Tuesday, May 21, 2013

Những anh hùng Hy sinh bản thân mình để đánh đổi lợi ích lớn lao chung!


Những anh hùng môi trường bị thảm sát
 Thứ bảy, 18/05/2013 08:02

(CATP) Sombath Somphone đang ở đâu? Từ khi nhà bảo vệ môi trường nổi tiếng nhất Đông Nam Á này bị bắt ngay giữa đường phố tại Lào vào tháng 12-2012, không ai biết số phận của ông ra sao. Bộ ngoại giao Mỹ và vô số tổ chức NGO trên thế giới chú ý trường hợp này. Nhưng chính quyền Lào không cho biết chuyện gì đã xảy ra vào ngày thứ bảy, khi Sombath bị bắt tại một trạm kiểm soát ở Vientiane. Nó giống như một vụ bắt cóc do những kẻ có thế lực từ nhà nước ra lệnh. Khi các chiến binh lao vào bảo vệ thiên nhiên và những con người sống ở đó, họ ít khi nghĩ đến mối nguy hiểm đang chờ đón mình. Thế nhưng, từ Lào đến Philippines qua Brazil, danh sách những người mất mạng còn rất dài. Năm 2012 là đặc biệt thảm khốc.

Một trong các vụ án diễn ra tại Rio de Janeiro năm 2012, vào ngày cuối cùng của hội nghị Thượng đỉnh trái đất. Buổi chiều 22-6, các phái đoàn trên khắp thế giới chuẩn bị đến phi trường, trong lúc Almir Nogueira de Amorim và người bạn João Luiz Telles Penetra đi câu tại vịnh Guanabara. Ngoài nghề câu cá, họ còn đứng đầu tổ chức Associaçao Homens e Mulheres do Mar (AHOMAR) thành lập năm 2010, chống lại việc xây dựng đường ống dẫn khí nối vịnh với nhà máy lọc mới của công ty dầu hỏa quốc doanh Brazil Petrobras. Theo họ, đường ống dẫn làm ô nhiễm vịnh và gây nguy hại cho nghề đánh cá.

Vấn đề họ đưa ra ánh sáng - bảo vệ các phương tiện sinh sống của cư dân địa phương - là điểm then chốt của hội nghị Rio+20. Hai ngày sau, người ta tìm thấy xác họ. Một người trôi tấp vào bờ biển, tay chân bị trói chặt. Người kia bị xiết cổ chết, cột xác vào chiếc thuyền. Đó không phải là trường hợp cá biệt. Từ khi thành lập AHOMAR, hai chiến binh khác cũng bị giết chết. Cho đến nay không biết ai là thủ phạm. Nhà máy lọc dầu sẽ khai trương vào năm 2014.

Một tháng trước đó, tại Philippines, một công chức chống xây đập thủy điện ở miền nam đảo Mindanao bị bắn chết. Margarito Cabal trở về nhà sau khi đến Kibawe, một trong 22 ngôi làng phải biến mất dưới dòng nước của dự án đập thủy điện Pulangi V. Không ai biết kẻ giết Cabal là ai. Cũng chẳng có cuộc điều tra nào diễn ra. Người ta nghi ngờ chính là lực lượng an ninh. Theo tổ chức Thế giới chống tra tấn, đặt trụ sở tại Thụy Sĩ, lính Philippines mở cuộc hành quân tại Kibawe và vùng phụ cận từ mấy tuần trước, đã tấn công các nhóm nông dân phản đối việc xây đập nước. Nếu họ không phải là thủ phạm, cũng đã tạo điều kiện cho kẻ ác ra tay. Cabal là người bảo vệ môi trường thứ 13 bị giết chết tại Philippines trong vòng hai năm.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền quả quyết năm 2012, Campuchia đạt kỷ lục. Những chiến binh chống phá rừng và cướp đất là mục tiêu của cơ quan an ninh, và bọn xã hội đen “đánh thuê” cho các xí nghiệp. Một trong các nạn nhân là Chut Wutty, một cựu chiến binh và là thành viên của NGO Global Witness. Ông bị bắn chết. Thế giới tội ác là chủ mưu của nạn phá rừng trên khắp thế giới. Theo báo cáo Chương trình vì môi trường của LHQ (PNUE), 90% vụ phá rừng trên thế giới đều là phi pháp theo kiểu này hay kiểu khác. Trong bối cảnh đó, những người đứng ra bảo vệ thường xuyên bị tấn công.

Tháng 11-2012, sự bạo hành nhắm vào một gia đình tại Mexico đạt mức độ tàn bạo cực điểm. Gia đình này cố bảo vệ vùng rừng núi ở phía nam, chống bọn phá rừng và buôn lậu ma túy cần lấy đất để trồng cây cần sa và thuốc phiện. Juventina Villa Mojica, một thủ lĩnh của tổ chức Nông dân bảo vệ Môi trường tại Patatlan - OCESP - bị lọt vào ổ phục kích khi lái xe hơi đi với đứa con trai. Mấy ngày trước, chị tổ chức cho 45 gia đình di tản ra khỏi ngôi làng bị bọn buôn lậu ma túy bao vây. Vì lý do đó, chị được một nhóm cảnh sát theo bảo vệ. Chỉ mấy phút trước khi chúng bắn xối xả vào mẹ con chị, toán cảnh sát đã bí mật biến mất hết! 20 người trong gia đình Villa Mojica cũng bị giết chết vì họ từ chối giao đất cho chúng. Mặc cho hứa hẹn điều tra của chính quyền bang Guerrero, cho đến nay vẫn không có ai là thủ phạm.

Theo Global Witness, số lượng người bảo vệ quyền lợi xã hội và môi trường bị giết gia tăng khủng khiếp. So với năm 2000, con số gia tăng gấp đôi, với bình quân hai người bị giết/tuần. Theo NGO, các nước Brazil, Peru, Colombia và Philippines là những nơi nguy hiểm cao nhất. Nhưng nhiều người chết tại châu Phi lại không được truyền thông nước ngoài biết đến.
PHỤNG CAO (lược dịch)
http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=1120&id=495457
 


No comments:

Post a Comment