Sunday, March 3, 2013

CẦN CÁC HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP, THIẾT THỰC

Thế giới bàn cách bảo vệ các loài nguy cấp

Cập nhật: 06:26 GMT - chủ nhật, 3 tháng 3, 2013

Tê giác ở Tanzania
Sừng tê giác đặc biệt ưa chuộng và có giá trị cao ở Trung Quốc và Việt Nam
Các chương trình mới để bảo vệ các loài voi, tê giác, gấu Bắc cực, cá mập và nhiều động vật khác sẽ được đưa ra bàn thảo tại một hội nghị quan trọng khai mạc ở Bangkok hôm Chủ nhật ngày 3/3.
Các đại biểu dự hội nghị sẽ xem xét lại công ước về buôn bán quốc tế các loài thuộc diện nguy cấp được gọi tắt là CITES.
Có khoảng 35.000 loài động vật và thực vật hiện đang nằm trong phạm vi bảo vệ của công ước này.

Quyết định hệ trọng

Tuy nhiên trước tình trạng khủng hoảng tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu, hội nghị năm nay được xem là một trong những kỳ hội nghị quan trọng nhất trong lịch sử.
Công ước CITES được ký kết ở Washington hồi tháng Ba năm 1973 trong nỗ lực kiểm soát việc mua bán động thực vật hoang dã vốn đang nở rộ vào lúc đó.
Công ước có hiệu lực vào năm 1975 và các chuyên gia ước tính giá trị của các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp từ động thực vật hoang dã trên toàn cầu hiện nay đạt hơn 300 tỷ Mỹ kim một năm.
Nguyên tắc hoạt động của công ước này là cấp phép mua bán các giống loài. Tuy nhiên công việc này dự định sẽ được xem xét lại dưới các bằng chứng khoa học về mối nguy đối với một loài động vật hay thực vật.
Voi châu Phi
Ngà voi được phép mua bán tại một số nước trên thế giới
Tuy nhiên, do CITES là tập hợp của các đại diện từ các chính phủ nên lợi ích chính trị và kinh tế của các quốc gia thành viên có ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định của họ.
Các phái đoàn của khoảng 178 quốc gia thành viên sẽ đối mặt với những quyết định hệ trọng tại hội nghị lần này ở Bangkok.
Các đại biểu sẽ phải bàn thảo 70 đề xuất điều chỉnh luật lệ về một số giống loài, trong đó loài voi sẽ được đặc biệt chú ý do nhu cầu ngà voi trên thị trường toàn cầu đã đẩy nạn săn trộm đến mức độ chưa từng có tiền lệ.
Nhiều nhà hoạt động đánh giá Thái Lan là một trong những nước buôn bán ngà voi nhiều nhất trên thế giới vì luật pháp nước này cho pháp bán ngà lấy từ những con voi bản địa. Người ta tin rằng những kẻ hám lợi đã dùng khe hở này để buôn bán ngà voi có xuất xứ từ châu Phi.
Chính phủ Thái hiện đang chịu sức ép phải có hành động.
“Sau nhiều năm không thể chấm dứt tình trạng buôn bán không được kiểm soát này, Thái Lan nên đóng những thị trường kiểu này vốn đang dung dưỡng cho tình trạng săn trộm voi ở châu Phi,” ông Carlos Drews ở Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới WWF nói.
Các nhóm bảo vệ động vật đang vận động áp đặt lệnh cấm lên Thái Lan, Cộng hòa dân chủ Congo và Nigeria để chấm dứt tình trạng buôn bán ngà voi.

Gấu và tê giác

Gấu Bắc cực
Hàng trăm cá thể gấu Bắc cực bị sát hại mỗi năm
Một vấn đề hiện cũng đang chia rẽ giữa các quốc gia thành viên CITES và các nhà bảo vệ động vật là tình trạng của gấu Bắc cực.
Hoa Kỳ đang đề xuất cấm hẳn việc mua bán các thành phần của gấu Bắc cực. Tuy nhiên, điều này bị Canada và Nga thẳng thừng bác bỏ. Khoảng 400 gấu Bắc cực bị sát hại hàng năm cho mục đích này.
“Mặc dù chúng tôi thừa nhận rằng việc mua bán các cơ quan của gấu không phải là nhân tố đưa loài này đến bờ tuyệt chủng nhưng chúng tôi tin rằng việc mua bán này phải dừng lại,” ông Dan Ashe, trưởng phái đoàn của Mỹ dự hội nghị CITES, phát biểu.
Về tê giác, Kenya đề xuất nên tạm dừng việc xuất khẩu sừng của loài động vật này như là chiến lợi phẩm săn bắn từ các nước Nam Phi và Swaziland vốn đang được miễn trừ. Tuy nhiên cũng có tranh cãi đâu là cách làm tốt nhất.
Một số nhà hoạt động môi trường tin rằng việc săn bắn lấy sừng tê làm chiến lợi phẩm đã giúp phục hồi số lượng tê giác bằng cách đem lại thu nhập cho ngành du lịch.
Các nhà nghiên cứu khác đang kêu gọi hợp pháp hóa việc mua bán sừng tê vì họ cho rằng lệnh cấm hiện nay đang làm tăng lợi nhuận cho các tay săn trộm. Chỉ trong năm ngoái đã có 668 cá thể tê giác bị những kẻ săn trộm sát hại ở Nam Phi và hơn một trăm con đã bị giết chết trong năm nay.
Cá mập bị đánh bắt
Nhu cầu vây cá mập đã đẩy loài này đến cảnh bị tàn sát
Một vài giống loài cá mập cũng có thể được tăng cường bảo vệ tại hội nghị lần này theo các nhà hoạt động bởi vì thống kê mới nhất cho thấy hơn 100 triệu cá mập bị sát hại mỗi năm cho mục đích thương mại.
Một trong những điểm lý thú của kỳ hội nghị CITES lần này là liên minh chính trị đang hình thành giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Hai nước này đang đồng bảo trợ các đề xuất hạn chế mua bán các loài rùa biển và đồi mồi châu Á.
Theo lời của trưởng phái đoàn Mỹ Dan Ashe, đây là một diễn biến rất có ý nghĩa.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi cùng Trung Quốc đứng chung một đề xuất,” ông nói.
Hội nghị lần này sẽ kéo dài đến ngày 14/3.
Nguồn:  http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/03/130303_cites_meeting_bangkok.shtml

No comments:

Post a Comment