Wednesday, September 25, 2013

Thơ, văn, nhạc, họa cùng lên tiếng bảo vệ màu xanh, bảo vệ thiên nhiên.

Khi hội họa và âm nhạc cùng lên tiếng vì môi trường

Họa sĩ Trung Nghĩa và nhóm guiHANGtar với chương trình “Giấc mơ cao nguyên-giao thoa âm và sắc” ủng hộ phong trào “ Nói KHÔNG với sừng tê giác” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cuối tuần qua được đông đảo công chúng, đặc biệt là giáo sư Trần Văn Khê và nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá khá cao về giá trị nghệ thuật.
Cơ duyên với hội họa
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Ban Mê Thuột, nơi cội nguồn của những bản hùng ca Tây Nguyên giữa núi rừng bao la, Trung Nghĩa sớm cảm nhận được những đau thương mà thiên nhiên phải gánh chịu do bàn tay con người tàn phá. Từ những mảng rừng xanh ngút ngàn chỉ còn trơ trọi cỏ dại, đất đá đến những động vật, chim chóc cũng dần mất đi theo năm tháng.
Con đường đến thành công của Trung Nghĩa là cả một quá trình mà ở đó những cảm quan về nghệ thuật của họa sĩ trẻ này là không có điểm dừng. Từ một anh kiến trúc sư đến một nhạc sỹ với những bài hát thị trường rồi những chuỗi ngày kinh doanh nhưng thất bại. Tất cả điều đó là những lý do đưa chàng trai gốc Tây Nguyên này quay lại với hội họa như mơ ước của anh thuở bé.
Trung Nghia
Họa sĩ Trung Nghĩa (người đứng), giáo sư Lê Tuyên (áo đen-ngồi giữa) và nghệ sĩ Salil (phải) 
Ý tưởng những bức tranh của Trung Nghĩa nhen nhóm từ những lần anh sang Nhật. Ở đây, Nghĩa thấy ý thức bảo vệ môi trường của người Nhật rất cao, họ có tầm nhìn xa trong việc yêu mến thiên nhiên và bảo vệ động vật. Vì thế, Nghĩa bộc bạch: “Ngày nhỏ tôi sống ở Tây Nguyên, tôi vẽ thiên nhiên chỉ mong nhắc nhở mọi người vẻ đẹp của núi rừng, của muông thú. Tôi muốn gửi đi giấc mơ về một vùng đất thanh bình xinh đẹp trong trí tưởng tượng của nghệ sĩ - giấc mơ cao nguyên”.
Việc Trung Nghĩa tự mày mò tìm kiếm những chất liệu của chính vùng Tây Nguyên như đất đá, trái cây rừng tạo màu rồi sau đó kết hợp với những chất dẫn cháy, chất hóa học, keo màu tạo nên một sự khác biệt lớn trong hội họa. Nghĩa đã dùng chính những thứ tàn phá động vật, môi trường để vẽ nên nỗi sợ hãi của con báo, đàn sếu đỏ ngơ ngác hay nỗi đau của con tê giác cuối cùng bị sát hại trở nên sinh động và thật sự có hồn.
Theo Nghĩa: “Những chất liệu lấy từ thiên nhiên bao giờ cũng thật và gần gũi với con người hơn, đồng thời nó vừa có gì đó bí ẩn lại vừa riêng biệt".
Giao su Tran van Khe
Giáo sư Trần Văn Khê (áo xanh) tới dự buổi triển lãm
Có ai biết được rằng để có được thành quả là hơn 20 bức tranh cho buổi triển lãm, Trung Nghĩa đã dành thời gian hơn một năm trời, tất cả các công việc cũng như dự định đều được Nghĩa gác lại. Hầu hết thời gian suốt hơn một năm đó, với Nghĩa chỉ là vẽ và vẽ với biết bao khó khăn và nguy hiểm khi phải liên tục tiếp xúc với chất nổ, chất cháy và chất hóa học. Chính sự đam mê đã giúp chàng trai trẻ vượt qua và khẳng định được tài năng của bản thân.
Sự kết hợp hoàn hảo
Trung Nghĩa gặp giáo sư Lê Tuyên (giảng viên âm nhạc đại học quốc gia Úc) và Salil Sachdev (giảng viên âm nhạc đại học Bridgewater - Mỹ) trong một dịp hai giáo sư về Việt Nam biểu diễn âm nhạc tại Nhạc viện TP.HCM cách đây vài năm.
Từ bức tranh đầu con tê giác vẽ bằng chì được Trung Nghĩa giới thiệu, giáo sư Lê Tuyên là người đã động viên Trung Nghĩa nên dùng chính những chất liệu của Tây Nguyên để tạo nên dấu ấn của bản thân và Trung Nghĩa đã quyết định liều một phen. Anh đã bỏ ra 2 năm để sáng tác nên một cách vẽ mới (gọi là kỹ thuật vẽ pyroraphy). Kỹ thuật vẽ này là dùng bút lửa kết hợp với hơ giấy vẽ trên đèn dầu để lấy muội khói đậm và dùng chất gây cháy rải lên những vị trí theo ý muốn.
Le Tuyen
Giáo sư Lê Tuyên( phải) và nghệ sĩ Sali Sachdev song tấu Giã từ núi rừng
Công việc này khiến Nghĩa mất khá nhiều công sức và đáp lại lần lượt những bức tranh sống động ra đời. Mỗi khi Trung Nghĩa hoàn thành một bức họa,  anh chụp hình lại và gửi ngay sang Úc cho giáo sư Lê Tuyên. Thấy được niềm đam mê và khả năng tiềm tàng của Trung Nghĩa nên giáo sư Lê Tuyên hết lòng ủng hộ anh tiếp tục sáng tác.
Với “ Tiếng gọi của núi rừng; Cao nguyên thơ mộng; Dạ khúc; Giã từ núi rừng; Hãy đến bên nhau; Ánh trăng và Vị thần của Tây Nguyên” kết hợp trên nền của những bức tranh, Lê Tuyên và Sali Sachdev đã đưa khán giả đến đỉnh cao của những dư vị cảm xúc mang hơi hướng Tây Nguyên. Tất cả những ca khúc, bản phối được giáo sư Lê Tuyên sáng tác cho buổi triển lãm được anh tiết lộ chỉ dành để biểu diễn chứ hoàn toàn không mang hơi hướng thương mại.
Những bài độc tấu hay song tấu guitar của Lê Tuyên phối khí cùng với những nhạc cụ được nghệ sĩ Salil Sachdev phát triển dựa trên tiếng cồng chiêng Tây Nguyên thực sự mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ, thứ âm thanh lúc êm đềm, lúc lại bi thương ai oán như tiếng gào thét đau thương của những loài động vật và rừng xanh do bàn tay con người tàn phá.
Giáo sư Salil Sachdev một người chuyên nghiên cứu về bộ gõ, trong đó có “hang” ( một loại trống của Ấn Độ, có âm thanh gần giống tiếng cồng chiêng Tây Nguyên). Hai người đã quyết định lập ra nhóm song tấu “guiHANGtar”. Nghệ sĩ Salil Sachdev cũng đang tìm hiểu về bộ gõ của Tây Nguyên và hiện đang nghiên cứu về cồng, chiêng.
Khi được giáo sư Lê Tuyên giới thiệu về những bức tranh của Trung Nghĩa lấy ý tưởng từ vùng đất Tây Nguyên và tỏ ý muốn kết hợp giữa 3 người để cùng làm chương trình giao thoa âm và sắc. Nghệ sĩ Salil ngay lập tức nhận lời và bàn kế hoạch cùng Lê Tuyên sang Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn.
Để có kinh phí cho 3 ngày triển lãm, ngoài sự giúp đỡ của nhóm nhạc “guiHANGtar” và Hội bảo vệ động vật và thiên nhiên hoang dã (WWF), Trung Nghĩa đã bỏ tiền túi hơn 200 triệu đồng. Được biết, đây là buổi triển lãm đầu tiên của họa sĩ trẻ này.
Một số tác phẩm nổi bật của họa sĩ Trung Nghĩa được triển lãm trong chương trình:
vu khuv ban chieu
 Vũ khúc ban chiều( khói lủa và đất trên giấy)
 san moi
 Săn mồi (lửa, chất nổ và chì màu trên giấy)
 te voi
 Lễ hội tế voi (lửa trên giấy)
 Trung Nghia
 Không biết, không nghe, không thấy (chì màu và xác chì trên giấy)
 giao nui cao
 Gió núi cao (lửa khói và chất dẫn cháy)
 sao la
 Bước nhảy của sao la (lửa trên giấy)
 doi mat
 Đôi mắt non cao (lửa khói và đất trên giấy)
 một mình
 Một mình (khói, lửa, chì màu và đất trên giấy)

3 comments:

  1. Trung Nghĩa xin cảm ơn các anh chị SCT đã góp phần giúp đỡ, động viên, truyền lửa để Trung Nghĩa và nhóm Call of The Moutain Forest tiếp tục bước đi trong từng chặng đường dự án. Trung Nghĩa xin cảm ơn cảm ơn WWF Việt Nam, hội yêu động vật, Nhóm Saving Cat Tien (SCT),... cùng các hội đoàn yêu mến môi trường và mong một Việt Nam tốt đẹp hơn đã chung tay, cầu nguyện, khích lệ chúng tôi...

    ReplyDelete