Wednesday, November 21, 2012

Tuần này quyết số phận thủy điện Đồng Nai 6, 6A - NLĐO


Tuần này quyết số phận thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Thứ Hai, 19/11/2012 23:59

Ngày 19-11, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang cho biết trong tuần này, Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN-MT sẽ có cuộc họp để đi đến quyết định cuối cùng về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

“Hội đồng Thẩm định sẽ dựa trên 2 tiêu chí quan trọng là ảnh hưởng đến môi trường và Luật Đa dạng sinh học để phân tích rõ tác động của 2 dự án thủy điện này. Tinh thần hội đồng và Bộ TN-MT sẽ làm nghiêm túc, đúng quy định pháp luật và khách quan” - ông Quang nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Hội đồng Thẩm định sẽ mời bổ sung một số nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau tham gia để có đánh giá toàn diện nhất.
Nhiều cánh rừng nguyên sinh sẽ bị ảnh hưởng nếu xây hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A
Trước đó, ngày 12-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã gởi báo cáo kiến nghị của lên Bộ Chính trị, nhận định việc xây dựng hai thủy điện ĐN 6, 6A có những tác động tích cực nhất định, nhưng hệ lụy tiêu cực là rất lớn chưa thể lường trước được.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, triển khai 2 dự án này thì hệ sinh thái lưu vực sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ bị tác động nặng nề, thảm thực vật đặc trưng sẽ ngập nước, diện tích rừng quý bi mất làm thay đổi tiểu vùng khí hậu. Đặc biệt Khu Ramsar Bàu Sấu được Công ước Quốc tế công nhận chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Cát Tiên (được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng di tích đặc biệt) đang giai đoạn được UNESSCO thẩm định di sản thiên nhiên thế giới cũng có nguy cơ bị loại.
Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cũng khẳng định, việc xây dựng 2 thủy điện sẽ gây ngập lụt vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô, tác động đến sinh kế vùng hạ lưu, tác động đến đặc trưng văn hóa cộng đồng dân cư bản địa. Tỉnh này cũng lưu ý, việc khảo sát thực hiện 2 thủy điện có vi phạm Luật Tài nguyên môi trường, Luật Đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ rừng. Đồng thời, không thể xem nhẹ một hệ lụy rất lớn có thể xảy ra khiến người dân hiện đang rất lo sợ là động đất.
Cùng với văn bản của Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai gửi lên Bộ Chính trị, UBND tỉnh Đồng Nai vừa qua cũng đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị quyết định không xây dựng 2 thủy điện ĐN6, 6A. Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã nêu rõ quan điểm phản đối việc xây dựng 2 thủy điện này đến cùng.
Không chỉ tỉnh Đồng Nai, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng có văn bản gởi Cục Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường – Bộ Tài Nguyên Môi trường. Qua đó dẫn ra 8 “lỗ hổng” trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và cho rằng nếu triển khai sẽ để lại hậu quả lớn:
- Thủy điện Đồng nai 6, 6A chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong khi nó sẽ chiếm dụng diện tích trên 50 ha.
- VQG Cát Tiên thuộc quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học, theo Luật Đa dạng sinh học thì việc điều chỉnh đất của VQG để làm thủy điện là vi phạm điều 11 Luật Đa dạng sinh học.
- Diện tích rừng thực tế bị mất sẽ lớn hơn so với con số được đưa ra.
- Các giải pháp bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học đề xuất trong ĐTM 2012 là không tưởng và thiếu cơ sở thức tế để triển khai thực hiện.
- Các tình toán thủy văn và lượng bùn cát bồi lắng lòng hồ còn nhiều điều nghi ngại cần xem xét lại.
- ĐTM chưa đưa được các thông tin đầy đủ về tác động văn hóa xã hội của dự án đến từng nhóm người trong khu vức bị ảnh hưởng. Các động thái nhằm ngăn ngừa giảm thiểu tác động trong ĐTM không đầy đủ và không bảo đảm tính công bằng xã hội.
- Các tính toán về tác động của đường dây cao thế và hệ thống truyền tải điện của cả thủy điện Đồng Nai 6, 6A và động đất, động đất kích thích của 2 công trình chưa được ĐTM 2012 phân tích và nghiên cứu một cách đầy đủ.
- ĐTM cũng chưa cập nhật các thông tin liên quan đến diễn biến và quá trình mà vùng đất, tài nguyên và con người ở khu vực dự án đang được thế giới xem xét và công nhận là các di tích văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới.
 
Điều 7 Luật Đa dạng sinh học: Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học
1. Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn.
2. Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.
3. Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp; cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.
4. Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
5. Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo trái phép loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
6. Nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.
7. Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại.
8. Tiếp cận trái phép nguồn gen thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
9. Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn. 
T. Dũng

2 comments:

  1. Thùy Trang còm trên NLDNovember 21, 2012 at 9:29 AM

    20/11/2012 22:26
    Có 2 cái DA nhỏ nhoi mà vướng mắc lung tung. Ai cũng biết là lách luật, phớt lờ Quốc hội và chắc chắn có một số người Nhà nước dung túng cố bao che. Cách đây hơn năm, vụ này tưởng đã dẹp hẳn ai ngờ âm thầm tính đặt Quốc hội vào chuyện đã rồi. Trong 2 Văn bản thẩm định tài nguyên rừng của Sở NN& PTNT tỉnh Lâm Đồng số 1141/TĐ-SNN và 1142/TĐ-SNN cùng ngày 13/6/2011 đề có ghi rất rõ tại mục " 6.Một số nội dung cần lưu ý: Do diện tích đất lâm nghiệp xin thuê, xin CMĐSDĐ chủ yếu là rừng đặc dụng( hiện do VQG Cát Tiên quản lý), nên Công ty cổ phần tập đòan Đức Long Gia Lai phải lập thủ tục trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội nước CHXHCNVN về dự án, công trình quan trọng Quốc gia trìnhQuốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Công ty cổ phần tập đòan Đức Long Gia Lai tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với diện tích xin thuê và CMĐSDĐ để xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Công ty CP TĐĐLGL phải tổ chức lập hồ sơ thiết kế khai thác tận thu lâm sản trình cấp thẩm quyền phê duyệt và cấp phép khai thác tận dụng lâm sản sau khi hòan thành các thủ tục thuê đất, CMĐSDĐ theo quy định hiện hành." Chẳng lẽ Chủ đầu tư, Viện Môi trường và Tài nguyên-ĐHQG TP HCM lập ĐTM, các Bộ ban ngành liên quan không biết rõ Luật pháp như chuyên viên Sở NN&PTNT Lâm Đồng hay sao. Vướng mắc cái gì không sửa sai dẹp luôn còn lôi hai cái ĐTM cắt dán cùng những giải pháp không tưởng ra thẩm định làm gì cho ê mặt cả đám. Buồn thay.

    ReplyDelete
  2. Sáng nay tui ngồi café với 1 Kỹ sư Tư vấn thủy điện PECC1, ảnh bảo phá rừng tệ nhất là Kiểm lâm. Tui bảo, có thể như thế. Nhưng đây/lúc này là lúc đấu tranh nóng dừng dự án thủy điện xâm hại rừng. Còn bảo tồn rừng bền vững, trong đó có cơ chế quản lý và chế độ/chế tài với lâm tặc với kiểm lâm, sẽ dành để tính sau.
    Công cuộc sau cũng không kém phần gian khổ và đau khổ !!!

    ReplyDelete