Monday, September 16, 2013

ĐÂY MỚI CHÍNH LÀ LÂM TẶC CÓ GIẤY PHÉP

Ăn thịt chính mình

Thứ Bảy, 14/09/2013 23:13

Không chỉ hàng trăm dự án thủy điện nhỏ và vừa bị Bộ Công Thương và chính quyền các tỉnh, thành “khai tử”, hàng chục dự án thủy điện gần đây cũng được các chủ đầu tư bán lại. Đây có thể gọi là cuộc tháo chạy khỏi lĩnh vực từng có một thời hoàng kim này.

Vì sao tháo chạy? Lý do bề nổi là đầu tư lớn song hiệu quả thấp, còn nguyên nhân ngầm - hầu như ai cũng đoán biết được - là đã đạt được mục đích chính: khai thác lâm sản, gọi là... phá rừng cũng chẳng sai!
Dự án thủy điện nhiều như nấm sau mưa và trong đó số dự án “trùm mền” cũng nhiều vô kể, trong khi điện vẫn thiếu và đặc biệt là nhiều cánh rừng đã mất vĩnh viễn. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện gửi Chính phủ cách đây vài tháng chứng minh điều này.

Khu vực xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: CAO NGUYÊN
Theo đó, giai đoạn năm 2006-2012, cả nước có 160 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích gần 20.000 ha, trong đó rừng đặc dụng là gần 3.100 ha, rừng phòng hộ gần 4.500 ha; rừng sản xuất hơn 12.300 ha. Khu vực có nhiều dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang làm thủy điện nhiều nhất là Tây Nguyên (50 dự án, gần 8.200 ha, chiếm 41,2% cả nước), Bắc Trung Bộ (23 dự án, hơn 4.500 ha, 22,9% cả nước), Tây Bắc, Nam Trung Bộ...
Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ 1 MW điện làm ra, chúng ta mất đi từ 10-30 ha rừng. Mà nào đâu phải rừng nghèo, những địa điểm làm thủy điện được các nhà đầu tư chọn đều là rừng đặc dụng, vùng lõi vườn quốc gia... Thế nên, giới làm ăn thường kháo nhau thủ thuật kiếm chác từ tài nguyên thiên nhiên, đó là muốn khai thác lâm sản hợp pháp, hãy tìm cách... chạy dự án thủy điện. Khi đã qua truông khâu cấp phép thì khoanh vùng mà đốn gỗ, sau này cho dự án nằm ì cũng chẳng sao, cùng lắm là bị thu hồi. Thật đáng sợ! Vì thế, báo cáo của Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Rừng bị phá không kiểm soát được”.
Chắc chắn, diện tích rừng thực tế bị mất phải lớn hơn con số 20.000 ha nói trên rất nhiều vì tiếp sau mỗi thủy điện được triển khai là hoạt động di dân, tái định cư, tức là rừng sẽ bị triệt hạ thêm nữa. Rừng đã mất thì hầu như không thể phục hồi, bởi theo Bộ NN-PTNT, diện tích rừng trồng bù chỉ đạt 3,7% (735 ha trên tổng số gần 20.000 ha rừng chuyển đổi). Tội đồ rõ ràng là các chủ đầu tư, trong đó có phần trách nhiệm của chính quyền những địa phương có dự án. Hậu quả thế nào, ai cũng đã nhìn thấy: Khô hạn, lũ quét tàn phá hạ du; người dân hạ nguồn thiếu đói, bất an...
Khai thác tài nguyên để phục vụ nhu cầu năng lượng trong nước, thậm chí xuất khẩu năng lượng (bán điện sang một số nước) là việc làm chính đáng nhưng cái cách đánh đổi như từ trước đến nay thật quá đáng và phũ phàng. Ăn vào tài nguyên thì bao giờ cái mất cũng nhiều hơn cái được. Và như thế chẳng khác nào ăn thịt... chính mình! 
 http://nld.com.vn/20130914111328199p0c1002/an-thit-chinh-minh.htm
Tham khảo:
http://tuanvietnam.net/2012-10-05-ong-cuu-bo-truong-va-chuyen-nhan-the- (...có hẳn một bài về "Công nghệ" sao chép, mà điển hình là trường hợp báo cáo ĐTM của dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, nằm ở khu vực Vườn QG Cát Tiên)

No comments:

Post a Comment