Thursday, March 28, 2013

BIẾT AI LÀ ĐỒNG CHÍ !??

VnEconomy > Thời sự 06:00 (GMT+7) - Thứ Ba, 26/3/2013

Mở màn cuộc chiến chống tham nhũng

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực ngân hàng là một lĩnh vực mà tham nhũng dễ nhận ra nhất...

Mở màn cuộc chiến chống tham nhũng
Trên bàn chủ tọa hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng tại Đà Nẵng sáng 20/3, tân Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cùng chủ trì.
Ngày 26/3, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng họp phiên thứ hai. Một diễn biến được dư luận đặc biệt quan tâm trước khi phiên họp này diễn ra, là cuộc “viếng thăm” rầm rộ và long trọng của Ngân hàng Nhà nước, dưới sự dẫn đầu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tới Đà Nẵng.

Cuộc “viếng thăm” nhằm mục đích “triển khai các giải pháp tiền tệ, ngân hàng nhằm thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Đà Nẵng”. Trên bàn chủ tọa, tân Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng chủ trì, về phía địa phương, có một phó bí thư và một phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Được biết, trong một hội nghị tương tự diễn ra hồi tháng 9 năm ngoái, mặc dù thông báo ban đầu được đưa ra có Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhưng cuối cùng chỉ có Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh ngồi chủ trì cùng cấp dưới của ông Bình là Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, khi còn là Bí thư Đà Nẵng, là một trong số không nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự hài lòng về tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình vào thời điểm ông Bình lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, tháng 11/2011.

Bí thư Đà Nẵng còn công khai ủng hộ một số chính sách mà tân Thống đốc đưa ra như “vừa rồi Ngân hàng Nhà nước khống chế lãi suất trần huy động còn 14%, nhiều ý kiến phản đối cho rằng dùng những mệnh lệnh hành chính để can thiệp. Theo tôi có những lúc biện pháp hành chính là rất cần thiết trong tình hình lộn xộn như thế này”.

Lý do mà ông Thanh hồi đó thấy rất chia sẻ và cảm thông với tân Thống đốc là “tình hình quá khó khăn đối với nền kinh tế cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu. Ông Thanh cũng gần như là đại biểu Quốc hội đầu tiên làm rúng động cả nghị trường liên quan đến vấn đề “diệt sâu trên cánh đồng ngân hàng”.

Đặt mối quan tâm của mình vào hoạt động của hệ thống ngân hàng, khi đó, Bí thư Đà Nẵng có nói rằng “việc tái cơ cấu ngành ngân hàng là việc cần làm ngay, làm kiên quyết, nhưng lưu ý đây là vấn đề rất khó, khó nhất là động chạm đến lợi ích nhóm và không khéo một “ông” chết sẽ kéo theo hàng loạt ông chết gây hậu quả cho xã hội. Vì vậy, cần cải tổ nhưng phải hết sức thận trọng và có bước đi thích hợp, làm sao nói nôm na như chúng ta diệt được sâu rầy ở những cánh đồng nhưng vẫn giữ được cánh đồng lúa xanh tốt và có mùa bội thu. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng, nhưng sự bất ổn của nền kinh tế nếu có xảy ra trong tương lai sẽ bắt đầu từ chính ngân hàng yếu kém này”.

Tuy nhiên, đó chỉ là những trìu mến của thời điểm tháng 11/2011. Cùng với thời gian và những diễn biến đầy tai tiếng trong lĩnh vực này, mà điển hình là vụ bê bối mang tên “bầu” Kiên, thì Bí thư Đà Nẵng và sau này là Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh càng ngày càng có những đánh giá khắc nghiệt hơn với hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là khi ông chính thức được giao trọng trách mới.

Như tại một hội nghị do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hồi đầu tháng 1, Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh sôi sục vì vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng: “Miếng đất giá trị 100 tỉ đồng, ông (ngân hàng - PV) đưa lên 500 tỉ. Lẽ ra 100 tỉ thì được vay 60 tỉ, nhưng vì ông đưa lên 500 tỉ nên họ được vay 300 tỉ. Nội cái đó là bắt ngay cán bộ ngân hàng “trời ơi” đó, bắt liền chứ không cần phải đợi có bằng chứng gì hết. Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái, hốt liền, không nói nhiều!”.

Không khó để nhận ra ông Bá Thanh muốn chọn lĩnh vực ngân hàng để “tả xung hữu đột”, mở màn cho cuộc chiến phòng chống tham nhũng và luôn tỏ rõ thái độ không khoan nhượng trong trận mở màn này. Đầy sự hoài nghi và cảnh giác, ông Thanh cho rằng “giải pháp thành lập công ty mua bán nợ là hướng đi đúng. Tuy nhiên, cách làm không cẩn thận không khéo lại xảy ra tiêu cực, cũng ăn cả hai đầu, cuối cùng Nhà nước và dân gánh hết”.

Ông cũng cho hay trong những ngày đầu với nhiệm vụ của Trưởng ban Nội chính Trung ương, đã nghe về một số vụ liên quan đến hoạt động của hệ thống này mà “ngân hàng không biết sợ là gì, có những vụ “làm” một cái 4.000 - 5.000 tỉ đồng mà... tỉnh queo”.

Một lý do nữa khiến ngân hàng trở thành lĩnh vực “được” nhiều lựa chọn để mở màn cho cuộc chiến chống tham nhũng, có lẽ cũng còn vì vụ sa lưới ly kỳ của “bầu” Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB vẫn chưa đi đến hồi kết và câu hỏi liệu còn bao nhiêu người liên quan đến nhân vật này, đang là mối quan tâm rất lớn đối với người dân.

Mặt khác, kết luận tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hồi đầu tháng 2 rồi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói rằng: “Ban Chỉ đạo phải đứng trước khó khăn, sức ép rất lớn, không làm được thì càng mất uy tín với Đảng, với dân. Tuy Ban Chỉ đạo không phải đũa thần làm thay đổi ngay tình hình, nhưng phải tạo chuyển biến rõ nét, phải làm tốt hơn trước đây. Bởi nếu không, dư luận cho là cần gì Đảng làm, để chính quyền làm”.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, thì lĩnh vực ngân hàng là một lĩnh vực mà tham nhũng dễ nhận ra nhất và vì vậy, chọn lĩnh vực này, để tạo được sự chuyển biến rõ nét nhất, là một lựa chọn đương nhiên được tính đến.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
 http://vneconomy.vn/20130325100428235P0C9920/mo-man-cuoc-chien-chong-tham-nhung.htm

No comments:

Post a Comment