Monday, September 30, 2013

BỘ CT CÓ XEM XÉT LẠI QĐ vi phạm luật và làm khổ chủ đầu tư ĐLGL vì đã bỏ hàng trăm tỷ cho ĐN 6 và 6A!??



BỘ CÔNG THƯƠNG CÓ XEM XÉT LẠI QĐ 5117 (ngày 14/10/2009)!??
Cuối năm 2002, phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, do Bộ Công nghiệp khảo sát, nghiên cứu và lập (Số: 1843/CP-CN, ngày 19/11/2002). Tất nhiên, quy hoạch này chỉ là quy hoạch nguồn dạng sơ bộ, chia sông ĐN thành các bậc thang, chưa phối hợp với các bộ, ngành khác và chưa đặt trong quy hoạch tổng thể chung. Theo đó TĐ ĐN6 với CS 180 MW, tổng diện tích đất ngập tự nhiên của lòng hồ Đồng Nai 6 ứng với MNDBT 205.0m là 1.954 ha, trong đó huyện ĐakR’lap, tỉnh Đăk Nông ngập 285 ha, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước ngập 937ha và huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngập 732 ha (rừng gỗ, tre, cây bụi 705ha, đất nông nghiệp 25 ha, thổ cư 1.8ha). Quy hoạch này chủ yếu dựa vào bản đồ tỷ lệ 1:25.000, 1:10.000 để tính diện tích ngập theo vị trí và cao trình đập.
Sau khi có Luật điện lực ( Số: 28/2004/QH11 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp 6 thông qua ngày 03/12/2004), ngày 18/7/2007, Thủ tướng đã Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI). Trong Quy họach này hòan tòan không có Thủy điện Đồng Nai 6. Việc loại bỏ Thủy điện ĐN 6 công suất 180MW ra khỏi Quy hoạch chắc chắn có tính toán cân nhắc nhiều mặt. Và đương nhiên, Quy hoạch điện VI đã phủ nhận Quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai ngày 19/11/2002 ( VB số 1843/CP-CN nói trên).
Thế nhưng, tháng 10/2007, Đức Long Gia Lai vẫn thuê Công ty Tư vấn xây dựng Điện 1 nghiên cứu, lập báo cáo đầu tư một dự án thủy điện ĐN6 không có trong Quy hoạch điện VI nói trên. PECC1 đã tách ĐN6-180MW thành ĐN6-135MW & ĐN6A-106MW theo tiêu chí đặt hàng: " Qui mô các phương án được xem xét trên cơ sở Diện tích chiếm đất của công trình chính + công trình tạm + hồ chứa nhỏ hơn 200ha". Họ đã khảo sát 35 km sông Đồng Nai (dưới ĐN 5,  lập nhiều phương án chia tách và chỉ quan tâm sao cho diện tích chiếm đất của từng DA < 200 ha. Khi đó sẽ không phải trình Quốc hội xem xét đầu tư theo NQ: 66/2006/NQ-QH11
Vì Doanh nghiệp cố đeo bám làm thủy điện ĐN6…, ngày 14/7/2008 VP Chính phủ có văn bản Số: 4621/VPCP-KTN do Phó VPCP Văn Trọng Lý ký, ghi rõ: " Bộ Công Thương hướng dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lập hồ sơ dự án thủy điện Đồng Nai 6 theo quy định hiện hành, trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia."
Như vậy: Bộ Công Thương chỉ có quyền thẩm định, trình Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung vào Quy họach do Thủ tướng đã duyệt mà thôi.
Thế nhưng, ngày 14/10/2009,  thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào lại ký Quyết định số 5117/QĐ-BCT Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai.  
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003, Về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, và Thông tư của Bộ Tư pháp số: 01/2004/TT-BTP ngày 16/06/2004, Về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, văn bản hợp pháp cần các điều kiện:
- Được ban hành đúng căn cứ pháp lý.
- Được ban hành đúng thẩm quyền
- Nội dung của văn bản phù hợp với quy định của pháp luật.
- Văn bản được ban hành đúng thể thức và kỹ thuật trình bày.
-…
Chỉ với bốn điều kiện trên thì Quyết định của Bộ Công thương Số: 5117/QĐ-BCT, ngày 14/10/2009 do thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào ký, Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy họach bậc thang thủy điện sông Đồng Nai: " Điều chỉnh DATĐ ĐN 6 -180MW thành các DA là TĐ ĐN 6-135MW và TĐĐN 6A -106MW, là văn bản có dấu hiệu trái pháp luật-cần phải xem xét lại:  
- Quyết định Số: 5117/QĐ-BCT của Bộ lại điều chỉnh Quyết định của Thủ tướng đã hết hiệu lực được chăng!??
- QĐ 5117 (viết tắt) về Quy họach điện lại chỉ căn cứ vào Luật Xây dựng mà bỏ qua Luật Điện lực?  
- Phần "Nơi nhận": Hòan tòan không có gửi lên Thủ Tướng-người ký Văn bản bị Bộ Công thương điều chỉnh: để biết hay Báo cáo. Vậy có đúng thẩm quyền và nguyên tắc hành chính hay không?
- Tại Phụ lục: Điều chỉnh, bổ sung Quy họach bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai ( Kèm theo QĐ Số: 5117/QĐ-BCT nói trên), phần tọa độ vị trí của 7 Dự án đều sai căn bản: kinh độ và vĩ độ chỉ có trị số, không có phần chữ ghi hướng đông; tây; nam; bắc ( tiếng Anh là E; W; S; N).
Quyết định 5117 này dường như đã cố hợp thức cho Đức Long Gia Lai một việc đã rồi, gây bao hệ lụy kéo dài chưa có hồi kết. Có người ví von " hai dự án này đầu thai nhầm thế kỷ", vậy mẹ cha nó là ai? Đợi thế kỷ sau, khi phá xong rừng VQG Cát Tiên chắc khỏi bị phản đối? Có người nói " hai cái dự án quái thai, Chính phủ đã chôn lấp rồi, Bộ Công Thương còn lén móc lên, dung dưỡng để nó tác yêu tác quái"…cay đắng cho THỦY ĐIỆN bị lạm dụng biến thành ác quỷ với người dân. Hãy học Bộ NN&PTNT chỉ đạo, gia súc bị bệnh dịch dù xót của cũng phải chôn liền. Chỉ bọn bất lương mới canh me đào trộm, ướp tẩm hóa chất lạ, đánh lừa dân trục lợi.

Đến ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ VII, Quy hoạch điện VII), thì Dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A đã được đưa vào danh mục.
Ngay lập tức, Nguyễn Huỳnh Thuật có thư gửi Thủ tướng thỉnh cầu cứu Cát Tiên vào ngày 26.7.2011, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A bằng Văn bản Số: 5890/UBND-CNN do phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh ký ngày 29.08.2011 (đây là công văn phản đối đầu tiên của tỉnh Đồng Nai).
Trích toàn văn:

" ỦY BAN NHÂN DÂN                          CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ  NGHĨA VIỆT NAM
   TỈNH ĐỒNG NAI                                                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
     ─────────                                                            ─────────────────
Số: 5890/UBND-CNN                                                Đồng Nai, ngày 29 tháng 08 năm 2011
V/v: ảnh hưởng tác động của Dự án
thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai
       6A trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.


Kính gửi: Bộ Công Thương

       Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã được Bộ Công Thương (được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Khu vực Dự án nằm trên địa bàn 03 tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước và Đắc Nông (bao gồm các xã Hung Bình tỉnh Đắc Nông, xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 tỉnh Lâm Đồng và xã Đồng Nai tỉnh Bình Phước).

      Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ VII), theo đó Dự án thủy điện Đồng Nai 6 được đưa vào danh mục công trình vận hành năm 2016.

     Qua rà soát, nghiên cứu và đánh giá các ảnh hưởng, tác động khi thực hiện xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A trên địa bàn tỉnh và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai (năm về phía hạ du của thủy điện Đồng Nai 6, 6A), UBND tỉnh Đồng Nai kính báo cáo Bộ Công Thương một số nôi dung như sau:

    Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A khi triển khai xây dựng có một phần nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên, trong đó diện tích chiếm đất rừng là 137ha. Khi triển khai thực hiện dự án trong quá trình mở đường giao thông, khai thác đá, thi công và vận hành công trình, đời sống sinh hoạt của công dân trong quá trình xây dựng công trình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài nguyên động thực vật rừng và công tác bảo vệ rừng đặc dụng, khu dự trữ sinh quyển, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến quy định của Ủy ban UNESCO trong việc lập hồ sơ đề nghị công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Khu di sản thiên nhiên thế giới.

     Ngoài ra, Dự án khi được xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành khai thác sẽ có tác động nhất định đến dòng chảy của sông Đồng Nai (nhất là phần hạ lưu Dự án), ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Cát Tiên và hiện trạng môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai như: công tác điều tiết lũ, đẩy mặn, cấp thoát nước của các tỉnh phía hạ lưu sông Đồng Nai.

     Ngoài các tác động chung, Đồng Nai là tỉnh nằm phía hạ lưu Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nên chịu ảnh hưởng tác động trực tiếp và gián tiếp của Dự án. Các ảnh hưởng chủ yếu ở khu vực huyện Tân Phú và Định Quán trước hồ thủy điện Trị An (khu vực này có lòng sông hẹp, nhiều ghềnh thác) sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như một số công trình công cộng dọc 2 bên bờ sông một khi có điều tiết lũ của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ngoài ra, Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng sẽ có tác động không nhỏ đến việc vận hành của Nhà máy thủy điện Trị An và hồ thủy điện.

      Trong quá trình xem xét, khảo sát, nghiên cứu, thẩm định dự án cho đến khi dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện sông Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai hoàn toàn không được lấy ý kiến đánh giá các ảnh hưởng, tác động trong việc xây dựng Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, không có hồ sơ cụ thể về thông số kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường cũng như các ảnh hưởng tác động đến tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, qua các đánh giá sơ bộ nêu trên UBND tỉnh Đồng Nai có một số kiến nghị như sau:

            - Mặc dù Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A không nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng khi triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến môi trường – xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên – Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận, ảnh hưởng đến việc thiết lập hồ sơ công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương yêu cầu Chủ đầu tư Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A thực hiện đánh giá, phân tích kỹ ảnh hưởng, tác động môi trường- xã hội của Dự án khi triển khai thực hiện, đồng thời cho tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, nhân dân các địa phương liên quan có thể bị ảnh hưởng tác động bởi Dự án thông qua hội thảo, lấy ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi quyết định đầu tư.

            - Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã được bổ sung vào Quy hoạch thủy điện sông Đồng Nai tại Quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo Điều 7 Luật đa dạng sinh học và Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất vườn quốc gia từ 50ha trở lên phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A./."
    
Rõ ràng Bộ Công Thương và tất cả các bên liên quan đều biết hai dự án thủy điện này vi phạm pháp luật và thuộc diện phải trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư. Vậy mà cứ dây dưa, dung túng cho doanh nghiệp bất chấp các sự phản đối kịch liệt, phớt lờ Nghị quyết Số: 49/2010/NQ-QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội, tiếp tục làm các thủ tục đến bước trình Báo cáo ĐTM lên Bộ TN&MT thẩm định.
Theo Báo cáo tài chính của DLG, từ 01/01/2013 đến 30/6/2013, chi phí xây dựng dở dang cho DA thủy điện ĐN6 tăng 678.523.926, VNĐ nâng tổng chi phí lên: 10.571.495.070, VND ( hơn mười tỷ rưỡi). Trong 6 tháng đầu năm 2013, có lẽ chỉ sửa chữa hai BC ĐTM kiểu cắt-dán; quà Tết; tháp tùng các đoàn kiểm tra thực địa…mà tốn hơn 678 triệu trong khi tình hình tài chính DLG khó khăn, phải bán đổ tháo nhiều thứ thì biết quyết tâm theo đuổi hai dự án này mức nào. Không biết còn chi phí nào khác mà một số báo chí xót xa rằng: doanh nghiệp đã chi hàng trăm tỷ theo đuổi hai dự án này.
Dù sửa chữa báo cáo ĐTM đến lần thứ 3 ( chính thức) sau rất nhiều phản biện nhưng thực chất vẫn là đồ dỏm, cắt dán chưa " sạch nước cản", tháng 7/2013 đem nộp và Bộ đã lập Hội đồng thẩm định nhưng đùng một cái, ĐLG lại rút Báo cáo ra xin sửa chữa, bổ sung khiến Bộ TN&MT không thể chịu nổi, làm Báo cáo gửi Thủ tướng rất minh bạch, rõ ràng khỏi chờ nộp lại ĐTM để thẩm định tiếp.
Thôi thì, đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng kiêm Trưởng  Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy họach phát triển điện lực Quốc gia Hoàng Trung Hải, ý kiến của Bộ TN&MT cũng đã tỏ tường, mong Bộ Công Thương công tâm xem lại trách nhiệm một số cá nhân có liên quan, nếu sai, nhầm lẫn phải dũng cảm khắc phục. Còn Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng không thể bắt Nhà nước lấy thuế dân đền bù vì biết sai mà vẫn cố tình chạy chọt, lách luật: tham thì thâm, các cụ đã bảo rồi. Có nhiều tiền dễ trở thành vịt béo, bò sữa rồi đi hỏi ông Trời.
Bộ NN & PTNN, có Tổng cục Lâm Nghiệp cũng xem xét lại các cá nhân liên quan, ban hành một số Văn bản không bình thường nhằm ủng hộ triển khai dự án, sẵn sàng cắt rừng Vườn Quốc gia được giao quản lý, không tham mưu về chuyên môn đảm trách mà lại có tính chỉ đạo ngược lên Thủ tướng. Xem lại vì sao Mr. Bạch Thanh Hải, trưởng một phòng của VQG Cát Tiên dám nổi xung toan hành hung Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật tại cơ quan khi dám công khai phản đối các toan tính phá rừng, ép buộc tới mức phải tự xin thôi việc sau 12 năm gắn bó với rừng VQG.
Ba tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Phước nhất loạt từ 01-03/12/2008 ký Văn bản chỉ đạo việc chuyển đất lâm nghiệp sang xây dựng thủy điện cho Đức Long Gia Lai. Dù là ba tỉnh cách nhau hàng trăm cây số nhưng hình thức, bố cục, nội dung giống nhau như do mội nơi soạn sẵn. Nếu nói 3 cái tỉnh này ủng hộ ĐLGL làm thủy điện thì phải trưng cầu ý dân, một vài cán bộ đương chức ký văn bản không thể đại diện ý chí toàn dân được. Ai cũng biết Mr. Trương Tấn Thiệu, nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Phước ký VB Số 3685/UBND-SX ngày 01/12/2008 nói trên là người rất bê bối, đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; làm trái các quy định của pháp luật trong việc giao đất đối với một số dự án, thay đổi chủ đầu tư, phương thức đầu tư, cùng một số sai phạm khác gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu nhiều tỉ đồng của ngân sách, gây dư luận bất bình trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân"( trích kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Phước) . Chắc Bình Phước lại xin tiền Trung ương để chuyển đàn bò tót sang gửi bên Đồng Nai vì rừng chỉ còn trên báo cáo thì làm sao bảo tồn?
 Cho đến giờ này, chẳng rõ vì sao Ủy ban sông Đồng Nai đã sang nhiệm kỳ 2 rồi mà vẫn im hơi lặng tiếng khi hai dự án thủy điện ĐN6 &6A có nguy cơ xảy ra xung đột cấp Chính quyền, nhân dân của một tỉnh với chỉ một doanh nghiệp tư nhân. Cũng chẳng rõ trụ sở Ủy ban này ở đâu, có trang Web hay E-mail sao đó để dân chúng liên hệ khi cần?
Cuối cùng, mong các vị ở Viện MT &TN của Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh đã tham gia lập Báo cáo ĐTM thuê cho ĐLG hãy nghĩ về danh dự người thầy, lòng tự trọng nhà khoa học mà có hành xử phù hợp, ít ra là để sinh viên nơi đó đỡ phải hổ thẹn. Đôi khi vô tình để bằng cấp, danh hiệu bị lợi dụng vào những chuyện phi pháp. Phàm đã là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Giáo sư…thì tối kỵ việc để mấy tên trọc phú thảy ra ít tiền bảo sao làm vậy, trừ khi không phải là thứ thiệt.
Việc xem xét đề nghị đưa vào, rút ra một dự án thủy điện nào đó khỏi quy hoạch là rất bình thường đối với Bộ Công Thương. Hy vọng sẽ sớm có quyết định sáng suốt nhất.
Đồng Nai, ngày mưa âm u do áp thấp nơi xa chuyển lên bão-Trần.

4 comments:

  1. Cuộc chiến Bảo vệ Cát Tiên khá gian truân và vất vả đã thành công, trích: "Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ VII, Quy hoạch điện VII), thì Dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A đã được đưa vào danh mục. Ngay lập tức, Nguyễn Huỳnh Thuật có thư gửi Thủ tướng thỉnh cầu cứu Cát Tiên vào ngày 26.7.2011, VRN tổ chức hội thảo vào trung tuần tháng 8.2012 và tỉnh Đồng Nai đã ký Văn bản Số 5890/UBND-CNN ngày 29.08.2011 (đây là công văn phản đối đầu tiên của tỉnh Đồng Nai). Và cuộc chiến, phong trào phản đối mạnh mẽ nổi dậy từ đây. Cho đến ngày đẹp trời cuối tháng 9.2013 sau 3 năm đấu tranh quyết liệt để có được thành công như hôm nay.

    ReplyDelete
  2. Một số bài phản biện của Nguyễn Huỳnh Thuật về môi trường nhằm Bảo vệ VQG Tam Đảo, Công Viên Thống Nhất,...:
    http://www.thiennhien.net/2007/08/09/danh-gia-tac-dong-moi-truong-tam-dao-ii-nhung-cau-hoi-lon-con-bo-ngo/
    http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Tam-Dao-He-sinh-thai-dac-trung-can-duoc-bao-ve/20728445/478/
    http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2013/07/vai-iem-e-ve-chinh-sach-oi-voi-viec.html

    ReplyDelete
  3. Xem xét đưa thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch
    Hai dự án thủy điện này vi phạm Luật Đa dạng sinh học và Luật Di sản.

    Bộ Công thương hiện đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc xem xét đưa 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra ngoài quy hoạch.

    Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, việc thực hiện các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường sinh thái, đặc biệt là tác động đến sự toàn vẹn của Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu.

    Cụ thể nó sẽ làm mất vĩnh viễn hơn 327 ha đất rừng, trong đó có hơn 128 ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên. Ngoài ra, hai dự án thủy điện này vi phạm Luật Đa dạng sinh học và Luật Di sản. Đồng thời, nó còn gây bất lợi đến quá trình xem xét công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên.

    Trước thực trạng này, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công thương rà soát để đưa 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch. Theo VOV.VN

    ReplyDelete
  4. Bà Phan thị Mỹ Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu rằng thủy điện bậc thang trên Sông Đồng Nai trong những năm qua gây ảnh hưởng xấu cho vùng hạ lưu gồm hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh qua những hiện tượng như gây ngập lụt vào mùa mưa và thiếu nước khi mùa khô đến.

    ReplyDelete