Monday, September 30, 2013

Cuộc tranh đấu bảo vệ môi trường có hậu: trường hợp Cát Tiên!

Cái kết có hậu cho Đồng Nai 6 và 6A

TT - Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên - môi trường liên quan đến hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, giao Bộ Công thương xem xét để đưa hai dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch đã được phê duyệt, và rà soát lại quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long đi khảo sát nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ngày 21-7-2011 - Ảnh: Đ.tuyên
Nhận được thông tin trên, TS Vũ Ngọc Long - viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người đã có hơn 20 năm nghiên cứu và triển khai nhiều dự án ở vùng rừng Cát Lộc (vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên - nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng tại đây) - cho biết ông rất hạnh phúc. Từ năm 2009, TS Long là một trong những người đầu tiên và kiên trì lên tiếng phản đối việc xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Áp lực từ nhà đầu tư
* Suốt quá trình phản đối triển khai hai dự án thủy điện này ông có nhận áp lực từ nhiều phía? Có bao giờ ông thấy chán nản và có ý buông xuôi?
- Tôi bị áp lực rất nhiều trong việc này. Ngay trong thời điểm những gian lận trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lần 1 bị phanh phui, tôi muốn tổ chức nhiều hội thảo với các bên có liên quan để lên tiếng cho công chúng biết về tác động ảnh hưởng của hai dự án này đến môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học như thế nào nhưng đã không được phép triển khai, lúc đó tôi là phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới (ITB). Nhất là sau khi chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai bỏ tiền ra thuê một nhóm chuyên gia khác về đa dạng sinh học chính trong viện của tôi (ITB) nhằm đi khảo sát và viết lại ĐTM lần 2 thì tôi càng e ngại hơn. Phải nói rằng cái chiêu của chủ đầu tư bỏ tiền thuê mướn ngay chính một nhóm chuyên gia khác về đa dạng sinh học của ITB để phản bác những lập luận trước đó của tôi và một số cộng sự đã làm tôi rất lúng túng. Vì nếu không cẩn thận chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng đấu đá nội bộ.
Sau khi nhóm chuyên gia của ITB đi khảo sát và làm báo cáo ĐTM lần 2, tôi đã buộc phải im lặng một thời gian dài, cũng muốn buông xuôi. Nhưng sau đó tôi đã thoát ra khỏi "bóng ma" đầy uy lực này và tiếp tục cùng với các nhà khoa học khác lên tiếng đấu tranh bằng cả nhiệt huyết và tâm lực của mình.
* Gần bảy năm về trước, giả sử các nhà khoa học và báo chí không lên tiếng thì theo ông, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được triển khai xây dựng?
- Nếu những nhà khoa học và báo chí không lên tiếng thì có lẽ họ đã "làm thịt" xong hơn 300ha rừng nguyên sinh của Cát Tiên và sông Đồng Nai rồi. Nhưng tôi cũng lưu ý rằng trong cuộc đấu tranh này cũng có cả "cuộc chiến" giữa chính các nhà khoa học với nhau nữa. Không phải nhà khoa học nào cũng công tâm bảo vệ môi trường thiên nhiên đâu.
Còn nhớ ngay sau khi tôi đứng ra tổ chức hội thảo đầu tiên vào tháng 7-2011 tại Vườn quốc gia Cát Tiên để công bố những tác động nặng nề về môi trường tự nhiên và xã hội của hai dự án này, sau đó vài tháng chủ đầu tư đã liên hệ với một hội bảo vệ môi trường tổ chức hội thảo tại Hà Nội. Và không loại trừ từ sự "chi phối" của chủ đầu tư mà trong hội thảo này, một số "cây đa cây đề" trong giới khoa học Việt Nam đã lên tiếng hết sức ủng hộ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Một kịch bản được hội thảo soạn sẵn và đã ra thông báo kết luận hai dự án này gây ảnh hưởng rất ít đến môi trường, có lợi cho đất nước... Rất nhiều vị có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ đã cùng nhau hợp sức lại trong "bản trường ca" hoan hô hai dự án này.
Nhưng rất may, cuối cùng giá trị khoa học chân chính và chân lý đã được công nhận. Phải nói rằng báo chí đã góp phần rất quan trọng cho kết quả của ngày hôm nay.
Huy động được sự đồng lòng của cộng đồng
* Việc phê duyệt ĐTM của một số dự án thủy điện có trường hợp diễn ra rất dễ dàng, sơ sài. Và chỉ từ khi vấn đề này được phản ánh như vụ "lật tẩy báo cáo ĐTM" trong vụ Đồng Nai 6 và 6A thì mới gây được sự quan tâm, chú ý. Ý kiến của ông về việc phê duyệt ĐTM cần phải thực hiện chặt như thế nào?
- Sau vụ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, việc thẩm định và phê duyệt các báo cáo ĐTM cần phải thay đổi theo chiều hướng như: trước tiên, đơn vị làm ĐTM nên có tính độc lập và thoát hoàn toàn ra khỏi sự ràng buộc về tài chính của chủ đầu tư. Sau đó cần phải công khai để công chúng biết. Việc tham vấn cộng đồng cần được thực hiện một cách khoa học và cẩn thận ngay tại nơi bị ảnh hưởng và các vùng lân cận. Không chỉ gửi thư tham vấn lấy ý kiến như cũ mà nên tổ chức các cuộc họp công khai, mời tất cả các bên có liên quan để lắng nghe ý kiến của cộng đồng. Xác định đúng và đủ phạm vi ảnh hưởng của một dự án thủy điện từ thượng nguồn, trung và hạ nguồn. Các cơ quan phê duyệt ĐTM phải làm việc thật công tâm.
* Sau "cuộc chiến" Đồng Nai 6 và 6A, ông có thể cho biết đã rút ra được những kinh nghiệm gì cho những cuộc đấu tranh bảo vệ rừng cũng như bảo vệ môi trường sau này?
- Tôi nghĩ trong vụ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, chúng ta đã huy động được sức mạnh của quần chúng, tiếng nói của nhân dân, sự đồng lòng của cộng đồng. Cần phải công khai thông tin dự án và thông qua báo chí để chuyển tải thông tin đến công chúng theo cách nào đó nhanh, đầy đủ và chính xác nhất. Tiếng nói và sự đồng thuận của các nhà khoa học là rất quan trọng. Ngoài ra cũng cần tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền địa phương.
* Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương rà soát lại quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai cũng như quy hoạch tổng thể của thủy điện trên cả nước. Theo ông, những vấn đề gì cần quan tâm trong đợt rà soát này?
- Đó là việc vi phạm vào tài nguyên rừng, đất rừng. Việc làm suy giảm tài nguyên nước và môi trường. Việc vi phạm luật và cố tình lách luật để qua mặt hệ thống kiểm soát của Nhà nước. Hệ thống giám sát của quần chúng. Việc chạy chọt mua bán ý kiến, chữ ký ủng hộ của chủ đầu tư. Những tác động xã hội đến văn hóa bản địa...
* Hiện nay còn nhiều dự án thủy điện được thiết kế xây dựng trong vườn quốc gia, có nên dừng hẳn hoặc tháo gỡ những công trình thủy điện này?
- Theo tôi, Chính phủ và các bộ liên quan cần rà soát và dứt khoát loại bỏ những dự án xâm phạm vào vườn quốc gia cùng những khu rừng nhạy cảm. Cần phải ra quyết định phá bỏ một vài công trình thủy điện gây nguy hiểm đến an sinh xã hội và môi trường thiên nhiên hoặc có ảnh hưởng lớn đến các lưu vực sông. Trong vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên cần phải nghiêm cấm không cho xây dựng công trình thủy điện dù là nhỏ. Vì những dự án này tuy nhỏ nhưng tác động môi trường rất lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả con em chúng ta sau này.
ĐỨC TUYÊN thực hiện
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:
Người dân Đồng Nai rất vui
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Trí - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - nói: dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được các cấp chính quyền của tỉnh nói rất nhiều. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh từng lên tiếng về những bất hợp lý của hai dự án này. Có nhiều ý kiến khác nhau về hai dự án này, nhưng các cơ quan chuyên môn của tỉnh Đồng Nai đã phân tích rằng hai dự án trên nếu được cho phép thực hiện sẽ gây tác hại rất lớn. Đó là lý do Đồng Nai cũng như một số nhà quản lý, nhà khoa học chân chính đã đòi hỏi phải loại bỏ hai dự án.
Nhưng cũng có nhiều nhà khoa học, thậm chí có một số cơ quan truyền thông, đã "ngầm" ủng hộ hai dự án này. Vì vậy, chúng tôi đã có nhiều văn bản chứng minh hai dự án gây thiệt hại về môi trường, lòng tin của cộng đồng quốc tế khi vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên bị xâm hại... Giờ đây, khi hay tin Chính phủ có ý kiến phải loại bỏ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, người dân ở khu vực sông Đồng Nai rất vui.
H.MI
Theo TTO

No comments:

Post a Comment