Phát động một phong trào bảo vệ môi trường
Người Việt Nam cần phát động một phong trào bảo vệ môi trường sống. Ở Ấn Ðộ, Trung Quốc, Thái Lan, vân vân, người ta đã làm cả rồi, không lẽ dân Việt lại chịu thua, cứ nhắm mắt ngậm miệng mãi? Ðây là một nhu cầu lớn, trên toàn quốc. Phải chấm dứt những tai họa đang đe dọa người dân khắp nước.Một tiếng chuông báo động mới được gióng lên trong câu chuyện người dân thôn Châu Xá, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tự động dựng lều bạt, tổ chức bao vây, phong tỏa nhà máy sản xuất “proniken” trái phép của công ty Trường Khánh. Nhà máy được dựng lên từ cuối năm 2012, từ đầu năm nay đã thải ra khói xanh đen, mùi khét bốc lên, cùng với bụi đất đá của hàng chục mỏ khai thác đá vôi trên địa bàn xã Duy Tân. Nước thải từ nhà máy xả trực tiếp xuống sông Kinh Thầy là nguồn nước sinh hoạt của bà con khu vực xung quanh. Cá tôm, đến cả cỏ xanh ở chung quanh cũng chết vì hóa chất. Dân chúng đã làm đơn kiện gửi chính quyền xã Duy Tân, gửi cho huyện Kinh Môn, gửi các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Hải Dương nhưng không ai trả lời sẽ giải quyết ra sao. Họ kéo lên hội đồng xã nhiều lần yêu cầu chính quyền xã giải quyết, cũng không xong vì chính xã này đã cho phép nhà máy hoạt động. Báo chí trong nước viết rằng mặc dù “thôn chỉ có khoảng 300 nhân khẩu, nhưng đã có hàng chục người bị mắc các bệnh ung thư phổi, dạ dày, gan... Từ đầu năm đến nay, đã có ba người của thôn tử vong vì ung thư, trong đó có hai người còn trẻ.” Dân thôn Châu Xá dựng lều biểu tình ngồi tại chỗ, nhưng một đêm tháng trước có hàng chục thanh niên tới ném bom xăng đốt lều. Ðêm hôm sau, vài chục tên côn đồ đi trên một xe xúc và bẩy xe tải xông vào, đánh một người dân bị thương.
Báo chí phanh phui cho thấy công ty Trường Khánh đấu thầu hơn một mẫu tây đất công điền tại khu vực Núi Công, gần thôn Châu Xá. Mục đích họ nêu là để trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Nhưng sau đó công ty ngang nhiên xây dựng nhà máy. Chính quyền tỉnh Hải Dương cho biết công ty đã được cấp chứng chỉ đầu tư để xây dựng nhà máy đóng tàu, nhưng sau đó họ tự ý chuyển sang sản xuất hóa chất. Họ làm ăn bất chấp luật pháp, chắc vì đã ăn chia với các cán bộ xã, thôn, và bọn thừa hành cấp dưới đã ăn chia với chính quyền huyện, tỉnh, cho nên các đại gia đỏ không cần biết môi trường sống của người dân bị hủy hoại ra sao. Cũng trong vùng này, hai bên sông Kinh Thầy còn có những “bãi than”. Cán bộ tỉnh công nhận khu vực đó là “sân sau” của các nghiệp vụ ăn cắp than từ các mỏ ở Ðông Triều (Quảng Ninh), dùng đây làm bãi kho trước khi chuyển đi tiêu thụ các nơi. Cán bộ nhà nước thú nhận: “Ủy ban nhân dân tỉnh mới có một cuộc kiểm tra, trong số 33 bãi than đang hoạt động, chỉ có 11 bãi hoạt động có phép!” Làm cách nào mà 22 bãi than hoạt động không giấy phép mà guồng máy công an nhà nước không hay biết? Viên đại tá công an tỉnh Hải Dương mới được phong lên hàng tướng, là vì đã “đánh rất đẹp” cả gia đình Ðoàn Văn Vươn, hay vì đã lập công ngoảnh mặt làm ngơ cho các đại gia tung hoành?
Môi trường sống khắp nước đang bị đe dọa. Trong tuần lễ đầu Tháng Bảy 2013, trong vịnh Mân Quang, thuộc quận Sơn Trà, thành phố Ðà Nẵng, nhiều loại cá lớn, cá nhỏ chết xuất hiện, trôi giạt vào sát cồn cát. Những gia đình nuôi cá bè chung quanh vịnh phải dùng thuyền thúng vớt xác cá chết, lo chúng gây ảnh hưởng tới các bè cá của họ song không xuể. Tình trạng nước bị ô nhiễm thì dân cả vùng phải chịu.
Tại bãi biển Quy Nhơn, sóng tiếp tục tấp dầu và nhớt thải lên bờ, nhà nước phải đưa 200 công nhân ra dọn dẹp. Người đại diện chính quyền nói với các nhà báo rằng ông ta rất đau đầu khi không xác định được nguyên nhân và thủ phạm của vụ dầu nhớt táp vô bờ này. Nhưng đối với các ngư dân thì chỉ biết các dụng cụ mưu sinh của họ như lưới, thuyền đã bị nhuộm đen vì dầu nhớt.
Tình trạng thực phẩm ở Việt Nam bị ô nhiễm đã báo động cả đồng bào sống ở nước ngoài khi họ tính về thăm đất nước. Theo thống kê chính thức, tại Việt Nam năm ngoái có 5,541 người bị ngộ độc thực phẩm phải vào bệnh viện, trong đó có 34 người đã chết. Từ đầu năm 2013 đến nay, lại thêm 1,485 người ngộ độc phải cấp cứu, 15 người đã chết. Ông Cao Ðức Phát, bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho biết chính ông ta không dám ăn bún. Ông này là một trong những viên chức chỉ huy về an toàn thực phẩm.
Ông Ari Nakano, một viên chức Nhật Bản đã quan sát môi trường Việt Nam trong 20 năm, gọi vụ khai thác “bôxít” ở Tây nguyên là “cuộc phiêu lưu bôxít”. Ngay từ khi chưa bắt đầu, dự án đã bị dư luận trong giới chuyên môn và trí thức phản đối, đòi phải ngưng lại để nghiên cứu thêm về ảnh hưởng trên môi trường thiên nhiên và đời sống dân cư. Nhưng ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cương quyết bảo vệ dự án này, tuyên bố đây là “dự án lớn theo đúng chủ trương của đảng và nhà nước”. Ari Nakano đã phỏng vấn nhiều người dân vùng Tây nguyên, cho biết thêm: “Không ai trong số dân cư trong vùng được giải thích rõ ràng về các mỏ bôxít và việc xây dựng và mở rộng các nhà máy tinh luyện nhôm (alumina) ảnh hưởng tới họ như thế nào và cũng chẳng biết gì hơn về các kế hoạch cưỡng chiếm đất đai, chuyện đền bù, vân vân.” Ông biết người dân các làng đều phản đối các công ty và cơ quan nhà nước về những thiệt hại của họ, báo động các ảnh hưởng trên sinh môi do các công trình xây dựng gây ra, như nơi chứa nước thải, rác công nghiệp hóa học, cho tới tiếng ồn ào và sự rung chuyển của mặt đất sẽ ảnh hưởng trên đời sống dân trong vùng. Nhưng tất cả các lời phản đối đều không được trả lời.
Ông Ari Nakano đã thông báo cho dư luận quốc tế về các dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử do Nga và Nhật Bản đang thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Ông cho biết các chuyên môn và nhà trí thức Việt Nam đã chống lại vụ bôxít nay đang phổ biến những thông tin về họa phóng xạ lan tràn làm hại môi trường trong các tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Nga và nhà máy Fukushima số 1 ở Nhật Bản.
Chúng ta không thể để mặc cho người ngoại quốc báo động về tình trạng môi trường sống ở ngay trên đất nước mình. Ðã tới lúc người Việt Nam không thể tiếp tục giữ im lặng mãi trước cảnh hủy hoại môi trường sống (Môi Sinh, nói theo tiếng Hán Việt). Giới trí thức cần phát động ngay một phong trào bảo vệ môi trường. Thanh niên, sinh viên, học sinh phải được huy động tham gia vào việc bảo vệ môi trường. Vì đời sống của chính họ, của gia đình và con cháu họ sau này, đang bị đe dọa.
Phong trào bảo vệ môi trường có thể hoạt động mà không nói đến vấn đề chính trị nào cả. Có như vậy mới tập hợp được nhiều người tham gia, không ai sợ hãi. Nên khuyến khích cả các đảng viên cộng sản tham gia. Giới chuyên viên các ngành, từ các nhà hóa học, các nhà nghiên cứu địa chất, y tế công cộng, canh nông, ngư nghiệp, thảo mộc, khí tượng, đều có thể tham dự. Họ sẽ thông báo, quảng bá thông tin về những tai họa trên môi trường, như đã từng xảy ra ở các nước tiên tiến cũng như đang phát triển. Các chuyên gia kinh tế học sẽ phổ biến cho công chúng hiểu ảnh hưởng của môi trường xấu làm hạ thấp sản năng canh nông và công nghiệp. Tất cả để gây ý thức trên toàn quốc về nhu cầu bảo vệ môi trường sống.
Ðể dễ thu hút giới trẻ, các tài liệu thông tin này phải được phổ biến trên các trang mạng. Tất cả các bloggers đang hoạt động tại Việt Nam hãy tham gia vào việc quảng bá những kiến thức này. Ðặc biệt, những tin tức về phong trào bảo vệ môi trường ở những nước đang cùng trình độ phát triển như nước ta cần được quảng bá rộng rãi, để mọi người Việt Nam thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng và chính mình có thể đóng góp để ngăn ngừa. Bất cứ ai biết lo lắng cho các thế hệ tương lai đều phải thấy mình có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống ngay trong hiện tại.
Tất cả mọi người Việt Nam, ở trong nước hay ở bên ngoài, đều có thể đóng góp vào một phong trào bảo vệ môi trường sống, giúp đồng bào mình. Ðây sẽ là một phong trào tự phát, không cần có tổ chức hay phối hợp quy mô, cũng không cần đóng góp tài nguyên nhiều. Ðộng lực chính thúc đẩy phong trào là ý thức mạnh và thông tin đầy đủ. Các toán sinh viên, học sinh có thể tự động họp nhau đi làm sạch môi trường ở khu vực mình sinh sống. Chắc chắn họ sẽ được các nhà hảo tâm trợ giúp dụng cụ và thực phẩm trong khi làm việc. Họ chỉ cần hẹn nhau cùng mặc áo màu xanh lá cây, hoặc vẽ một chiếc lá cây trên áo, để gây tinh thần tập thể khi làm việc. Phong trào không cần phải chống đối một chế độ chính trị nào, hay cổ động cho một chính thể nào. Nhưng ai cũng biết những người tham gia, cổ động bảo vệ môi trường đều là người đang lo lắng cho tương lai nước Việt Nam! N.N.D
No comments:
Post a Comment