Tuesday, September 3, 2013

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Biết sai nhưng vẫn cố làm? Tại sao???

Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Biết sai nhưng vẫn cố làmThứ ba, 03/09/2013, 07:12 (GMT+7)
Sau một thời gian lắng xuống, mới đây dư luận lại bùng lên khi có tin Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai - đơn vị lập dự án đầu tư Thủy điện Đồng Nai 6, 6A trên sông Đồng Nai - xin rút lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường để “bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp…”. Một lần nữa sự việc lại được dư luận và giới chuyên môn trong lĩnh vực môi trường lên tiếng phản ứng về 2 dự án đầy tai tiếng này…
Đưa tài liệu cũ vào ĐTM mới
Theo một thành viên Hội đồng thẩm định Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A, đây là lần thứ ba Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Công ty Đức Long) xin rút lại ĐTM để chỉnh sửa, bổ sung các số liệu đánh giá được cho là “có sơ sót” mà báo chí và các nhà khoa học lên tiếng thời gian qua. Trong đó, nội dung cần làm rõ về diện tích rừng và đất rừng khu vực lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ bị mất đi để xây dựng hồ chứa, đập chính, đập dâng, đập tràn, kênh xả, cống dẫn dòng, các khu phụ trợ, đường thi công, đường vận hành… bị tác động lên hệ sinh thái tự nhiên thì không được đưa vào chỉnh sửa như đề xuất của các nhà khoa học ở các bản ĐTM trước.
Một chi tiết khác “vẫn tồn tại” trong 3 bản ĐTM nói về các nhà máy thủy điện phía thượng lưu của Đồng Nai 6, 6A, bao gồm: Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5 được tính toán, thiết kế theo phân phối dòng chảy tại Trạm Thủy văn Tà Lài, nên phụ thuộc vào chế độ vận hành của thủy điện bậc thang. Do vậy, cũng sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy và sự tác động đến môi trường và hệ sinh thái khu vực. Cách dẫn giải này ngay lập tức bị các nhà môi trường lật tẩy tính chính xác của nó khi đưa ra bộ số liệu của các bản ĐTM có từ trước năm 2007. Cụ thể, lưu lượng lũ thiết kế dựa vào chuỗi số liệu thực đo năm 1989 - 2006 - thời điểm chưa có công trình thủy điện nào ở thượng lưu sông Đồng Nai được xây dựng. Đây là khiếm khuyết rất cơ bản mà bản ĐTM lần này (lần thứ tư) nếu có điều chỉnh, bổ sung cũng không thể dẫn giải được tính chính xác do thực trạng dòng chảy đã bị biến đổi rất lớn từ nhiều năm qua.
Về cách tính toán lưu lượng nước mùa cạn kiệt của các tháng trong năm cũng được các nhà khoa học đưa ra có nhiều điểm thiếu chính xác, được sao chép, cập nhật số liệu từ nhiều nguồn khác nhau và tất cả đều chưa được đánh giá đầy đủ. Trong đó, số liệu cho rằng các công trình thủy điện ở thượng lưu sẽ làm tăng thêm đến 68,7m3/s lưu lượng nước ở thời điểm tháng 3 trong năm tại Trạm Thủy văn Tà Lài. Do vậy, tình trạng cạn kiệt vào mùa khô là không có. Thế nhưng, các bản ĐTM lại không nói được trên lưu vực sông Đồng Nai rộng khoảng 3.000km2 từ sau vị trí của Thủy điện Đồng Nai 6, 6A đến Trạm Thủy văn Tà Lài lượng nước bổ sung về là bao nhiêu. Nếu không có số liệu chính xác sẽ không nói hết được sự cạn kiệt của sông Đồng Nai khi có thêm Thủy điện Đồng Nai 6, 6A và tác động của nó đến môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái tự nhiên trên lưu vực hàng ngàn km2 này.
Khó thuyết phục
Tính đến nay, sau gần 4 năm triển khai, giai đoạn tiền khả thi của Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A vẫn “vướng” ở khâu lập và thẩm định ĐTM và không biết đến bao giờ sẽ được phê duyệt. Theo TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, thành viên Hội đồng Thẩm định ĐTM Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A, có rất nhiều câu hỏi lớn về pháp lý và tính xác thực của các bản ĐTM được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời có thể chấp nhận được từ phía Công ty Đức Long. Nếu số liệu của ĐTM lần này được chỉnh sửa, bổ sung mà thiếu thực tế, không minh bạch và chính xác thì cũng sẽ rất khó thuyết phục được cấp thẩm quyền phê duyệt. Chưa kể, 2 dự án này còn phải thông qua Chính phủ và Quốc hội xem xét, quyết định trước khi triển khai thực hiện.
Một thông tin khác mà trong quá trình theo dõi việc triển khai 2 dự án này chúng tôi có được, đó là sở dĩ quá trình khảo sát, lập ĐTM của Công ty Đức Long có nhiều sai sót là do nguồn lực từ tài chính, phương tiện, nhân lực đến kinh nghiệm thực tế… quá yếu kém. Điều chắc chắn là nếu được phê duyệt thực hiện 2 dự án này, Công ty Đức Long cũng không thể triển khai được do nguồn vốn quá lớn và phương tiện, thiết bị thi công và đội ngũ kỹ sư, công nhân không đáp ứng nổi. Một lãnh đạo của Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đơn vị chuyên xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi cho biết, rất có thể Công ty Đức Long sau khi được phê duyệt thực hiện dự án sẽ bán cho một doanh nghiệp có đủ năng lực, hoặc liên kết với một đơn vị tổng thầu xây dựng để mời gọi các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước huy động vốn đầu tư công trình.
Dù với phương thức và nguồn lực triển khai dự án được thực hiện ra sao, nhưng ở giai đoạn lập dự án tiền khả thi, thiết nghĩ Công ty Đức Long - đơn vị lập dự án đầu tư cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt, đúng pháp luật các quy định hiện hành; đồng thời bảo đảm tính xác thực, khoa học về số liệu đánh giá hiệu quả về nhiều mặt của dự án để các cơ quan thẩm quyền, các nhà khoa học và xã hội đánh giá, xem xét một cách chính xác nhất trước khi triển khai thực hiện, tránh những thiệt hại về kinh tế, xã hội cho đất nước hôm nay và nhiều năm tiếp theo.
HOÀI NAM

No comments:

Post a Comment