Tuesday, March 5, 2013

CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NGHĨ VÀ NÓI SAO ĐÂY!??

Thủy điện Thượng Kon Tum chẳng tính đến quy hoạch rừng

Sau khoảng 3 năm thi công, dự án công trình thủy điện Thượng Kon Tum đã cơ bản hoàn thành các công trình phụ và 30% công trình chính, việc giải phóng mặt bằng cũng cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho rằng công trình này đã “cầm đèn chạy trước ôtô” khi chưa được phê duyệt quy hoạch rừng đã triển khai.
Thủy điện Thượng Kon Tum đang tác động tiêu cực vào khu vực rừng đầu nguồn có độ che phủ cao nhất nước. Ảnh Lao động
Theo bản báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi Chính phủ thì UBND tỉnh Kom Tum phải rà soát, điều chỉnh lại 3 loại rừng cho phù hợp với kế hoạch quy hoạch sử dụng đất tỉnh đang trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi được phê duyệt mới thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng xây dựng án thủy điện. Tuy nhiên, dự án chưa trình Quốc hội thông qua nhưng chủ đầu tư (Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) đã khởi công công trình.
Dự kiến, đây là dự án thủy điện lớn nhất Kon Tum nằm trên địa bàn huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông-  thuộc tỉnh Kon Tum, có 2 tổ máy với tổng công suất 220MW với tổng diện tích chiếm đất khoảng 1.185ha.
Từ khi khởi công xây dựng từ năm 2009 đến nay, dự án này đã hoàn thành các công trình phụ trợ và 30% hạng mục công trình chính và bồi thường - giải phóng mặt bằng 261 hộ dân với tổng số tiền 46.330 triệu đồng trên tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 115.357 triệu đồng. Công tác tái định cư đã thực hiện xong một số hạng mục như quy hoạch thiết kế, san ủi mặt bằng, làm đường,… với chi phí 41.250 triệu đồng.
Trước đó công trình này cũng được đánh giá có thể để lại nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội và môi trường trong khu vực sau khi khởi công xây dựng.
Sông Đăk Bla chảy qua TP.Kon Tum có nguy cơ khô kiệt do thủy điện Thượng Kon Tum chuyển nước về sông Trà Khúc.
Theo nhiều đánh giá, thủy điện Thượng Kon Tum đang chiếm dụng hàng nghìn hecta rừng có tiềm năng về tài nguyên rừng và đa dạng sinh học có ý nghĩa lớn đối với Tây Nguyên và Miền Trung trên địa phận xã Đăk Kôi - huyện Kon Rẫy và các xã Đăk Tăng, Măng Cành, Măng Bút - huyện Kon Plông. Trong đó, khu vực lòng hồ có độ che phủ rừng cao nhất cả nước (85%). Do vậy, việc xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum tại đây không chỉ ảnh hưởng bất lợi đối với khả năng phòng hộ, điều tiết nước cho hệ thống sông Sê San và các sông suối phía đông Trường Sơn mà còn ảnh hưởng đến tiềm năng du lịch sinh thái quốc gia trên cao nguyên Măng Đen.
Ngoài ra, theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Cao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH-KT tỉnh Kon Tum, việc chuyển nước từ Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum sang sông Trà Khúc sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội, môi trường vùng hạ lưu sông khi khoảng 40km từ đập thủy điện đến đoạn hợp lưu với sông Đắk Bla bị cạn khô nước, bởi trên đoạn sông này chỉ có các con suối nhỏ nên thường cạn kiệt vào mùa khô. Khi hình thành hồ chứa, đoạn sông này sẽ không được cấp nước và nguy cơ trở thành “sông chết”.
Có thể thấy rằng, công trình tầm cỡ này không chỉ làm sai quy trình xây dựng nhiều năm nay mà còn đang tiềm ẩn những tác động tiêu cực lớn về kinh tế xã hội, môi trường, tài nguyên rừng,… tại một khu vực tiềm năng rừng, sinh thái đa dạng. Mặc dù “vượt mặt” chính quyền địa phương, làm ngược lại với quy định, chứa nguy cơ gây hại lớn như vậy nhưng công trình này vẫn tiếp tục được tiến hành xây dựng.
Ngày 27/2/2013, UBND tỉnh Kon Tum đã có thông báo việc loại bỏ 21 dự án thuỷ điện, với công suất gần 70MW, ra khỏi quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ. Trước đó, tháng 10/2012, Kon Tum quyết định thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư đối với 11 công trình thủy điện. Nguyên nhân thu hồi, chấm dứt các công trình này là do tính hiệu quả kinh tế thấp, khó khăn về hạ tầng giao thông, hệ thống truyền tải điện, dự án chiếm dụng nhiều đất trồng hoa màu, rừng và đất rừng… Như vậy, tính đến nay, tỉnh Kon Tum với diện tích gần 10.000 km2 vẫn “chỉ còn” 48 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ với công suất khoảng 500MW.

No comments:

Post a Comment