Monday, September 10, 2012

Công văn 356/BC-STNMT của Sở TNMT Tỉnh Đồng Nai về Hội thảo Khoa học ĐTM


SavingCattienNationalPark 10/09/2012. Để rộng đường dư luận, Sở TNMT Tỉnh Đồng Nai đã có Hội thảo Khoa học vào ngày 26/10/2011 về Đánh giá Tác động Môi trường ĐTM của hai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với vùng hạ lưu trên địa bàn Tỉnh Đồng Nai (Sở TNMT Tỉnh Đồng Nai không được lấy ý kiến tham vấn trong quá trình Đánh giá tác động Môi trường). Nay chúng tôi xin đăng Công văn số 356/BC-STNMT đề ngày 08/11/2011 của Sở TNMT Tỉnh Đồng Nai, Báo cáo Kết quả Hội thảo ấy. 









* Ghi chú: Báo Báo Tài nguyên và Môi trường năm ngoái có đưa tin về Báo cáo 356/BC-STNMT này tại đây: 
http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428&CateID=24&ID=110358&Code=7DRJ110358

3 comments:

  1. Bản tin trên trang Văn phòng biến đổi khí hậu TP Cần Thơ:

    Đồng Nai: Đề nghị chưa đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A

    Ngày 10-11-2011

    (VPBĐKHCT)- Ngày 08/11/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai đã có công văn số 356/BC–STNMT báo cáo kết quả của hội thảo khoa học về tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đối với vùng hạ lưu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Sở TN&MT Đồng Nai tổ chức ngày 26/10/2011.

    Nhiều nhà khoa học uy tín tham dự hội thảo đã chỉ ra được những mặt tích cực và tiêu cực của việc xây dựng hai đập thủy điện nói trên.

    Về mặt tích cực: việc xây dựng đập thủy điện sẽ giúp góp phần tăng nguồn điện quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực,giúp điều tiết nước cho khu vực hạ lưu nếu có quy trình vận hành đúng.

    Bên cạnh đó là những mặt tiêu cực như sau: tác động đến hệ sinh thái thủy vực sông Đồng Nai và Vườn quốc gia Cát Tiên (khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai), một số loài sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; ảnh hưởng đến việc công nhận khu dự trữ sinh quyển là Di sản thiên nhiên thế giới; tác động đến thủy văn và chất lượng nước của sông Đồng Nai; có thể gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô ở vùng hạ lưu; tác động đến sinh kế của người dân; tác động đến đặc trưng văn hóa cộng đồng cư dân bản địa vùng hạ lưu….

    Việc xây dựng hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A bên cạnh một số điểm tích cực còn tồn tại quá nhiều tiêu cực và cái giá phải trả quá đắt nếu như xảy ra sự cố về thiên tai, động đất, tuyệt chủng một số giống loài…. Có thể không bao giờ cứu vãn được. Chính vì vậy, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị với Chính Phủ và các Bộ, ngành liên quan chưa nên quyết định đầu tư dự án trước khi có những xem xét và cân nhắc thật kỹ lưỡng.

    Tuyết Phương
    http://biendoikhihau.cantho.gov.vn/dong-nai-de-nghi-chua-dau-tu-du-an-thuy-dien-dong-nai-6-va-dong-nai-6a/

    ReplyDelete
  2. Tin đưa về Báo cáo số 356/BC-STNMT trên Báo TNMT - MONRE:

    Chưa nên quyết định định đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
    Thứ năm, ngày 10 tháng 11 năm 2011 cập nhật lúc 14:26

    Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Đồng Nai vừa có Báo cáo số 356/BC-STNMT ngày 08/11/2011 về Kết quả Hội thảo khoa học về tác động môi trường của dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với vùng hạ lưu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan chưa nên quyết định đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A; chỉ đạo đánh giá lại toàn diện, đầy đủ và chi tiết các tác động, đề ra các biện pháp khả thi nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, làm cơ sở xem xét, cân nhắc việc quyết định đầu tư dự án.
    Theo Báo cáo trên, Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi triển khai có những tác động tích cực nhất định nhưng tác động tiêu cực đối với môi trường là rất lớn, có thể đánh đổi nhiều thiệt hại chưa thể lường hết được.
    Cụ thể: Thủy điện 6 và 6A được thiết kế nằm trong vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, là khu vực trọng yếu có ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Các hoạt động thi công sẽ phá hủy thảm thực vật đặc trưng rất đa dạng và phong phú về thành phần loài; làm mất diện tích đất rừng khoảng 327 ha (trong đó khoảng 137 ha thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên). Khi dự án đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi cảnh quan, cản trở sự di cư của một số loài thủy sinh từ hạ lưu lên và ngược lại, từ hệ sinh thái đất ngập nước sang hệ sinh thái sông và suối…Sự thay đổi môi trường sinh thái có thể dẫn đến mất đi một số vùng sinh cảnh sống thích hợp của nhiều loài quý hiếm, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng.
    Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, tác động đáng lo ngại nhất đối với đa dạng sinh học là sự thay đổi dòng chảy trên sông Đồng Nai, lượng chất dinh dưỡng, trầm tích, nhiệt độ trong nước sẽ bị thay đổi, gây ảnh hưởng lớn đến vùng đất ngập nước Bàu Sấu (đã được quốc tế công nhận theo Công ước Ramsa), làm giảm tính đa dạng sinh học ở cấp độ quần thể và loài…Ngăn chặn dòng chảy sẽ làm cản trở tập tính di cư sinh sản của nhiều loài cá theo bản năng, từ đó dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng một nguồn lợi thủy sản rất lớn trên sông Đồng Nai.
    (Còn tiếp)

    ReplyDelete
  3. (tiếp theo và hết)

    Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai là khu rừng đặc dụng, có Bàu Sấu được thể giới công nhận là Khu Ramsa; nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng được UNESSCO công nhận và hiện đang trình hồ sơ để được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Nếu xây dựng 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng đến việc UNESSCO xem xét và công nhận là khu Di sản thiên nhiên thế giới. Khi đi vào hoạt động, 2 dự án này sẽ ảnh hưởng nhất định đến chế độ dòng chảy, có thể làm biến đổi hình thái của sông trái với quy luật tự nhiên, gây nhiều hậu quả khó lường như: xói mòn đất, sạt lở bờ sông, lũ quét…Ngoài ra, có thể gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô ở vùng hạ lưu.
    Bên cạnh những tác động to lớn đến môi trường tự nhiên, những tác động xã hội của 2 dự án không hề nhỏ. Lượng nước thượng nguồn trong mùa khô về hạ lưu ít, chất lượng nước sông có nguy cơ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cấp nước sinh hoạt, làm giảm nguồn lợi thủy sản, gây khó khăn cho một số ngư dân đã sinh sống lâu đời ven sông Đồng Nai. Người dân vùng hạ lưu sẽ gặp khó khăn trong canh tác nông nghiệp do lượng nước về hạ lưu ít trong mùa khô, gây rất nhiều khó khăn cho công tác tưới tiêu của các trạm bơm, nước mặn sẽ xâm nhập vào sâu hơn, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho cây trồng và sản xuất nông nghiệp. Nếu triển khai, 2 dự án này còn có nhiều tác động tiêu cực khác đến đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa vùng hạ lưu…
    Hiện tại, hệ thống sông Đồng Nai đang có quá nhiều dự án thủy điện, thủy lợi nhưng chưa có quy hoạch bảo vệ và khai thác sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai. Vì thế, Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan triển khai lập quy hoạch lưu vực hệ thống sông Đồng Nai theo quy định của pháp luật tài nguyên nước; làm cơ sở để xem xét quyết định đầu tư các dự án một cách hợp lý và bền vững.

    Nguyễn Tú
    http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428&CateID=24&ID=110358&Code=7DRJ110358

    ReplyDelete