Monday, March 4, 2013

Những kẻ bất chấp cộng đồng

Ngày 04.03.2013, 08:34 (GMT+7)
Lợi ích nhóm qua kiến nghị đánh thuế tiền gửi

SGTT.VN - Cả về phương diện lý thuyết kinh tế học cũng như thực tiễn Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều cho thấy kiến nghị đánh thuế tiền gửi là để “cho vui” hoặc “gây sự chú ý kiểu showbiz Việt”, trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải vật lộn để tồn tại còn người dân thì chưa nhấm nháp hết dư vị của “một năm kinh tế buồn”. Nhưng ở một góc độ khác, nó thể hiện hành vi không biết đâu là giới hạn của nhóm lợi ích.
Nhà kinh tế hàng đầu của chủ nghĩa tự do Pháp thế kỷ 19, Frédéric Bastiat (1801 – 1850), từng kể một câu chuyện ngụ ngôn được hậu thế trích dẫn rất nhiều. Đó là câu chuyện “Hiệp hội những người sản xuất nến” đã thỉnh cầu chính quyền thực thi chính sách hỗ trợ cho công việc kinh doanh của họ. Trong bản thỉnh cầu, họ tố cáo mặt trời chính là kẻ cạnh tranh lạnh lùng nhất đối với họ. Vì thế, họ mong chính quyền ra một sắc lệnh cấm mọi thần dân mở cửa sổ vào ban ngày. Nhờ thế, không chỉ ngành sản xuất nến của họ sẽ phát triển bền vững, mà cả những ngành cung cấp nguyên liệu cũng nhận được ảnh hưởng lan toả, và nhờ thế làm xã hội thịnh vượng hơn!
Trong đời sống hiện đại, câu chuyện của Bastiat, tiếc thay, không có vẻ gì là hoang đường. Nó phản ánh đặc điểm của các nhóm lợi ích ngay từ những buổi đầu sơ khai của kinh tế thị trường: nguỵ biện, tham lam, mù quáng và tàn nhẫn.
Nguỵ biện vì các đề xuất chính sách đều được bao bọc bằng những lập luận hoa mỹ về phúc lợi chung. Tham lam vì nó mong muốn giành được quyền lợi cho bản thân bất chấp mọi giới hạn. Mù quáng vì nó không đếm xỉa gì đến lợi ích của người khác. Và cuối cùng, nó tàn nhẫn vì bóc lột không thương tiếc những nhóm người yếu thế và đông đảo.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM hiện cũng đang theo đuổi một bản thỉnh cầu thống thiết lên Chính phủ có lẽ cũng không khác gì những người bán nến năm xưa đã làm ở Paris.
Thực ra, những ý tưởng kiểu này không còn là của hiếm trong xã hội Việt Nam bây giờ. Nó chỉ một lần nữa khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về sự hoành hành của các nhóm lợi ích. Đây chỉ là một kiến nghị đã được đưa ra công khai để người dân thấy được tính châm biếm và thiển cận của nó. Còn bao nhiêu kiến nghị như vậy nhưng không được công khai, và đã âm thầm đi vào cuộc sống, dưới cái vỏ mỹ miều đầy bao dung về phúc lợi chung?
Xét cho cùng, vấn đề không phải các nhóm lợi ích mong muốn như thế nào, mà vấn đề là kiểm soát những mong muốn của họ ra sao. Cách kiểm soát hữu hiệu, theo nguyên lý cơ bản của cơ chế thị trường, là để các nhóm đối kháng về lợi ích tự kiểm soát lẫn nhau.
Lợi ích nhóm là thực tế không thể phủ nhận trong kinh tế thị trường, trong xã hội hiện đại. Xã hội càng phát triển, càng phong phú và phức tạp, thì những khía cạnh của cuộc sống càng đa dạng và sống động. Do đó, các nhóm lợi ích hình thành để bảo vệ quyền lợi đa dạng nảy sinh từ các khía cạnh khác nhau của cuộc sống là một điều bình thường, chính đáng. Nhưng để xã hội hài hoà và công bằng, các nhóm cần được phát triển cân đối và bình đẳng. Nếu hiệp hội ngân hàng có thể họp lại với nhau để quyết định hạ lãi suất tiền gửi, thì cần phải có hiệp hội những người gửi tiền lên tiếng về việc này. Nếu hiệp hội bất động sản kiến nghị đánh thuế vào lãi suất tiền gửi, thì hiệp hội những người gửi tiền cần lên tiếng, hoặc hiệp hội những người mua nhà có thể kiến nghị về một chính sách thuế đánh vào những căn hộ đang bị để hoang phí vì đầu cơ.
Xét cho cùng, vấn đề không phải các nhóm lợi ích mong muốn như thế nào, mà vấn đề là kiểm soát những mong muốn của họ ra sao. Cách kiểm soát hữu hiệu, theo nguyên lý cơ bản của cơ chế thị trường, là để các nhóm đối kháng về lợi ích tự kiểm soát lẫn nhau.
Chừng nào chúng ta chưa thừa nhận vai trò quan trọng của việc tập hợp các nhóm xã hội, của những tổ chức có tiếng nói độc lập đại diện cho các lợi ích khác nhau, thì xã hội sẽ tiếp tục chịu đựng sự nhào nặn méo mó vì sự hoành hành, thao túng của các nhóm lợi ích đã tự cấu kết, hình thành từ trước. Những nhóm ấy, hiện nay chủ yếu chỉ đại diện cho các khối doanh nghiệp, mà chưa đại diện cho lợi ích của người dân, cộng đồng và các nhóm xã hội khác.
Chúng ta đang thảo luận về sửa đổi Hiến pháp cho một nước Việt Nam tốt đẹp hơn, thì hơn bao giờ hết, rất cần lưu tâm về việc xây dựng những cơ chế thực sự vun đắp một nền dân chủ, cho phép tập hợp các nhóm xã hội được sinh sôi chứ không phải bị nghi ngờ, các nhóm xã hội vẫn được lên tiếng một cách bình đẳng và cạnh tranh, chứ không phải bị chèn ép, méo mó theo lá phiếu của đồng tiền.
TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc VEPR

Đánh thuế tiền gửi

Phi kinh tế, phi thực tiễn

SGTT.VN - Ngày 28.2.2013, trong một cuộc họp với hàng trăm doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) đã đề xuất nên đánh thuế đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm có mức từ 500 triệu đồng/sổ trở lên nhằm mục đích hướng dòng tiền gửi tiết kiệm, tiền nhàn rỗi của cư dân đi vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh và đầu tư bất động sản. Được biết, kiến nghị này đã được trình lên ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ.
Tại Việt Nam, không nên tuyên bố hàm hồ rằng những người gửi tiền tiết kiệm là những người khá giả/giàu có.
Trong lĩnh vực tài chính, gửi tiền tiết kiệm là hoạt động đầu tư của những người mà kinh tế học gọi là “e ngại rủi ro tột độ”. Chính vì đầu tư vào tiền gửi là không có rủi ro, nên lợi nhuận (ở đây chính là lợi tức) rất thấp. Việc đánh thuế lợi tức đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm trên thực tế làm tăng mức độ “rủi ro” trong suy nghĩ của người gửi tiền, và do đó sẽ làm giảm tính tích cực trong gửi tiền.
Với những quốc gia lạm phát cao – lãi suất danh nghĩa thấp hơn lạm phát thì lãi suất thực tế là trạng thái âm. Người gửi tiền trên thực tế đã bị thiệt thòi – và do đó không ai lại đánh thuế tiếp tục lên đối tượng không được hưởng lợi từ đầu tư nữa. Về lý thuyết, chỉ cần lãi suất thực âm (hoặc lãi suất thực thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực đầu tư khác) thì lượng tiền gửi tiết kiệm sẽ suy giảm – nhưng không có bằng chứng hay cơ sở khoa học để cho thấy khoản tiền đó sẽ đi vào sản xuất kinh doanh.
Nếu các hình thức/loại hình đầu tư tài chính đủ phát triển với các dạng đầu tư đa dạng thì gửi tiết kiệm thường sẽ là lựa chọn cuối cùng.
Quan trọng hơn, đối tượng chịu thuế suất áp dụng đối với lợi tức tiền gửi tiết kiệm thường là doanh nghiệp/công ty/quỹ chứ không phải người dân/cá nhân – vì khoản tiền gửi của các pháp nhân kinh tế mới lớn đến mức làm cho việc áp thuế vào lợi tức trở nên có ý nghĩa. Tiền gửi của thể nhân kinh tế luôn không đáng kể so với doanh nghiệp/công ty, do đó việc thu thuế lợi tức sẽ tạo nên tác dụng khuyến khích ngược – không ai còn động lực để gửi tiết kiệm nữa. Mục đích của áp thuế lợi tức đối với tiền gửi của doanh nghiệp là buộc doanh nghiệp dùng tiền đó để kinh doanh thay vì để nhàn rỗi trong ngân hàng.
Nhưng thực tế thực hiện không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như mong đợi. Trung Quốc là nước từng áp thuế lợi tức đối với tiền gửi tiết kiệm lên đến 20%, nhưng năm 2007 đã phải giảm thuế này xuống 5%, sau đó 8.10.2008 đã phải tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn sắc thuế này.
Trung Quốc là nước từng áp thuế lợi tức đối với tiền gửi tiết kiệm lên đến 20%, nhưng năm 2007 đã phải giảm thuế này xuống 5%, sau đó 8.10.2008 đã phải tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn sắc thuế này.
Tại Việt Nam, không nên tuyên bố hàm hồ rằng những người gửi tiền tiết kiệm là những người khá giả/giàu có. Việc áp thuế đối với lợi tức tiền gửi tiết kiệm (nếu xảy ra) sẽ gây thiệt hại cho cả hộ gia đình, ngân hàng và doanh nghiệp. Trước hết, với những hộ gia đình vẫn chấp nhận gửi tiền (nếu không thể lách luật “500 triệu” được) thì lợi ích đầu tư của họ sẽ giảm và khiến không ai còn mặn mà với việc gửi tiền nữa.
Đối với ngân hàng, hệ luỵ nhãn tiền là huy động vốn sẽ giảm, nếu không xử lý khéo sẽ rơi vào bẫy thanh khoản, và đẩy lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay lên cao như trước đây – xoá tan mọi nỗ lực mà công tác điều hành của Chính phủ đã đạt được trong thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh huy động vốn trực tiếp từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều èo uột thì việc chi phí vốn trực tiếp từ ngân hàng tăng lên sẽ khiến sản xuất càng đình trệ. Hai tháng đầu năm 2013, huy động vốn của ngân hàng vẫn tăng trưởng, nhưng cho vay tín dụng lại sụt giảm. Tín hiệu vĩ mô này cho thấy khó khăn của doanh nghiệp chưa hề qua đi, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất yếu. Một kiến nghị kiểu “giời ơi” hoàn toàn có thể làm liên luỵ đến nhiều thực thể kinh tế và cuối cùng sẽ làm gia tăng áp lực đối với công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

TS Phạm Sỹ Thành (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách) 

No comments:

Post a Comment