Báo cáo sai, giải pháp khó trúng
Thứ Sáu, 31/05/2013 00:08
(NLĐO) Nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ luôn xem nông nghiệp là “cứu tinh” của nền kinh tế nhưng trên thực tế nhiều chính sách chưa đến được với nông dân
Ngày 30-5, Quốc hội (QH) dành trọn 1 ngày để thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.
Với lối nói nhẹ nhàng nhưng đầy hình ảnh, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn hàng loạt số liệu của báo cáo Chính phủ mà ông cho rằng “thiên về tô hồng, nặng thành tích”, không thuyết phục cử tri, gây nghi ngờ cho các ĐB, chẳng hạn về nợ xấu với hàng loạt con số khác nhau thì đâu là số liệu chính xác?
Số liệu chưa thật chính xác!
Cùng hoài nghi, ĐB Lê Thị Nguyệt (tỉnh Vĩnh Phúc) nói thẳng: “Chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2012, số liệu của Tổng cục Thống kê nêu 1,347 triệu việc làm mới, còn Chính phủ báo cáo là 1,52 triệu lao động được giải quyết việc làm. Sao chênh lệch như vậy?”. ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) nhận xét độ tin cậy của các số liệu này rất thấp dẫn đến không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, giải pháp đúng và sẽ gặp nhiều rủi ro.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận rằng về cơ bản số liệu của chúng ta hiện nay có độ chính xác chưa cao.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2012 có 1,347 triệu việc làm mới. Số liệu này khiến nhiều đại biểu Quốc hội
hoài nghi vì chênh lệch khá lớn so với báo cáo của Chính phủ Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền giải thích sở dĩ có 50.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản trong thời gian qua nhưng số người có việc làm mới tăng là do cách tính thất nghiệp ở Việt Nam rất khác so với các nước, vì khi người lao động mất việc ở thành phố thì họ về nông thôn vẫn có việc làm. Ngoài ra, cơ quan thống kê chỉ lấy số lao động năm 2012 trừ đi số liệu của năm 2011 nên ra con số 1,3 triệu việc làm mới; còn ngành lao động tính cả số việc làm thay thế từ 120.000 người nghỉ hưu và 80.000 người đi xuất khẩu nên con số có được lên tới 1,52 triệu việc làm mới.
Mắc nợ nông dân
Nhiều ĐB cho rằng Chính phủ luôn xem nông nghiệp là “cứu tinh” của nền kinh tế nhưng trên thực tế nhiều chính sách chưa đến được với nông dân.
ĐB Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) dẫn thống kê tại 13 tỉnh ĐBSCL có khoảng 4 triệu hộ nông dân trồng lúa, nếu tính trung bình một hộ 4,4 nhân khẩu thì dù có giữ lại 30% lợi nhuận từ làm lúa song thu nhập của nông dân chỉ đạt 3,8 triệu đồng/người/năm; khoảng 230 USD/người/năm hoặc là 316.250 đồng/người/tháng, dưới cả ngưỡng nghèo hiện nay là 400.000 đồng/người/tháng.
ĐB Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau) bày tỏ: “Khi tiếp xúc cử tri, vấn đề làm chúng tôi khó trả lời nhất là sự hỗ trợ có thực sự đến nông dân chưa? Và nếu đến thì tỉ lệ bao nhiêu phần trăm?”.
Giải đáp những bức xúc của ĐB, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết năm 2013, ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 131.000 tỉ đồng (tăng 2,5 lần so với năm 2009) trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn, như vậy là cố gắng rất lớn của Nhà nước; mức tín dụng cho khu vực này cũng tăng so với dự nợ tín dụng chung qua mỗi năm; lãi suất bình quân cho vay lĩnh vực này (từ năm 2011 đến nay) thấp hơn bình quân chung từ 2%-3%.
Chênh lệch giá cao giúp bình ổn thị trường vàng?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết đã cơ cấu lại cho nền kinh tế khoảng 284.000 tỉ đồng, bằng 10% tổng dư nợ tín dụng. Dự kiến, khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động, đến cuối năm nay sẽ góp phần xử lý 40.000-70.000 tỉ đồng nợ xấu. Trước đó, vấn đề quản lý thị trường vàng được Ngân hàng Nhà nước báo cáo QH bằng văn bản, khẳng định đã đạt kết quả ban đầu. Về chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, Thống đốc giải thích chênh lệch giá cao giữ cho giá vàng và thị trường vàng trong nước ổn định trước biến động bất thường của thị trường thế giới... T.Hà
|
Thế Dũng
No comments:
Post a Comment