KTS đạt 30 giải quốc tế muốn xanh hóa nhà ống
Thứ hai, 25/02/2013, 13:13 (GMT+7)
KTS Võ Trọng Nghĩa: “Đã đến lúc phải luật hóa thì mới mong kiến trúc xanh có thể phát triển trong tương lai”.
“Đã làm là phải xanh”. Đó là phương châm làm việc của kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa, người nổi lên trong cộng đồng kiến trúc thế giới những năm vừa qua với hàng loạt giải thưởng lớn, trong đó có công trình Stacking Green (Ngôi nhà xanh) vừa đoạt giải thưởng uy tín tại Mỹ nhưng “vô duyên” với giải thưởng trong nước.
Công trình Stacking Green của Võ Trọng Nghĩa được tạp chí kiến trúc uy tín của Mỹ đánh giá là 1 trong 10 công trình kiến trúc độc đáo, đạt giải Building of the year (tòa nhà của năm). Stacking Green cũng từng đoạt huy chương vàng tại Festiaval Kiến trúc thế giới, đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc tế của Mỹ (International Architecture Award), giải thưởng dành cho những thiết kế thân thiện với môi trường - Green Good Design.
Đầu xuân Quý Tỵ 2013, theo chân anh đến một công trình khác anh đang thực hiện và chưa công bố, người viết thật sự choáng ngợp trước sự sáng tạo không mệt mỏi của người được tạp chí Architectural Record bình chọn là một trong 10 kiến trúc sư tiêu biểu của năm 2012.
Công trình đang thực hiện này có tổng diện tích hơn 200m2 không vuông vức ở Q.Tân Bình (TP.HCM), với hình thù 5 cái bồn cây, phía trên là những cây si tỏa bóng và rủ rễ, lá xuống xung quanh ngôi nhà. Một bức tranh tương phản độc đáo giữa bê tông và cây cỏ. Ở công trình trên, KTS Võ Trọng Nghĩa đã đạt đến một kỹ thuật đổ bê tông mới, lần đầu tiên ở Việt Nam có người làm được.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện cởi mở với anh, người đoạt giải nhưng không đi nhận và chỉ muốn “tập trung năng lượng để làm việc” rất đặc biệt này.
Trong số 30 giải thưởng quốc tế anh giành được, công trình Stacking Green - Ngôi nhà xanh có ý nghĩa như thế nào với anh?
Với Stacking Green, tôi hy vọng căn nhà này sẽ truyền cảm hứng cho mọi người để tăng cường lượng cây xanh và xem những mảng xanh này như một nét đặc tính đẹp của thành phố. Tuy chỉ là một ngôi nhà nhỏ, nhưng Stacking Green được tạo ra từ hình ảnh hiện tại của Sài Gòn. Chúng tôi mong Stacking Green sẽ làm cho Sài Gòn trở nên khác biệt và hấp dẫn hơn với nhiều cây xanh nhiệt đới trong tương lai.
Hiện nay, hầu hết các công trình xanh trên thế giới đều sử dụng hai lớp kính (double skin), tại sao anh lại sử dụng “lớp da ngoài” là cây xanh?
Đó chính là Việt Nam hóa double skin. Các nước châu Âu, châu Mỹ đâu có khí hậu nhiệt đới gió mùa như của nước ta. Sử dụng cây xanh là phù hợp thời tiết, phong thủy đặc trưng của Việt Nam, góp phần hút bớt khí CO2 và nhả khí O2 nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường.
Anh nghĩ thế nào khi công trình của mình đạt nhiều giải thưởng của các tổ chức uy tín trên thế giới nhưng lại bị rớt từ vòng loại giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2012?
Thật sự tôi thấy bình thường. Mỗi ban giám khảo có một cách nhìn nhận riêng và sự tự trọng nghề nghiệp là số 1. Hơn nữa, họ còn cơ hội chấm lại những tác phẩm của tôi ở vòng chung khảo vào tháng 4 tới đây. Tôi tin, các vị trong Hội kiến trúc sư Việt Nam đều là những người tốt. Tôi có thể khẳng định như vậy!
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa
Dường như trong từng bản thiết kế của anh đều tràn ngập màu xanh và mang hơi thở thiên nhiên rõ rệt?
Tôi yêu cây còn hơn yêu người đấy (cười). Tôi mong muốn mọi công trình khi sử dụng và vận hành đều tiêu tốn ít năng lượng nhất, gần gũi với môi trường và đưa con người đến gần thiên nhiên hơn. Ước mơ của tôi là mọi người đều có phong cách sống xanh, suy nghĩ xanh và chọn kiến trúc xanh.
Anh từng nói kiến trúc xanh là kiến trúc của tương lai?
Không phải là của tương lai nữa mà là của hiện tại. Khi môi trường ngày càng ô nhiễm, con người càng nhốt mình trong những ngôi nhà ống ngột ngạt, những tòa cao ốc chọc trời lạnh lùng thì càng cần phải hướng đến kiến trúc xanh. Đó không chỉ là sống thuận với thiên nhiên mà còn là sự hài hoà giữa tiềm thức và khoa học, kết tinh của văn hoá phương Đông, trở thành một tiêu chí quan trọng trong thiết kế kiến trúc thế kỷ 21, nhất là những vùng nhiệt đới.
Nhưng có vẻ như kiến trúc xanh chưa phải là một xu hướng thắng thế?
Mọi người thường hiểu lầm “tiền là quan trọng nhất” và vẫn bị kẹt ở suy nghĩ “kiến trúc xanh tốn tiền và tốn đất” trong khi trên thực tế chúng tôi vẫn có thể làm công trình xanh, nhà ở xanh với diện tích từ 40m2 trở lên. Cùng nhiều mẫu nhà xanh đô thị có chi phí xây dựng chỉ 8 - 12 triệu đồng/m2 như những công trình khác. Rất ít người thấy cần phải sống hòa hợp với thiên nhiên, xanh hóa ngôi nhà, khu dân cư mình ở. Vấn đề là thay đổi tư duy của người dân, các chủ đầu tư, các nhà quản lý. Cái đó mới là khó nhất.
Theo anh, phải làm gì để kiến trúc xanh đi vào thực tiễn?
Cứ nhìn bộ mặt hai đô thị lớn của Việt Nam là Sài Gòn và Hà Nội xem, ngày càng nhiều tòa cao ốc và mảng xanh thì bị thu hẹp đến tối đa. Đã đến lúc phải luật hóa thì mới mong kiến trúc xanh có thể phát triển trong tương lai. Cứ lấy đi 100m2 đất để làm nhà thì phải có trách nhiệm trồng lại 100m2 cây xanh quanh nhà. Cần phải có quy định “xây nhà thì phải làm mái xanh”. Vừa tận dụng trồng rau sạch, giảm được bức xạ nhiệt, hấp thụ bớt khí CO2, thanh lọc không khí, giữ được một lượng nước đáng kể trên mái nhà giúp giảm bớt lụt lội. Đồng thời giúp ta có sự dễ chịu, thư thái và có những cảm xúc tích cực khi gần gũi với thiên nhiên. Nếu chủ đầu tư nào không thực hiện theo quy định thì không cấp phép xây dựng, không hoàn công.
Mỗi ngày tôi đều viết thư đến những người có thẩm quyền để sớm có quy định này. Phải có quy định và chế tài, xử phạt cụ thể chứ không chỉ nói không. Biết là đã muộn, nhưng muộn còn hơn không.
Mục tiêu chính của tôi trong vài năm tới nhân rộng mô hình kiến trúc xanh đi khắp nơi, xanh hoá các nhà ống, phát triển và cải tạo nhà ống thành nhà xanh, vận dụng trí lực để đơn giá không tăng, nhằm góp phần xanh hoá đô thị với tốc độ càng nhanh càng tốt. “Võ Trọng Nghĩa đã làm là phải xanh”.
Được biết, không chỉ ngôi nhà xanh Stacking Green (TP.HCM) bị loại ở vòng loại, mà cả 2 công trình khác là Flying Bamboo ở resort Đại Lải, trường THCS Phan Chu Trinh (Bình Dương) của KTS Võ Trọng Nghĩa cũng bị rớt từ “vòng gửi xe” giải thưởng kiến trúc quốc gia 2012. Bộ ba công trình trên đều đạt những giải thưởng lớn và uy tín của giới kiến trúc thế giới.
|
Ngắm bộ ảnh 3 công trình của KTS Võ Trọng Nghĩa đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế:
Ngôi nhà như một ốc đảo nhỏ xanh tươi, nổi bật so với các nhà xung quanh bằng mô hình thiết kế độc đáo: mặt tiền xanh, mái xanh, mặt sau nhà… cũng xanh. Kiểu nhà ống chật chội điển hình của cư dân Sài Thành với diện tích 4x20m bỗng như được bao bọc trong một khu vườn xanh mát. Hai mặt trước và sau hoàn toàn bao bọc bởi các lớp bê tông nối với hai bên tường dùng để trồng cây.
Người Sài Gòn thích trồng hoa và trồng cây trên ban công. Những giống cây nhiệt đới xanh mát, chịu nắng, không cần nhiều đất và dễ dàng sống trong những bồn cây nhỏ hay treo lơ lửng ở lan can có thể ngăn nắng và khói bụi ô nhiễm. Khu vườn bao quanh ấy hình thành nên từ các bồn hoa bằng bê tông xây nối giữa hai bức tường. Khoảng cách giữa các bồn hoa được tính toán để các loại cây có chiều cao trung bình từ 25cm đến 40cm tăng trưởng dễ dàng. Một hệ thống tưới nước tự động được đặt bên trong các bồn hoa thật tiện lợi cho việc chăm sóc.
Cấu trúc cho một “ngôi nhà xanh” như thế này vẫn là kết cấu bê tông cốt thép được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, nhưng không gian nội thất được KTS thiết kế rất linh hoạt. Kết nối theo chiều ngang hạn chế bức tường ngăn cách giữa các phòng để tạo ra sự thông thoáng và quan trọng nhất là giúp cho chủ nhân có thể dễ dàng thấy màu xanh cây lá ở bất cứ nơi nào trong nhà. Ban ngày, người trong nhà sẽ nhận được những ánh sáng khác nhau tùy theo từng thời điểm, được cắt giảm bởi ánh sáng trong trung tâm. Còn gì tuyệt vời hơn phút giây ngồi thư giãn trong phòng khách, cảm giác như đang ngồi giữa một khu vườn xanh mát, ngắm bóng nắng tràn vào nhà qua lớp lá cây từ mặt tiền, tạo nên một hiệu ứng bóng đổ đẹp trên các bức tường lát đá hoa cương.
Các mặt tiền màu xanh lá cây và vườn trên mái nhà bảo vệ người sử dụng khỏi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, tiếng ồn đường phố và sự ô nhiễm. Hơn nữa, thông gió tự nhiên thông qua các mặt tiền và 2 nguồn ánh sáng nhẹ cho phép căn nhà tiết kiệm một nguồn năng lượng lớn trong khí hậu khắc nghiệt của Sài Gòn.
Flying Bamboo, công trình đạt các giải FuturArc Prize 2012 của tạp chí kiến trúc uy tín FuturArc, nhằm tìm ra các ý tưởng thiết kế tiên tiến, sáng tạo cho Châu Á – Thái Bình Dương. Thông qua sự tác động mạnh mẽ của trí tưởng tượng, cuộc thi mong muốn thu hút các ý tưởng về một tương lai bền vững. Giải thưởng năm nay hướng tới chủ đề “Sự cân bằng giữa Con người và Thiên nhiên”. Flying Bamboo cũng đạt giải Good Design Award 2012 và giải thưởng kiến trúc quốc tế của Mỹ (International Architecture Award).
Việc đoạt giải Good Design được coi là giải “Oscar” trong lĩnh vực thiết kế mỹ thuật, công nghiệp và kiến trúc của thế giới cho thấy Bamboo Wings không chỉ ấn tượng về kiến trúc và kết cấu mà còn là một công trình có ảnh hưởng sâu sắc tới cộng đồng cũng như nêu cao thông điệp về kiến trúc xanh, phát triển vững bền.
Tác phẩm kiến trúc hiện đại mang đậm chất Việt với vật liệu tre tầm vông giản dị và quen thuộc với đời sống người Việt từ bao đời nay. Mọi kết cấu phức tạp, cách xử lý kỳ công không hiển lộ mà lặng lẽ tạo nên một công trình tre độc đáo và vững bền.
Với chất Việt cô đọng trong nhịp điệu đường cong của 41 khung tre, tạo thành một bán khuyên ôm trọn hồ nước cảnh quan làm thành 1.000 m2 nhà hàng và một sân khấu nổi trên mặt nước hồ. Đây là nhà hàng tre lớn và duy nhất ở Việt Nam không có bao che.
Nước, gió, cây xanh và gò đồi cùng những cánh tre cong vút đã phần nào làm dịu vợi những lo toan đời thường, xóa tan những nhức nhối thị giác nơi phố thị. Bamboo Wings là biểu tượng của phong cách kiến trúc hiện đại và thuần Việt, không phô trương, trang nhã, sang trọng và bền vững.
Còn đây là hình ảnh về Trường THCS Phan Chu Trinh, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cũng đạt giải nhất Festival kiến trúc thế giới.
Vũ Trọng
No comments:
Post a Comment