Tuesday, September 24, 2013

Thủy điện từng được cho là nguồn năng lượng sạch, nhưng quan niệm này là sai lầm!

Đập thủy điện - nhân tố tác động đến biến đổi khí hậu

Những tác động xã hội và môi trường do xây dựng, vận hành đập thủy điện, hiện đang nhận được sự quan tâm của giới khoa học và các nhà quản lý trên thế giới cũng như trong nước. Bài viết nhằm làm sáng tỏ mối liên hệ giữa hoạt động kinh tế này với những tác động biến đổi khí hậu (BĐKH). Trên cơ sở đó, đề xuất một số khuyến nghị tới các nhà quy hoạch và quản lý cũng như các bên có liên quan cân nhắc về việc phát triển thủy điện trong tương lai.
Đập thủy điện và mối liên quan đến BĐKH
Theo Quy hoạch phát triển thủy điện cả nước đến năm 2015 có xét đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đến năm 2015 khoảng hơn 18.000 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm trên 80 tỷ KWh. Trong đó, riêng 9 hệ thống các sông: Lô - Gâm, Đà, Mã - Chu, Cả, Vu Gia, Ba, Sê San, Srepok và Đồng Nai đã được quy hoạch phát triển các nhà máy thủy điện có tổng công suất khả dụng 15.383 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 63,87 tỷ KWh (chưa kể các nhà máy thủy điện nhỏ tái tạo). Các nhà máy thủy điện của 4 hệ thống sông Đà, Đồng Nai, Sê San và Vu Gia có tổng công suất lắp đặt 12.214 MW, sản lượng điện trung bình 50,38 tỷ KWh/năm.
Đến nay, chưa kể các nhà máy thủy điện nhỏ, 11 nhà máy thủy điện hiện có trên các hệ thống sông Đà, Đồng Nai, Lô - Gâm, Sê San, Sông Ba và Vu Gia đang hoạt động với tổng công suất lắp đặt là 4.153 MW, cung cấp cho đất nước trung bình mỗi năm trên 18,06 tỷ KWh, đứng thứ 2 sau sản lượng do các nhà máy điện chạy khí thiên nhiên sản xuất. Trong số đó, đáng kể nhất là các nhà máy thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Trị An, Yaly, Hàm Thuận - Đa My... từng giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc cung ứng điện cho đất nước những năm đầu đổi mới.
Tác động của đập thủy điện liên quan đến BĐKH
Có thể nói, trước những năm 1950, hầu hết mọi người đều đánh giá các mặt tích cực của các hồ chứa nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xây dựng hồ chứa nước, đặc biệt các hồ có dung tích lớn, vừa mang đến lợi ích cho nhiều ngành nhưng cũng để lại một số hậu quả tiêu cực cho xã hội, mà người gánh chịu thường là người dân sống trong vùng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phải trả giá đắt vì các đập nước thủy điện.
Thời gian gần đây, mối quan ngại về những tác động tiêu cực hiện hữu cũng như tiềm ẩn về xã hội và môi trường của các đập thủy điện đã được nhiều nhà khoa học cũng như các nhà chức trách ở một số quốc gia lên tiếng và hành động. Hiện nay, một số nước đã chấm dứt việc xây đập làm thủy điện, thậm chí có nơi còn chấp nhận tốn tiền để phá bỏ như trường hợp của Mỹ, Nhật. Trong khi đó, Việt Nam lại dẫn đầu về thủy điện trong khu vực Đông Nam Á.
Ở Mỹ, từ những năm 90, đích thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Bruce Babbitt, với chiếc búa tạ trong khi đi thị sát các đập thủy điện đã bổ những nhát búa đầu tiên mở màn cho chiến dịch phá bỏ các đập thủy điện để mở đường cho các con sông chảy tự do. Một nhà lãnh đạo quốc gia đã nhận ra cái giá phải trả do tác động xấu của các đập thủy điện gây ra, không chỉ làm mất đi những hệ sinh thái quan trọng mà còn mất nguồn sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư. Dự kiến đến năm 2020, các đập nước khổng lồ của Mỹ sẽ được phá bỏ để trả lại dòng sông như nguyên trạng lịch sử của nó. Đây là dự án phá bỏ đập thủy điện lớn nhất thế giới với tổng chi phí lên tới 450 triệu đô la Mỹ.
Tại Nhật Bản, theo Hãng tin Kyodo News, ngay sau khi vừa thắng cử vào tháng 9/2009, chính quyền của tân Thủ tướng Yukio Hatoyama đã ngừng ngay 48 trong số 56 Dự án xây đập thủy điện, thủy lợi trên toàn nước Nhật. Trong số các dự án bị hủy bỏ, nổi bật nhất là Dự án xây đập Yamba có chi phí dự kiến lên đến 5 tỷ đô la Mỹ và hiện đã hoàn tất 70%.
Đập thủy điện góp phần phát thải khí nhà kính
Ở Việt Nam, các nhà khoa học và quản lý cũng đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo về tác động tiêu cực của đập thủy điện. Theo các chuyên gia, nếu tính theo quan điểm tài chính, nghĩa là đồng vốn bỏ vào đầu tư xây đập, làm hồ, xây nhà máy, đền bù cho dân phải rời nơi sinh sống tới một nơi xa lạ để tái định cư thì giá thủy điện rẻ gấp nhiều lần so với nhiệt điện hoặc các dạng điện năng khác. Thế nhưng việc mất rừng nhiệt đới, mất đa dạng sinh học, làm giảm sút hệ thủy sinh, mất những loài cá di cư đẻ trứng vùng thượng nguồn, xói lở ở dòng sông, mất những vùng đập nước… nhất là những khó khăn về xã hội do di dân thì chắc chắn việc đầu tư thủy điện là không rẻ.
Thủy điện từng được cho là nguồn năng lượng sạch, nhưng quan niệm này là sai lầm, chúng góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính - khí mêtan (CH4), một loại khí nhà kính rất mạnh. Đã có những công trình nghiên cứu cho thấy, nếu xét ở khía cạnh phát thải khí mêtan, đôi khi thủy điện lại ô nhiễm hơn là nhiệt điện. Hồ chứa đập thủy điện có thể sản sinh ra một lượng đáng kể khí mêtan và điôxit cácbon (CO2). Khí mêtan được sinh ra chủ yếu do vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện ít hoặc không có ôxy. Xác động, thực vật bị ngập chìm dưới lòng hồ, phân hủy trong môi trường yếm khí hình thành nên mêtan. Do hệ thống ống dẫn nước cho các tua-bin thủy điện thường được đặt sâu dưới đáy hồ, dưới điều kiện áp suất cao, khí mêtan trong nước dễ dàng thoát ra ngoài. Theo báo cáo của Ủy hội Đập Thế giới, ở nơi nào mà hồ chứa là khá lớn so với năng lực của đập (dưới 100 W/m2 diện tích bề mặt) và không có sự phát triển trở lại của bất cứ loài thực vật nào đã bị phát quang, thì lượng khí nhà kính phát thải từ đập khi sản xuất điện cũng ngang như việc đốt dầu mỏ để sản xuất cùng một lượng điện.
Các hồ thủy điện hình thành trên các con đập làm ngập chìm các khu rừng nhiệt đới cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi những bể chứa CO2 (cố định, lưu giữ, hấp thu Carbon) hữu hiệu. Hay làm tăng phát thải CO2 vào khí quyển. Hiện nay, chưa có con số thống kê về diện tích rừng bị mất do làm thủy điện trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, nhưng từ con số ước tính về lượng CO2 phát thải vào khí quyển trên một đơn vị diện tích rừng bị mất (16,1 triệu hécta rừng trên thế giới, chủ yếu ở các nước nhiệt đới được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác vào những năm 1990, đã giải phóng 1,6 tấn các-bon/năm, hay căn cứ trên khả năng của rừng nhiệt đới có thể hấp thu CO2 (là 9,62 tấn/ha/năm), người ta có thể hình dung phần nào về sự góp phần vào BĐKH thông qua việc gián tiếp làm tăng phát thải CO2 của thủy điện ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Làm tăng ảnh hưởng của bão lụt
Một trong các tác động của BĐKH được thấy rõ nhất là tần suất xuất hiện của các trận thiên tai như bão lũ - hạn hán ngày một nhiều, mạnh hơn và phức tạp hơn do nhiệt độ nước bề mặt của biển tăng. Một câu hỏi lớn được đặt ra là các đập nước - hồ chứa có ảnh hưởng thế nào đến tình trạng lũ lụt - hạn hán?
Theo ý kiến của các nhà khoa học, trước thực trạng chỉ 2 tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế cùng 2 tỉnh ở Tây Nguyên là Kon Tum và Đắc Nông có gần 150 Dự án thủy điện lớn nhỏ đã, đang và sẽ triển khai, thì việc triển khai tràn lan các dự án thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên là “đánh cược với thiên nhiên”, mà phần thua chắc chắn thuộc về con người.
2
Lũ lụt ở miền Trung có nguyên nhân xả lũ của các đạp thủy điện
Giải thích lý do tại sao các dự án thủy điện lại có thể triển khai “tràn lan” như vậy, nhiều người cho rằng, đó là vì vấn đề đầu tư thủy điện “ngon ăn mà ít rủi ro”. Thủy điện công suất càng lớn, địa hình tốt thì suất đầu tư thấp. Với suất đầu tư bình quân 25 tỷ đồng/MW thì một dự án chỉ từ 8 - 10 năm là thu hồi vốn. Thêm vào đó, phần lớn dự án thủy điện luôn được các ngân hàng ưu ái tài trợ vốn, vì lý do là đầu tư thủy điện có lợi nhuận trên vốn cao và ít rủi ro, lãi suất thu được ổn định. Hợp đồng giải ngân nhanh và thuận lợi hơn các dự án khác.
Có thể nói, việc các nhà đầu tư xây dựng thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ lại thiên nhiều về mục tiêu phát điện mà không chú trọng đúng mức đến vận hành hồ thủy điện đảm bảo các mục tiêu như đã nêu ở trên, khiến cho nguy cơ mất an toàn về mùa lũ, thiếu nước về mùa khô tại vùng hạ du các lưu vực sông là rất cao.
Tác động xã hội và môi trường của BĐKH
Chúng ta biết rằng, mỗi dòng sông, mỗi đoạn sông có một khả năng tự làm sạch khỏi những chất ô nhiễm thải vào nó. Trong khi đó, khả năng tự làm sạch nguồn nước phụ thuộc vào nhiều nhân tố: quan trọng nhất là lưu lượng của nguồn nước, mặt thoáng nguồn nước, độ sâu của nguồn nước, nhiệt độ. Như vậy, nếu theo nguyên tắc của một đập thủy điện là nó có nhiệm vụ giữ nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô (nắng) để chạy các tua-bin sản xuất điện và khi đập thủy điện giữ nước trong mùa mưa thì nó có khả năng làm giảm mực nước lụt cũng như lưu lượng nước ở hạ lưu của nó, người ta có thể suy luận ra tác động của đập thủy điện đến khả năng tự làm sạch của sông ra sao.
Sản xuất thủy điện có thể làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của sông. Thứ nhất, các điều kiện sinh cảnh ở hạ du có thể bị suy giảm do lượng phù sa không còn đủ để cung cấp các chất dinh dưỡng hữu cơ và vô cơ quan trọng cho các loài sinh vật. Thêm vào đó, do một lượng lớn phù sa trong nước bị giữ lại khi chảy qua tua-bin, dẫn đến làm giảm lượng bồi lắng ở lòng sông và gây xói lở bờ sông. Vì các tua-bin không được mở thường xuyên, nên có thể thấy được sự dao động của dòng chảy là nhanh hoặc đều đặn ngày cũng như đêm. Thứ hai, khi phù sa lắng đọng ở đằng sau con đập, xảy ra một hiệu ứng gọi là “thừa mứa dinh dưỡng” có thể làm cho lượng ôxy cung cấp bị suy giảm. Đó là do lúc này, lượng dinh dưỡng trở nên nhiều hơn và nhiều sinh vật tập trung ở đó hơn để tiêu thụ nguồn dinh dưỡng dồi dào này, cũng có nghĩa là tiêu thụ nhiều ôxy hơn, gây ra hiện tượng suy giảm ôxy trong hồ chứa. Tương tự, cát sỏi cũng bị giữ lại giống như phù sa, nên trong trường hợp sự chuyển dịch của sỏi cuội về hạ du là một yếu tố tạo nên các bãi đẻ trứng cho cá thì có nghĩa là các điều kiện sinh cảnh quan trọng có thể bị tác động.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự thay đổi chế độ dòng chảy trên sông có thể tạo ra một hình thái xói lở và bồi lấp mới ở hạ lưu. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng một phần vào sự ổn định bờ sông và hệ sinh thái hai bên bờ sông. Marc Goichot, điều phối viên Chương trình lưu vực sông của Quỹ quốc tế Bảo vệ  thiên nhiên (WWF) khẳng định “Các con sông là rất cần thiết trong việc bảo vệ các cộng đồng vùng ven biển bằng việc tích tụ phù sa dọc bờ biển và thủy điện có thể sẽ giảm dòng chảy của phù sa”.
Như đã đề cập ở trên, xây dựng đập trên dòng chính sông sẽ dẫn tới việc lắng đọng phần lớn phù sa trong lòng hồ mới hình thành, dẫn đến giảm lượng chất dinh dưỡng bổ sung cho đồng bằng châu thổ và lượng trầm tích ven biển. Hậu quả là độ phì của đất ngập nước bị suy giảm. Một số vùng ven biển như rừng ngập mặn (RNM)  thiếu trầm tích bổ sung có thể bị xói lở và tiếp tục bị thu hẹp diện tích. Theo GS. Phan Nguyên Hồng - người có 40 năm nghiên cứu về RNM, chuyên gia hàng đầu châu Á về lĩnh vực này cho biết, RNM có nhiều tác dụng trong BVMT, đặc biệt là trong việc ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, vì chúng có thể hạn chế mực nước biển dâng bằng việc tích tụ trầm tích và có thể ngăn xói lở bờ biển, đồng thời còn là những bể chứa CO2 quan trọng. Nhờ những đặc trưng riêng như tầng tán dày, hệ thống rễ chằng chịt, RNM được đánh giá là một bức tường xanh vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, tích lũy cácbon, giảm khí CO2.
Tuy nhiên, trong khi nhằm ứng phó với BĐKH bằng cách xây dựng đập, hồ chứa và đê để kiểm soát dòng chảy các con sông thì nhiều quốc gia lại không chú ý tới những tác động kèm theo tới các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Những tiếp cận không hợp lý này có thể làm mất nhiều diện tích đất ngập nước và các dịch vụ của nó. Quan trọng hơn cả là những cộng đồng dân cư ven biển là đối tượng sẽ chịu tác động trước tiên của BĐKH thì khi mất đi nguồn hỗ trợ sự sống là tài nguyên và các dịch vụ của hệ sinh thái đất ngập nước.
Bên cạnh đó, những năm qua, hàng trăm công trình thủy điện lớn nhỏ đã được xây dựng ở miền Trung - Tây Nguyên không chỉ tàn phá rừng núi, xâm hại môi sinh mà còn góp phần hủy hoại triệt để bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số bằng các khu tái định cư. Mất văn hóa cũng đồng nghĩa với việc mất đi một phần sức bền xã hội, làm giảm sức bền của cộng đồng trong việc ứng phó với những biến cố bất thường, trong đó phải kể đến những tác động ngày càng gia tăng của BĐKH. Tái định cư cho miền núi chính là điều kiện tốt nhất cải thiện đời sống kinh tế, đồng thời góp sức làm nhiệm vụ trên. Thế nhưng, sự thiếu ý thức của chủ đầu tư ngành điện, kết hợp với ý muốn "tiến cho kịp miền xuôi" theo nghĩa đơn giản của chính quyền các địa phương miền núi đã làm biến dạng cấu trúc của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Đối với sự thiệt hại về kinh tế có thể làm lại được, nhưng sự mất mát các giá trị văn hóa thì vô phương khôi phục, hoặc có cố làm lại thì cũng chỉ là thứ văn hóa giả, đơn cử trường hợp các làng tái định cư A Vương, Sông Tranh 2, 3, Đắc My... ở tỉnh Quảng Nam làm ví dụ.
Kết luận
Quan niệm về thủy điện như một “nguồn năng lượng sạch” và “rẻ” cần phải được thay đổi và phổ biến rộng rãi để nâng cao nhận thức tới người dân cũng như các nhà quản lý về tác động tiêu cực của đập thủy điện, trong đó có tác động liên quan đến BĐKH.
Việc phân tích các tác động tiêu cực của đập thủy điện từ những kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam trên đây không có nghĩa là phản đối việc phát triển nguồn năng lượng thủy điện của Việt Nam khi mà trong giai đoạn hiện nay nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất ở nước ta còn chưa được đáp ứng đủ, mà nguồn năng lượng sạch thay thế còn chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề phát triển thủy điện như thế nào để có thể đảm bảo được rằng những tiêu cực do đập thủy điện gây ra không vượt quá mức độ mà trong chiến lược về thủy điện của quốc gia quy định cũng đáng để các nhà quy hoạch và quản lý quan tâm và cân nhắc kỹ lưỡng.
Do đó, việc soạn thảo một chiến lược phát triển thủy điện bền vững ở mức độ quốc gia là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Chiến lược cần tuân thủ 7 nguyên tắc Chiến lược mà Ủy hội Đập thế giới đã đưa ra, đó là: Cần có sự chấp nhận của công chúng; Cần đánh giá toàn diện các phương án khác nhau có thể; Đánh giá về tác động của các đập hiện có; Bảo đảm bền vững cho con sông và sinh kế cho người dân; Công nhận quyền và chia sẻ lợi ích; Đảm bảo tuân thủ (pháp lý quốc tế, khu vực, quốc gia, quy trình…); Sử dụng các sông vì mục đích hòa bình, phát triển và an ninh.
Trên cơ sở nhận thức được rõ ràng những cái được và cái mất từ các dự án thủy điện, các nhà hoạch định và quản lý cũng nên tính đến khả năng loại bỏ những đập thủy điện đã, đang hoặc sẽ không đảm bảo chức năng của nó giống như một số nước đã tiến hành trước khi quá muộn.
Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thủy điện dòng chính Mê Kông Được trao giải thưởng quốc tế
Tổ chức quốc tế về Đánh giá tác động môi trường (IAIA) vừa công bố danh sách các giải thưởng quốc tế năm 2012. Theo đó, nhóm thực hiện Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược về thủy điện dòng chính Mê Kông (SEA) sẽ là một trong hai đơn vị vinh dự được nhận Giải thưởng Sáng kiến Hợp tác.
Lễ trao giải sẽ được tiến hành tại Hội nghị thường niên lần thứ 32 của IAIA với chủ đề “Tương lai năng lượng: Vai trò của đánh giá tác động”, sẽ diễn ra tại Bồ Đào Nha vào tháng 5/2012. Trung tâm Quốc tế về Quản lý Môi trường (ICEM) sẽ thay mặt cho nhóm thực hiện báo cáo SEA nhận giải thưởng
Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tham khảo: http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2010/1/208860.cand  (Thủy điện Đồng Nai 6, 6A gây nhiều tác động tiêu cực.... ủng hộ việc dừng hai dự án này, bởi chúng ta không thiếu điện, không thể phá rừng quốc gia, phá di tích, phá khu dự trữ sinh quyển thế giới để làm thủy điện)

No comments:

Post a Comment