung Quốc phải uống nước ô nhiễm hàng ngày, trong đó ít nhất 700 triệu người phải quen với loại nước uống "có hương vị" chất thải của người và động vật. 

Trong khi đó, sông Liêu lớn nhất miền nam Mãn Châu là biểu tượng cho câu châm ngôn: Trung Quốc càng tiến nhanh thì càng tụt hậu trong việc bảo vệ môi trường. Vì ngay cả khi hai bờ con sông này được trang bị nhiều cơ sở chế biến nước mới, những cơ sở này hoàn toàn bị bất lực trước tải lượng ô nhiễm ngày càng gia tăng. 

Để giải thích tại sao ô nhiễm lại đổ vào các sông ở Trung Quốc nhiều như vậy, hãy lấy một trường hợp làm ăn bất chính điển hình của một trong những “Vua T-shirt” ở tỉnh Quảng Đông – Công ty dệt may Phúc An. Bị cáo giác trong phóng sự của tờ Washington Post, nhà máy của Phúc An đã phải đóng cửa vì đổ trái phép 20,000 tấn chất thải nhuộm đỏ dòng sông trong vùng. Thế nhưng, trước nạn thất nghiệp gia tăng, các quan chức của chính quyền địa phương âm thầm khuyến khích Phúc An chỉ cần đổi tên và chuyển đến địa điểm mới.
Thực vậy, nạn ô nhiễm nước ghê gớm của Trung Quốc đã thêm vào kho từ vựng về các thảm họa môi trường một thuật ngữ mới – “làng ung thư”. Chỉ tính dọc theo sông Hoài đã có hơn 100 làng ung thư; các nông dân khốn khó sống trong vùng nước đọng quanh dòng sông này có tỷ lệ chết vì bệnh ung thư thực quản, ruột và dạ dày cao không kém tỷ lệ tử vong của lực lượng bộ binh Hoa Kỳ đổ bộ xuống bờ biển Normandy.

Hãy thử nghĩ xem, gần đây nhất vào thời Mao Trạch Đông, người Trung Quốc rất gắn bó với các nguồn nước. Tuy nhiên, ngày nay thậm chí nếu Mao Chủ tịch – người thích bơi qua sông Dương Tử – có sống lại thì chắc ngài cũng chẳng dám nhảy xuống. Với cùng kiểu nói màu mè như thế, cho dù ở gần nhiều sông suối vùng núi, các cư dân thành thị như Thành Đô và Trùng Khánh cũng không dám đi câu cá giải trí ở chỗ nào khác ngoài các ao nhân tạo trong các khu “công viên câu cá”. Trong khi ấy, hàng triệu người dân Thượng Hải sinh sống ngay vùng bờ biển và cửa sông, nhưng chẳng ai dám liều tắm hoặc bơi lội trong các vùng nước nguy hiểm chết người quanh thành phố đó. 

Để thấy nỗi hổ thẹn môi trường này từ quan điểm Hoa Kỳ, hãy xét cảnh ngộ của hồ Thái. Đây là thắng cảnh tương đương hồ Placid tuyệt đẹp ở Adirondacks, Hoa Kỳ, hồ này lớn thứ ba ở Trung Quốc và là nơi có hơn 90 hòn đảo, nổi tiếng với các tuyệt tác đá vôi thiên tạo. Nhưng ngày nay, quần thể hồ Thái lâm nguy lại nổi danh do có khuynh hướng đổi sang màu xanh lục sáng vì tảo sinh sôi mạnh đang làm cạn kiệt ô-xy, giết chết tôm cá trong hồ, làm cho nước hồ hoàn toàn không uống được.
Số phận của một tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc đang bị hủy diệt như trường hợp hồ Thái sẽ ra sao khi một nhà bảo vệ môi trường đã bị tra tấn vì cố bảo vệ nó?  Ngô Lập Hồng (Wu Lihong) đã kiên gan [không chịu nhận ‘tội’] trong năm ngày trước khi bị công an buộc “thú nhận tội lỗi” và ném vào tù – ở Trung Quốc là trại trừng trị. 

Tai họa vô hình của Trung Quốc - Đất nhiễm độc  

Ông Chu Sanh Hiền (Zhou Xiansheng), Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Chính phủ (SEPA) cảnh báo: Đất canh tác của Trung Quốc – nơi nuôi dưỡng cho 22% dân số thế giới này – đang đối mặt với sự ô nhiễm và thoái hóa tồi tệ... Sự thoái hóa chất lượng đất trở thành một vấn đề đáng lo ngại nhất trong số các tác dụng phụ của tăng trưởng kinh tế bất chấp hậu quả kiểu Trung Quốc. Kim loại nặng tích tụ trong đất, làm cứng bề mặt đất và giảm màu mỡ của đất và dư lượng phân hóa học và thuốc trừ sâu thấy rõ trong các nông sản, gây ngộ độc cho cả con người và vật nuôi. Gần đây, có khoảng 10 triệu hec-ta đất trồng trọt – tương đương 10% đất trồng nước này - bị ô nhiễm và hủy hoại. 
—Worldwatch Institute
Tờ Thời báo Môi trường Trung Quốc gọi nhiễm độc đất là “sự ô nhiễm vô hình” bởi vì nó không thể thấy rõ bằng mắt thường như sự ô nhiễm nước và không khí. Ngày nay, ở bất cứ nơi nào tại Trung Quốc nào, thực sự là bạn đang “lựa chất độc để chết”.
Ví dụ, ở các trung tâm sản xuất đồ điện tử ở đồng bằng châu thổ Châu Giang, vấn đề nghiêm trọng nhất là kim loại nặng trong đất gồm thủy ngân, chì và nickel. Tuy nhiên, ở vựa lúa mì miền Bắc, đất đai ngập trong thuốc trừ sâu, còn các vùng trồng rau chính của Trung Quốc tràn lan chất nitrate gây ung thư do bón quá nhiều phân hóa học. Trong khi đó, các vùng trồng cây ăn quả và vườn cây trái trên cả nước  lại sử dụng quá nhiều “các chất diệt trùng và thuốc trừ sâu có thành phần sulfate đồng dẫn đến nhiễm độc trái cây tràn lan có thể gây ngộ độc mãn tính”. Bất chấp lệnh cấm DDT trên cả nước, hóa chất này vẫn được sử dụng thường xuyên và những tác hại dài hạn thấy hiển nhiên ở các khu vực tuyệt nhiên không còn côn trùng lẫn chim chóc ở các vùng nông nghiệp phía Tây Trung Quốc.

Điều thiển cận gây ra sự ô nhiễm độc hại đó phát xuất từ cái triết lý điên rồ bệnh hoạn “càng nhiều càng tốt” được hàng triệu nông dân Trung Quốc tán đồng. Dù là phân bón hay thuốc trừ sâu cho mùa màng, chất kháng sinh cho gia súc (hay chì trong đồ chơi và sơn của chúng ta), ở Trung Quốc chẳng có khái niệm sử dụng khéo léo hóa chất nào ngoài cái tâm lý “cứ đổ vào” hay “cứ tô lên”, chẳng khác gì dùng plutonium làm gia vị cho khoai tây chiên. 

Bệnh dịch bón quá nhiều phân của Trung Quốc trầm trọng như sau: Các nông dân nước này sử dụng hơn 30 triệu tấn phân đạm mỗi năm và thường xuyên dùng gấp đôi hay gấp ba lượng cần thiết. Theo chuyên gia về đất Trương Phúc Tỏa (Fusuo Zhang) ở Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, bón phân quá lượng làm độ pH trong đất giảm mạnh, kết quả đất bị a-xít hóa sẽ làm giảm sản lượng cây trồng từ 30-50% ở một số khu vực. 

Tương tự như vậy, việc hám dùng thuốc trừ sâu đến bệnh hoạn - đi đôi với việc dùng thuốc không đúng cách - làm ô nhiễm hơn 5% đất trồng Trung Quốc. Như đã nói trên, tổng cộng đất canh tác bị mất do nhiễm độc lên tới 10%. Cụ thể hơn, đó là hơn 10 triệu hecta đất nhiễm độc; tương đương với phá hủy hoàn toàn hơn 80% đất nông nghiệp ở tiểu bang Iowa. 

Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa hết. Một vấn đề nữa là Trung Quốc sẵn sàng – quả thực còn vô cùng háo hức – trở thành bãi rác thải cho những hợp chất độc hại nhất mà thế giới hiện đại tạo ra – cái gọi là “chất thải điện tử”. 

Chất thải điện tử gồm những thứ còn lại của các máy điện toán hỏng bị vứt bỏ, điện thoại di động lỗi thời và các đồ điện tử khác; quả là một buổi trình diễn nhạc heavy metal thực sự ‘không giống ai hết’. Tờ Science Daily kể: “Mỗi năm có tới 50 triệu tấn chất thải điện tử được tạo ra trên toàn cầu - đủ để chất đầy đoàn xe tải thu gom rác xếp hàng dài tới nửa vòng trái Đất"; và đương nhiên, Trung Quốc sẵn sàng có đủ xe tải chở rác để thu gom tới 70% số rác thải điện tử đó.
Đây không chỉ là Tây phương xả rác sang Đông phương. Đó còn là nơi thế kỷ 15 hội ngộ thế kỷ 21. Trong thế giới chất thải điện tử bẩn thỉu đó, nông dân Trung Quốc ngồi xổm trước lò than củi bé tẹo để hơ chảy mối hàn chứa chì ở các bảng mạch và cũng chỉ dùng chiếc quạt cầm tay nhỏ để quạt làn khói độc hại trong khi họ dùng các ngón tay trần tách các con chip máy điện toán, các tụ điện và điốt để bán lại cho các nhà máy sản xuất đồ dùng điện. 

Đó đúng là một quá trình tái chế vô cùng thô sơ ngay trong cuộc sống đầy dẫy các dụng cụ hiện đại. Điều đó cho các nhà máy Trung Quốc có thêm một mũi nhọn cạnh tranh đối với các nước như Brazil, Mexico hay Pháp, Hoa Kỳ là nơi sẵn lòng đối xử với công dân nước họ như những con người chứ không phải những vật hy sinh cho cái mục tiêu vô thần của sản xuất giá rẻ.

Sự thật đáng ghê tởm ấy đã và vẫn tiếp diễn, và thậm chí còn tệ hơn thế bởi vì bụi độc hại từ quá trình tái chế sẽ bay xa nhiều dặm đến tận các vùng nông thôn Trung Quốc. Thực vậy, ở tại và xung quanh khu ổ chuột của quá trình tái chế chất thải điện tử đó, như vùng Quý Tự (Guiyu) ở tỉnh Quảng Đông, mức độ ô nhiễm đồng, chì, nickel và nhiều loại kim loại nặng khác cao gấp 100, 200 và tới 300 lần mức an toàn. 

Vậy thì phí tổn tổng cộng của tất cả mọi nguồn nhiễm độc đất - từ hóa chất, phân bón và thuốc trừ sâu cho tới chất thải điện tử - sẽ là bao nhiêu? Theo các nhà khoa học của chính Trung Quốc, mức giá phải trả là hơn 10 triệu tấn ngũ cốc mất đi hằng năm - con số tương đương một phần sáu tổng thu hoạch lúa mì của Hoa Kỳ, một nửa sản lượng bắp của Mexico, và gần như toàn bộ sản lượng lúa gạo hằng năm của Nhật. Do đó nhìn cái bảng giá này theo cách khác, khi đến chỗ trả tiền của hiệu thực phẩm nơi mình cư ngụ chúng ta sẽ đau lòng nhận ra [số tiền cao phải trả] chính là vì 10 triệu tấn ngũ cốc bị Trung Quốc hằng năm cướp từ nguồn cung lương thực của các quốc gia khác do thiếu sự quản lý môi trường ở trong nước họ. 

Hoàng Đế hâm nóng toàn cầu


Thế giới chưa bao giờ phải đối mặt với mối đe dọa dự đoán đến sản xuất lương thực có quy mô lớn như mối đe dọa khi các núi băng châu Á tan chảy. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước hàng đầu thế giới về sản xuất lúa mì và gạo - loại cây lương thực chính của nhân loại. Sản lượng thu hoạch lúa mì của Trung Quốc gần gấp đôi Hoa Kỳ, nước đứng thứ ba sau Ấn Độ. Còn với lúa gạo, hai nước này bỏ xa các nước sản xuất hàng đầu khác, tổng sản lượng lúa gạo hai nước chiếm phân nửa sản lượng toàn cầu. 

— Friends of the Earth 
Đến lúc này, chúng tôi nghĩ bạn đã nhìn rõ bức tranh về sự ô nhiễm và việc Trung Quốc không đếm xỉa đến nguồn tài nguyên thiên nhiên có tác động đến tất cả chúng ta. Tuy thế, vẫn còn một vấn đề môi trường khác chúng ta cần đặt lên bàn thảo luận cấp hành tinh. Đó là vấn đề trầm trọng về sự góp phần khủng khiếp của các nhà máy của Trung Quốc vào biến đổi khí hậu. 

Trước khi chúng ta đi sâu vào vấn đề này, chúng tôi biết rằng nhiều người Mỹ không tin vấn đề biến đổi khí hậu là có thật, càng không tin đó là một nguy cơ chính đáng. Chúng tôi chỉ muốn nói điều này với các bạn ở đây: 
Cái giá phải trả cho hậu quả việc không ngăn chặn biến đổi khí hậu nếu nó đúng là có thật sẽ cao hơn nhiều bất kỳ số chi phí nào chúng ta cần bỏ ra để ngăn ngừa biến đổi khí hậu nếu hóa ra đó chỉ là lời cảnh báo sai. Nhìn dưới khía cạnh này, hành động đối với việc biến đổi khí hậu dường như là một hợp đồng bảo hiểm thận trọng chống lại một hiện tượng chúng ta vẫn chưa biết đến một cách đầy đủ.


Vì vậy, trong bối cảnh của những quan sát này, chúng tôi nhận thấy thêm rằng ngay từ năm 2006 – nhiều năm trước khi bất kỳ chuyên gia nào thực sự nghĩ điều đó có thể xảy ra - Trung Quốc đã nhẩy vọt qua mặt Hoa Kỳ trong việc trở thành quốc gia thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Hơn nữa, sau vài thập niên tới, nếu không ngăn chặn, mô hình tăng trưởng nhờ-đốt-than của Trung Quốc, đi đôi với sự có mặt tất yếu của hàng trăm triệu xe hơi mới chen chúc trên đường phố Trung Quốc, sẽ dẫn đến sự gia tăng các loại khí gây hiệu ứng nhà kính theo cấp số nhân – mức độ tăng mà mọi quốc gia khác kể cả Hoa Kỳ cộng lại cũng không so sánh kịp. 


Đương nhiên, phái biện hộ cho Trung Quốc sẽ lập luận rằng nước này có “quyền” gây ô nhiễm thế giới tương ứng với mức độ đông dân của nó. Nhưng xin đặt ra câu hỏi rằng đúng ra thì ai chịu trách nhiệm trước hết về việc Trung Quốc quá đông dân đến mức trầm trọng như vậy? Trung Quốc chắc chắn không thể đổ trách nhiệm này cho bất kỳ ai nữa. 

Sự trớ trêu lớn nhất của tất cả việc này là Trung Quốc thực ra cũng là một trong số các nạn nhân lớn nhất của biến đổi khí hậu. Để hiểu tại sao, nên biết rằng các dòng nước mạnh chảy vào hai con sông lớn nhất Trung Quốc là Hoàng Hà và Dương Tử phần lớn bắt nguồn từ vùng phủ tuyết và các dòng băng của cao nguyên Tây Tạng - Thanh Hải. Vùng đóng băng này mỗi năm đã tan ra khoảng 7%, nếu hành tinh trái Đất thực sự tiếp tục nóng lên, các sông băng này sẽ tan nhanh hơn nhiều. Hậu quả là Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên phải đối mặt với những trận lũ lịch sử trong nhiều thập niên - sau đó là hạn hán và đói kém triền miên khi cả hai con sông lớn nhất này cạn kiệt. 

Trong khi đó, các mỏm băng vùng cực trái Đất tiếp tục tan và mực nước biển dâng lên, các thành phố ven biển như Thượng Hải và Thiên Tân sẽ ngập nước. Đây là một sự kiện rõ ràng có thể xảy ra được xác nhận bằng một cảnh báo cực kỳ nghiêm trọng của tiến sĩ Peter Walker ở Hội Hồng Thập Tự: “Trong vòng 80 năm, vùng đất hiện có 30 triệu người Trung Quốc sẽ chìm dưới biển, chúng ta biết điều đó sắp xảy ra, vì vậy chúng ta phải tìm cách để bảo vệ khu vực đó". 

Vậy đấy, Trung Quốc, sao quý vị không bắt đầu bảo vệ chính quý vị và người hàng xóm Ấn Độ cùng các người khác – thay vì đổ lỗi cho các nước khác về vấn đề này và yêu sách châu Âu hay Hoa Kỳ trả tiền cho giải pháp nào đó? "

SCT: Gần đây, báo chí trong nước đồng lọat đưa tin và hình ảnh xác heo, vịt chết bệnh thả trôi đầy các dòng sông lớn ở Trung Quốc. Sự tăng trưởng quá nóng vì lợi ích các nhóm nhỏ mà bất chấp môi trường, cộng đồng  đã gây thảm họa gần như tức thì cho Trung Quốc và hàng xóm.
Chúng ta hãy tỉnh táo tránh các vết xe đổ để chung sống hài hòa trong môi trường tươi đẹp.

No comments:

Post a Comment