Monday, April 1, 2013

T.T Bích Liên nói vụ này sáng 01/4 trên VTV1: chưa biết khi mô!

Chế độ cho nghệ nhân: 10 năm chưa xong                 ( 19/03/2013 06:21:42 )
 
Khi một số những nghệ nhân ở tuổi “xưa nay hiếm” đang lần lượt ra đi thì chính sách đãi ngộ cho họ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) dù khởi động từ năm 2003 thì đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Bà Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm tàu điện cuối cùng đã ra đi.
Đen bạc đời nghệ nhân
Vừa qua, người yêu nghệ thuật và quần chúng đau xót vĩnh biệt nghệ nhân hát xẩm xuất sắc Hà Thị Cầu. Nỗi cơ cực của cuộc đời bà, một lần nữa khiến công chúng đặt câu hỏi “Bao giờ nhà nước có chính sách cho họ?”. Thực ra chủ trương và dự thảo chính sách đã có từ năm 2003. Nhưng đến nay nó vẫn là dự thảo. Từ khi 8 tuổi, bà Hà Thị Cầu đã phải mang chiếc thau đồng cùng cha mẹ hát xẩm rong để kiếm sống. 16 tuổi bà trở thành người vợ thứ 18 của trùm xẩm Ninh Bình tên là Chánh Chương Mậu. Cuộc đời làm vợ bé cũng đầy cơ hàn. Sinh con đầu lòng vừa được 3 ngày, bà Năm (tên thật của bà Hà Thị Cầu) đã phải trao con cho bà cả để ra chợ hát kiếm tiền. Ở với ông Mậu, sinh được 7 người con, nhưng 4 người mất vì nghèo không có tiền chữa bệnh. Rồi đứa con út tên Cầu bà vừa dứt ruột đẻ ra cũng phải cho đi ngay sau đó. Ngày 3/3 vừa qua, nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm tàu điện cuối cùng đã ra đi. Khi ra đi, nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn thuộc diện hộ nghèo, trong cảnh cơ hàn, đói khổ, dù sống trong chế độ mới từ hơn nửa thế kỷ nay.
Còn nhớ trong kỳ Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2012, danh sách phong tặng nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian chỉ có 11 người. Trong số 9 nghệ nhân cao tuổi được tôn vinh, người thì ốm liệt gường, người quá già không thể đi lại đường xa, chỉ còn có 5 nghệ nhân lập cập bước lên được sân khấu nhận giải nhờ vào sự giúp sức của người dìu bên cạnh.
Theo Bộ VH-TT-DL trong số 297 nghệ nhân còn sống ở Việt Nam, còn rất nhiều mảnh đời nhọc nhằn như thế. Cuối năm 2011, nghệ nhân Phan Thị Mơn ( nghệ nhân ca trù Cổ Đạm, Hà Tĩnh) cũng đã ra đi. Trước đó ít tháng nghệ nhân Nguyễn Thị Kim (nghệ nhân ca trù Thanh Hóa) cũng từ biệt cõi trần ở tuổi 89. Tháng 10 năm 2011, tại Liên hoan ca trù toàn quốc diễn ra ở Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Thị Kim được Hội Văn nghệ dân gian xướng tên mời lên nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian, người ta xướng tên bà mà thậm chí không biết rằng bà đã ra đi từ trước đó gần nửa năm.
Khi được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa thì các quốc gia có di sản đều phải cam kết có những chương trình hành động để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật được công nhận ấy, trong đó chính sách đãi ngộ nghệ nhân là một phần rất quan trọng trong các cam kết của Việt Nam với Unesco. Việc chậm trễ trong việc ban hành chính sách sẽ ảnh hưởng đến cam kết cũng như uy tín của chúng ta đối với quốc tế.
Vẫn chờ?
Dự thảo thông tư Quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT), đã được Bộ VHTTDL soạn thảo và hoàn thành cuối năm 2009. Dự thảo thông tư bao gồm 4 chương, 17 điều. Theo dự thảo thông tư, những nghệ nhân được phong tặng danh hiệu bên cạnh Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng còn được hưởng những chính sách đãi ngộ khác. Cụ thể, tiền thưởng kèm theo danh hiệu đối với NNND là 12,5 lần mức lương tối thiểu chung và đối với danh hiệu NNƯT là 9,0 lần mức lương tối thiểu chung. Ngoài ra, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu cũng sẽ được hưởng những chế độ, chính sách ưu đãi khác theo quy định.
Dự thảo được xây dựng năm 2003 và hoàn thành năm 2009, nhưng ngay khi thông tư về dự thảo hoàn tất chỉ còn chờ ngày ký thì theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ VH-TT-DL phải nâng cấp Thông tư để xứng tầm với danh hiệu. Vậy nhưng cho đến nay, cũng không biết đến khi nào thì dự thảo do Bộ VH-TT-DL đề xuất được phê duyệt và ngày nào Thông tư ban hành về chế độ đãi ngộ với nghệ nhân mới được Thủ tướng Chính Phủ ký ban hành, chỉ biết rằng các nghệ nhân - những báu vật sống của Việt Nam đang lần lượt ra đi.
Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khẳng định: “Nghệ nhân đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, thực hành và lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Nếu không có họ thì chắc chắn một khối lượng lớn các giá trị văn hóa sẽ không được bảo lưu một cách tập trung nhất cũng như sẽ không có “thầy” để dạy dỗ lớp trẻ”.
Ngày 7/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Đặng Thị Bích Liên làm việc với Ban soạn thảo Nghị định về NNDG, nghệ nhân ưu tú. Tuy nhiên, thông tin thời gian dự kiến Nghị định được soạn thảo hoàn tất, trình Chính phủ ban hành thì vẫn nhận được câu trả lời cần tiếp tục chờ, có thể trong tháng 3/2013, dự thảo Nghị định sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Hưng Phạm

No comments:

Post a Comment