Rừng đặc dụng Xuân Nha đang bị tàn phá
(VOV) -Các vụ vi phạm chủ yếu là phá rừng làm nương trái phép, với diện tích rừng bị “cạo trọc” trên 23.000m2.
- Trưởng trạm bảo vệ rừng thuê người... phá rừng
- Vợ chồng Phó Bí thư xã ra tòa vì phá rừng
- Vụ phá rừng lớn nhất ở Hà Tĩnh: Án tù 12 năm cho kẻ cầm đầu
Rừng Xuân Nha thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được công nhận Rừng đặc dụng Quốc gia cần bảo tồn từ năm 2002. Khu rừng có diện tích hơn 43.000 ha, trong đó 16.000 ha vùng lõi, với nhiều loài thực vật ghi trong sách đỏ thế giới như: Pơ mu, đình tùng, bách xanh, thông 5 lá… hay động vật hoang dã như gấu, khỉ mặt đỏ, gà mặt vàng… Do ở vùng lõi của rừng vẫn còn hàng nghìn hộ người Mông sinh sống, địa bàn trải rộng, lực lượng kiểm lâm lại mỏng, nên hàng ngày rừng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm Rừng đặc dụng Xuân Nha, từ năm 2011 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý hơn 56 vụ vi phạm rừng ở đây. Các vụ vi phạm chủ yếu là phá rừng làm nương trái phép, với diện tích rừng bị “cạo trọc” trên 23.000m2. Lực lượng kiểm lâm đã thu hàng trăm mét khối gỗ các loại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến rừng bị hủy hoại, tàn phá là do còn nhiều hộ gia đình sống trong vùng lõi của rừng đặc dụng.
Anh Đinh Mạnh Ninh, cán bộ hạt kiểm lâm Xuân Nha cho biết: "Do trình độ dân trí bà con, hai về kinh tế rất khó khăn thiếu đất sản xuất, nên bà con đã lấn, chiếm. Mỗi năm họ phát vén lấn một ít. Dần lấn vào sâu đất rừng của chúng tôi".
Sâu trong vùng lõi Rừng đặc dụng Xuân Nha vẫn còn 9 bản, với 3.600 nhân khẩu đồng bào Mông thuộc các xã Xuân Nha, Chiềng Xuân, Tân Xuân, Lóng Sập… đang sinh sống. Trưởng bản Kho Hồng, xã Chiềng Xuân, huyện Mộc Châu - Phàng A Di kể: Bà con về đây đinh canh, định cư từ những năm 1990. Đến năm 2002, rừng được công nhận là Rừng đặc dụng Quốc gia. Lúc đó đã có phương án di chuyển dân ra khỏi vùng lõi của rừng, nhưng bà con không muốn đi. Do vậy, bà con không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất đã khai phá từ trước, đồng nghĩa với việc không có tài sản thế chấp nên không vay được vốn làm ăn.
Trưởng bản Kho Hồng - Phàng A Di nói: Bà con mong muốn được cấp giấy chứng quyền sử dụng đất, thuận lợi cho bảo vệ phát triển rừng. Nó vừa tạo ra hành lang, mốc giới cho dân đất canh tác, vừa để bảo vệ rừng chặt chẽ hơn.
Rừng đặc dụng Xuân Nha giáp các địa phương của tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và nước bạn Lào. Các “hàng xóm” của rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn thiếu thốn. Vì vậy, ngoài việc rừng bị tàn phá vì người dân ở vùng lõi, bà con ở các vùng giáp ranh cũng du canh, du cư đến phá rừng, khai thác gỗ lậu và định cư lâu dài. Trong 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn xẩy ra 10 vụ vi phạm rừng, vụ nổi tiếng nhất là 2 đối tượng người Mông ở Thanh Hóa sang phá trên 3.000 m2 diện tích rừng quý hiếm ở vùng lõi để làm nương. Các đối tượng đã bị bắt và mới đưa ra xét xử, với mức án 6 năm tù giam.
Rừng Xuân Nha luôn bị đe dọa, lực lượng kiểm lâm thì mỏng. Ông Trần Ngọc Tân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Xuân Nha cho biết: "Hiện nay đơn vị chỉ có 24 cán bộ, còn thiếu gần 20 người mới đủ biên chế, theo qui định của ngành để bảo vệ 43.000 ha rừng đặc dụng Xuân Nha. Đã vậy, đơn vị còn vừa là chủ rừng, vừa là kiểm lâm: Khó khăn của chúng tôi là trên vai gánh hai chức năng, chức năng chủ rừng và chức năng bảo vệ rừng. Về chức năng chủ rừng thì chưa có chính sách để làm tốt công tác này. Chi trả dịch vụ môi trường trong toàn tỉnh đã có, riêng 4 xã rừng đặc dụng Xuân Nha không được chi trả, vì nó không nằm trong rừng phục vụ lòng hồ thủy điện sông Đà, mà thuộc sông Mã dẫn đến bà con chưa được hưởng lợi từ rừng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng hạn chế".
Rừng đặc dụng Xuân Nha, đỉnh là dãy Pha Luông cao hơn 1.900 m, được khắc họa trong bài thơ Tây Tiến của Nhà thơ Quang Dũng: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống; Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Nơi đây có nhiều động thực vật quý hiếm có trong sách đỏ thế giới, đang có nguy cơ biến mất. Nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến Rừng đặc dụng Xuân Nha cho rằng, nếu không có giải pháp ổn định lâu dài, hay di dời dân ra khỏi vùng lõi và tăng cường đầu tư, quản lý bảo vệ sẽ dẫn đến tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” với khu rừng quý hiếm này./.
No comments:
Post a Comment