Thursday, March 28, 2013

TRƯỜNG CA SAI SỬA


DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐN6 VÀ 6A - BÀI CA SAI SỬA
Nhân sự kiện “Ngày nước thế giới” 22 tháng 3 năm 2013 với chủ đề “Hợp tác vì nước” cùng thông điệp " Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước".  Trong phạm vi lưu vực một con sông, ai cũng hiểu việc điều hòa nguồn nước cho sông là các khu rừng trong lưu vực đó và hiện nay, chính con người đang gia tăng việc bức tử các dòng sông. Chúng tôi tạm điểm lại một số vấn đề liên quan đến hai Dự án thủy điện của một chủ đầu tư trên sông Đồng Nai mà hồ sơ vẫn đang được "ngâm cứu" tại Hội đồng thẩm định ĐTM-Bộ TN&MT một cách bất thường. Gây những tác hại xấu về mọi mặt tới nhiều phía có liên quan.
Từ cuối thế kỷ trước, cái câu" sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu, sửa đâu sai đấy" đã ám ảnh bao người. Đành rằng ai hay tổ chức nào cũng có chuyện sai, lầm, lộn. Làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều và không làm thì không sai nhưng vấn đề là thẳng thắn thừa nhận sai để sửa chữa kịp thời. Người Việt Nam rất độ lượng chỉ " đánh kẻ chạy đi".
Hai câu hỏi là:
Q.1, Hai Báo cáo ĐTM của thủy điện ĐN6 và 6A sau khi Hội đồng thẩm định ĐTM của Bộ TN&MT  " họp kỹ thuật" ngày 28/11/2012 sẽ tiếp tục như thế nào?
Q.2, Quyết định việc đầu tư 2 Dự án này sẽ ra sao?
Mọi người thấy rằng đây cũng chỉ là một dự án đầu tư bình thường nhưng có lẽ nhạy cảm là chủ đầu tư ngay từ giai đọan đầu đã cố tình lách luật việc trình Quốc hội xem xét chủ trương và khu vực dự án sẽ xâm phạm cánh rừng nguyên sinh cuối cùng nối Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ; cùng với đó là tiền làm thủ tục, hồ sơ…mới đến mức trình Báo cáo ĐTM chờ thẩm định nhưng chủ đầu tư đã chi phí hết hơn 11 tỷ VNĐ.
Mãi đến ngày 14/01/2013, VPCP mới ra Thông báo số 17/TB-VPCP do Phó chủ nhiệm Nguyễn Hữu Vũ ký thay. Nội dung là ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp từ ngày 21/11/2012, tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các Bộ, cơ quan: Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thủ tướng lưu ý kết luận làm thủy điện phải đáp ứng 5 yêu cầu:
" - Phải đảm bảo an toàn, an toàn về hồ đập, an toàn về tính mạng của nhân dân, đây là yêu cầu cao nhất, dù hiệu quả tới đâu mà không đáp ứng được yêu cầu này thì không được làm.
- Khi xây dựng thủy điện phải đảm bảo thực hiện cho được chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là di dân tái định cư đến nơi ở mới phải có điều kiện để người dân từng bước có cuộc sống tốt hơn.
- Phải đặc biệt chú trọng đến môi trường, xây dựng thủy điện nhưng không làm tác động lớn, tác động xấu đến môi trường sống.
- Phải bảo đảm hiệu quả tổng hợp của dự án thủy điện cả về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
- Phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc lập, thẩm định dự án, thi công xây dựng và vận hành công trình."
Giải pháp cụ thể mà Thủ tướng đưa ra ( tại Thông báo trên):
"- Quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới các dự án thủy điện. Các dự án thủy điện đã có trong quy hoạch nhưng trước khi quyết định đầu tư phải được thẩm định một cách chặt chẽ. Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có công suất phát điện khá lớn, đã được đưa vào quy hoạch nhưng phải được tiến hành thẩm định một cách nghiêm túc, đúng theo các quy định của pháp luật, nếu không đạt các yêu cầu nêu trên thì không được quyết định đầu tư xây dựng. Các cơ quan có chức năng thẩm định phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình. Cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư xây dựng phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và các yêu cầu mà Chính phủ đề ra và phải chịu trách nhiệm về việc quyết định cho phép của mình."
Vậy là rất rõ: các Cơ quan thẩm định và Cơ quan quyết định cho phép đầu tư phải chịu trách nhiệm chứ không phải cái gì cũng đùn đẩy lên Thủ tướng.
Do đó, khi nào có câu trả lời và các quyết định cho đầu tư hay lọai bỏ Dự án là do những Cơ quan chức năng này và đương nhiên họ sẽ lo trách nhiệm vì dám ký thì phải dám chịu. Sự việc đã đến mức căng thẳng, ầm ĩ thì cách gì cũng phải có đụng chạm, xung đột và tổn thương. Việc nghe ngóng, vận động, thăm dò, toan tính, đùn đẩy trách nhiệm… sẽ còn kéo dài phức tạp.
Liệt kê vài sự kiện gần đây và điểm một số ý kiến dư luận như sau:
1, Đăk Lắk -ngày 14/3/2013, tại Hội nghị Bảo vệ và Phát triển rừng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Hòang Trung Hải đã nghe đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Tây Nguyên báo cáo về thực trạng quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua. Đây được xác định là vùng trọng điểm về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong cả nước, với hơn 8.600 vụ được phát hiện trong 5 năm qua, và mỗi năm, Tây Nguyên lại mất đi gần 26.000 ha rừng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Rừng là tài nguyên cực kỳ quí giá, nên bằng mọi cách phải giữ, phát triển rừng Tây Nguyên trong thời gian tới. 
2, Đồng Nai-ngày 7-3-2013, kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh khóa VIII (NK 2011 - 2016) đã tổ chức lấy ý kiến các đại biểu về việc dừng dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Các đại biểu đã thống nhất thông qua văn bản đề nghị Chính phủ và ủy ban thường vụ Quốc hội dừng triển khai 2 dự án này.
Ngay từ ngày ngày 29/8/2011, tại CV gửi Bộ Công thương số: 5890/UBND-CNN, " v/v ảnh hưởng tác động của Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A trên địa bàn tỉnh Đồng Nai" do phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai- Phan Thị Mỹ Thanh ký đã chỉ rõ 2 DA này phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư:
" - Dự án thủy điện Đồng Nai và Đồng Nai 6A đã được bổ sung vào Quy hoạch thủy điện sông Đồng Nai tại Quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo Điều 7 Luật đa dạng sinh học và Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất vườn quốc gia từ 50ha trở lên phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A./."
Từ đó đến nay, UBND, Tỉnh Ủy, Đòan đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cùng cử tri, các phương tiện báo đài của tỉnh liên tục và quyết liệt phản đối việc triển khai 2 DA thủy điện sẽ xâm hại VQG Cát Tiên và nhiều hệ lụy xấu về môi trường.
Ngày 26/10/2011, tỉnh Đồng nai tổ chức Hội thảo khoa học về tác động môi trường của dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A đối với vùng hạ lưu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với 67 đại biểu ( có 32 phóng viên của 22 cơ quan Báo, đài); 13 bản báo cáo tham luận; 12 ý kiến phát biểu tại hội thảo. Thống nhất đưa ra 03 tác động tích cực và cảnh báo 06 tác động tiêu cực...Trích Báo cáo (thay Biên bản Hội nghị) số: 356/BC-STNMT ngày 08/11/2011 do Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai-Võ Văn Chánh ký: 
" 3,Nhận xét và kiến nghị.

b. Dự án ĐN6 và ĐN6A khi triển khai có những tác động tích cực nhất định nhưng tác động tiêu cực là rất lớn, có thể đánh đổi nhiều thiệt hại chưa thể lường hết được; vì thế, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan chưa nên quyết định đầu tư dự án; chỉ đạo đánh giá lại tòan diện, đầy đủ và chi tiết các tác động, để đưa ra các biện pháp khả thi nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, làm cơ sở xem xét, cân nhắc việc quyết định đầu tư dự án."
Mặc dù thêm bao nhiêu ý kiến phản biện nhưng đến 02/10/2012, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường của Bộ TN& MT vẫn tuyên bố: " Hội đồng chưa nhận được ý kiến phản hồi nào mang tính thực tiễn, khoa học". Còn về Báo cáo Hội nghị khoa học của tỉnh Đồng Nai nói trên thì Cục Thẩm định & Đánh giá TĐMT khuyên răn rất ngon lành:
" Về ý kiến phản đối  xây dựng 2 dự án của UBND tỉnh Đồng Nai dựa trên kết quả hội thảo khoa học về tác động môi trường của 2 dự án đối với vùng hạ lưu trên địa bàn tỉnh (3 tác động tích cực, 6 tác động tiêu cực), Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho rằng:
Việc này như đã nói ở phần trên, các tỉnh hạ lưu căn cứ vào các đánh giá tác động của 2 dự án, đề xuất phòng ngừa, giảm thiểu có liên quan đến các tác động của 2 dự án đối với địa phương mình để đưa ra các ý kiến trong phạm vi chức năng, quyền hạn do địa phương mình quản lý, không nên có các ý kiến đối với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền và trách nhiệm của UBND các tỉnh khác."
3, T.P Hồ Chí Minh-ngày 11/01/2013, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai) đã tổ chức Hội nghị  sơ kết 5 năm (2007 - 2012) triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ( Đề án sông Đồng Nai) đến năm 2020 và đề xuất kế hoạch triển khai giai đoạn 2013 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.
Thế nhưng, cho đến nay người dân vẫn mù mờ về Ủy ban sông ĐN này: Trụ sở VP; trang web; Quy chế tổ chức và chương trình hành động…nhất là quan điểm chính thức của Ủy ban này về 2 DA Thủy điện ĐN6 & 6A. Khi mà phó chủ tịch UB sông ĐN này lại cũng từ T.P HCM ra HN làm Thứ trưởng Bộ TN-MT ( hiểu rõ đất và người phương Nam) kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định ĐTM, dễ mà cũng khó hòan hảo các vai diễn tùy theo tâm và tầm.
Báo SGGP ngày 21/01/2013 đã phải tô đậm: " 20 triệu người thuộc 11 tỉnh thành cần nguồn nước từ sông Đồng Nai phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Thế nhưng tình trạng  ô nhiễm tăng nhanh tại con sông này trong thời gian qua đang có nguy cơ đẩy 20 triệu người vào chỗ không có nước sạch để dùng. Để cứu lấy con sông này, một ủy ban liên vùng đã được thành lập, nhưng sau 5 năm hoạt động, kết quả vẫn chỉ là con số 0 "
Trước đây " Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến của Ủy ban nhân dân 11 tỉnh trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận) và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan," Phó T.Tg Hòang Trung Hải đã ký Quyết định số: 187/2007/QĐ-TTg  ngày 03/12/2007 v/v Phê duyệt  “ ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC HỆ THỐNG SÔNG ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020” ( gọi tắt là Đề án sông Đồng Nai). Một năm sau, ngày 01/12/2008, Phó T.Tg Hòang Trung Hải đã ký Quyết định số: 157/2008/QĐ-TTg v/v "Thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (sau đây gọi tắt là Ủy ban sông Đồng Nai)." Cơ cấu tổ chức theo QĐ này gồm tòan các vị quyền cao chức trọng. Theo đó, Ủy ban sông Đồng Nai là tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020. Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai gồm 12 tỉnh, thành có hệ thống sông Đồng Nai chạy qua.
Sáu tháng sau, một ngày đẹp trời ( 24/6/2009), tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Lễ ra mắt và phiên họp đầu tiên của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai do Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân làm Chủ tịch đã được tổ chức. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên ( lúc đó) đã phải thất vọng: “ Đề án này tôi theo đuổi từ nhiều năm, 9 năm đấu tranh kiên trì mới được, nhưng cảm tưởng dự cuộc họp ra mắt hôm nay không được vui. Khi các đồng chí gặp tôi đều bức xúc nhưng chỉ có một nửa đến dự. Tôi nghĩ lẽ ra phải có khí thế hừng hực chứ?”.
Không thể biện minh cho 50 % nhân sự của Ủy ban sông Đồng Nai vắng mặt tại phiên họp đầu tiên rất quan trọng này, chỉ có thể nói là các quan ăn thuế dân này đã " đảo ngũ" ;" đảo nhiệm" để " sau 05 năm họat động, kết quả vẫn chỉ là con số 0 (không)".
Báo cáo tổng kết 5 năm tại Hội nghị ngày 11/01/2013 của UB sông Đồng Nai chưa rõ ràng, cụ thể. Phương hướng tiếp theo cũng vẫn lùng nhùng chuyện cơ chế, tiền bạc… chưa đạt được sự đồng thuận giữa ủy viên các tỉnh. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai Bùi Cách Tuyến cho biết:" Ủy ban ra đời là nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương. Song, còn rất nhiều hạn chế khiến công tác bảo vệ không theo kịp sự phát triển của các địa phương. Quan trọng nhất là các quyết định của Ủy ban Sông Đồng Nai chỉ mang tính đồng thuận, không ràng buộc về pháp lý cũng như không có nguồn lực điều phối giữa các địa phương, bộ, ngành. Ngay cả vị trí chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai hiện nay cũng không đủ thẩm quyền để điều phối, xử lý."
Thế nhưng, Ủy ban sông Đồng Nai vẫn tiêu tiền không nhỏ. Cũng theo ông Bùi Cách Tuyến: " Bộ TN-MT đã đề xuất kinh phí đầu tư cho đề án Bảo vệ môi trường sông Đồng Nai giai đoạn 2013-2015 hơn 10.000 tỉ đồng nhưng chỉ được duyệt kinh phí 5.000 tỉ đồng, trong đó 50% là vốn ngân sách."
Hy vọng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung vừa được bầu làm Chủ tịch UB sông Đồng Nai nhiệm kỳ 2, cùng phó chủ tịch UB sông Đồng Nai- Bùi Cách Tuyến (thứ trưởng Bộ TN-MT kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định ĐTM hai DA thủy điện ĐN6 và 6A) sẽ sớm có ý kiến xác đáng về góc độ tác động môi trường nếu triển khai 2 DA thủy điện trên sông Đồng Nai của CTCP Tập đòan Đức Long Gia Lai.
Nếu nhiệm kỳ 2 của Ủy ban sông Đồng Nai này vẫn tốn tiền, bất lực, không đồng thuận…thì cần xem xét lại cả Đề án và Ủy ban tổ chức để thực hiện nó có cần thiết không. Để rồi mọi thứ liên quan sông Đồng Nai vẫn đẩy lên Thủ tướng giải quyết tranh chấp và xử lý.
4, T.P Hồ Chí Minh-ngày 16/12/2012 tại Khu du lịch Bình Quới 2, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức Hội thảo thường niên năm 2012 có chuyên đề đặc biệt "Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A".
Mở đầu, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (thay mặt Nhóm trình bày phản biện): 
" Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (gọi tắt là VRN) được thành lập từ cuối năm 2005 là một diễn đàn của các tổ chức phi chính phủ, nhà nghiên cứu, học giả, cán bộ công tác trong một số cơ quan nhà nước, cộng đồng địa phương và những người có cùng mối quan tâm đến việc bảo vệ sông ngòi và phát triển bền vững ở Việt Nam. VRN hoạt động nhằm bảo vệ hệ sinh thái sông và các lưu vực sông nhằm duy trì sự đa dạng sinh học cũng như nguồn sống cho các cộng đồng ở các lưu vực sông thông qua các hoạt động chia sẻ thông tin; nghiên cứu về các tác động xã hội và môi trường của các dự án xây dựng đập và các dự án phát triển khác có liên quan đến sông ngòi, tài nguyên nước ở Việt Nam và  trong khu vực, đồng thời thực hiện các hoạt động vận động chính sách liên quan tới lĩnh vực này. Một trong những mục tiêu trọng tâm của VRN là “thực hiện vai trò giám sát, phản biện độc lập và đóng góp chính sách liên quan đến tài nguyên nước dựa vào hoạt động thực tiễn”.
Sông Đồng Nai là một trong lưu vực sông lớn của Việt Nam. Nơi đây có một vị trí vô cùng quan trọng đối với đời sống hàng chục triệu người dân cũng như đối với sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của những địa phương trong và lân cận lưu vực. Việc khai thác một cách ồ ạt hàng chục nhà máy thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông Đồng Nai đã và đang gây nên những tác động mạnh mẽ tới môi trường sinh thái dòng sông và trở thành tâm điểm chú ý của công chúng cả nước. Gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã thuê các đơn vị tư vấn tiến hành đánh giá tác động môi trường và chuẩn bị cho việc xây dựng 2 nhà máy thủy điện lớn trên dòng chính sông Đồng Nai, là thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (thủy điện ĐN6 & 6A) với tổng công suất lên đến 240 MW. Hai nhà máy thủy điện này làm ngập một diện tích rừng rất lớn, trong đó đặc biệt chiếm dụng trên 170 ha rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên.
VRN với đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu về tài nguyên nước, đa dạng sinh học, thủy điện, sinh thái nhân văn, văn hóa và xã hội học đã tham gia vào công tác phản biện việc xây dựng thủy điện ĐN6 & 6A từ khi Báo cáo Đánh giá Tác động môi trường (ĐTM) đầu tiên của dự án ĐN6 & 6A được thực hiện năm 2011. VRN đã tiến hành phân tích báo cáo ĐTM lần một, tổ chức nghiên cứu thực địa và cùng phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo với các bên liên quan và chủ đầu tư tại Vườn Quốc gia Cát Tiên tháng 8 năm 2011. VRN đã nêu ra những vấn đề liên quan đến phát triển không bền vững thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai trong đó có việc xâm hại đến Vườn Quốc gia Cát tiên của thủy điện ĐN6 & 6A nếu được xây dựng. VRN đã chỉ ra những sai sót và tắc trách trong Báo cáo ĐTM lần 1 của 2 dự án thủy điện ĐN6 & 6A và gửi kiến nghị tới Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và chủ đầu tư (xem phụ lục 1,2). Với những phát hiện của VRN và các bên liên quan khác, các cơ quan quản lý nhà nước đã yêu cầu Chủ đầu tư dự án – Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải tiến hành lập lại các Báo cáo ĐTM cho thủy điện ĐN 6&6A. Mới đây các báo cáo ĐTM này đã được hoàn thiện và đang chờ thẩm định bởi Hội đồng thẩm định thành lập bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các chuyên gia VRN đã nghiên cứu một cách thận trọng 2 báo cáo này và nhận thấy báo cáo ĐTM mới (2012) cho 2 dự án thủy điện ĐN 6&6A còn có rất nhiều điểm nghi ngại cần phải được làm rõ."
VRN hy vọng: "Chúng tôi tin tưởng rằng những ý kiến xác đáng, khách quan và có thiện chí của các nhà khoa học và các tổ chức độc lập như VRN sẽ được Hội đồng thẩm định và các cơ quan liên quan lắng nghe và cân nhắc sử dụng để đưa ra những quyết định sáng suốt, công tâm."
Sau nhiều báo cáo khoa học và thảo luận sôi nổi, VRN đã ra Thông cáo báo chí ngay tại Hội thảo sau khi được thống nhất gổm 6 kiến nghị:
" 6.1 Xem xét lại tính pháp lý của hai dự án.
   …
   6.6 Và tốt nhất nên dừng 2 dự án thủy điện ĐN6 và ĐN 6A."
5, Hà Nội-ngày 28/11/2012, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã có cuộc họp kỹ thuật. Đây là phiên họp đầu tiên của Hội đồng thẩm định, những cuộc họp kỹ thuật như thế này thường được tổ chức trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án phức tạp hoặc được dư luận xã hội quan tâm.
Hội đồng thẩm định ĐTM dự án thủy điện 6 & 6A hiện nay do Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định (số 1344, ngày 21/8/2012) dựa trên Nghị định 25/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT và căn cứ Nghị định 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.
 Hội đồng thẩm định gồm 16 người, trong đó có 11 chuyên gia khoa học, do PGS.TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ tịch. Đây là Hội đồng thẩm định độc lập, theo qui định của pháp luật. Theo qui chế, tỷ lệ chuyên gia tại các Hội đồng thẩm định tối tiểu từ 50% trở lên. Đối với 2 dự án này, do tính đặc thù, tỷ lệ các chuyên gia chiếm 80%, trong đó các Ủy viên phản biện là TS Phạm Khang, Tổng thư ký Hội Đánh giá tác động Môi trường Việt Nam, PGS.TS Vũ Văn Tuấn, chuyên gia Thủy văn – Môi trường. Hội đồng có đại diện được cử từ các Bộ, ngành, địa phương có đất nằm trong dự án như Lâm Đồng, Bình Phước và Đắc Nông. Cũng theo luật qui định, các địa phương hạ lưu chịu ảnh hưởng có thể lấy ý kiến bằng văn bản nếu thấy cần thiết.
  Sát ngày họp, Hội đồng thẩm định bổ sung TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia cố vấn cao cấp Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), làm thành viên và đại diện tỉnh Đồng Nai. Đồng thời thư ký Hội đồng Nguyễn Vũ Trung- Phó trưởng Phòng Đánh giá môi trường tổng hợp, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT), đã được lọai ra khỏi danh sách thành viên hội đồng thẩm định do có những phát biểu rất cá nhân, lộ liễu ý đồ xấu. 
Tại phiên họp, sau khi nghe Chủ dự án trình bày tóm tắt nội dung Báo cáo ĐTM, các thành viên Hội đồng đã đặt câu hỏi về các vấn đề môi trường của 02 dự án, đồng thời cũng đã có nhận xét ban đầu về những tồn tại cơ bản của nội dung Báo cáo ĐTM; Chủ dự án cùng các cơ quan tư vấn cũng đã có những giải trình để làm rõ các vấn đề mà các thành viên Hội đồng thẩm định quan tâm, có ý kiến đối với các dự án này.
Theo Báo Người Lao Động ( 12/12/2012): Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết sau phiên họp kỹ thuật hỗ trợ thẩm định báo cáo tác động môi trường của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, chủ đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai vẫn chưa gửi lại bản đánh giá tác động môi trường. “Sau khi nhận được bản thẩm định đánh giá tác động môi trường đã sửa lại của chủ đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ có những động thái tiếp theo, còn hiện nay vẫn chưa thể đưa ra quyết định chính thức về việc này” - ông Tuyến nói.
Như vậy, ĐTM của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A lại tiếp tục được sửa chữa, hòan thiện lần thứ 4. Có nghĩa là ĐTM nếu cứ được sửa chữa theo các góp ý và hướng dẫn của Hội đồng thẩm định thì chắc chắn phải được thông qua, điều đó đồng nghĩa 2 DA này sẽ triển khai vì ĐTM đã hòan thiện theo hướng đúng quy định của luật pháp và không ảnh hưởng xấu tới môi trường nói chung cũng như VQG Cát Tiên nói riêng.

Đáng lưu ý sau cuộc họp kỹ thuật, thành viên Hội đồng T.S Lê Đức Chương, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đã “trân trọng đề nghị hội đồng thông qua 2 dự án này để sớm được triển khai” dù tiến sĩ này còn chưa biết 2 dự án đó nằm ở đâu và cũng không có 2 báo cáo ĐTM để nhìn sơ trước khi thay mặt Bộ VH-TT-DL  đưa ra ý kiến.

Việc phát ngôn bừa bãi này đã gây dư luận báo chí và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai rất bất bình, sau đó trả lời báo NLĐ về ý kiến trên của T.S Chương, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đính chính: " Ông Lê Đức Chương không phải là người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL nên đó chỉ là ý kiến cá nhân."

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên cho biết đã giao Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Cục Di sản văn hóa tham mưu về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A để Bộ có ý kiến chính thức.

“Ngày 22-11, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường nêu rõ 3 nội dung, trong đó khẳng định 2 dự án này có ảnh hưởng trực tiếp đến di tích quốc gia đặc biệt và chịu sự điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa. Hai dự án này phải được xem lại cả vấn đề quy hoạch và mức độ ảnh hưởng.

 Tuy nhiên, phía chủ đầu tư và Bộ Tài nguyên - Môi trường không gửi cho Bộ VH-TT-DL báo cáo ĐTM, vì thế chúng tôi chỉ xem xét ở mức độ quy hoạch. Hai dự án đã “ăn” vào vùng đệm di tích quốc gia đặc biệt là danh lam thắng cảnh VQG Cát Tiên nên phải bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa. Đây là vấn đề rất lớn, thế giới họ còn công nhận không lẽ Việt Nam lại bước qua”.

Như vậy, việc mời và cử thành viên ngồi Hội đồng thẩm định ĐTM đã rất cẩu thả, Một báo cáo ĐTM đã gần ngàn trang A4+ hàng chục bản vẽ lớn mà không gửi trước thì thành viên Hội đồng xem xét, nghiên cứu, góp ý thẩm định căn cứ vào cái gì đây? Mọi người sẽ có quyền nghi ngờ chất lượng kết quả thẩm định của Hội đồng.

6, Hà Nội- ngày 08/11/2012 tại KS Melia, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) tổ chức họp báo công bố thông tin về dự án Thủy điện Đồng Nai 6 (ĐN6) và Đồng Nai 6A (ĐN 6A).
Theo ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai, thì chủ đầu tư đã tính toán kỹ, với quan điểm đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, hai dự án này đã giảm tối đa những tác động ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Cát Tiên và môi trường xung quanh.
Sau đó, làm việc với Tổng Biên tập Báo Tiền Phong chiều 12/11/2012 tại trụ sở Báo Tiền Phong ở Hà Nội, ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, nói: “Nếu ở phần thẩm định, các nhà khoa học trong hội đồng thẩm định ở Bộ Tài nguyên&Môi trường khẳng định các tổn hại về môi trường là không thể thay thế được, và nếu Bộ TN&MT chủ trì cùng với các bộ trình Chính phủ đề nghị dừng, và Chính phủ quyết dừng. Chắc chắn chúng tôi không đòi hỏi gì. Coi đây là một tai nạn lớn của doanh nghiệp”.
Nhưng, ông Bùi Pháp nói tiếp, “Nếu cắt ngang và tự nhiên dừng thì nhà nước phải có trách nhiệm với doanh nghiệp. Ví dụ cho dừng khi chưa thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc báo cáo ĐTM thấy không ảnh hưởng về môi trường, thấy cái được nhiều hơn cái mất, mà cơ quan thẩm quyền của Chính phủ vẫn dừng dự án không chỉ ra lý do tại sao, chẳng hạn lý do dư luận xã hội không đồng tình, lý do chính trị hay lý do Quốc hội không đồng tình; khi đó, cơ quan nào ra lệnh dừng thì phải có trách nhiệm với doanh nghiệp”.
7, Hà Nội- cũng ngày 08/11/2012, tại KS Công Đòan, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức hội thảo "Các khuyến nghị quá trình ra quyết định của Ủy ban Thế giới về đập (WCD)”. TS Lê Anh Tuấn, ĐH Cần Thơ, đại diện VRN trình bày nhận xét của tổ chức này về dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Theo VRN, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai dự án trên có nhiều lỗ hổng, nhất là các giải pháp bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học không tưởng, xâm hại đến VQG Cát Tiên.
Tại đây, ông Nguyễn Vũ Trung- Phó trưởng Phòng Đánh giá môi trường tổng hợp, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường) đã " bật lò xo" vì " rất đau lòng" cho tập đòan Đức Long Gia Lai, tiếp đó ông này còn lớn tiếng yêu cầu: "Báo chí, nhà khoa học phải khách quan, trung thực, thể hiện danh dự, lòng tự trọng và tính chịu trách nhiệm của mình. Không thể à ơi theo tâm lý bầy đàn. Các phóng viên, các nhà khoa học có mặt tại hội thảo cần nhìn về tương lai của đất nước, của con cháu mà sống có trách nhiệm. Những phát ngôn trước công luận phải gắn với tự trọng, danh dự, phẩm giá của mình”.
Việc doanh nghiệp khăng khăng đòi phá rừng làm thủy điện vì lợi ích kinh tế cũng không phải là chuyện quá bất ngờ. Thế nhưng, việc ông Trung, một quan chức cấp bộ chịu trách nhiệm quản lý nguồn tài nguyên và môi trường của đất nước lại "mắng" những người bảo vệ rừng bằng những lời lẽ nặng nề khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Chính vì phát ngôn bừa bãi mà sau đó Bộ TN-MT lọai ông Trung ra khỏi Hội đồng thẩm định ĐTM dù ông ta là thư ký theo dõi hồ sơ từ đầu và đã đi khảo sát thực địa dự án.

8, Hà Nội-ngày 01/11/2012, Tiến sĩ Phan Xuân Dũng -Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết cơ quan này đã nhận được những văn bản từ Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đề nghị xem xét kiến nghị dừng việc thực hiện 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A của Đoàn Đại biểu Quốc hội và UBND tỉnh Đồng Nai.

Trích báo NLĐ ngày 01/11/2012:
"Theo ông Dũng, tới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ trực tiếp vào Lâm Đồng, Đồng Nai và một số địa phương chịu ảnh hưởng để tiến hành đánh giá, kiểm tra sự ảnh hưởng, tác động khi tiến hành xây dựng 2 thủy điện này."
Đã gần 05 tháng trôi qua, Đòan Đại biểu Quốc hội và Chính quyền tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thấy ngài Tiến sĩ Chủ nhiệm vi hành vào ĐN, LĐ khám điền thổ. Tiến sĩ này còn bận nghiên cứu sáng kiến bắt dân nộp tiền trước khi nộp đơn khiếu kiện chăng? Mong ngài có vào VQG Cát Tiên xin đừng bắt Thạc sĩ Nguyễn Hùynh Thuật nộp tiền vì đã viết thư kêu cứu cho rừng Cát Tiên lên Thủ tướng và Chủ tịch nước. Hiện anh Thuật đang thất nghiệp (dù đã gắn bó với VQG Cát Tiên có hơn 12 năm) cũng chỉ vì "tội" thích viết thư kêu ca lên lãnh đạo.
9. Bộ NN và PTNT ngày 06/02/2012, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần ký Văn bản số: 228/BNN-TCLN, v/v chuyển mục đích sử dụng rừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. Gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng CP tại VB số 45/TTg-KTN ngày 31/8/2011.
Tại mục 1 VB này là thống kê, phân lọai diện tích chiếm đất của các Dự án. Trích mục 2:
" 2. Đánh giá về ảnh hưởng của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đến tiêu chí, mục tiêu và nội dung xác lập Vườn quốc gia Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.
Vườn quốc gia Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên được thành lập nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các ngưồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, các lòai động, thực vất rừng có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng; bảo vệ đất, chống xói mòn đất, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo đảm cân bằng sinh thái và môi trường. Việc chuyển mục đích sử dụng 372,23 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên là 136,68 ha và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, tỉnh Đăk Nông là 143,75 ha, chắc chắn có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường trong khu vực do diện tích rừng bị thu hẹp; ảnh hưởng đến họat động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên trong quá trình thi công và sau khi đưa công trình vào sử dụng."
" Quy họach bảo tồn và phát triển bền vững của Vườn quốc gia Cát Tiên đã được phê duyệt tại Quyết định số 1535/QĐ-BNN-TCLN ngày 11/7/2011 của Bộ NN và PTNT, trong đó đã dự kiến có thể chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của Vườn này để xây dựng hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép." (Note: CV này đã viết sai ngày ký QĐ 1535/QĐ-BNN-TCLN)
Nhiếu người đã phải " kêu Trời" khi xem cái Công văn này. Trong Quyết định số 1535/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2011 không hề có một từ nào nói về dự kiến rừng và đất lâm nghiệp của Vườn chuyển mục đích sang XD thủy điện. Một Bộ có Tổng cục lâm nghiệp được giao quản lý, phát triển bền vững Vườn quốc gia Cát Tiên với tổng vốn đầu tư giai đọan 2010-2020 là hơn 239 tỷ đồng (tiền thuế dân) lại sẵn sàng cắt bớt rừng của Vuờn quản lý cho một tập đòan tư nhân XD Dự án khi DA đó còn chưa được trình lên Quốc hội?
Dân có quyền nghi ngờ hoặc là Bộ NN&PTNT và Tổng cục Lâm nghiệp không biết gì về Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội; hoặc là biết rõ Nghị quyết QH và Dự án thì không co phần diện tích chiếm rừng xuống dưới 50 ha nên cắt trước diện tích mà dự án sẽ chiếm rừng đưa ra khỏi Quy họach Vườn Quốc gia cho Quốc hội đỡ …vất vả xem xét!
Chưa hết, xin trích tiếp mục 2:
" Về tổng quát thì ảnh hưởng do xây dựng hai công trình thủy điện này không đến mức làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu, nội dung xác lập Vườn quốc gia Cát Tiên, nhất là khu vực đất ngập nước Bầu Sấu và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.
Tuy vậy, chỉ nên chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng công trình thùy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, khi các lợi ích kinh tế, xã hội mang lại từ hai công trình này cao hơn nhiều so với các tổn thất về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường."
Cuối cùng, trích mục 3. Đề nghị
" Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo./."
Một Bộ tham mưu giúp việc cho Thủ tướng về chuyên môn ngành mà báo cáo mập mờ, mâu thuẫn trước sau, thiếu căn cứ khoa học, không đưa ra phương án hoặc đề xuất cách giải quyết trong phạm vi chuyên môn được giao quản lý mà lại có tính chỉ đạo ngược, đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ. Vậy trên Văn phòng Chính phủ thì ai có chuyên môn ngành giỏi hơn cả tập thể Bộ để thẩm định xem xét trình Thủ tướng ký?
Được biết, ngày 25-28/12/2012, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã họp kỳ thứ 17, xem xét, đề nghị, quyết định thi hành kỷ luật đảng đối với một số tổ chức đảng và đảng viên; xem xét, cho ý kiến đối với báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh của các đoàn giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Bộ Chính trị và Ban Bí thư...
" Đối với ông Diệp Kỉnh Tần, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong thời gian giữ chức Thứ trưởng, ông Tần đã thiếu thận trọng trong việc điều hành, giải quyết các vi phạm tại một số doanh nghiệp; có khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong cổ phần hóa doanh nghiệp, đầu tư vốn của doanh nghiệp vào bất động sản...
Ông Diệp Kỉnh Tần có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, cần nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm."
Không biết rồi đây, ông Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần có còn giúp được gì cho hai dự án thủy điện ĐN 6 và 6A triển khai nữa hay buông.
10. Đắk Nông-ngày 07/01/2012, Bộ NN và PTNT chủ trì cuộc họp tại Văn phòng Sở NN & PTNT để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng CP tại văn bản số 45/TTg-KTN ngày 31/8/2011. Thành phần gồm đại diện các Bộ; Tổng cục; Vụ; UBND các tỉnh; Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, thiết kế.
Cuộc họp này do ông Hà Công Tuấn-Phó Tổng cục trưởng-Phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp làm chủ tọa. Thời gian chỉ trong 01 buổi sáng.
Lưu ý: trong Biên bản cuộc họp có 09 chữ ký của dại diện các bên tham dự đã ghi rõ ý kiến của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường: Bà Trần Thị Hương Giang-Cục Quy họach đất đai, Tổng cục quản lý đất đai:
"- Nếu công trình thuộc tiêu chí phải trình Quốc hội thì đề nghị thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết 49/QH."
Trong ý kiến kết luận cuộc họp của ông Hà Công Tuấn:
" 4. Đề nghị:
-….
- Đề nghị Chính phủ xem xét ý kiến của các ngành liên quan đánh giá tòan diện các yếu tố kinh tế-xã hội-môi trường để Chính phủ xem xét, quyết định.
- Nếu Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, đề nghị: trường hợp hai công trình này thuộc tiêu chí công trình quan trọng quốc gia thì báo cáo Quốc hội; yêu cầu trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng và Chủ đầu tư phải trồng lại rừng trên diện tích sử dụng tạm thời khi kết thúc thi công; quản lý chặt chẽ việc tận thu gỗ, lâm sản, không được mở đường vận chuyển, thi công trong VQG Cát Tiên."
Như vậy, tất cả các bên liên quan đều biết rõ hai Dự án này phải trình Quốc hội theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Thế nhưng cả hai Dự án đều không thể "co lại" diện tích chiếm đất rừng phòng hộ; Vườn Quốc gia xuống dưới 50 ha để qua mặt Quốc hội một lần nữa. Có lẽ do một số người có liên quan cố triển khai Dự án nên cứ lòng vòng, né tránh đùn đẩy trách nhiệm, tìm cách lách luật, tránh bị dừng lại theo chỉ đạo của Thủ tướng CP tại văn bản số 45/TTg-KTN ngày 31/8/2011?
11. Chủ đầu tư: CTCP Tập đòan Đức Long Gia Lai:
Về tài chính: DLG (mẹ): Năm 2012 lãi 5,7 tỷ đồng, giảm 79% năm 2011.
" Cụ thể, doanh thu bán hàng của DLG quý 4/2012 đạt gần 151 tỷ đồng, giảm 48% cùng kỳ 2011, trong khi cả năm doanh thu bán hàng đạt hơn 605 tỷ đồng, giảm 25% năm 2011.
Doanh thu tài chính quý 4/2012 đạt 15,37 tỷ đồng, tăng 26% cùng kỳ 2011, cả năm đạt 63,5 tỷ đồng, tăng 46% năm 2011.
Trong khi đó, chi phí tài chính của DLG quý 4/2012 lên tới 34,7 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2011, cả năm chi phí tài chính gần 102 tỷ đồng, tăng 57% năm 2011.
Vì chi phí tài chính tăng mạnh khiến LNTT quý 4/2012 của DLG đạt hơn 660 triệu đồng, giảm 80% cùng kỳ 2011, cả năm lãi 6,4 tỷ đồng, giảm 79% năm 2011.
LNST quý 4/2012 của DLG-mẹ đạt 617 triệu đồng, giảm 78% cùng kỳ 2011, cả năm đạt 5,73 tỷ đồng, giảm 79% năm 2011."
Chắc khỏi phải phân tích, dự báo sức khỏe gì qua các con số đã công bố như trên.
Bài tóan tài chính của một doanh nghiệp rất nhiều tham số, ẩn số không hề đơn giản.
Một số người phất nhanh chỉ trong 3-5 năm, nhờ có cơ may chiếm lấy được tài nguyên Quốc gia: gỗ, khóang sản, đất đai…hoặc tiểu xảo gom CP trong quá trình CPH các DNNN. Họ từ cơ sở, tổ hợp tiến thẳng lên Tổng Công ty, Tập đòan. Khi các ông chủ có tiền thì lại được nhiều quan chức, địa phương tâng bốc, ưu ái, gạ gẫm…các DA; sân sau; cơ hội đầu tư hái ra tiền…thành trào lưu. Do phát triển quá nóng nên nhiều kẻ trở thành thợ thổi bong bóng hoặc vịt béo để rồi ngậm ngùi trốn Ngân hàng, nhìn ân nhân hết nhiệm kỳ hoặc mất ghế phủi bụi…
 Hãy xem Tập đoàn MGM Resorts International (Mỹ) đã tuyên bố rút khỏi Dự án Hồ Tràm Strip ( BR-VT) mới hồi đầu tháng 3/2013. DA này có tổng vốn đầu tư dự kiến 4,2 tỷ USD  động thổ từ 5/2008 và đã xong giai đọan 1 với chi phí khỏang 500 triệu USD đồng thời đã tuyển chọn, đào tạo tới 2.000 nhân viên… Có người dự đóan đây là động tác nhằm cắt lỗ của MGM và coi đó chỉ là sự " rủi ro chính sách" khi dám đầu tư mạo hiểm. Một tập đòan tầm cỡ "khủng" trên Thế giới chẳng lẽ dại dột trong mần ăn thế sao?
Nếu DLG bỏ 2 DA thủy điện này, có thể chỉ mất 11 tỷ đã chi dang dở. Còn nếu cố theo đuổi thì vốn liếng, nhân lực để triển khai không hề dễ chịu. Chưa kể quỹ đất để trồng bù rừng và nguồn tài chính dự phòng cho các rủi ro sự cố ( như Sông Tranh 2). Cũng nên nhắm xem thế lực nào có thể chống lưng cho một Doanh nghiệp tư nhân đè bẹp sự phản đối quyết liệt của chính quyền, nhân dân cả tỉnh Đồng Nai; các nhà khoa học chân chính; dư luận trong nước và các tổ chức Quốc tế để bảo vệ rừng VQG cát Tiên.
Khi DLG đã, đang đầu tư nhiều DA thuộc nhiều lĩnh vực ở khắp nơi, còn nuôi hai đội bóng chuyền nam thì có nên níu kéo để sa lầy tiếp ở thủy điện ĐN6 & 6A??? Uy tín và đạo đức trong kinh doanh được tính tóan sao đây?
Cũng không nên " tiếc của giời" việc tận thu gỗ rừng khi triển khai 2 DA mà Mr. Bùi Pháp đã nhẩm tính chỉ khỏang 5-6 tỷ VNĐ. Vẫn biết nguồn thu chính của DLG ( > 50%) là gỗ và SP từ gỗ khi tới đây rừng Tây Nguyên đang cạn kiệt, bị " soi" kỹ hơn sẽ khó chuyện nguyên liệu đầu vào…nếu Chính Phủ quyết định đóng cửa rừng thì còn căng nữa.
12. Đơn vị tư vấn lập thuê 02 Báo cáo ĐTM ( từ lần thứ 2):
Dù rất thông cảm với các thầy ở một Viện của ĐH Quốc gia nhưng cũng xin gửi vài nhời bà con nhờ chuyển.
Vẫn biết các quy định hiện hành chưa đủ để ràng buộc trách nhiệm của người lập báo cáo ĐTM trong việc đảm bảo chất lượng và trung thực, đồng thời thù lao cho các vị trong danh sách tác giả cũng chẳng bao nhiêu hoặc không xu nào nhưng chúng ta còn danh dự, lương tâm của nhà khoa học, nhà giáo.
Cũng có thể, các vị hoặc quá quen thân hoặc quá coi thường Hội đồng thẩm định ĐTM của Bộ mà để trong 02 Báo cáo ĐTM ( dù làm lại lần 2) những lỗi sơ đẳng, thậm chí sai căn bản về kiến thức khoa học. Hoặc tin rằng chủ đầu tư luôn " đi là đến"?
Cho đến nay, do vẫn thiếu chính những quy định về cơ sở để đánh giá chất lượng của báo cáo ĐTM nên dẫn đến một thực tế là việc thẩm định các báo cáo ĐTM chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan của người thẩm định, chưa có các căn cứ cụ thể để thẩm định và cơ chế pháp lý cụ thể ràng buộc yêu cầu thẩm định.
Khi các thầy được sửa tiếp 2 cái BC ĐTM thủy điện ĐN6 và 6A lần thứ 4 ( hoặc thứ n) sau phiên họp kỹ thuật của HĐTĐ ĐTM ngày 28/11/2012, nếu quang minh chính đại thì hãy công khai phần sửa chữa để sinh viên của các thầy đỡ cảm thấy bị xúc phạm.
Có người đã lưu ý rằng 2 cái ĐTM này không thể sửa vì theo mấy cái a, b, c…sau:
- Về Pháp lý:
a, Trong cả 2 ĐTM lập cuối 2011, phần Các căn cứ pháp luật đều không viện dẫn Nghị quyết số 49/2010/NQ-QH12 về dự án, công trình quan trọng Quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, có hiệu lực từ 01/08/2010, trong khi chỉ viện dẫn Nghị quyết số: 66/2006/NQ-QH11 đã hết hiệu lực. Từ đó, trong cả 2 ĐTM, đơn vị Tư vấn đều xác định rằng, trích trang 1:
"1.2. Cơ quan phê duyệt dự án đầu tư
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 (/6A) là dự án mới, thuộc công trình cấp II, dự án nhóm A, do đơn vị tư nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư và quyết định đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của Bộ Công Thương".
Như vậy, khi sửa phải đưa bổ sung "Nghị quyết số 49/2010/NQ-QH12" vào phần "Các căn cứ pháp luật" thì Dự án này phải tuân theo trình tự Nghị quyết đó, nghĩa là chưa thể lập Báo cáo ĐTM của dự án khi chưa được Quốc hội chấp thuận chủ trương làm DA. Khi đã xác định sai thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư dự án như vậy thì ĐTM có đủ điều kiện pháp lý trình duyệt và đưa ra thẩm định hay không?
b, Theo Quy định (Nghị định 29/2011/NĐ-CP này 18/4/2011 và Thông tư số 26/2011/TT- BTNMT ngày 18/7/2011) thì các Báo cáo ĐTM này phải công khai. Ngay từ lúc lập Báo cáo ban đầu đã phải tham vấn cộng đồng dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án. Vậy các thầy tính sẽ tham vấn ai, tổ chức nào ở tỉnh Đồng Nai? Nhỡ họ lắc thì sao?
- Về kỹ thuật:
Thôi thì tọa độ x, y trong rất nhiều bảng của ĐTM lẫn lộn lung tung, thiếu kinh tuyến trục, múi chiếu…nhờ sinh viên sửa chút xíu cũng xong, nhưng cũng tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 dẫn trên, tại:
 "Điều 17. Nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
1. Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm:
b) Liệt kê, mô tả chi tiết các hoạt động, hạng mục công trình của dự án có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường kèm theo quy mô về không gian, thời gian, khối lượng thi công, công nghệ vận hành của từng hạng mục công trình và của cả dự án;".
a, Trước khi thi công xây dựng đập, nhà máy thì phải mở đường; kéo đường dây điện cao thế (chiều dài 20-30 km) từ QL14. Rất nhiều đọan xuyên rừng vùng đệm và phải khoan- nổ mìn phá đá. Trong ĐTM không hề mô tả vị trí, diện tích cụ thể và dự báo các tác động. Vậy các thầy sẽ sửa sao đây?
b, Trong ĐTM có nói tới các mỏ đá và mỏ đất phục vụ xây dựng, vậy vị trí, ranh giới, công suất… và tác động xấu tới môi trường rất khủng khiếp nhưng cố ý bỏ qua hoặc tại không biết? Khai thác 1 khối đá XD cần khỏang 0,4 kg thuốc nổ. Công trình cần hàng triệu khối đá các loại thì ít nhất cần 400 tấn thuốc nổ/1 triệu khối đá. Bỏ qua hạng mục này được không?
c, Việc chia đều khối lượng thuốc nổ bình quân suốt thời gian xây dựng; nêu phương pháp nổ mìn tối ưu và tính tóan + minh họa phạm vi ảnh hưởng tiếng ồn do nổ mìn trong cả 2 BC ĐTM đều sai căn bản, sự hiểu biết về chuyên môn sử dụng VLNCN không bằng một anh công nhân nổ mìn thì đánh giá tác động môi trường do nổ mìn có thể tin được không?
d,  Các mỏ đất, mỏ đá phục vụ XD thủy điện có phải lập, phê duyệt, kiểm tra, xác nhận Dự án cải tạo phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 và Thông tư số 34/2009/TT-BTNMT ngày 31/12/2009 hay không? Nếu không thì vấn đề đánh giá tác động khi khai thác và phục hồi sau khi đóng cửa các mỏ này được xem xét, xử lý như thế nào?
e, Theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/ 2011 của Chính phủ dẫn trên, quy mô trồng rừng và khai thác rừng của 2 Dự án thủy điện ĐN 6 & 6A đều thuộc diện phải lập Báo các ĐTM. Vấn đề này đã bị làm mờ hoặc bỏ qua. Vậy sẽ sửa chữa ĐTM như thế nào?
f) Trong cả 2 BC ĐTM không có thống kê mô tả chi tiết diện tích và vị trí chiếm đất của tất cả các hạng mục thuộc Dự án (thống kê, mô tả thông số máy móc; cây; con… thì rất chi tiết). Vậy số liệu diện tích chiếm đất rừng cho lòng hồ; các công trình đập; nhà máy; đường ô tô, đường dây tải điện… được tính tóan căn cứ vào đâu và thể hiện trên bản vẽ nào?
 Thay lời kết.
Có rất nhiều lo lắng và đồn đóan, dự báo phần tới đây của 2 DA thủy điện ĐN6 và 6A.
Xin trích một "kịch bản" được coi là lời trù ẻo độc địa nhất:
" Tiếp theo sẽ là những đường banh điêu luyện, đẹp mắt: họp hành, hội thảo, kiến nghị, thanh kiểm tra, đi thực địa, thuê chuyên gia…với tỷ số 1-1 hòa cả làng. Sẽ cho làm TĐ ĐN 6 trước để đối chiếu với ĐTM và rút ra kinh nghiệm ( vì bi giờ tòan là dự đóan, kêu ca… tin ai), còn hàng chục thủy điện ĐN…ngay bên trên nữa kia mà. Giả sử DLG triển khai DA sau 1 năm đầu mở đường, dọn mặt bằng…mà gây tác động xấu, lâm tặc hùa theo phá rừng khiến dân kêu quá thì lại bắt stop khẩn cấp và cắt luôn cái ĐN6A kia nữa, khi đó dân gom tiền thuế đề bù hỗ trợ chút đỉnh (cỡ vài chục tỷ) cho chủ đầu tư vui vẻ, lâm sản tận thu có 5 tỷ ( cả 2 DA) ăn nhằm gì!"
Được biết, tỉnh Đồng Nai đang xúc tiến nhiều họat động hướng tới Lễ đón nhận danh hiệu Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên và sẽ tổ chức Festival Rừng 2013 lần đầu tiên ở Việt nam.
Mong và hy vọng rằng đại biểu trong ngòai nước đến dự, du khách và nhân dân Đồng Nai (nói riêng) sẽ không phải ngậm ngùi.
T.T ( tổng hợp).
( Ghi chú: Trong bài trên, Chữ màu xanh dương là trích dẫn; Phần tô vàng là ý nhấn mạnh. Cảm ơn!)
Xin Quý vị xem lại Phim thời sự của Đài Truyền hình Đồng Nai ( ĐNRTV) dài 12 phút với chủ đề: kiên quyết phản đối xây dựng hai DA Thủy điện ĐN6 và 6A . Trong phim này, nữ phóng viên Hòang Anh đã luồn rừng vào tận nơi dự kiến sẽ xây đập thủy điện trên sông Đồng Nai để tận mắt thấy hiện trạng rừng. Phim này đã được phát nhiều lần trên cả hai kênh ĐN1 và ĐN2, nhóm SCT đã giới thiệu trên Blog ngày 21/01/2013:  
http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2013/01/dnrtvthuy-dien-dn6.html
Hoặc có thể tải phim này từ: http://www.mediafire.com/?vod2edsgen59zer
Tài liệu, báo chí tham khảo từ bạn bè, thầy, trò, cộng đồng mạng và Internet:
http://vea.gov.vn/vn/tintuc/tintuchangngay/
http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201303/Noi-khong-voi-thuy-dien-dong-Nai-6-va-6a-2223631/
http://nld.com.vn/2012121310311225p0c1002/bao-ve-di-san-bang-moi-gia.htm
http://nld.com.vn/20121212111031101p0c1002/tien-si-chuong-dua-vao-dau-ma-noi-nhu-vay.htm
http://nld.com.vn/20121126120057906p0c1002/ong-nguyen-vu-trung-bi-loai-khoi-hoi-dong-tham-dinh-dong-nai-6-6a.htm
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/01/uy-ban-kiem-tra-trung-uong-ky-luat-mot-so-lanh-dao/
http://nld.com.vn/20121129110958318p0c1002/ve-hai-du-an-thuy-dien-dn-6-6a-khong-danh-doi-moi-truong.htm
http://nld.com.vn/2012110110489228p0c1002/vu-thuy-dien-dong-nai-6-6a-co-quan-cua-quoc-hoi-vao-cuoc.htm
Thông cáo báo chí của VRN về Hội thảo 2012:  /media/files/Thong%20cao%20bao%20chi%20-%20Hoi%20thao%20VRN%202012.pdf

Thạc sĩ Nguyễn Hùynh Thuật, người sáng lập và đại diện nhóm “Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên” (SCT) đang tìm hiểu sự gia tăng xâm nhập mặn sông Đồng Nai trước trạm bơm nước thô Hóa An - Sông ĐN cung cấp 60% nước sinh họat cho T.P Hồ Chí Minh.


No comments:

Post a Comment