Saturday, March 2, 2013

Chỉ nông dân lãnh đủ

Giá lúa thấp phản ánh tình trạng dư cung

Ngọc Hùng thực hiện
Thứ Sáu,  1/3/2013, 14:35 (GMT+7)
  

 

 

Ông Trần Tiến Khai
(TBKTSG Online) - Trái với kỳ vọng của nhiều nông dân rằng giá lúa sẽ tăng sau khi chính phủ thông qua chương trình mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo, thực tế vừa qua giá lúa đã không tăng, và theo một số doanh nghiệp, chẳng có gì chắc chắn là giá lúa tăng trong thời gian tới.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn tiến sĩ Trần Tiến Khai, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright xung quanh vấn đề này.
>>> Dù tạm trữ, giá lúa gạo khó tăng thêm
>>> Loại bớt kho chứa lúa gạo không đạt chuẩn
TBKTSG Online: Hiện nay, đã gần 10 ngày thực hiện chương trình mua 1 triệu tấn quy gạo nhưng giá lúa ở ĐBSCL vẫn không tăng. Thường theo mọi năm, sau một thời gian mua tạm trữ, nhiều doanh nghiệp hay lấy lý do là kho dự trữ đã đầy nên không mua gạo nữa, dẫn đến giá xuống. Tuy nhiên, trong năm nay kho dự trữ lúa gạo khá nhiều thì doanh nghiệp viện dẫn là do giá xuất khẩu thấp nên mua giá thấp. Chuyện doanh nghiệp đưa lý lẽ do thiếu kho chứa hay giá xuất khẩu thấp nghe rất thuyết phục. Theo ông, vấn đề này nằm ở đâu?
- Ông Trần Tiến Khai: Theo cách nhìn nhận của tôi, đây là thông tin khá thực tế, phản ảnh tình trạng dư cung trên thị trường lúa gạo thế giới hiện nay. Dự trữ gạo của Thái Lan và Ấn Độ khá lớn. Việt Nam vừa thu hoạch vụ đông xuân trong khi lượng lúa thu hoạch từ vụ thu đông vẫn có thể còn tồn đọng.
Với tình hình này, các nước nhập khẩu không vội vã gì trong việc thu mua, và tạo áp lực giá thấp, vì biết chắc nguồn cung phong phú.
Trước khi mùa vụ bắt đầu, Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa đông xuân năm nay vào khoảng  3.165 đồng/kg, như vậy, để đảm bảo nông dân lời tối thiếu 30% thì doanh nghiệp có thể mua với giá từ 4.700 đồng trở lên là được. Ông có bình luận gì vấn đề giá sàn mua lúa này.
- Chính sách giá sàn phản ảnh can thiệp của Nhà nước vào thị trường lúa gạo với mục tiêu trợ cấp gián tiếp cho nông dân. Tuy nhiên, không nên xác định “cứng” là phải bảo đảm cho nông dân lời tối thiểu 30% so với giá bán, vì giá bán phụ thuộc vào thị trường lúa gạo thế giới. Nếu giá thế giới xuống thấp vì dư cung, thì Chính phủ không thể nào đủ sức can thiệp để buộc các doanh nghiệp mua với mức giá sàn bảo đảm mức lợi nhuận 30% cho nông dân, vì có thể gây ra thua lỗ cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc xác định giá thành lúa gạo cần được thực hiện chính xác, thường xuyên liên tục, bởi các cơ quan trung lập, ví dụ trường đại học, viện nghiên cứu, hơn là bởi chính quyền địa phương (có xu thế bênh vực nông dân), hoặc doanh nghiệp (có xu thế bảo vệ lợi ích của chính mình).
Cá nhân tôi cho rằng cơ chế thu mua tạm trữ (dự trữ lưu thông) hiện nay bằng vốn ưu đãi của Nhà nước cho các doanh nghiệp (Nhà nước cấp bù 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ 3 tháng) chỉ có tác động trong ngắn hạn, và chỉ có lợi cho doanh nghiệp do được cấp bù lãi suất, một dạng trợ cấp, trong khi đáng lẽ người nông dân phải hưởng được tác động trợ cấp này vì mục tiêu của chính phủ là giúp cho nông dân có thu nhập cao hơn.
Theo ông có nên tính đến chuyện bỏ giá sàn?
- Một khi chính sách giá sàn trên thực tế không thực thi được, hoặc không có tác động đúng vào đối tượng mục tiêu chính sách, thì ta nên bỏ chính sách này đi. 
Cách nào để cho người nông dân và doanh nghiệp đề có thể tạo được lợi nhuận cao nhất trong vấn đề lúa gạo này?
- Vấn đề chính của ngành lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam là tình trạng dư cung trầm trọng. Nông dân ĐBSCL, dưới sự khuyến khích của Chính phủ và chính quyền địa phương sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) ngày càng nhiều trong mùa lũ, tạo nguồn cung lớn và gây áp lực nặng nề cho vụ đông xuân kế tiếp.
Bên cạnh đó, Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng cung, mở rộng dự trữ. Đặc biệt là chính sách trợ cấp trực tiếp cho nông dân của chính phủ Thái Lan cũng kích thích nông dân nước này tăng sản lượng. Trong khi đó, các nước nhập khẩu như Philippines và Indonesia có xu thế tăng cường sản xuất nội địa cho an ninh lương thực.
Vì vậy, giải pháp căn bản là giảm cung. Việt Nam cần cân nhắc duy trì xuất khẩu ổn định một lượng gạo nhất định, và kiểm soát cung (bằng cách hạn chế diện tích canh tác vụ thu đông hoặc quay vòng canh tác vụ thu đông trong giới hạn) để giảm áp lực, giảm cung thì mới tạo cơ hội tăng giá trên thị trường.
Bằng chứng là hai năm 2011 và 2012, mặc dù lượng gạo xuất khẩu tăng liên tục nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm nghiêm trọng. Thực tế là chúng ta đang tốn kém chi phí nhiều hơn để sản xuất, để có sản lượng lớn hơn, nhưng giá trị kim ngạch lại giảm đi. Có nghĩa chúng ta đang giúp thế giới có gạo giá rẻ để ăn nhưng chính nông dân Việt Nam là người chịu thiệt thòi trực tiếp khi góp phần tạo ra dư cung này.
Theo ông giải pháp là gì?
- Đã đến lúc Chính phủ nên nghĩ đến việc giảm cung lúa gạo và định hướng sản xuất một số loại nông sản khác, ví dụ bắp, đậu nành... trên diện tích đất quay vòng để tăng thu nhập cho nông dân
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và nông dân có thể bắt tay với nhau để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất – kinh doanh lúa gạo và phân phối lợi ích công bằng như mô hình cánh đồng mẫu lớn của một số công ty đang làm hiện nay là đáng học tập và nhân rộng.
Xin cảm ơn ông!

No comments:

Post a Comment