Wednesday, November 7, 2012

Tóm tắt Phản biện ĐTM của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A của nhóm "Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên"

SavingCTNP - Như quý vị đã biết, ngày mai 8/11/2012 tại Khách sạn Công Đoàn – 14, Trần Bình Trọng, Hà Nội, sẽ diễn ra HỘI THẢO CÁC KHUYẾN NGHỊ QUÁ TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN THẾ GIỚI VỀ ĐẬP (WCD), trong đó có thuyết trình “Thủy điện Đồng Nai 6 &6A: Nhận xét của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) về báo cáo đánh giá tác động môi trường” của TS Lê Anh Tuấn.

Cùng thời gian trên, diễn ra một sự kiện sau đây: Tại Ballroom 3, Lầu 01, Khách sạn Melia, 44 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng tổ chức họp báo công bố thông tin về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A.

Không rõ đây là ngẫu nhiên hay chủ ý?
Trò Mèo vờn Chuột chăng?
*************

Tóm tắt phản biện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A của nhóm chuyên gia thuộc nhóm "Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên" (Love&Save Cattien Group). 

Trích lược tóm tắt phản biện: 

"Chưa tính đến cơ sở pháp lý nếu hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được duyệt cho xây dựng thì người duyệt sẽ phạm luật và cam kết quốc tế. DMT của hai dự án 6&6A được trình bày rất chi tiết những nội dung không cần thiết, rất khó đọc, có nhiều lỗi về đơn vị.
Sau đây là 10 điểm kết luận chính của báo cáo phản biện của nhóm: 1. Không nói khi khai quang số lâm sản thu hoạch cụ thể là bao nhiêu loại gỗ, bao nhiêu m3, bao nhiêu tiền và sẽ vào tay ai? (chưa kể đến nhiều loài cây thuốc, động thự vật quý hiếm chưa được điều tra kỹ sị bị mất và tuyệt chủng). 2. Chủ đầu tư sẽ được "cho không vĩnh viễn" ít nhất là 372,23 ha đất họ sử dụng: 197,63 ha cho DN 6 và 174,60 ha cho DN 6A, trong đó có trạng thái rừng hỗn giao trạng thái IIIa1, IIIa2, IIIb (rừng giàu) cho 6&6A theo thứ tự là: 92,85 ha, 71,84 ha, 4,32 ha và rừng hỗn giao tre là 100,04 ha (Theo văn bản số 228/BNN-TCLN ngày 06/02/2012 của Bộ NNPTNT gửi thủ tướng CP, trang 2/4). 3. Ngân khoản trồng lại rừng và nuôi thú rất thấp tương đương 1 đến 1,5 USD cho mỗi m2 họ sử dụng. 4. Khả năng giúp hạ nguồn chống lũ coi như không; dung tích hồ có trên mưc nước gia cường ngang vài phút lưu lượng lũ cao. 5. Bản đồ hồ chứa vùng bị ngập không có tỉ lệ không có tọa độ. 6. Không có sơ đồ thiết kế đập và chưa tính đến cũng như đưa ra các kịch bản khi có động đất tự nhiên hay động đất kích thích làm vỡ đập (đây là vùng có độ dốc cao, đia hình chia cắt mạnh, có những đứt gãy, sụt lún sâu trong lòng đất-theo GS.TSKH Lê Huy Bá). 7. Công suất máy DN 6 chỉ có 106 MW nhưng điện lượng DN 6 lại tính trên 125 MW. Lãi IRR 13% có thể trở thành lỗ 3% nếu số giờ máy chạy đúng như báo cáo chỉ có như trong ĐMT. 8. Phương pháp tính toán và mô hình mơ hồ không thể kiểm chứng được. 9. Hai dự án này nằm sát và ngay trên VQG Cát Tiên nhưng DMT không có nghiên cứu tác động ngoài vùng khai thác thủy điện (không có đánh giá ngoại vùng). 10. Mô hình Stella trade-off của nhóm cho ra kết quả lựa chọn mô hình không có thuỷ điện để tăng cường cho việc thực thi REDD+ (giữ rừng tự nhiên để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chống lại tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu), PES, Quản lý Carbon (Carbon management), cơ hội công nhận di sản thế giới và du lịch xanh, tăng trưởng xanh)

Kết luận:
Cát Tiên là một trong 200 điểm nóng về đa dạng sinh học của thế giới cùng với sự đa dạng văn hoá của 33 dân tộc anh em khác nhau trong khu dữ trữ sinh quyển Đồng Nai, là ngôi nhà xanh, là Vùng chim đặc hữu (EBA) vùng đất thấp Nam Việt Nam, là vùng nhạy cảm của nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu, là vùng bảo tồn cảnh quan và danh thắng quốc gia, là vùng bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hoá-di tích lịch sử, là vùng bảo tồn đa dạng văn hoá làm nền tảng để bảo tồn đa dạng sinh học, là vùng phức hợp Sinh quyển-Ramsar-Di sản và môi sinh hiếm quý còn lại cuối cùng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 20 triệu dân sinh sống từ 12 tỉnh thành thuộc lưu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai. Là khu vực rừng đặc dụng duy nhất của Việt Nam có thể đảm bảo chắc chắn cho du khách xem thú ban đêm nhất là Nai, Chồn, Sóc, Culi,…và xem Vượn đen má vàng vào sáng sớm trong hoang dã.
Nếu hy sinh vùng này để khai thác thủy điện thì sẽ có nhiều mất mát và chôn vùi các giá trị hữu hình (vật thể) và vô hình (phi vật thể) sẽ không thể nào nào thay thế hay bù đắp lại được.
Cát Tiên (rừng, di sản, các giá trị tri thức bản địa trong quản lý và sử dụng rừng bền vững,...) sẽ bị hy sinh và mất mát vĩnh viễn; dân cư mất nơi cư ngụ và kế sinh nhại; các loài vật trong đó có nhiều loài động thực vật trên cạn và dưới nước mất nơi trú ẩn sinh tồn và gen di truyền quý hiếm bị mất đi vĩnh viễn; ngư sinh bị đe dọa; các giá trị văn hoá khảo cổ trong không gian quần thể văn hoá Óc eo-Cát Tiên có thể bị chôn vùi mãi mãi cùng với nhiều loài động thực vật mới cho Việt Nam, khoa khọc và thế giới chưa được phát hiện-công bố; đền bù không đáng kể. Tất cả là cho các nhà đầu tư lấy thêm 212 MW từ Đồng Nai để bán kiếm lời và có thể lỗ. Phương pháp tính và độ khả thi kinh tế đáng ngờ vực. 
Lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư và tiền đóng thuế cho nhà nước mang lại từ hai thuỷ điện này từ việc phá hơn 372,23 ha rừng tự nhiên (136,98 ha rừng trong vùng lõi khu bảo tồn VQG Cát Tiên và 235,25 ha rừng phòng hộ) sẽ là quá nhỏ, làm sao có thể bù đắp lại việc giữ rừng để bán không khí, bán carbon cho thế giới, bán nước sạch cho vùng hạ lưu, cho thuê dịch vụ môi trường rừng để làm du lịch nông thôn về với rừng, học cách sống của đồng bào bản địa vùng sâu như bác Nguyễn Đức Phúc (Lâm Đồng) đã làm, lưu truyền-bảo tồn-phát huy các giá trị của hệ tri thức bản địa nhất là về cây thuốc dân tộc học và làm sao so với những mất mát lớn lao về nguồn gen quý gia, tuyệt chủng các loài trên phạm vi toàn cầu, mất mát-xói mòn về hệ tri thức bản địa nhất là hàng ngàn người Mạ khu vực dự án, suy giảm sức khoẻ-tinh thần-niềm tin trong nhân dân,…. Và model trade-off qua phần mềm stella của nhóm đã thể hiện rõ kết luận này.
Ngày càng  có nhiều các nhà khoa khọc phát hiện ra nhiều loài mới tại Cát Tiên cho khoa học và thế giới. Cụ  thể như: Thạc sĩ Vũ Huyền Trang đã khám phá và công bố 1 thứ mới (Dầu đồng) cho thực vật họ Dầu và một loài mới (Hopea recopei Pieere-So Chai) mà trước đây chưa từng được công bố. Đã phát hiện và công bố một loài nấm mới cho khoa học (Tomophagus cattienensis - Nấm hoàng chi Cát Tiên) thuộc Họ nấm Linh Chi (Ganodermataceae). Năm 2011-2012 phát hiện một loài nấm mới khác cho khoa học thuộc chi nấm hương Lentinula Earth là Lentinula platinedodes, đã có hai công trình nghiên cứu về loài nấm này được công bố trên tạp chí Sinh học và Công nghệ sinh học của Việt Nam. Hiện đang tiến hành hoàn chỉnh các nghiên cứu để công bố loài mới trên các tạp chí quốc tế về Nấm. Đặc biệt là đoàn nghiên cứu Việt-Nga (Vietnam-Russia Tropical Centre, VRTC)  cùng với Viện hàn lâm khoa học Nga (Russian Academy of Sciences) đã phát hiện và công bố 15 loài mới côn trùng đất tại Cát Tiên cho khoa học, trong đó có 3 loài mới thuộc họ Galumnidae (http://www.mapress.com/zootaxa/2010/f/z02681p034f.pdf). Nếu các hệ sinh thái rừng và môi trường sống, ngôi nhà của nhiều loài nguy cấp toàn cầu và cơ hội cho những khám phá mới cho khoa học bị phá, bị mất đi thì có giá trị kinh tế nào tính toán, bù đắp và có hậu quả, hệ luỵ nào lường trường được?!
Hơn nữa, việc chuyển mục đích sử dụng gần 400 ha rừng trong đó có 136,98 ha rừng đặc dụng mưa ẩm nhiệt đới trong vùng lõi VQG Cát Tiên và vùng lõi khu dữ trữ sinh quyển Đồng Nai để xây dựng hai công trình thuỷ điện này sẽ làm làm thay đổi và ảnh hưởng tới tiêu chí, mục tiêu (bảo tồn các hệ sinh thái rừng, cảnh quan thiên nhiên. Bảo tồn nguồn gen động thực vật quý hiếm, bảo tồn các quần thể: tê giác, voi, bò tót và các loai động thực vật quý hiếm đặc hữu khác: trà hoa vàng, 7 lá một hoa, gà so cổ hung, chà vá chân đen,… ) và nội dung xác lập VQG Cát Tiên và Khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.
Kiến nghị:
Từ những thông tin, phân tích, và các cơ sở khoa khọc trên. Nhóm “Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên” chúng tôi cùng với hơn 4.300 người ký vào kiến nghị tại http://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a đề nghị thủ tướng ra quyết định dừng xây dựng Dự án và thông báo công khai quyết định (tin vui) này để nhân dân và muôn loài ở Cát Tiên được rõ. Kiến nghị cụ thể nhóm chúng tôi cũng đã gửi đến QH và Thủ tướng theo đường bưu điện từ ngày 30.10.2012 và có đăng tại http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2012/10/kien-nghi-dung-trien-khai-va-rut-khoi.html
Kiến nghị thêm về vấn đề liên quan:
Hiện có hơn 60 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động tại lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, nhiều khu trong số này chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt chuẩn. Kết hợp với các công trình chất thải ra môi trường và đi vào dòng sông của các công trình Bâu xít, của14 thuỷ điện trên dòng sông chính Đồng Nai,… Đây là nguyên nhân chính làm suy thoái-mất mát về đa dạng sinh học, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước sông Đồng Nai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và an toàn của hơn 18 triệu dân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khu vực Đông Nam Bộ.
ỦY BAN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC HỆ THỐNG SÔNG ĐỒNG NAI (BVMTLVHTSĐN) cần có mô hình phối hợp quản lý quyết liệt và hiệu quả hơn đó là mô hình quản lý tập trung, chuyên nghiệp, có quyền hạn đủ để điều phối và ngăn chặn các hành vi làm tổn hại đến lưu vực sông Đồng Nai như rừng không bị khai thác bừa bãi, không bị chặt phá, năng lượng được khai thác hợp lý theo hướng năng lượng bền vững (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, năng lượng địa nhiệt,…), áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường,…
            Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cùng Bộ TNMT chủ đạo khẩn trương chủ trì phối hợp với Uỷ ban BVMTLVHTSĐN để mở hội thảo, mời các nhà khoa học, nhà chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực tham gia nhằm sớm hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, kiểm tra chất lượng nguồn nước liên quan đến việc bảo vệ rừng đầu nguồn, tăng cường kiểm tra thanh tra lên danh mục các cơ sở có ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, đề rà cách thức xử lý thích hợp. Đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, bổ sung các hợp phần dự án liên quan đến hệ thống lưu vực này theo "Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 theo QĐ số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 Tháng 12 năm 2007 ". Trong đó ưu tiên tập trung vào việc: Quy hoạch môi trường tổng thể-hệ thống lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; Đánh giá tác động môi trường chiến lược đối với các quy hoạch tổng thể thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và quy trình vận hành hồ chứa liên hồ của 14 thuỷ điện; Bảo vệ tốt cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái lưu vực hệ thống sông. Khắc phục tình trạng khai thác cát và chống xói lở bờ sông. Bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng trên lưu vực hệ thống sông. Nghiên cứu và đề xuất các biện pháp khả thi nhằm bảo đa dạng sinh học tại vùng hạ lưu hệ thống sông. 
Đại diện nhóm "Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên" (Love and Save Cattien Group)

Đã ký và gửi đi.
Nguyễn Huỳnh Thuật (Công bố vào thứ ba, ngày 6.11.2012)

3 comments:

  1. 4344 CHỮ KÝ :
    http://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a
    Mong quý vị ủng hộ Bảo vệ Cát Tiên tiếp tục lan tỏa, để ĐLGL và ai đó nữa không thể coi thường công luận!

    ReplyDelete
  2. DTM đánh giá ảnh hưởng của và quy trình thẩm định cho việc xây dựng dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng như Sông Tranh 2 mà thôi. Những gì mua ít tiền không được thì mua/làm được bằng nhiều tiền hơn.
    Khi hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng, tính riêng Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ bị mất ít nhất 137ha rừng đặc dụng nằm trong khu vực vùng lõi của Vườn và làm ngập ít nhất 280ha rừng phòng hộ khác thuộc 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước.
    Khi tiến hành khởi công, tiếng ồn của thuốc nổ và máy móc khi xây dựng thủy điện sẽ làm xáo trộn cuộc sống của các loại động vật. Tiếng ốn còn khiến động vật hoang dã quý hiếm bị căng thẳng, làm giảm khả năng sinh sản, phá vỡ hệ sinh thái của Vườn quốc gia Cát Tiên. Đó là chưa kể một khối lượng chất thải lớn từ hai nhà máy này sẽ được đẩy ra môi trường trong khi xây dựng cũng như đã vận hành và lòng hồ là hành lang an toàn cho việc giấu gỗ-thú rừng chìm theo lòng hồ và ra ngoài dễ dàng.
    Mặt khác khi tiến hành xây dựng các đập thủy điện ngăn nước tại thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ làm giảm lưu lượng nước, giảm diện tích đất ngập nước tại Vườn quốc gia Cát Tiên, đặc biệt là khu vực Bàu Sấu một khu Ramsar của thế giới, ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học của khu vực này đặc biệt là với các loài chim nước, chim di cư, động thực vật thủy sinh vốn là những sinh vật chịu ảnh hưởng nhiều của chế độ nước hàng năm. Từ đó sẽ chắc chắn làm mất cân bằng hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng đã hình thành từ hành triệu năm ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
    Tât cả những tác động trên của hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là quá rõ và có nhiều nhà khoa học đã chứng minh, lên tiếng nhưng sao không thấu được tim "ai"?!. Việc vi phạm luật, vi phạm công ước và cam kết quốc tế, việc làm thực sự gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan tự nhiên, làm suy thoái mà mất mát đa dạng văn hoá bản địa và đa dạng sinh học, làm suy yếu hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn của Cát Tiên, khủng bố tâm lý-tinh thần, đe doạ sức khoẻ và an toàn cho hàng triệu người dân vùng hạ lưu,... thì sao CP không sớm can đảm dừng cho xây dựng???!!!. Có điều gì ẩn khuất ở đây?
    TDT

    ReplyDelete
  3. Tin mừng, good news:
    Không triển khai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A nếu không có lợi

    SGTT.VN - Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhận được nhiều câu hỏi của ĐBQH. Văn phòng Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời các câu hỏi này của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

    Về việc rà soát quy hoạch phát triển thuỷ điện, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, từ cuối năm 2009 đến nay, UBND các tỉnh đã thống nhất loại khỏi quy hoạch 107 dự án và không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 156 vị trí có tiềm năng. Đối với các dự án đang nghiên cứu đầu tư nhưng chưa khởi công và còn thiếu thông tin, bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các tỉnh rà soát và đánh giá kỹ để có phương án điều chỉnh. Trong đó, sẽ kiên quyết loại bỏ các dự án hiệu quả thấp, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường – xã hội... Đối với các dự án còn lại, sẽ chỉ đạo tạm thời dừng khởi công xây dựng từ nay đến cuối năm 2015. Tới đây, số lượng dự án thuỷ điện trong các quy hoạch sẽ tiếp tục giảm.

    Trả lời các vấn đề liên quan đến dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện tại vẫn chưa xác định thời hạn cụ thể thẩm định, phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường. “Quan điểm của bộ là qua thẩm định, nếu thấy ảnh hưởng không có lợi về môi trường sinh thái, về xã hội… thì không nên triển khai thực hiện dự án”.
    ..........
    HÀ GIANG

    ReplyDelete