Saturday, September 7, 2013

TÍNH TOÁN >< TOAN TÍNH !??

Phát triển thủy điện, nhìn từ Sông Tranh 2 06/09/2013, 03:45:18 PM (GMT+7)

(Vfej.vn)-Từ kết quả nghiên cứu “Thủy điện Sông Tranh 2: Bài toán về chi phí môi trường và xã hội”, các chuyên gia thủy điện cho rằng cần phải nhìn nhận đa chiều về những tác động tích cực – tiêu cực của các công trình thủy điện để lường trước được những rủi ro mà thủy điện có thể gây ra cho môi trường và xã hội.

>> Thủy điện len lỏi vào cả vùng đất nhạy cảm
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Điều hành Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước&Thích nghi Biến đổi Khí hậu – thành viên Liên minh Năng lượng, khẳng định sự phát triển thiếu kiểm soát, quy hoạch và quy trình xây dựng không được tuân thủ nghiêm ngặt và vì chạy theo lợi ích trước mắt, thủy điện đã gây ra nhiều tác động lớn đến môi trường, sinh thái các lưu vực sông và tác động đến sinh kế cộng đồng chịu tác động và cả những rủi ro, thách thức đối với sự an toàn của cộng đồng khu vực hạ lưu. 


Nhìn từ Sông Tranh 2
Thay mặt nhóm nghiên cứu điển hình trường hợp “Thủy điện Sông Tranh 2: Bài toán về chi phí môi trường và xã hội”, bà Hoàng Thanh Bình, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – cơ quan điều phối Liên minh Năng lượng, cho biết tháng 11/2010 các trận động đất đầu tiên xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên dòng chính sông Tranh thuộc hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Từ đó đến nay các trận động đất thường xuyên xảy ra xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2. 
Những trận động đất đó đã làm 856 ngôi nhà và 8 công trình trong huyện Bắc Trà My bị nứt. Chi phí hỗ trợ thiệt hại nhà cửa sau động đất là 5,5 tỷ đồng. Sau đó Viện Vật lý Địa cầu phải lắp đặt năm trạm quan sát động đất tạm thời trên địa bàn các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, và Tiên Phước. Ngoài ra, các ban ngành đã phát 10.000 tờ rơi về hướng dẫn và phòng tránh giảm nhẹ động đất; lên phương án xây dựng các kịch bản và phương án ứng phó khi xảy ra sự cố động đất mạnh trên 6 độ richter và vỡ đập, có thể tính đến phương án di dời toàn bộ người dân ở vùng hạ lưu. 

Mặc dù đã có sự hỗ trợ của ban quản lý dự án (2 – 4 triệu đồng) cho mỗi hộ do thiệt hại động đất gây ra nhưng nhiều hộ cho rằng họ không muốn sửa nhà vì động đất vẫn tiếp tục xảy ra và nhà tiếp tục bị nứt nẻ, có sửa chữa hoàn toàn không có ý nghĩa.

Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư 1.046 (834 hộ huyện Bắc Trà My và 212 hộ Nam Trà My) tổng chi phí xấp xỉ 500 tỷ đồng đồng. Theo báo cáo của UBND xã Trà Bùi, tỷ lệ hộ nghèo của xã tăng từ 0,4% năm 2012 lên 8,76% năm 2013. Nguyên nhân là do đa phần các hộ đồng bào thiểu số sau 4 – 6 năm tái định cư đã trở nên tái nghèo khi số tiền có do bồi thường tái định cư đã được sử dụng hết.

Một cán bộ xã Trà Bùi cho biết nhà tái định cư được xây dựng mà không có sự giám sát của người dân, chính quyền địa phương xã. Ban quản lý dự án chọn nhà thầu sau đó để tự họ xây dựng nên bây giờ có những khu vực nhà dân xuống cấp trầm trọng. Nhà chất lượng kém nên khi xảy ra động đất, nhà nứt nhiều hơn còn ban quản lý dự án thì cứ đổ lỗi cho động đất.

“Vất vả, cực khổ mấy cũng không sợ nhưng từ khi có thuỷ điện ở đây, chúng tôi rất hoang mang, sợ hãi”, L.T.N (67 tuổi ở thôn 2, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My).

Theo kết quả thảo luận của nhóm người dân tái định cư ở xã Trà Bùi, nhiều hộ sau bồi thường không trở về khu tái định cư mà lại vào rừng sâu hơn khai hoang làm nhà, ảnh hưởng đến việc quản lý nguồn nhân lực của địa phương cũng như cản trở việc học hành của các em nhỏ.

Theo kết luận của nhóm nghiên cứu, nhiều chi phí thực tế (chi phí giảm thiểu rủi ro, phục hồi sinh kế của người dân địa phương hoặc chi phí bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học) đã không được tính toán kỹ lưỡng và chi trả đầy đủ.

Đến những vụ đền bù do vỡ đập
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên cả nước có gần 7.000 công trình hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi. Những sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong giai đoạn vận hành thử thường tập trung ở các công trình có quy mô nhỏ, do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư. Điển hình là thuỷ điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bêtông, thuỷ điện Đăm Bol-Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực, thuỷ điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum) vỡ đập khi thi công, thuỷ điện Ea Súp 3 (Đắc Lắc) bị vỡ bể áp lực trong quá trình chạy thử, thuỷ điện Ia Krel 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước. 

Thủy điện Ia krêl 2 có công suất thiết kế 5,5MW, do Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long – Gia Lai làm chủ đầu tư với tổng kinh phí đầu tư 120 tỷ đồng. Do thi công sai thiết kế cống dẫn dòng, rạng sáng 12/6, bờ đập thủy điện đã bị vỡ toang.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tổng giá trị thiệt hại do sự cố vỡ đập gây ra là 3 tỷ 588,230 triệu đồng (không tính thiệt hại công trình thủy điện).

Báo Phụ nữ TP HCM hôm qua đưa tin Công ty Cổ phần&Thủy điện Bảo Long-Gia Lai (chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Kêl 2) đã thống nhất mức đền bù 1,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 143 hộ dân bị ảnh hưởng do sự cố vỡ đập xảy ra hồi tháng 6/2013. Riêng phần diện tích đất bị xói lở, vùi lấp chưa thống nhất được giá cả nên có chín hộ chưa đồng ý ký.
Hồi tháng 5/2013, đập thủy điện Vĩnh Hà ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) bị vỡ đê bao kỹ thuật sau sáu tháng xây dựnggây thiệt hại gần 20 tỷ đồng cho chủ đầu tư. Dự án thủy điện Vĩnh Hà do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng&Thương mại Quốc tế ICT thực hiện, công suất 21 MW, tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng. 

Do chi phí tốn kém, trong khi cơ quan thẩm định, giám sát lại thiếu năng lực và buông lỏng nên nhiều chủ đầu tư đã ăn bớt, làm sai quy trình, sai thiết kế nên thân đập yếu, gặp một trận mưa lớn hay lũ cuốn là vỡ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, một số chủ đập thủy điện nhỏ chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn. Có đến 114/166 đập đã đến hoặc quá kỳ kiểm định tính toán lại dòng chảy lũ, nhưng hiện mới có 45 đập đã thực hiện xong trong lúc có 76 thủy điện chưa xây dựng phương án bảo vệ đập. Trong khi đó, hiện cả nước có 317 hồ bị hư hỏng công trình đầu mối, gồm 120 hồ trọng điểm cần quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, tập trung các nhóm hồ có dung tích dưới 3 triệu mét khối.

Thận trọng

Thời gian qua đã xảy ra những sự cố nghiêm trọng đối với một số dự án thủy điện vừa và nhỏ gây thiệt hại rất lớn, khiến cho người dân lo lắng. Nguyên nhân là do các địa phương đã làm thủy điện một cách dễ dãi, nóng vội. Chủ đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ phần lớn không có kiến thức, muốn giảm giá thành nên cố tình làm sai thiết kế, sai quy trình khiến cho công trình chất lượng kém - ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo về Xây dựng các Dự án thủy điện ở Tây Nguyên, trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet ngày 22/8/2013.
Trước những mối lo rủi ro có thể gây ra cho môi trường và xã hội mới đây Bộ Công Thương đã đề xuất loại bỏ 338 dự án và không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện. Các dự án, vị trí tiềm năng thủy điện bị loại bỏ đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, nhà đầu tư trả lại do không khả thi hoặc không có ai quan tâm... 
Ông Lê Quang Huy, Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường của Quốc hội, cho biết hiện trên cả nước còn 899 dự án thủy điện với tổng công suất 24.880 MW, trong đó 260 dự án đã vận hành khai thác, 211 dự án đang thi công xây dựng, 266 dự án đang nghiên cứu, và 162 dự án chưa có chủ trương đầu tư. 
Một số vấn đề về an toàn đập được đại diện Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cảnh báo trên thế giới đã xảy ra nhiều vụ vỡ đập gây tổn thất lớn về người và của. Vụ vỡ đập Bản Kiều ở Trung Quốc năm 1975 làm 171.000 người chết, tổn thất hàng tỷ USD. 
Theo Hiệp hội các Viên chức An toàn Đập Quốc gia Hoa Kỳ, nguyên nhân vỡ đập được chia thành bốn nhóm do tràn qua đỉnh (34%); hư hỏng nền và sạt mái dốc (30%); xói ngầm (20%); và 16% do các nguyên nhân khác như thi công kém, bảo dưỡng không đầy đủ, v.v… 

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thủy điện đứng trước nhiều thách thức và rủi ro hơn, đặc biệt là an toàn đập và an toàn hạ du cần được nhìn nhận và tiến hành sớm những nghiên cứu toàn diện để có thể đưa ra được biện pháp bảo đảm an toàn công trình và hạ lưu – ông Tứ khuyến nghị.

Những thách thức và rủi ro phát triển thủy điện trong điều kiện biến đổi khí hậu cần được nhìn nhận và tiến hành sớm những nghiên cứu toàn diện để đánh giá những thách thức và rủi ro của đập thủy điện để đưa ra chiến lược đúng cho phát triển thủy điện – nguồn tài nguyên thiên nhiên liên quan mật thiệt với cuộc sống của con người và của đất nước.

Thủy điện gắn với nguồn nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên liên quan mật thiết với cuộc sống của con người và của đất nước. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng thủy điện cần phải được phát triển thận trọng, bền vững và vì lợi ích của tất cả.


Minh Phúc

No comments:

Post a Comment