Tuesday, May 14, 2013

Rừng Sóc Sơn còn đâu?!


“Xẻ thịt” rừng Sóc Sơn

Thứ Ba, 07/05/2013 23:15

Việc mua bán, chuyển nhượng, xây dựng trái phép trên đất rừng ở Sóc Sơn (Hà Nội) diễn ra nhiều năm trời và đã bị Thanh tra Chính phủ “sờ gáy” nhưng chính quyền địa phương vẫn “ầu ơ” trong xử lý sai phạm

Theo kết luận thanh tra việc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn (gọi tắt là Lâm trường Sóc Sơn) quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn 8 xã thuộc huyện Sóc Sơn do Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hà Nội vừa công bố, rất nhiều vi phạm nghiêm trọng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra từ 7 năm trước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo giải quyết nhưng đến nay vẫn đang tiếp diễn mà không được xử lý dứt điểm.
Đua nhau chiếm đất rừng
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra từ đầu những năm 1990 nhưng tập trung chủ yếu thời kỳ sau khi đã quy hoạch là rừng phòng hộ và đặc dụng năm 1998. Trên danh nghĩa chuyển nhượng cây cối hay liên doanh, liên kết để đầu tư sản xuất, nhiều cá nhân đã mua bán đất rừng trái phép. Người nhận chuyển nhượng sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng thành vườn ăn quả và xây dựng công trình kiên cố.
 
Việt phủ Thành Chương, công trình xây dựng trái phép tồn tại trong thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm. Ảnh: ĐỖ DU
Thanh tra Chính phủ đã phát hiện trên địa bàn 9 xã và Lâm trường Sóc Sơn có 336 hộ dân chuyển nhượng đất lâm nghiệp, diện tích 296,1 ha (không tính 289 hộ dân chuyển nhượng, diện tích 176,46 ha thuộc khu vực sân golf xã Minh Trí đang giải phóng mặt bằng); 659 hộ xây dựng các công trình trên đất lâm nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tất Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết việc mua bán đất ở Sóc Sơn được tiến hành ngấm ngầm, mua bán giấy tờ trao tay, thông qua sổ lâm bạ… và đều trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc mua bán, xây dựng trái phép trên đất rừng ở Sóc Sơn không hề “ngấm ngầm”.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong một thời gian dài, hầu hết các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất rừng ở Sóc Sơn đều được chính quyền xã xác nhận và được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và vườn liền kề; không cơ quan nào có biện pháp ngăn chặn sớm việc xây dựng trái phép trên đất rừng đã quy hoạch. 
“Lơ” chỉ đạo của Thủ tướng
Sau khi có kết luận về những sai phạm trên, ngày 22-5-2006, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm túc các sai phạm. Đặc biệt, giao Bộ NN-PTNT chủ trì cùng Bộ TN-MT, UBND TP Hà Nội xem xét cụ thể các trường hợp mua bán, chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất rừng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý cụ thể theo nguyên tắc “thu hồi toàn bộ các diện tích mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật”.
Theo ông Nguyễn Tất Thanh, sau khi có kết luận vụ việc,  huyện liên tục đôn đốc, quyết tâm xử lý bằng được nhưng rất khó,  hiện vẫn còn tình trạng xây dựng nhà cửa trên đất rừng.
Còn theo Sở TN-MT Hà Nội, từ đó tới nay, UBND huyện Sóc Sơn chưa xử lý dứt điểm các sai phạm; việc điều chỉnh diện tích đất ở trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ dân chưa triệt để, mới hiệu chỉnh được 32/123 giấy chứng nhận vượt hạn mức cho cán bộ, nhân viên Lâm trường Sóc Sơn…
 Lửng lơ giải pháp xử lý
Tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 7-5, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết đã báo cáo vụ việc và chờ ý kiến cuối cùng của UBND TP Hà Nội. Khi các phóng viên hỏi cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm xử lý thì đại diện Sở TN-MT cho biết vì đây là sai phạm trong sử dụng đất nông nghiệp nên trách nhiệm xử lý thuộc về Sở NN-PTNT (?!).
Về những công trình xây dựng trái phép, ông Nguyễn Tất Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết: “Về nguyên tắc phải tháo dỡ toàn bộ những công trình nhưng chúng tôi thấy rằng phải làm sao để vừa bảo vệ khai thác rừng vừa tránh gây thất thoát tài sản của công dân, trong đó có cả tài sản Nhà nước”- ông Thanh nói.
THẾ KHA

No comments:

Post a Comment