Friday, May 31, 2013

‘Trông người mà ngẫm đến ta’!

Hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học

Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-05-19 
000_Hkg8340478-305.jpg
Người dân Thái Lan với băng rôn và hình ảnh bảo vệ động vật hoang dã bên ngoài địa điểm diễn ra Hội Nghị về công ước CITES tại Bangkok hôm 06/3/2013
AFP photo
Việt Nam lâu nay tiến hành hợp tác cùng nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới để cùng bảo tồn đa dạng sinh học. Hoạt động đó mang lại lợi ích cụ thể ra sao và có những bài học nào cho Việt Nam?

Hợp tác xa

Vào ngày 6 tháng 5 vừa qua, đại diện Bộ Phát triển Nông thôn Việt Nam sang Nam Phi ký kết Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học giữa hai nước.
Theo thông tấn xã Việt Nam thì kế hoạch hành động vừa nói là kết quả của quá trình hợp tác và đàm phán tích cực giữa hai chính phủ Hà Nội và Petroria từ khi ký Biên bản ghi nhớ hồi tháng 12 năm ngoái giữa hai phía. Kế hoạch Hành Động Bảo tồn Đa Dạng Sinh học giữa Nam Phi và Việt nam sẽ có hiệu lực đến năm 2017.
Kế hoạch hành động vừa được ký kết được cho biết gồm có 7 nhóm hành động với 26 hành động cụ thể. Những hành động này đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học; tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học theo khuôn khổ luật pháp của mỗi nước, phù hợp với những công ước quốc tế mà mỗi bên đã tham gia. Một công ước quan trong là Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, viết tắt theo tiếng Anh là CITES.
Nhân dịp lễ ký kết thỏa thuận giữa hai phía, thứ trưởng Rejoice Mabudafhasi, của Nam Phi cho biết với những cam kết giữa hai phía được đưa ra trong Kế hoạch Hành động Nhằm bảo vệ đa dạng sinh học như thế, hai bên sẽ từng bước tiến đến việc chấm dứt hoàn toàn nạn săn bắn trộm và buôn bán sừng tê giác.
Điều đó được nhắc đến vì lâu nay Việt Nam được báo chí ngoài và trong nước nhắc đến nhiều về tình trạng sừng tê giác được chuyển qua Việt Nam.
Ngay trong ngày mà đại diện của phía Việt Nam và Nam Phi ký Kế Hoạch Hành động Bảo tồn Đa Dạng Sinh học thì hãng thông tấn AFP trích dẫn nguồn tin trong nước loan tin hải quan Việt Nam bắt giữ được hơn 7 kilogram sừng tê giác.
Hai chiếc sừng tê giác được tin là có xuất xứ từ Nam Phi trị giá chừng 365 ngàn đô la Mỹ. Chúng được giấu trong hành lý của một hành khách trên chuyến bay từ Doha đến thành phố Hồ Chí Minh một ngày trước đó. Bản tin không cho biết người hành khách đó có bị bắt giữ hay không.
Theo đánh giá, tình trạng săn bắt tê giác bất hợp pháp gia tăng trong những năm gần đây do nhu cầu tăng mạnh tại khu vực Châu Á và ngay ở Việt Nam. Những người sử dụng sừng tê giác cho rằng loại này có công dụng chữa trị ung thư cho đến cả việc giải độc rượu. Trên thị trường chợ đen Việt Nam, một trăm gram sừng tê giác giá cả 5 trăm đô la Mỹ.
Hẳn thính giả vẫn còn nhớ tranh cãi gần đây về con tê giác trưng bày của một vị đai gia tại tỉnh Trà Vinh bị kẻ gian lấy mất chiếc sừng. Có thể đó là một hình thức chứng tỏ đẳng cấp giàu có của họ.
Tại hội nghị của CITES hồi tháng ba vừa rồi, Hà Nội được yêu cầu cần phải lâp cơ sở dữ liệu để kiểm soát số sừng tê giác trưng bày đang có phép; ngoài ra chính quyền Việt Nam cần phải có biện pháp tuyên truyền giảm thiểu nhu cầu trong nước đối với mặt hàng này.
Trong thực tế lâu nay có một số thợ săn Việt Nam sang Nam Phi đăng ký tham gia hoạt động săn bắt tê giác theo qui định của nước này. Qua thỏa thuận vừa ký kết giữa hai nước, thì danh sách những thợ săn như thế cả người Nam Phi lẫn người Việt Nam sẽ được trao đổi cho nhau. Tin cho biết từ năm 2009 đến năm 2011 tại tỉnh KwaZulu của Nam Phi, cơ quan chức năng cấp cho những tay thợ săn Việt Nam 13 giấy phép trên tổng số 47 giấy phép được cấp.
Từ đầu năm đến nay, Nam Phi nói số sừng tê giác săn bắn trái phép là hơn 270 sừng.
Tiến sĩ Vũ Văn Triệu, nguyên trưởng đại diện của IUCN Việt Nam, cho biết về vấn đề Nam Phi cấp phép cho các tay săn bắn tê giác như sau:
"Nam Phi họ tính có số lượng tê giác rất lớn, nên họ cho phép săn bắn mỗi năm bao nhiêu con. Việc này cũng như ở Châu Â, mỗi năm người ta cho săn bắn bao nhiêu con cáo, vịt, thỏ… vào mùa nào đó. Người ta tính việc cho săn như thế làm cho quần đàn không bị ảnh hưởng."
Ông này cho rằng việc hợp tác bao giờ cũng nhắm đến những mục tiêu có lợi về mặt bảo tồn cho cả hai phía tham gia, và đây là một hoạt động mà Việt Nam từng thực hiện lâu nay chứ không phải đến bây giờ mới có như với Nam Phi. Ông nói:
"Trước đây khi tôi còn lại đại diện của tổ chức IUCN tại Việt Nam, ví dụ tê giác đã cùng WWF với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hà Lan cùng nhiều tổ chức khác tham gia đã bầy ảnh, chụp tê giác, rồi nghiên cứu xem bầy đàn đó là một bầy đàn phát triển hay chỉ có một cá thể đực hay cái. Vào lúc đó đã có đặt vấn đề nếu bầy đàn không có khả năng phát triển mà chỉ có một hoặc hai cá thể chỉ toàn đực hay cái sẽ không duy trì được lâu; nên có đặt vấn đề hợp tác quốc tế tức có phải mang con tê giác của mình sang một nước khác như Indonesia nơi cũng có tê giác một sừng như thế để phối giống. Những việc như thế nếu có tiền cũng không thể làm được mà phải trên cơ sở hợp tác quốc tế."

Bài học gần

afp-250.jpg
Một nơi bán thịt thú rừng ở Việt Nam. AFP photo
Qua hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học với các nước như thế, Việt nam học hỏi và thu nhận được những gì? Tiến sĩ Vũ Văn Triệu nói về điều này như sau:
"Thực ra không phải những loài trở thành vật nuôi chỉ là loài mà người ta thuần hóa và nuôi những vật chỉ có ở nước mình mà thôi. Ví dụ như gà thì tại Việt Nam trước đây có nhiều giông như gà ri, gà Đông Cảo rất to được gọi là gà tây; rõ ràng đó là giống nhập nội dần dần được thuần hóa và trở thành vật nuôi. Hay như lợn, trước kia ở Việt Nam nổi tiếng là lợn Móng Cái hoặc lợn ỷ, lợn Mường Khương nhưng bây giờ người ta cũng nhập những loại lợn như Yorkshire chẳng hạn … được thuần hóa rồi dần trở thành vật nuôi. Cho nên qua hợp tác làm đa dạng phong phú thêm không phải chỉ đa dạng sinh học trong bảo tồn đơn thuần mà còn làm phong phú thêm các loại vật nuôi cây trồng cho tốt hơn.
Về cây trồng thì ở Việt Nam chẳng hạn như cao su, thuốc lá, cà phê không phải là giống bản địa ở Việt Nam. Người Pháp lúc là nước bảo hộ của Việt Nam đã di thực những giống đó vào. Như cà phê nay Việt Nam trở thành nước nhất nhì thế giới về cà phê…"
Một chuyên gia về môi trường của Việt Nam là anh Nguyễn Huỳnh Thuật, người từng làm việc tại Vườn Quốc Gia Cát Tiên, và được phía Thái Lan mời sang cùng tham gia vào một chương trình của Vườn Quốc gia Khao Yai của Thái. Sau thời gian làm việc trở về, anh Nguyễn Huỳnh Thuật cho biết một số nhận xét chủ quan về công tác quản lý, bảo tồn tại khu vườn đó như sau:
"Ấn tượng nhất là sự tham gia của người dân vào việc quản lý rừng. Ở Việt Nam mô hình quản lý bây giờ là trên xuống ( Top-down) : quản lý theo mệnh lệnh, đặc biệt của các đảng viên hay cán bộ của nhà nước là chủ rừng. Còn ở Khao Yai, họ có sự phân quyền; đặc biệt là mảng lâm nghiệp cộng đồng ( community-based forestry/community-based forest management), tức sự quản lý có tham gia của cộng đồng. Thái Lan họ đi trước mình một bước, vì hiện Việt Nam đang thử nghiệm mô hình dần dần chuyển giao, phân quyền cho người dân tham gia quản lý với cán bộ Nhà nước. Còn ở Khao Yai hay những khu rừng khác họ làm tốt hơn Việt Nam.
Việt Nam cần học hỏi trong việc trao quyền và tin tưởng người dân. Dân Thái Lan rất kính ngưỡng Vua và lãnh đạo của họ, lãnh đạo cũng tin tưởng dân nên trao quyền rất tốt. Có sự tham gia của người dân thì việc quản lý rừng rất tốt. Bảo vệ môi trường là sự nghiệp chung.
Nếu so số cán bộ tại Khao Yai của họ không đông bằng số ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhưng quan trọng là mỗi người dân của họ cũng là một cán bộ bảo vệ rừng. Nhiều người dân sống quanh rừng tình nguyện làm người bảo vệ rừng. Đó là điều mà Việt Nam chưa có."
Không chỉ riêng tại khu vực Vườn quốc gia Khao Yai mà ở nhiều nơi khác mà anh Nguyễn Huỳnh Thuật đi qua, anh cũng có những nhận xét tích cực về ý thức bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học của người dân Thái Lan:
"Ý thức bảo vệ môi trường của họ hơn hẳn người Việt Nam. Tôi chưa có dịp tiếp xúc những lãnh đạo cao cấp tại Thái Lan; thế nhưng theo tôi hiểu thì những lãnh đạo cấp cao cũng xuất phát từ nền tảng của người dân. Khi đi trên đường từ sân bay đến Vườn Quốc gia Khảo Yai tôi đã thấy rõ rệt hai bên đường không có rác. Tại Việt Nam hai bên đường quốc lộ, khi người dân đi xe họ sẵn sàng liệng chai uống nước, bịch ra ngoài đường; nhưng ở Thái không có chuyện đó. Trên xe công cộng cho đến khu nhà, khu resort không có rác, và rác thải được quản lý tốt.
Khi ở tại khu resort của Vườn Quốc gia Khao Yai thì nguồn nước từ đỉnh chảy xuống nước rất sạch, không bị ô nhiễm. Người ta còn có thể sử dụng nước đó để rửa mặt, uống. Còn ở Việt Nam các dòng sông, suối dường như đều bị ô nhiễm."
Như đã nêu trên đến ngày 6 tháng 5 vừa qua, hải quan Việt Nam vẫn còn bắt giữ được sừng tê giác được đưa lậu về Việt Nam bởi chính người  Việt Nam. Hằng ngày, mọi người còn chứng kiến tình hình động vật hoang dã được rao bán ở các nhà hàng với giá cao mà khách ăn vẫn có.
Ở Việt Nam lâu nay có câu ‘Trông người mà ngẫm đến ta’ để nói đến tình hình chưa được tốt của bản thân khi so sánh với người khác. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học của đất nước thì nhìn ra chung quanh, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề dù rằng chính quyền tham gia ký kết với nhiều nước như Nam Phi vừa rồi. Ký kết và thực thi dường như vẫn còn khoảng cách lớn tại Việt Nam.

No comments:

Post a Comment