Wednesday, May 29, 2013

Bọn "giặc" này vu cho dân là " thế lực thù địch" đây để dễ dẹp!

Đó là giặc nội xâm !

Thứ Ba, 28/05/2013 23:21

TS Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhìn nhận như vậy khi nói về mối quan hệ “không bình thường” giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp để trục lợi

- Phóng viên: Thưa ông, mục đích của việc nghiên cứu về mối quan hệ “không bình thường” của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với doanh nghiệp (DN) mà ông là chủ nhiệm đề tài là gì?
 
 -TS Lê Hồng Liêm: Mục tiêu của đề tài là nhằm làm rõ các mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với các DN để trục lợi và tác hại của nó, từ đó đề xuất giải pháp phát hiện, ngăn chặn. Lực lượng nghiên cứu là cán bộ trong ngành kiểm tra ở cơ quan Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương và UBKT các tỉnh, thành ủy; một số cán bộ ở các ban Đảng, các nhà khoa học, cơ quan tư pháp, nhà báo...
Đề tài này chủ yếu được đúc kết từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng qua các nhiệm kỳ; đúc kết từ gần 50 vụ việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật có liên quan đến chủ đề nghiên cứu nên đề tài không thể bao quát hết các vấn đề và không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định.
 
Chúng tôi chỉ góp phần nhận diện, cảnh báo, dự báo và nêu lên bước đầu một số giải pháp chính để trước hết cơ quan UBKT Trung ương, UBKT các cấp vận dụng trong việc tham mưu cho cấp ủy cũng như trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.
 
- Ông nhận định như thế nào về mối quan hệ “không bình thường” mà đề tài nghiên cứu đã xác định?
 
-  Qua nghiên cứu trên 50 vụ mà UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã giải quyết, chúng tôi bước đầu nhận diện mối quan hệ không bình thường của người có chức, quyền với DN qua một số hình thức như: nhóm thân hữu; nhóm chung lợi ích; nhóm lợi ích cục bộ; quan hệ vụ lợi cá nhân; quan hệ nhũng nhiễu; quan hệ bảo kê; quan hệ trong đấu thầu, mua bán dự án; quan hệ trong lợi dụng thông tin có được để trục lợi...
 
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên giám đốc BQL dự án Đại lộ Đông - Tây (TPHCM) bị tuyên phạt 20
 năm tù về tội nhận hối lộ. Ảnh: PHẠM DŨNG
 
Qua 50 vụ việc đã nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy hiện tượng lợi ích cục bộ không chỉ xảy ra ở một số cơ quan quản lý kinh tế của Nhà nước mà xảy ra ở một số cơ quan trong cả hệ thống chính trị. Ở đâu cán bộ thoái hóa, chủ nghĩa cá nhân còn tồn tại thì ở đó có hiện tượng lợi ích cục bộ. Nhưng lợi ích cục bộ đối với nhóm cán bộ thoái hóa trong cơ quan quản lý kinh tế thường dễ nhận thấy hơn vì nó liên quan trực tiếp đến lợi ích vật chất.
 
Ngoài ra, tình trạng cán bộ Nhà nước có “sân sau” có xu hướng phát triển như vụ Vinashin, Vinalines... Qua đó cho thấy sai phạm của một cán bộ, đảng viên cấp thứ trưởng và nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh đều có biểu hiện của mối quan hệ không bình thường.
- Diễn biến của tình trạng này hiện nay như thế nào cũng như tác động của nó  đối với xã hội?
 - Sự xuất hiện của những mối quan hệ không bình thường ngày càng đa dạng, phức tạp, tinh vi không chỉ trong nước mà có cả nhân tố nước ngoài; không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà các lĩnh vực chính sách, an sinh xã hội và các lĩnh vực khác như tổ chức, cán bộ, tư pháp... Các mối quan hệ này có sự gắn kết, đan xen nhiều cán bộ có chức, quyền ở các cấp, nhiều loại hình DN khác nhau nên việc giải quyết  rất khó khăn, thậm chí bị cản trở.
Tác động của những mối quan hệ này đối với Đảng và xã hội rất lớn. Bởi bản chất mối quan hệ không bình thường là một dạng tham nhũng đặc biệt dẫn đến “lợi ích nhóm” có thể chi phối cả nền kinh tế, thậm chí là chính trị. Theo kết quả điều tra xã hội học cho thấy mối quan hệ không bình thường sẽ bóp méo môi trường sản xuất - kinh doanh (chiếm 64,97% số người được hỏi); làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước (79,45%), dẫn đến làm sai nguyên tắc, suy giảm sức chiến đấu (73,38%), dẫn đến tham nhũng, lãng phí gia tăng (62,07%)...
- Theo ông, đâu là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng trên?
- Vừa qua tại Đà Nẵng, UBKT Trung ương đã tổ chức hội thảo về đề tài nghiên cứu trên.
Bước đầu đã đề xuất 7 giải pháp phòng ngừa và 5 giải pháp phát hiện, xử lý. Đề tài cũng kiến nghị bổ sung mối quan hệ không bình thường vào Luật Phòng chống tham nhũng, sửa đổi Luật Hình sự theo hướng coi đó là giặc nội xâm để khắc phục hiện tượng “xử lý nội bộ”. Đặc biệt phải thu hồi những tài sản do mối quan hệ không bình thường đem lại khi người đó đã nghỉ hưu hay đã chết.
Về giải pháp phòng ngừa, các đại biểu đề nghị: Thứ nhất: Công khai và tuyên truyền rộng rãi tính chất nguy hại của các mối quan hệ không bình thường để trục lợi nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội.
 
Thứ hai: Xây dựng bộ quy chế cán bộ và quy trình bổ nhiệm chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng chạy chức, chạy quyền. Cần vận dụng biện pháp lấy phiếu tín nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác khi có nhiều dư luận về  quan hệ không bình thường.
 
Thứ ba: Bổ sung, sửa đổi một số chính sách, pháp luật và hoàn thiện các quy định của Đảng nhằm ngăn ngừa các mối quan hệ không bình thường.
 
Thứ tư: Tổ chức học tập thực hiện “văn hóa từ chức”, xây dựng biện pháp và chế tài xử lý trách nhiệm theo chế độ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
 
Thứ năm: Phát động và tạo điều kiện để nhân dân tham gia phát hiện tham nhũng bằng cách lập những địa chỉ tin cậy và an toàn để người dân cung cấp tin tức về những mối quan hệ không bình thường.
 
Thứ sáu: Mở rộng quyền hạn được cung cấp thông tin tham gia điều tra của báo chí cùng các tổ chức quần chúng.
 
Về phát hiện và xử lý các mối quan hệ không bình thường, các đại biểu đề nghị 3 giải pháp nhưng đáng lưu ý là giải pháp tăng cường công tác xét xử đúng kế hoạch, không để những án lúc đầu to thành bé; tình trạng án chậm, án treo. Chính sách xử lý cán bộ có chức, quyền quan hệ không bình thường đối với DN trục lợi phải nghiêm minh; tránh nhẹ trên, nặng dưới.
 
Phải xử lý từ gốc
Tại hội thảo về đề tài nghiên cứu mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với DN vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng, nhiều ý kiến đề xuất về xử lý cán bộ tham nhũng. Theo đó, trước hết phải xử lý từ vị trí của họ trong Đảng, tránh điều động sang đơn vị khác với chức vụ tương đương hoặc lên cơ quan cấp trên ngang hoặc tương đương. Nghĩa là phải xử lý từ gốc, phải loại bỏ vị trí cao trong cấp ủy thì mặc nhiên không còn chức vụ cao trong chính quyền.
 
“Việc nhận diện mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, có quyền không dễ dàng vì nó âm âm, u u như là “chính nhân quân tử” nhưng phía sau là “nén bạc đâm toạc tờ giấy”.

TS Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương
 
KIM NGÂN thực hiện
Nguồn: 
http://nld.com.vn/20130528112113185p0c1002/do-la-giac-noi-xam-.htm
22 ý kiến

  • Lê Hoàng
    3Thích  
    28/05/2013 23:52
    Đúng là giặc. Đã xác định đúng "đối tượng tác chiến". Vậy sao không có phương pháp, chiến thuật, cách đánh... có hiệu quả với loại giặc này? Có thật sự quyết tâm tiêu diệt loại giặc này không?
  • Duydc
    2Thích  
    29/05/2013 00:39
    "Phải diệt từ gốc". Câu nói này mà thành hiện thực ai cũng vui!
  • HUNGVAN
    0Thích  
    29/05/2013 05:31
    Thế mới biết một số cán bộ đặc quyền đặc lợi đến mức nghiêng trời lệch đất ! Lợi ích nhóm đáng trừng trị thật nghiêm !
  • Kiều Phong
    0Thích  
    29/05/2013 06:35
    Khi nào có án tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản cho tội phạm tham nhũng thì mới lấy lại niềm tin đã bị mất của người dân về việc chống bọn giặc nội xâm này.
  • ok_ngon
    1Thích  
    29/05/2013 07:02
    TS Lê Hồng Liêm:"chúng tôi nhận thấy "hiện tượng" lợi ích cục bộ không chỉ xảy ra ở một số cơ quan quản lý kinh tế của Nhà nước mà xảy ra ở một số cơ quan trong cả hệ thống chính trị." Nó đã không còn là "hiện tượng"....thực tế là như vậy..
  • sanu
    1Thích  
    29/05/2013 07:05
    Mấy bác khỏi phải nghiên cứu gì hết , cứ kiểm tra nguồn gốc tài sản của cán bộ là biết tất, chứ băn khoăn làm gì .
  • Dã Quỳ
    0Thích  
    29/05/2013 07:14
    Tham nhũng, hối lộ len lỏi trong huyết mạch. Hy vọng sáu biện pháp nêu trên sẽ hiệu quả.
  • đực
    1Thích  
    29/05/2013 07:21
    Giặc nội xâm chứ còn gì nữa
  • Nguyễn Văn Vũ
    1Thích  
    29/05/2013 07:36
    Giặc này thật sự nguy hiểm, chỉ đứng sau giặc ngoại xâm. Theo tôi giải pháp căn cơ là cán bộ cấp càng cao thì phải càng nghiêm, xử lý phải thật nghiêm minh...
  • Nguyễn Ngọc Hùng
    2Thích  
    29/05/2013 07:47
    "Quan hệ “không bình thường” giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp để trục lợi" điều này không cần nghiên cứu cũng rõ. Không còn là "bộ phận" nữa đâu mà là "đại đa số" khi có quyền, vì vậy nên ra sức mua chức mua quyền.
  • Ông Già Nam Bộ
    0Thích  
    29/05/2013 07:47
    "Tham" đi liền "Tù Tội"!
  • Hội những người yêu báo NLĐO(01234006043)
    1Thích  
    29/05/2013 07:51
    "Quan"mình bây giờ giàu lên nhanh chóng. Điều đáng ngại là dân mình giờ cũng"làm biếng" thắc mắc: của cải ấy từ đầu ra...
  • Bùi Trường Trí
    1Thích  
    29/05/2013 07:54
    Thử xử tử hình vài..."quan" tham nhũng xem, có ai còn dám "ăn bẩn" tiền dân, tiền nhà nước
  • thanh loan
    3Thích  
    29/05/2013 07:57
    Có dám xử lý từ gốc không? Biết bao cán bộ "làm nghèo đất nước" mà không dám công khai danh tánh, chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ lấy đâu diệt tận gốc! Chúng tôi vô cùng phẫn uất trước nạn tham nhũng, trước nạn quan tham tràn lan, hủy hoại đất nước.
  • Hoàng
    2Thích  
    29/05/2013 07:58
    Giặc này bây giờ nhiều lắm, đã thành bầy đàn, liên kết chặt chẽ với nhau bằng "lợi ích nhóm".Đương nhiên, rất khó xử lý tận gốc như TS Liêm đề xuất.
  • 4 Nổ
    0Thích  
    29/05/2013 07:58
    Quan hệ giữa cán bộ và doanh nghiệp "không bình thường" là chuyện bình thường từ trước tới nay mà.
  • Lệ Quyên
    1Thích  
    29/05/2013 08:17
    Một bộ phân thôi ư? Ai đó đã nói là "một bộ phận không nhỏ". Mà không nhỏ có nghĩa là "lớn". Thế thì nói toạc ra là "phần lớn" có hơn không?
  • tribienhoa@yahoo.com.vn
    1Thích  
    29/05/2013 08:29
    Bác Hồ ngày xưa cũng đã từng nói loại giặc khó đánh và nguy hiểm nhất là...giặc nội xâm !
  • dan lao dong
    1Thích  
    29/05/2013 08:53
    Tham nhũng là chuyện ai cũng biết, cũng thấy, cũng gặp có gì khó mà phải nghiên cứu và còn cho nó cái tên mỹ miều "quan hệ không bình thường"? Có dám làm không là điều dân mong đợt và muốn biết tham nhũng ở đâu thì chỉ cần xả cổng cho báo chí.
  • Thành Công
    1Thích  
    29/05/2013 09:02
    Ai cũng biết " mối quan hệ “không bình thường” giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền với doanh nghiệp để trục lợi" là giặc nội xâm, nó nguy hiểm và đáng sợ nhiều lần với giặc "ngoại xâm" bởi khó nhận diện, chỉ tên. Muốn "diệt" phải trị từ gốc, đó là phải "diệt" được kẻ chủ mưu hay làm ngơ cho cấp dưới lộng hành, lạm dụng chức quyền gây hậu quả nghiêm trọng. Cứ diệt một số "sâu lớn" thì chắc chắn "sâu con" sẽ hoặc tự chui ra hoặc tự chết. Khó khăn là lâu nay việc "nhận diện" sâu chúa, sâu chủ quá khó khăn bởi e ngại quá nhiều điều, sợ đụng chạm, mất uy tín... Càng sợ "bầy sâu" càng lộng hành bởi chúng dần hiểu ra "người sợ sâu chứ không phải sâu sợ người"!
  • Ngoc Thanh
    0Thích  
    29/05/2013 09:10
    Loại giặc nầy rất là ranh ma, lại có quyền lực. Muốn trừng trị chúng thì phải có chứng cứ đầy đủ và chặt chẽ nếu không, người chống giặc sẽ bị giặc phản công và giết chết đấy ! Nhưng muốn có được chứng cứ đầy đủ về mối" quan hệ đen" thì đâu có dễ. Cho nên chống được loại giặc nầy là vô cùng khó khăn.
  • bữa củi
    0Thích  
    29/05/2013 09:26
    Gặp lại vị này tôi lại nghĩ tới hố tử thần...

No comments:

Post a Comment