Kịch bản sữa dê |
Thứ hai, 04/03/2013, 06:18 (GMT+7) |
Đúng
mùa trao giải điện ảnh quan trọng nhất, từ Quả cầu vàng và Oscar ở nước
Mỹ xa xôi, cho đến tận Cánh diều của Việt Nam, giới truyền thông và
người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy dường như được tắm mình trong không khí
lễ hội bất tận với sự chờ đợi khắc khoải xem ai sẽ được xướng tên trong
đêm phát giải. Năm nay, ở hạng mục kịch bản “gốc” xuất sắc nhất, bộ phim
“sữa dê” của Việt Nam dù không có đề cử chính thức nào từ các thành
viên hội đồng nghệ thuật lọc lõi, song theo dư luận - lẽ ra đã có thể
chiến thắng với chí ít một, hoặc hai tượng vàng kèm phong bì tiền thưởng
(nước ngoài không có nhưng ta nhất thiết phải có) vì ý tưởng “sáng
tạo”, kịch tính, cuốn hút và đến cuối mới rõ thủ phạm là ai!?
Câu hỏi đương nhiên: Tại sao lại là “sữa dê” và “sữa dê” có tội tình gì mà phải đem ra mổ xẻ, phân tích, nghi ngờ các giả thuyết đối chọi để rồi kết cục mới thấy sữa dê là sữa dê chứ không phải là sữa không dê. Kịch bản gay cấn này bắt đầu từ các trang mạng xã hội tretho và lamchame khi một nhóm chuyên gia hàng đầu về “sữa dê” đã “chia sẻ” thông tin rằng sữa dê Danlait do Công ty Mạnh Cầm ở Hà Nội nhập khẩu về từ Pháp là sữa “dởm” có xuất xứ Trung Quốc. Một trong những thành viên của cư dân mạng thậm chí còn khóc lóc kể lể vì nghe lời quảng cáo “sữa dê Danlait - Pháp hỗ trợ tối đa cho hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, phát triển trí não, chiều cao, khả năng hấp thụ và phù hợp cho trẻ bị dị ứng với sữa bò” nên đã cho đứa con 7 tháng tuổi sử dụng và kết quả là sau 2 tháng uống thử “cháu không những không lên cân mà còn sụt cân, từ cân nặng 12kg xuống còn 11,5kg và thậm chí có dấu hiệu mọc răng chậm…”.
Thương cảm cho bà mẹ “lỡ dùng”
loại sữa không ra sữa này, tức khắc có hàng trăm “còm-men” hưởng ứng,
đánh đập túi bụi sự lừa đảo, vô trách nhiệm của các doanh nghiệp sản
xuất và nhập khẩu sữa. Sự việc sau đó được đẩy lên đỉnh điểm khi hàng
loạt các tờ báo lớn trích dẫn đưa tin bài và các cơ quan chức năng bắt
đầu vào cuộc. Trong đánh, ngoài đánh, quản lý thị trường tịch thu tang
chứng, vật chứng, Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế lấy mẫu xét nghiệm,
rồi gửi cả công văn cho Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội nhờ xác minh nguồn
gốc sữa Danlait và kể cả bên công an cũng chuẩn bị tư thế nhập cuộc nếu
thấy có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Chỉ khổ chủ nhân của công ty bé nhỏ
“lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn” khi mếu máo treo giải thưởng 1 tỷ
đồng cho ai phát hiện “sữa của chúng tôi là sữa dỏm”.
Một điều dễ thấy trong kịch
bản “sữa dê” là sự chuẩn bị công phu, đánh có lớp có lang, đánh như
không, đánh từ trong mạng đánh lên báo đài. Và rất ít người đặt nghi vấn
cái “bà mẹ” có con nhỏ ấy tại sao lại chỉ cho con uống sữa dê chứ không
phải các loại sữa thông thường được sử dụng để đến nông nỗi “thấp bé,
nhẹ cân” vậy?
Chương cuối của kịch bản “sữa dê” ai cũng rõ: Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế Việt Nam sau khi có phúc đáp chính thức từ Chính phủ Pháp đã kết luận khẳng định sữa dê Danlait là chính hiệu Pháp, được nhập khẩu nguyên lon về Việt Nam, từng lô hàng nhập khẩu đều được kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thú y và hoàn thành thủ tục thông quan hợp lệ, hợp pháp.
Phía công ty nhập khẩu chỉ có
lỗi không ghi nhãn phụ cụm từ “thực phẩm bổ sung” trước tên sản phẩm.
Nhưng cái “phụ” này không thể khỏa lấp cái “chính” là sản phẩm đã bị bêu
riếu, nhục mạ, đánh hội đồng cho đến sập tiệm bởi một nhóm lợi ích
chuyên “khủng bố” qua mạng xã hội để vòi vĩnh, tống tiền các doanh
nghiệp. Và ai sẽ đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp bị vu khống trắng
trợn? Cần biết rằng, làm ăn thời kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp đã
phải bươn chải tìm đến tận nơi sản xuất để đặt hàng, tạo thương hiệu
riêng như trường hợp sữa dê Danlait tại Pháp, song nỗ lực của họ bằng
không một khi còn tồn tại các băng nhóm cạnh tranh bất chính.
Trước đây Vinamilk đã phải khổ
sở khi nhãn hàng của mình bị vu cáo có đĩa trong một sản phẩm sữa cho
trẻ qua “tố cáo” trên mạng xã hội. Đến như bà con nông dân vốn một nắng
hai sương cũng bao phen xất bất xang bang bởi tin đồn nhảm “ăn cá bị ung
thư” hay “bắp nấu bằng hóa chất độc hại”... Rồi
gần đây tin đồn lan truyền Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV bị
bắt cũng đã khiến “bốc hơi” số tiền cả ngàn tỷ đồng trên sàn chứng
khoán và các giao dịch tiền tệ khác.
Và như vậy, đã đến lúc các cơ
quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ các nguồn tin không chính xác để
giải tỏa nỗi ấm ức cho doanh nghiệp, để không lặp lại kịch bản tương tự
như kịch bản sữa dê.
BÍCH AN
|
Monday, March 4, 2013
Hãy thận trọng và tỉnh táo!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment