Sunday, March 24, 2013

Hỏi sao Tây Nguyên mọc nhiều đại gia gỗ?

Tan nát rừng xanh

Thứ Bảy, 23/03/2013 21:58

Mỗi năm, Tây Nguyên mất hơn 25.700 ha rừng tự nhiên. Chỉ tính riêng năm 2012, khu vực này đã xảy ra gần 2.000 vụ phá rừng trái phép

Tây Nguyên hiện có 2,848 triệu ha rừng, độ che phủ 51,3%. Trong đó, khoảng 1,772 triệu ha rừng chỉ đạt độ che phủ 32,4%, còn lại là rừng trồng và rừng tự nhiên phục hồi chưa có trữ lượng.
Gỗ quý ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn tại Tây Nguyên cũng bị triệt hạ
Hăng hái trồng cao su
Trong 8 năm (2005-2012), các tỉnh Tây Nguyên mất hơn 205.000 ha rừng tự nhiên. Bình quân mỗi năm, khu vực này mất khoảng 25.700 ha rừng. Có nhiều nguyên nhân làm diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên suy giảm nhanh chóng như chuyển đổi sang trồng cao su (46,7%); xây dựng thủy điện, thủy lợi, KCN (31,3%); khai thác, chặt phá, lấn chiếm  trái phép (6%)...
Theo Quyết định 750/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, Tây Nguyên chỉ quy hoạch trồng 100.000 ha cao su. Tuy nhiên, theo dự kiến, mới tới năm 2015 mà các tỉnh khu vực này đã quy hoạch diện tích lên đến 164.000 ha. Điều đáng nói, khoảng 80% diện tích quy hoạch trồng cây cao su là trên đất có rừng tự nhiên mà không chú trọng khai thác quỹ đất trống, đồi trọc. Sở dĩ có chuyện “vượt chỉ tiêu” và quy hoạch trồng cao su trên đất có rừng là do khu vực này mang lại cho đơn vị thuê đất khoản lợi lớn từ gỗ tận thu.
Trong khi đó, nếu tính chung cả diện tính rừng tự nhiên ở Tây Nguyên biến mất những năm qua thì số bị chặt phá, khai thác trái phép chiếm tỉ lệ không lớn. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn luôn gay gắt, gây thiệt hại tài nguyên rừng, dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận. Việc phát triển rừng lại đạt rất thấp so với chỉ tiêu do khó khăn về đất đai, vốn đầu tư. Năm 2012, Tây Nguyên chỉ trồng được 8.367 ha rừng (346 ha phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất), chỉ đạt 45,6% kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng ở Tây Nguyên, chất lượng rừng tự nhiên suy giảm nghiêm trọng: Rừng giàu chỉ chiếm 16%, còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi ít giá trị kinh tế, môi trường và đa dạng sinh học. Chất lượng rừng trồng mới và rừng tự nhiên phục hồi thấp do việc bảo vệ, chăm sóc không được quan tâm. “Diện tích trồng mới không bù được diện tích suy giảm, do vậy thời gian qua, Tây Nguyên không thực hiện được mục tiêu khôi phục và phát triển rừng” - ông Tuấn lo ngại.
Phá được là phá
Năm 2008, doanh nghiệp (DN) tư nhân Phạm Quốc (huyện Đắk G’long - Đắk Nông) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 318 ha đất lâm nghiệp ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để trồng rừng, cao su và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Trong đó, hơn 234 ha rừng tự nhiên phải khoanh nuôi bảo vệ nhưng DN này đã để người dân chặt phá hơn 224 ha. Những cánh rừng có trữ lượng gỗ lớn nay chỉ là các khu đồi trọc và rẫy mì bạt ngàn.
Ngoài việc để mất rừng với diện tích lớn, DN này còn có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật như thuê những thanh niên là thành phần bất hảo, sử dụng đủ loại hung khí để “bảo vệ” rừng. Lực lượng bảo vệ của DN Phạm Quốc nhiều lần hành hung người dân vô cớ. Điển hình, tháng 10-2011, 2 thanh niên đi tìm mật ong bị lạc vào lâm phần của DN này đã bị một nhóm bảo vệ dùng súng uy hiếp, bắt giữ rồi đánh trọng thương. Tiếp đến, tháng 11-2011, một bảo vệ của DN Phạm Quốc đã dùng súng M16 bắn một người dân ở huyện Bù Đăng - Bình Phước tử vong... DN này còn không chấp hành các quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông về việc đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất của người dân mà ngang nhiên phá hoại nhà cửa, cây trồng của họ.
Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh phải thường xuyên ra quyết định tạm dừng, thu hồi các dự án trồng rừng, cao su vì các DN sau khi thuê đất đã không thực hiện đúng cam kết, để mất rừng hàng loạt. Mới đây, Đắk Lắk đã chấm dứt 30 dự án trồng rừng và cao su của 30 DN với tổng diện tích 21.353 ha.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, dù trồng mới được nhiều diện tích rừng nhưng hiện vẫn còn một số bất cập: Rừng tại một số khu vực quy hoạch bị xâm hại nghiêm trọng, tình trạng tranh chấp đất giữa người dân với các DN hết sức phức tạp… Cá biệt, nhiều DN sau khi được thuê đất đã để mất rừng với số lượng lớn như trường hợp Công ty CP Cao su Tri Đức (huyện Ea Súp - Đắk Lắk) để mất 824 ha/996 ha rừng.
Tây Nguyên là vùng trọng điểm vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong cả nước. Chỉ tính riêng năm 2012, khu vực này đã có gần 2.000 vụ phá rừng trái phép. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ diễn ra rất phổ biến.
Khẩn trương lập cảnh sát lâm nghiệp
Tây Nguyên hiện có 56 công ty lâm nghiệp quản lý gần 1 triệu ha rừng và đất rừng. Vốn là các lâm trường được chuyển sang, những công ty này ít được phân bổ kinh phí, phải lập phương án kinh doanh khiến công tác bảo vệ rừng không được chú trọng. Tiếp đó, các đơn vị này lại chuyển thành công ty TNHH một thành viên theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Chưa được bao lâu, những DN này chuyển giao một phần diện tích rừng cho địa phương quản lý nên rừng vẫn cứ mất dần.
Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Chính phủ, nhiều diện tích rừng được giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ nhưng không hiệu quả. Theo ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, “người dân không sống được bằng nghề rừng thì làm sao gắn bó, bảo vệ nó được?”. Ông Đào Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho rằng địa phương này có 270.000 ha rừng nhưng mỗi năm chỉ được rót kinh phí 10 tỉ đồng nên không thể giữ nổi.
Trước những thực trạng trên, Bộ NN-PTNT cho biết năm 2013 sẽ có nhiều biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên điều tra, kiểm kê để điều chỉnh phân loại theo hướng bảo vệ chặt chẽ rừng đặc dụng và phòng hộ, khu vực nào chưa có rừng thì quy hoạch phát triển rừng phòng hộ, khu vực không thực sự xung yếu thì chuyển sang phát triển rừng sản xuất. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch trồng cao su theo hướng ưu tiên phát triển trên đất trống chưa sử dụng, đất nông nghiệp kém hiệu quả, giảm trồng cao su trên đất rừng…
Phát biểu tại hội nghị bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên ở Đắk Lắk mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Rừng Tây Nguyên có vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan phải nhanh chóng tìm ra những phương án quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng, do nguồn ngân sách Trung ương có hạn, trong khi các tỉnh Tây Nguyên còn nghèo nên cần xem xét bố trí kinh phí phù hợp. Trước mắt, sẽ dành khoảng 200 tỉ đồng để tổng điều tra, kiểm kê lại rừng. Ngoài ra, chỉ tiêu khai thác gỗ sẽ giảm; đến năm 2014, bố trí khoảng 220 tỉ đồng nuôi các công ty lâm nghiệp để đóng cửa rừng... Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương đề xuất Chính phủ thành lập Cảnh sát Lâm nghiệp để phối hợp với lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng.
Chủ tịch xã bị tố bán đất rừng
Một số người dân xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng vừa có đơn tố cáo ông Nguyễn Quang Sanh, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban Lâm nghiệp xã Lộc Ngãi, lợi dụng chức vụ bán khoảng 3.000 m2 đất rừng cho gia đình bà Nguyễn Thị Yên với giá 50 triệu đồng. Trao đổi với phóng viên, ông Sanh khẳng định ông không bán 3.000 m2 đất rừng mà chỉ bán phần diện tích đất nông nghiệp của mình.
Trong khi đó, bà Yên cho biết cách đây 2 năm, bà sang nhượng 2 ha đất nông nghiệp từ gia đình ông Sanh với giá 1,4 tỉ đồng. Kề với khu vực này có khoảng 3.000 m2 đất rừng thông, ông Sanh chuyển nhượng luôn cho bà với giá 50 triệu đồng. Với diện tích đất rừng sang nhượng, hai bên chỉ thỏa thuận ngầm, không thể hiện bằng hợp đồng mua bán. Mới đây, trao đổi qua điện thoại với bà Yên, ông Sanh đã thừa nhận việc bán đất rừng trái phép.
Ông Trần Văn Hiệp, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm, cho biết đã nhận được đơn của người dân tố cáo ông Sanh kèm theo chứng cứ. Hiện ông đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy vào cuộc, làm rõ nội dung tố cáo này.
Đe dọa an ninh nước
Rừng Tây Nguyên bị tàn phá không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều tiết, giữ nước cho khu vực này mà còn tác động đến nguồn nước của khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ. Đến đầu tháng 3-2013, hơn 60.000 ha cây trồng và hàng chục ngàn hộ dân ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên thiếu nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó tàn phá rừng là lý do chính. Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định: “Rừng Tây Nguyên không chỉ bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế khu vực mà còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc điều tiết, giữ nước cho miền Trung và Đông Nam Bộ. An ninh nước đang bị đe dọa, vì vậy chúng ta phải có một đánh giá cụ thể tác động của rừng Tây Nguyên đối với nguồn nước, từ đó đưa ra hướng xử lý phù hợp”.
Gỗ tận thu của một dự án trồng cao su ở Đắk Lắk
Bài và ảnh: CAO NGUYÊN



17 ý kiến
  • Phạm Thái Phong
    8Thích  disagree1
    23/03/2013 22:19
    Bó tay! Lớp ăn lớp phá rừng nào còn!
  • NVM
    14Thích  disagree1
    23/03/2013 23:15
    Mổi năm mất cả 30.000 ha rừng và mất bao nhiêu tiền trồng rừng, mất bao nhiêu tiền nuôi đội ngũ kiểm lâm, kể cả tiền hưu trí, tiền BHYT. Số gỗ đó đi đâu mà cả bộ máy chính quyền địa phương "đồ sộ" và Kiểm Lâm không biết. Chỉ có nhà báo phát hiện một số vụ thôi. Hình như lực lượng ấy không có tai, không có mắt. Họ chỉ có cái miệng và nói được một số câu sinh ngữ thôi: "lực lượng mõng", " bọn lâm tặc quá quỷ quyệt", "địa bàn rộng" "trang bị kém". Còn nhà kiểm lâm thì đầy "cẩm và lim". Cứ đến nhà các CB kiểm lâm hưu trí mà xem. Số đương nhiệm thì có khi chưa lộ.
  • Dã Quỳ
    5Thích  disagree0
    23/03/2013 23:20
    Cứ tiếp tục phá rừng đi rồi sẽ biết. Tựa bài là "Tan nát rừng xanh", khi đọc xong thì "Tan nát cõi lòng" vì rừng đã bị phá sạch mà đất rừng cũng bị "hô biến". Phải nhanh chóng phục hồi rừng ngay đi thôi keẻo không kịp.
  • Bánh Bao
    2Thích  disagree0
    23/03/2013 23:21
    Người ở Gia Lai không gọi là phá rừng đâu, họ gọi đó là làm gỗ đó, khổ ghê, biết là phá rừng là không tốt mà vẫn cứ đâm đầu vào. Nhà nước cần tăng cường quản lý hơn nữa mới có thể giảm cái vấn nạn đáng nhức nhối này !
  • Xuân Thời
    9Thích  disagree0
    23/03/2013 23:27
    Họ thật sự là những kẻ làm hại đất nước. Năm 2009, tôi chở một "cò rừng" đi chung tiền cho một quan chức cấp cao tỉnh Đắc-nông: "với giá 11 triệu/ha, chị bán gỗ không cũng lời rồi"... nhìn thấy người ta bán rừng như tài sản "của ông nội" họ để lại mà tui căm phẫn quay xe bỏ về để "cò rừng" trong rừng thương lượng với Cán bộ đó. Dự án trồng cao su thay rừng là cơ hội cho bọn làm giàu trên tài nguyên và an ninh quốc gia.
  • Xuân Thời
    5Thích  disagree0
    23/03/2013 23:50
    Năm 2009,uống Cà Phê ở Thị Xã Gia Nghĩa, một ông cụ khoảng 70 ngồi nói: 5 năm trước, ngồi đây nhìn rừng tứ phía, khỉ nai đầy... còn bây giờ phải đi gần 10 km mới thấy rừng. Mong chính quyền cần coi rừng như tài nguyên cần bảo quản (Trong hiến pháp quy đã định) mà truy tìm tội phạm tiếp tay cho rừng bị tàn phá trên các tỉnh cao nguyên.
  • Tư Cafe
    3Thích  disagree0
    24/03/2013 05:11
    Càng "bảo vệ rừng" thì đồ dùng bằng gỗ trong nhà các quan càng nhiều, diện tích rừng càng teo tóp.
  • phet
    2Thích  disagree0
    24/03/2013 07:06
    Thế mà tại sao anh Bộ NN và PTNT hàng năm công bố diện tích rừng đều tăng. Cho đến cuối năm 2012, công bố độ che phủ cả nước là 39,7%, năm 2011 là 39,5%, năm 2009 là 39,1%.... rõ là năm nào cũng tăng. Đã đến lúc phải xem lại tất cả các số liệu thống kê, cách thức thống kê và đều tra rừng cúa ngành LN.
  • Tốt Đẹp
    0Thích  disagree0
    24/03/2013 07:34
    @phet:Số liệu kiểm kê rừng phần lớn là căn cứ trên các bản quy hoạch thiết kế trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng nên toàn là kết quả dự kiến còn số liệu điều tra khảo sát thực địa không bao giờ đạt được như vậy.
  • Bác bảy về hưu
    0Thích  disagree0
    24/03/2013 08:46
    Vì sao rừng VN ta luôn bị tàn sát một cách thảm hại như thế ? Thứ nhất quản lý không nghiêm thậm chí tiếp tay cho lâm tặc, thứ hai luật pháp còn quá lỏng lẻo trong việc xử lý thiếu tính nghiêm minh thành ra bọn lâm tặc, người phá rừng không ai sợ cả, thứ ba chính quyền địa phương giao giữ không có biện pháp hữu hiệu, còn mang tính qua loa đại khái,.... Để tình trạng này chấm dứt một cách triệt để luật pháp chúng ta cần phải quy định nghiêm ngặt ví dụ: Đây là tài nguyên Quốc gia ai vi phạm thì người thừa hành công vụ có quyền bắn hạ tiêu diệt ngay hoặc vi phạm mức độ nhẹ thì bỏ tù chung thân..... thì đố ai dám xâm phạm tài nguyên Quốc gia. Thứ nữa là bắt tất cả những ai vi phạm vào rừng cấm và xử lý nghiêm minh, chính quyền địa phương nào để xảy ra tình trạng chặt phá rừng thì xử lý kỷ luật, cách chức lãnh đạo nơi đó. Đốn cây trong rừng thì bọn chúng đi đường nào để tiêu thụ tôi nghĩ chính quyền địa phương nơi đó thừa biết, thừa hiểu nếu làm đến nơi đến chốn thì đố tay nào mang được cây ra khỏi rừng.
  • Yamaha
    0Thích  disagree1
    24/03/2013 08:47
    Nếu các cán bộ ngành kiểm lâm thực sự biết xót xa cho tài nguyên quốc gia bị thất thoát, biết tận tâm tận lực làm việc công chính liêm minh, chứ không phải lạm dụng quyền thế vào chuyện làm giàu cho bản thân bằng cách rút rỉa gỗ quí và nhận hối lộ từ lâm tặc, thì rừng VN đã không đến nỗi tan nát như ngày nay. Chả thấy ai "rưng rưng nước mắt" vì phá tài nguyên thiên nhiên cả, chỉ thấy báo chí la rầm, dư luận la rầm, rồi ...thôi, rừng vẫn ngày càng cạn kiệt thêm ...
  • Học sinh
    1Thích  disagree0
    24/03/2013 09:19
    Những năm 80, người dân nghèo chúng tôi vào rừng lấy tre, nứa, lồ ô, mây về đan thúng mủng, rổ rá. Vừa ra khỏi cửa rừng chúng tôi đã bị xã bắt, tịch thu tre nứa, dao cưa và nhiều khi còn bị phạt lao động công ích. Ngày nay, người ta phá tan nát rừng xanh mà có mấy ai bị xử lý.
  • Học sinh
    0Thích  disagree0
    24/03/2013 09:41
    Một học sinh tiểu học cũng biết hậu quả ghê gớm của việc phá rừng. Tại sao lãnh đạo một số doanh nghiệp- những người học nhiều, hiểu rộng- lại để "mất" rừng?
  • đoàn trang quốc tâm
    1Thích  disagree0
    24/03/2013 10:28
    Không biết lập cảnh sát lâm nghiệp giảm được bao nhiêu phần trăm rừng bị chặt phá. Rồi bộ phận kiểm lâm làm gì hay ở không. Phải xử lý thật nặng, thật nghiêm những tên lâm tặc và những địa phương, cơ quan để chặt phá rừng thì có kết quả ngay.
  • Tư Cafe
    1Thích  disagree0
    24/03/2013 12:46
    Cách đây khoảng mười năm trên quốc lộ 14 đoạn đi từ Buôn Ma Thuột(Đăk Lăk) đến Gia Nghĩa (Đăk Nông) có một khu rừng lạnh. Khi đi qua đó ai cũng thấy mát lạnh bất cứ mùa nào bởi cây to, cây nhỏ chen chúc nhau để vươn lên, tiếng hú của vượn, tiếng hót của chim suốt ngày ngân vang, những đám bướm, những đàn ong cứ vo ve hút nhụy, quanh năm bảng lảng mờ sương. Ngày nay, đi qua đây nhìn mỏi mắt chẳng thấy một cái cây, sương không còn, chim, bướm cũng không còn, mà chỉ có những đám khói đốt rừng làm rây. Bây giờ Rừng lạnh không còn...
  • Ba long nhong
    0Thích  disagree0
    24/03/2013 14:21
    Mỗi năm,chúng ta thường hưởng ứng giờ trái đất,tuy nhiên có một điều đáng lưu tâm trước mắt là làm sao giữ được màu xanh của cây rừng thì ít ai quan tâm đến,chính đời sống thực vật trên trái đất này là lực lượng chống ô nhiễm môi trường hữu hiệu nhất trong tất cả các phương pháp nhằm bảo vệ môi trường. Vì thế để làm cho trái đất khỏi bị ô nhiễm,chỉ có cách là  trồng cây thật nhiều, cùng nhau giữ lại và bảo vệ màu xanh cho rừng.
  • Nguyễn An
    0Thích  disagree0
    24/03/2013 15:24
    Điều này dân họ biết từ lâu. Báo chí cũng đã lên tiếng nhiều nhưng như muối bỏ bể thôi. Bây giờ mong toàn dân cả nước hãy lên tiếng bảo vệ lấy Cát Tiên đang có nguy cơ mất nốt...
    Nguồn:  http://nld.com.vn/2013032309471888p0c1002/tan-nat-rung-xanh.htm

    SCT: Muộn còn hơn không. 
    Hãy tích cực trừ sâu và giữ lại những cánh rừng cuối cùng!
     Sâu hả, ai mà chẳng thấy, nhiều lắm!
     Lũ sâu vinh thân phì gia
    Giật mình thì đã lá hoa tơi bời ...
    Ảnh: HV CLB Nhiếp ảnh Đồng Nai.

No comments:

Post a Comment