Friday, March 8, 2013

Bài học “Sông Tranh 2” tái diễn tại "Cát Tiên" hay "Sông Đồng Nai"?


Bài học “Sông Tranh 2” tái diễn tại "Cát Tiên" hay "Sông Đồng Nai"?

SGTT 
LTS: Sau bài viết Để cứu lấy rừng Cát Tiên tôi chấp nhận đánh đổi... trên SGTT số ra ngày 8.10.2012, thông tin từ bạn đọc dồn dập đổ về tòa soạn với nội dung ủng hộ ThS Nguyễn Huỳnh Thuật, người đã dũng cảm đưa vấn đề bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên trước mối đe dọa từ thủy điện lên các vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước. Ở đây, vấn đề “đánh đổi” rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh, lấy thủy điện một lần nữa được thổi bùng lên sau bài học đắt giá Sông Tranh 2. Xin dành toàn bộ trang Góc nhìn Bạn đọc kỳ này để nói thêm về chủ đề này.

Bảo vệ rừng Cát Tiên

Vườn Quốc gia Cát Tiên đang được xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới.Ảnh: Xuân Chinh
Câu chuyện ThS Nguyễn Huỳnh Thuật bị yêu cầu tường trình, kiểm điểm vì lá thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ, và Chủ tịch nước nhằm bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên không bị hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A xâm hại như một liều “thuốc muối” rắc lên vết thương còn đang âm ỉ từ dự án thủy điện Sông Tranh 2 trước đó.
Giữa cuối tháng 8.2012, báo Thanh Niên cùng Thông tấn xã Việt Nam đưa tin thực trạng người dân Cà Mau phá hàng trăm hécta rừng tràm U Minh để… nuôi tôm sú gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái, an ninh nguồn nước ngọt. Thực tế, phá rừng “làm kinh tế” đã là chuyện “toán cũ chưa đáp số” của Việt Nam. Tính riêng khu vực Tây Nguyên, từ năm 2007 – 2011, diện tích rừng đã bị mất khoảng 130.000ha, trong đó rừng tự nhiên mất hơn 100.000ha và rừng trồng giảm 22.000ha. Điều này, trong bối cảnh Việt Nam đang bị ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất và thậm chí là an ninh của người dân do các vấn đề lũ lụt, bão, sạt lở, bồi lấp, ngập úng, động đất…
Việc xây dựng các nhà máy thủy điện tại Việt Nam hiện nay đang gặp phải vấn đề “lợi bất cập hại” bắt nguồn từ công tác khảo sát, nghiên cứu, đo đạc chất lượng công trình hay dự báo rủi ro còn quá kém. Bài học gần nhất là việc dự báo cường độ kháng nén của đập thủy điện Sông Tranh 2. Trong khi tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết công trình thủy điện Sông Tranh 2 có sức chịu đựng động đất ở mức 5,5 độ Richter, thì chính ông Lê Huy Minh, trưởng đoàn khảo sát của viện Khoa học công nghệ lại nhận định “nước đôi” rằng: “Động đất cực đại theo thiết kế đập thủy điện Sông Tranh 2 là cấp 8 nhưng liên quan đến chất lượng thi công thì chúng tôi không trả lời được”.
Hiện bài học Sông Tranh 2 vẫn còn ám ảnh khi công trình này được xây lên đã vô tình treo mạng sống người dân dưới một cột nước khổng lồ vì dự báo chất lượng kém, thiếu tính chính xác xuất phát từ yếu tố thiếu minh bạch trong quá trình giám sát chất lượng công trình thi công. Tuy nhiên, dường như chỉ bấy nhiêu ở Sông Tranh 2 vẫn chưa đủ để nhiều ban ngành cùng chủ đầu tư phải suy nghĩ, thậm chí đến khi ThS Nguyễn Huỳnh Thuật với vai trò phòng bệnh đã cung cấp nhiều dự báo rất đáng lo thì dường như các ban ngành liên quan vẫn cứ làm lơ. Vốn không chỉ là một nhà khoa học, mà gần gũi hơn, ông còn là một cán bộ lâm nghiệp am hiểu về rừng.
Ông thẳng thắn cảnh báo rằng “vườn quốc gia Cát Tiên đang là nơi UNESCO nghiên cứu để công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, nếu có thủy điện thì điều này khó xảy ra. Nơi đây làm thủy điện khá nhạy cảm vì tập trung khá nhiều loài động vật đặc hữu, thậm chí rất quý hiếm. Nơi dự kiến làm thủy điện cũng là nơi mà không gian văn hóa, di sản Óc Eo, mà chúng ta còn chưa khám phá hết. Yếu tố ảnh hưởng đời sống các dân tộc cư ngụ xung quanh khu vực này cũng chưa được tính đến.” Hơn thế nữa, vô tình hay hữu ý, ThS Thuật nhắc lại bài học Sông Tranh 2 vừa mới xảy ra: “Khi anh thực hiện một dự án mà chưa đánh giá được hết hậu quả của nó là điều không thể chấp nhận được”.
Thực tế, trước khi các dự báo về ảnh hưởng của dự án thủy điện đến rừng của ThS Thuật được đưa ra thì Việt Nam cũng đã chứng kiến không ít các sự việc tương tự. Điển hình như tháng 3.2012, chi cục Lâm nghiệp Bình Định thống kê đã có đến 301,25ha diện tích các công trình thủy điện ở Bình Định ảnh hưởng đến rừng và đất rừng. Trước đó, năm 2010, dư luận đã lên án các dự án thủy điện tại Lâm Đồng khi những con số trong báo cáo khoa học về quản lý ô nhiễm môi trường của sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng cho thấy việc “đánh đổi” giữa thủy điện và đất rừng, đất nông nghiệp và môi trường là bất đối xứng. Báo cáo “định lượng” rất rõ rằng để có 1MW điện từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phải mất 16ha rừng.
“Lý thuyết trò chơi” (game theory – bắt đầu được thảo luận vào năm 1713 bởi James Waldegrave) đã chỉ ra rất rõ các trường hợp rủi ro từ thấp đến cao trong các lựa chọn. Việc lựa chọn giữa thủy điện và rừng sẽ xuất hiện nhiều tranh cãi khi cả hai đều có những lợi ích lẫn rủi ro nhất định. Thế nên, khi áp dụng “lý thuyết trò chơi” vào việc chọn lựa rừng hay thủy điện là cả một công trình nghiên cứu phức tạp, trong đó đề cập chi tiết các yếu tố được và mất để con người có thể lựa chọn và đánh đổi. Nếu áp dụng tốt thuyết trò chơi, lợi ích từ phương án lựa chọn sẽ là tối ưu và rủi ro là tối thiểu. Từ đó giúp con người có thể hành xử đúng mực. Câu chuyện rừng và thủy điện ở vườn quốc gia Cát Tiên, cho đến lúc này, nếu áp dụng “lý thuyết trò chơi”, việc chọn lựa thủy điện là một sự đánh đổi dường như thất bại.
Điều đáng nói ở đây chính là “người thắng không vui, người thua không phục”. Cuộc đấu tranh của ThS Thuật gặp quá nhiều khó khăn khi những lá thư với tư cách là một công dân Việt Nam trình lên Thủ tướng, Chủ tịch nước nhằm cứu rừng lại khiến ông rơi vào tội “chống lệnh trên”, và bị khiển trách. Sẽ rất khó kiếm một người có tâm không chỉ ở nghiên cứu mà còn là thực tiễn, sẵn sàng “đánh đổi… để làm theo lương tâm, tiếp tục ủng hộ việc bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên”. “Thuốc muối” mang tên “ThS Thuật và vườn quốc gia Cát Tiên” để chữa trị cho vết thương Sông Tranh 2 sẽ khiến vết thương càng đau đớn, nhưng sau đó, hy vọng “vết thương” sẽ chóng lành.
Đỗ Thiện
Xây dựng thủy điện sẽ hại đến tài nguyên và môi trường rừng
Trên trang web http://www.cattiennationalpark.vn, lãnh đạo vườn Cát Tiên đã cho đăng thông tin: “Ý kiến của vườn quốc gia Cát Tiên về việc xây dựng hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A trên sông Đồng Nai”. Thông báo viết: “Việc xây dựng thủy điện sẽ làm thay đổi dòng chảy, chế độ ngập nước của hệ thống sông Đồng Nai và các bàu đầm, đặc biệt là khu Bàu Sấu (đã được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Thông qua đó, sẽ ảnh hưởng đến sinh cảnh và môi trường sống của các loài động thực vật. Bên cạnh đó, việc xây dựng thủy điện sẽ làm mất diện tích đất rừng. Do vậy, chúng tôi khẳng định là việc xây dựng thủy điện sẽ ảnh hưởng có hại đến tài nguyên và môi trường rừng”.
Vậy có nên xây dựng thủy điện hay không? Theo thông báo, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Nếu diện tích rừng bị mất từ 50ha trở lên thì phải trình Quốc hội quyết định (NQ 49/2010/QH12 ngày 19.6.2010). Cơ sở khoa học để quyết định vấn đề này là bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), được biết đang được viện Môi trường và tài nguyên thuộc trường đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện. Hiện Thủ tướng đang giao cho bộ Tài nguyên và môi trường xem xét thẩm định theo luật Đa dạng sinh học và nghị quyết 49/2012/QH12. Dựa vào ĐTM, hội đồng thẩm định sẽ cân nhắc giữa những lợi ích về kinh tế – xã hội và những thiệt hại về môi trường, cũng như những giải pháp hạn chế và khắc phục thiệt hại nếu xây dựng thủy điện.
Công chức góp ý, đề xuất cũng không được vượt cấp
Đối với trường hợp ThS Nguyễn Huỳnh Thuật, ngày 9.10, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Ngọc Thanh, trưởng phòng tổ chức hành chính vườn quốc gia Cát Tiên, nói: “Công dân có thể làm tất cả những gì pháp luật cho phép nhưng công chức phải tuân thủ các quy định của cơ quan. Công chức muốn đề xuất, góp ý gì cũng phải có trình tự rõ ràng chứ không thể vượt cấp, vượt thẩm quyền cho phép được. Anh Thuật là nhân viên của vườn quốc gia – nhân viên nhà nước nên tất cả các vấn đề kỷ luật phải căn cứ trên việc anh ấy có hoàn thành công việc không, có chấp hành nội quy tốt hay không. Chúng tôi sẽ không bao giờ kỷ luật tùy tiện gây thiệt thòi cho anh ấy mà căn cứ theo luật và các quy định cụ thể”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Diện, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, chỉ nói: “Tôi mới vào nhận chức giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên nên cũng mới chỉ biết Thuật là nhân viên phòng khoa học – hợp tác quốc tế. Trưởng phòng khoa học – hợp tác quốc tế có báo cáo là giao một số công việc nhưng Thuật chưa hoàn thành tốt. Hiện nay tôi chưa nhận được văn bản đề xuất kỷ luật nên cũng chưa thể nói thêm được điều gì”.
Phản hồi
Chúng tôi ủng hộ anh Thuật
• Thật sự về chuyên môn thì tôi không rành nhưng có một điều tôi biết rất rõ là rừng quốc gia Cát Tiên là tài sản thiên nhiên vô giá còn sót lại của đất nước ta. Và thủy điện mặc dù có ưu điểm là ít tốn kém so với các loại hình tạo điện khác, nhưng nó lại có tác hại không nhỏ đến hệ sinh thái và môi trường. Vì vậy, tôi cảm thấy rất quý trọng và ngưỡng mộ những gì anh Thuật đã và đang làm. Mong rằng ngày càng có nhiều trí thức dũng cảm và tâm huyết như anh. Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn quý báo Sài Gòn Tiếp Thị đã có những bài viết như thế này.
Ngọc Lan (suchalife...@yahoo.com)
• Tôi vui vì trong đời sống xã hội hiện nay vẫn còn những con người như anh Thuật. Dám cất lên tiếng nói lẻ loi, bé nhỏ của một công dân có trách nhiệm. Có lẽ sẽ là thất vọng và vô cùng mất mát nếu chúng ta làm ngơ để thủy điện khu vực vườn quốc gia Cát Tiên (thủy điện Đồng Nai 6 và 6A) được thông qua và triển khai. Xin hãy nhìn vào thực tế các thủy điện ở Quảng Nam (cụ thể là thủy điện Sông Tranh 2). Tôi mong và chờ đợi hướng xử lý của Thủ tướng và Chủ tịch nước khi hai vị nhận được tâm thư cá nhân của anh Thuật. Chúc anh Thuật sức khỏe.
Nguyễn Văn Phú (phu...@yahoo.com)
• Tôi ủng hộ anh Thuật trong sự việc này. Ngoài trách nhiệm là một nhân viên vườn quốc gia Cát Tiên, anh còn là một công dân. Tôi nghĩ, hành động gởi tâm thư lên lãnh đạo cấp cao để phản ánh ý kiến của mình để lãnh đạo hiểu đúng, hiểu rõ nhằm có quyết định chính xác là hành động dũng cảm, đáng hoan nghênh. Qua báo chí, dự án 6 và 6A từng bị đưa ra trước dư luận là sao chép báo cáo tác động môi trường, khảo sát chiếu lệ kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” và những hội thảo theo đơn đặt hàng của nhà đầu tư chỉ nhằm mục đích thực hiện bằng được dự án, bất chấp việc nguy hại cho quốc gia, cho người dân sinh sống tại khu vực dự án. Bài học “báo cáo tác động ẩu tả” của Sông Tranh 2 đang là sự kiện nóng hổi. Chính phủ và chính quyền tỉnh Quảng Nam đang phải đau đầu khắc phục hậu quả. Thiết tưởng, lúc này chúng ta phải cần rất nhiều những tâm thư, chứ không phải là kiểm điểm ngăn chận.
Vo Huu Chi (chivh@...com.vn)
http://www.baomoi.com/Bai-hoc-Song-Tranh-2-tai-dien/148/9504856.epi
Link bài gốc tại http://sgtt.vn/Ban-doc/171091/Bai-hoc-%E2%80%9CSong-Tranh-2%E2%80%9D-tai-dien.html 

No comments:

Post a Comment