Yêu Quê Hương
Đến
bây giờ, tôi vẫn còn tin vào cái đẹp ở trong lòng của người Việt. Người
Việt Nam nào cũng có lần rung cảm về tình yêu đối với quê hương, đối
với đồng bào, đối với đất nước. Họ biểu lộ tình cảm nồng nàn ấy bằng
hành động rất cụ thể từ các thùng quà gửi về cho quê hương và hàng loạt
đợt gửi tiền về cho gia đình, bà con, bạn bè và các việc từ thiện. Phải
nói tiền đô la, tiền Âu Châu, tiền Úc, tiền Nhật đổ về Việt Nam mỗi ngày
không biết bao nhiêu mà kể cho hết. Tính “lá lành đùm lá rách” là nét
đẹp của người Việt Nam.
Tôi
muốn ca ngợi cho toàn thế giới biết về những cái đẹp này, nhưng có
những cái đang xảy ra tại Việt Nam không được đẹp cho lắm, nhất dưới con
mắt của người Tây Phương. Đó là xả rác một cách không ý thức. Tôi thấy
từ em bé cho đến cả người lớn, ai ai cũng đều vứt rác ra đường. Đến đâu
xả rác chỗ đó, thật là tội nghiệp cho quê mẹ. Xả rác không ý thức đã
thành thói quen, nên mọi người xả xà lán một cách tự nhiên. Không những
thế, tôi tận mắt thấy nhiều người mang từng thùng rác, bao rác ra đổ ở
bờ sông, bờ biển, ruộng đồng... Bởi thế, quê hương mình là một đống rác.
Đống rác nhìn có xinh đẹp và thơ mộng nữa hay không, hỡi các bạn. Nhưng cái đáng lo ngại nhất là ô nhiễm môi trường.
Đồng bào ta sống nhờ vào nghề nông và nghề ngư. Đất nước ta từ thời xa
xưa đã sống bằng hai nghề này, bởi vì công nghiệp cho đến bây giờ vẫn
chưa phát triển lắm ở Việt Nam. Tất cả hàng hóa, vật chất đều nhập khẩu
từ Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản…
Làm ô nhiễm sông hồ, biển cả thì các loài thủy tộc làm sao sinh sống và phát triển cho được. Nước
chứa nhiều chất độc từ bịch ni lông, phân hóa học và rác rến cho nên
các loài cá tôm cua chết đâu hết hoặc di cư đi nơi khác rất nhiều nên
ngư dân đang gặp nhiều khó khăn lắm. Cọng với sự chèn ép của Trung Quốc,
đồng bào ngư dân càng thêm khổ cực. Đồng ruộng rác nhiều quá cỡ và
chất hóa học dùng giết sâu bọ quá độ làm độc hại thức ăn, rau cải, thực
phẩm, thì làm sao đất mẹ và con người tiếp tục chịu nổi sự ô nhiễm này.
Con người chỉ biết cái lợi trước mắt mà không biết cái hại to lớn cho
tương lại môi trường của tổ quốc. Vì thế, tôi biết có nhiều cách khác để
biểu lộ tình yêu cho quê hương mà ai ai cũng có thể làm được, dù mình
là một em bé. Đó là không xả rác và phát động phong trào ý thức bảo vệ
môi trường. Vấn đề là tự mình ý thức và nhắc nhở nhau ý thức, bởi vì
ta sống vô ý nên ta không biết được ta đang xả rác. Vứt rác đã trở
thành thói quen rồi, cho nên ý thức là căn bản. Lỡ mỗi khi các bạn vứt
rác là tự ý thức ngay hãy bảo vệ quê hương. Thấy bạn nào xả rác, ta liền nhắc nhở rằng bạn có muốn quê mình xinh đẹp và sạch sẽ không ạ. Tôi
đề nghị mỗi bạn đều mang theo một bao đựng rác bên mình, hễ có một
miếng giấy là bỏ ngay vào bao rác. Hành động này tuy nhỏ nhặt, nhưng là
một tình yêu cao cả cho đất mẹ quê hương. Công việc yêu thương quê hương
thứ hai là mình đi lượm rác và phát triển phong trào lượm rác.
Rác
có hai loại. Rác hữu cơ tức là rau cải, lá cây, thức ăn thừa.., và rác
vô cơ là giấy, bao ni lông. Rác hữu cơ có thể làm thành phân xanh. Nhà
nào cũng nên có một hầm rác hữu cơ để làm phân xanh. Rác này trong vòng
vài tháng là tiêu hóa thành phân, bón rất tốt cho cây và rau cải.
Nhà nào ở vùng quê cũng cần có hầm cầu để chứa phân người. Ta không nên
đi cầu bừa bãi trên mọi đường, ruộng đồng, vườn tượt, sông ngòi, biển cả
của quê hương. Đó là hành động thiếu văn minh và không lịch sự. Thứ rác
này vừa hôi hám, không vệ sinh, tạo ra nhiều vi trùng, thật dơ dáy, làm
cho người bản xứ cũng như khách phương xa không có cảm tình, không cảm
thấy vui vẻ và hạnh phúc. Loại rác này đất mẹ có thể tiêu hóa dễ dàng,
vì thế sao ta không xây thêm nhiều cầu tiêu công cộng. Nhà nào cũng cần
có nhà cầu để lấy nó làm phân. Có nơi để bản cấm đái, nhưng không có nhà
vệ sinh thì người dân đi đại tiểu tiện ở đâu đây. Làm nhà vệ sinh có
tốn kém là bao nhiêu mà ta lại để tình trạng ấy lan tràn khắp mọi nơi.
Vậy, thay vì làm thêm nhiều khách sạn, nhà ăn, quán xá, ta hãy xây nhà
vệ sinh công cộng để bảo vệ nét đẹp văn hóa của nước nhà. Chúng ta chỉ
cần ủ phân ấy trong đất một thời gian thì nó sẽ biến thành phân rất tốt.
Các
loại rác vô cơ khác như giấy có thể “reclycling” chuyển hóa lại thành
giấy hoặc chôn vào lòng đất. Người mình ưa đốt giấy, nhưng nó tạo ra
thán khí (carbondioxide), nguyên nhân làm hâm nóng trái đất. Thật ra,
nguyên nhân chính làm hâm nóng trái đất là khói xe hơi, xe gắn máy và
hãng xưởng. Ở Việt Nam, người ta dùng xe gắn máy quá nhiều, và nó là
chúa tạo ra thán khí carbondioxide. Lượng khói carbondioxide thải vào
không khí thật nhiều mỗi ngày. Nhiều khi chẳng cần thiết dùng xe gắn máy
làm gì, thế mà vì vô ý thức ta cứ nổ máy xe để đi. Đi đâu ta cũng chả
biết nữa, bởi vì ta cảm thấy cô đơn, ta không biết làm gì, nhất là ta
không có ý thức về sự ô nhiễm môi trường. Bây giờ, hiện tượng hâm
nóng toàn cầu, tức là nhiệt độ trái đất, tăng rất nhanh đã báo động khắp
nơi. Cũng vì thế nhiều khối lượng băng đã tan thành nước. Nếu khối băng
khổng lồ tan nhiều quá ở hai miền cực Nam Bắc thì mặt nước biển sẽ dâng
lên cao. Lúc ấy sẽ có nhiều thành phố, thôn quê bị chôn vùi dưới đáy
biển. Ai cũng công nhận rằng, hàng năm nước biển tấn công vào đất liền
và lấy đi rất nhiều diện tích của các thôn quê chạy dọc theo miền duyên
hải. Cho nên tốt nhất là giảm đốt giấy,
đốt lá cây, đốt rừng và giảm tối đa đi xe gắn máy. Đi bộ vừa tốt cho sức
khỏe, vừa không tốn tiền xăng mà giúp chận đứng được sự hâm nóng trái
đất.
Đốt
bịch ni lông còn tệ hơn nhiều, bởi vì nó tạo át xít đi vào không gian
làm thành mưa át xít thì thật tai hại đến ruộng đồng, cây cối và đất
đai. Rác cần phải được chuyển hóa từ lòng đất. Làng nào cũng nên có nơi
chôn rác, nhà nào cũng cần có hầm rác. Nó vừa sạch sẽ, vừa có cơ hội để
bồi thêm đất và có thể biến rác thành phân để trồng trọt.
Nhà
nước có kêu gọi phong trào bảo vệ môi sinh, nhưng họ chưa làm tới mức.
Chúng tôi là những người trẻ kính mong các bác công chức hãy làm gương
bằng cách không xả rác mà còn đi lượm rác ở thôn quê của mình thì người
dân sẽ bắt chước. Các bác là người yêu nước, thương dân thì phải hành
động cụ thể chứ không thể nói không. Cách đây mấy mươi năm, Hàn Quốc
cũng bị ô nhiễm trầm trọng do xả rác như Việt Nam bây giờ. Nhà nước Đại
Hàn đã kêu gọi toàn dân làm sạch tổ quốc. Phong trào ấy thật rầm rộ, bởi
vì nó là sự sống còn của đất nước ấy. Đài phát thanh nào, đài truyền
hình nào cũng nói tới công trình lượm rác và chuyển hóa rác. Họ đào
những cái hầm rất lớn để chôn rác hữu cơ. Họ lại đào một cái hầm khổng
lồ và xây tường chung quanh để chứa rác vô cơ tức là bịch ni lông, bánh
xe bỏ, các chất độc hại. Những thứ rác này có thể làm ô nhiễm đất đai,
đi vào lòng đất, thấm vào dòng sông. Hồi đó, dòng sông chính ở Đại Hàn ô
nhiễm trầm trọng. Nó hôi thối, cá chết thật nhiều, con người không thể
dùng nước ấy để tắm rửa, giặt dủ... Thế mà, bây giờ dòng sông ấy đã sống
lại, rất sạch, rất đẹp và thơ mộng. Cái hầm kia bây giờ đã trở thành
công viên lớn nhất, vừa xinh đẹp, vừa mát mẻ cho thành Seoul, Nam Hàn.
Đó là nhờ toàn dân ý thức bảo vệ nó.
Ý thức “không xả rác và lượm rác” sẽ làm cho quê hương Việt Nam sẽ sạch, đẹp đẽ và thơm tho. Người
Tây Phương nào đến quê hương Việt nam cũng sẽ thích thú thưởng thức
cảnh non xanh cẩm tú, nhất là sông, biển, núi rừng sạch sẽ. Các bạn ạ,
chỉ cần làm bấy nhiêu thôi ta đã biểu lộ được tình yêu quê hương, yêu
đất nước rồi. Tình yêu là bảo vệ. Chúng ta hãy làm đẹp cho quê hương bằng những hành động cụ thể là không xả rác và lượm rác. Mỗi
lần về quê, đi đâu tôi cũng cầm một cái bao để lượm rác, nhưng nguời xả
rác thì quá nhiều, vì thế cho nên tôi phải lượm rác thường xuyên suốt
thời gian ở Việt Nam. Cảm động nhất là Jane, bạn của tôi có lần cùng về
thăm ở quê hương với tôi, cô cũng cùng tôi đi lượm rác, và nhờ thế tôi
kể cho Jane nghe những kỷ niệm đẹp về quê hương mấy mươi năm về trước.
Tôi
cần bàn tay của các bạn giúp làm đẹp cho quê hương để chúng ta cùng
nhau ca ngợi một nước Việt Nam sạch sẽ, xinh đẹp và văn minh. Điều này
chỉ làm lợi thêm cho nền kinh tế của nước nhà, bởi vì núi, rừng, sông,
biển là tài nguyên, là nguồn sinh sống của toàn dân. Khi đất nước đẹp đẽ
thì người khắp thế mới mới thích đến du lịch. Các bạn có
biết không? Người Tây Phương đang phản ảnh về tình trạng rác rến quá mức
ở Việt Nam. Hãy cùng nhau thắp sáng ý thức không xả rác và làm sạch quê
hương.
Cảm ơn và xin chào các bạn.
No comments:
Post a Comment