Sunday, September 15, 2013

MÈO VỜN

Đồng Nai 6 và 6A gây bất lợi đến môi trường 14/09/2013, 09:38:50 AM (GMT+7)

(Vfej.vn)-Lần đầu tiên Bộ Tài Nguyên&Môi trường (TN&MT) có báo cáo chính thức cho Thủ tướng Chính phủ về hi dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, trong đó nhấn mạnh hai dự án vi phạm Luật Đa dạng Sinh học và gây ra những tác động bất lợi đến môi trường.


 
Theo Bộ TN-MT, nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A triển khai sẽ tạo điều kiện cho các hành vi xâm hại
Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: THU SƯƠNG (Người Lao Động)



Theo văn bản báo cáo của Bộ Tài nguyên&Môi trường, được Báo Người Lao Động trích dẫn đưa tin ngày 10/9, việc xây dựng hai dự án này sẽ làm mất 372 ha đất rừng, trong đó 128 ha thuộc lõi khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên. Dù báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có cam kết trồng rừng bồi hoàn nhưng chưa nêu được vị trí và phương án cụ thể.



Dự án thủy điện Đồng Nai 6A cách khu đất ngập nước Ramsar Bàu Sấu 55 km theo đường sông. Theo khẳng định trong báo cáo ĐTM, khu này hầu như không chịu tác động của các dự án. Thế nhưng, trong báo cáo ĐTM chưa đưa ra được các số liệu cụ thể về chế độ dòng chảy theo mùa từ sông Đồng Nai về khu ngập nước và ngược lại để chứng minh.


Bên cạnh đó, ĐTM cũng chưa đánh giá đầy đủ về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình trong mối quan hệ với tính nguyên vẹn, giá trị đa dạng của VQG Cát Tiên và hệ sinh thái bản địa. Một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học còn thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cá chình hoa quý hiếm.


Theo Bộ TN&MT, nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A triển khai sẽ tạo điều kiện cho các hành vi xâm hại VQG Cát Tiên; dự án cũng tiềm ẩn nhiều tác động bất lợi khác lên sinh kế của người dân hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người; quá trình xem xét, công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới của VQG Cát Tiên…


Bộ TN&MT khẳng định nếu dự án được thực hiện phải triển khai xây dựng các công trình phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông tiếp cận… và sẽ tác động bất lợi đến môi trường, kinh tế – xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi xâm hại VQG Cát Tiên.


Diện tích rừng sẽ mất nhiều hơn trong báo cáo


Theo TS. Phạm Hữu Khánh, Vườn Quốc gia Cát Tiên, tổng công suất theo báo cáo của cả hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là 241 MW (giả thiết là công trình vận hành hoàn hảo như báo cáo), nếu so với nhu cầu điện thì chỉ chiếm 0,321% tới năm 2020 (75.000 MW), và chỉ chiếm 0,061% tổng công suất quy hoạch tới năm 2030 (146.800 MW).


“Như vậy, phần đóng góp điện năng của hai dự án này không đáng kể và hoàn toàn có thể thay thế bởi các dự án năng lượng bền vững khác trong khi phần tác hại về môi trường, xã hội và sinh thái là quá lớn“, ông Khánh cho biết.


Trong khi đó con số tính toán trong các báo cáo ĐTM chỉ dựa trên lý thuyết vào diện tích bị ngập nước ở hồ chứa. Trên thực tế thủy điện luôn luôn chiếm rất nhiều diện tích rừng và đất rừng khác để làm đường thi công, đường vận hành nhà máy, hệ thống truyền tải điện, nhà, nhà ở, nhà làm việc, kho, bãi tập kết vật liệu xây dựng.


Ở các khu rừng không ngập nước, cây rừng thích nghi trong điều kiện khô hạn vào mùa nắng và chỉ nhận nguồn nước trời vào mùa mưa. Kết cấu thổ nhưỡng cứng chắc và thoáng khí. Khi ngập nước do hồ chứa thì nền đất sẽ bão hoà, kết cấu đất mềm nhão, dễ sạt lở và rửa trôi. Điều kiện đất úng ngập cây rừng bị chết, tình trạng xói mòn xung quanh hồ gia tăng nhanh chóng. Khi đó diện tích đất rừng bị mất đi sẽ nhiều hơn theo năm tháng chứ không đơn thuần là phần đất mặt bị ngập nước.


“Như vậy, diện tích rừng và đất rừng sẽ bị mất gấp nhiều lần so với số liệu mà chủ đầu tư đưa ra”, ông Khánh cảnh báo.

Dừng thẩm định ĐTM


Dẫn quy định tại điều 7, Luật Đa dạng Sinh học là “việc xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn là hành vi bị nghiêm cấm”, Bộ TN&MT khẳng định việc xây dựng hai dự án đã vi phạm luật trên. Bởi lẽ, hai dự án đều có một phần diện tích nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên.


Chưa kể, điều 36 Luật Di sản văn hóa quy định: Khi phê duyệt dự án nằm trong khu vực bảo vệ di tích mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái thì phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa – thông tin. Báo cáo ĐTM của hai dự án vẫn chưa có văn bản thẩm định theo quy định.


Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) quan tâm sâu sắc và bày tỏ sự ủng hộ báo cáo của Bộ Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) gửi Thủ tướng ngày 30/8/2013 về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.



Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam nhận thấy lưu vực sông Đồng Nai là một trong những lưu vực sông quan trọng bậc nhất của đất nước, chảy qua những vùng kinh tế năng động nhất của đất nước như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương v..v. Nơi đây từ thượng nguồn có VQG BiDoup Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng), và Vườn Quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) được đánh giá là “điểm nóng” về đa dạng sinh học.


TS Khánh cho biết vườn quốc gia Cát Tiên có diện tích rộng 71.350 ha, nằm trên địa bàn của ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, được Chính phủ thành lập ngày 13/1/1992. Nơi đây được đánh giá là “điểm nóng” về đa dạng sinh học, đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyến của thế giới (UNESCO/MAB/2001, 2011), Khu Ramsar – Bầu Sấu (2005), khu di tích quốc gia đặc biệt (2012). Vườn quốc gia Cát Tiên là Trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (WWF, 2001); một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”; Là Vùng Chim Đặc hữu Đông Nam Á (Asian Endemic Birds Area- FFI, 2003) với nhiều loài quý hiếm và có giá trị toàn cầu được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp loại.


VQG Cát Tiên là trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp, và là vùng Chim Đặc hữu Đông Nam Á với nhiều loài quý hiếm và có giá trị toàn cầu. Lưu vực sông Đồng Nai cũng đang chịu áp lực rất lớn từ việc phát triển các hệ thống công trình thủy điện lớn nhỏ ở thượng và trung lưu.


Bên cạnh những đóng góp cho nguồn điện quốc gia, những công trình này đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và xã hội trong lưu vực. Đó là những mất mát không thể tính toán và quy đổi kinh tế hết được và hầu như không có những biện pháp nào có thể giúp giảm thiểu. Việc tiếp tục xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy con sông này vào tình trạng tồi tệ hơn về môi trường, sinh thái, đe dọa đến an ninh lương thực, an sinh xã hội và sinh kế của hàng chục triệu con người, làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế trong lưu vực.


Bám sát theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Phó thủ tướng chính phủ về hai dự án này “nếu Bộ TN&MT thẩm định thấy các tác động lớn về môi trường thì kiên quyết dừng dự án” VRN kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương loại bỏ hai dự án này trong quá trình rà soát điều chỉnh quy hoạch thủy điện lưu vực sông Đồng Nai.


Đồng tình với các chuyên gia thủy điện của VRN, ông Khánh đề nghị loại bỏ các dự án thủy điện ảnh hưởng đến các khu rừng đặc dụng, và ưu tiên cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời tìm các nguồn năng lượng khác thay thế, đảm bảo việc tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.


Ngày 27/6/2012, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã trình báo cáo ĐTM dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ngày 28/11/2012, Bộ TN&MT đã tổ chức phiên họp yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo ĐTM.

Ngày 28/6/2013, chủ đầu tư tiếp tục nộp bản ĐTM đã chỉnh sửa. Bộ TN&MT lên kế hoạch tổ chức họp hội đồng thẩm định thì đến ngày 1/8/2013, chủ đầu tư đã có văn bản xin rút lại ĐTM để chỉnh sửa một số nội dung. Vì thế, Bộ TN-MT đã dừng việc xem xét, thẩm định hai dự án; đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án thủy điện này nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung.
Minh Phúc

No comments:

Post a Comment