Thursday, September 20, 2012

Bất lợi bởi 2 Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A cho việc công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới của Vườn quốc gia Cát Tiên


Việc công nhận di sản thiên nhiên thế giới của Vườn quốc gia Cát Tiên: Bất lợi bởi dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Cập nhật lúc 22:00, Thứ Tư, 19/09/2012 (GMT+7)
Ngày 18-9, đoàn chuyên gia của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) gồm 2 chuyên gia người nước ngoài là TS. Tobias Garstecki và ThS. Leigh Vickery đã làm việc tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên thẩm định lại nội dung của hồ sơ đề cử VQG Các Tiên là di sản thiên nhiên thế giới (DSTNTG). Vấn đề các yếu tố ảnh hưởng đến tài nguyên, chiến lược bảo tồn và quản lý di sản thế giới được các chuyên gia nước ngoài đặc biệt quan tâm, trong đó có việc triển khai 2 dự án (DA) thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Vườn quốc gia Cát Tiên đang được xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Trong ảnh: Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: T.L
Vườn quốc gia Cát Tiên đang được xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Trong ảnh: Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: T.L

Các chuyên gia yêu cầu được cung cấp những thông tin đánh giá tác động về môi trường nếu triển khai DA thủy điện và nội dung về bảo vệ sông Đồng Nai trong bản tổng thể kế hoạch quản lý, bảo tồn của VQG.
Dưới đây là ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai về những ý kiến đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, người quản lý VQG Cát Tiên xung quanh vấn đề DA thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

* TS Tobias Garstecki: DA thủy điện là yếu tố bất lợi cho VQG Cát Tiên khi đề cử là DSTNTG
“Hiện chúng tôi không có khả năng đưa ra nhận xét về tác động môi trường của DA thủy điện ở khu vực này vì với tư cách là các chuyên gia, nhà khoa học, chúng tôi muốn trả lời một cách chính xác khi dựa trên nghiên cứu thực tế. Tuy nhiên, việc xây dựng thủy điện, nhất là ở khu vực có vùng đất trũng sẽ có những tác động đến tự nhiên, như việc thoát nước, chất lượng nguồn nước… Tôi có thể đơn cử một trường hợp tương tự tại Iraq, một khu vực cũng đang trong giai đoạn đề cử để được công nhận DSTNTG. Ở gần nơi đi qua khu di sản thiên nhiên này cũng có DA thủy điện. Hội đồng xét duyệt đề cử của UNESCO đã đắn đo rất nhiều và hiện việc công nhận này vẫn còn “treo”. Chúng tôi không dám nói, trường hợp của VQG Cát Tiên cũng sẽ diễn ra như thế vì rất khó để so sánh hai bên. Trong việc xét duyệt, UNESCO cũng không nói rõ có được hay không được phép xây dựng DA thủy điện gần khu vực di sản thiên nhiên được đề cử, nhưng đây sẽ là yếu tố bất lợi khi xét duyệt hồ sơ vì nó ảnh hưởng đến giá trị của rừng, của môi trường tự nhiên”.

* Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên: Cần hội đồng khoa học độc lập nghiên cứu lại tác động môi trường của DA thủy điện
“DA thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang trong giai đoạn xem xét lại. Dưới góc độ người làm công tác quản lý VQG, tôi mong có một hội đồng khoa học độc lập để nghiên cứu lại việc tác động đến môi trường tự nhiên của DA thủy điện một cách đầy đủ, nghiêm túc, khoa học và hết sức khách quan để đưa ra kết luận xác đáng giúp nhà nước có quyết định đúng, chuẩn dựa trên lợi ích quốc gia. Điều này càng cần thiết trong giai đoạn VQG Cát Tiên đang đề cử công nhận là DSTNTG. Và nếu được công nhận là DSTNTG, thì theo Luật Di sản sẽ nghiêm cấm mọi tác động vào môi trường với bất cứ hình thức nào, vì lúc này đây không chỉ là tài sản của một nước mà còn là tài sản chung của cả thế giới”.

* PGS.TS Lê Xuân Cảnh: Phải tính toán lại một cách toàn diện, hài hòa các lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường
“Là Chủ tịch Hội đồng giám sát thi công của DA thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, tôi có thể khẳng định việc thực hiện các DA này nằm trong quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (đã được duyệt) và việc ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên của VQG là hầu như không có. Song, tôi cũng công nhận khi DA triển khai cũng sẽ tác động đến môi trường và xét trên quan điểm bảo tồn, phải đánh giá lại thật chính xác những tác động này dựa trên các thẩm định khách quan và khoa học. Theo tôi, cần phải tính toán lại một cách toàn diện, hài hòa giữa các lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường. Nhiều quốc gia khác trên thế giới rất ít làm DA thủy điện và như quy định của Nhật Bản, những DA thủy điện phải cách xa các khu di sản thiên nhiên ít nhất là 50km”.


Tiếp tục kiến nghị ngưng đầu tư 2 dự án thủy điện
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh cho biết, đến lúc này, tỉnh vẫn giữ nguyên các quan điểm, kiến nghị về việc không nên đầu tư 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Theo đó, tháng 8-2011, UBND tỉnh đã có công văn kiến nghị với Bộ Công thương về chủ trương đầu tư 2 công trình này, trong đó nêu rõ, 137 hécta rừng của VQG Cát Tiên sẽ bị ảnh hưởng xấu khi triển khai dự án, ngoài ra sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xin công nhận trở thành Khu di sản thiên nhiên thế giới của VQG Cát Tiên.
Vào tháng 12-2011, Đồng Nai tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học về tác động môi trường của 2 dự án trên đối với vùng hạ lưu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hội thảo có sự tham dự của 67 đại biểu với 13 báo cáo tham luận và 12 ý kiến. Trong đó nêu rõ, 2 dự án trên đem lại 3 tác động tích cực và 6 tác động tiêu cực của các dự án thủy điện và tác động tiêu cực đến môi trường, sinh quyển, đời sống người dân vùng hạ lưu… là rất lớn. Chính vì vậy, trong văn bản kết luận, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị không nên ra quyết định đầu tư các dự án trên.
Kim Ngân





















Bình Nguyên

1 comment:

  1. Comment của anh Trương Trí Việt , Quảng Ninh, Gửi lúc 20/09/2012 12:19:37 trên Báo Đồng Nai:

    http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201209/Viec-cong-nhan-di-san-thien-nhien-the-gioi-cua-Vuon-quoc-gia-Cat-Tien-Bat-loi-boi-du-an-thuy-dien-dong-Nai-6-6a-2187826/

    TÔI KỊCH LIỆT PHẢN ĐỐI VIỆC THỦY ĐIỆN ĐN6+6A VÌ LỢI ÍCH 1 TẬP ĐÒAN TƯ NHÂN MÀ ĐÁNH ĐỔI LỢI ÍCH QUỐC GIA, HỦY HỌAI MÔI TRƯỜNG CHUNG THẾ GIỚI. Tôi chưa được xem Báo cáo ĐTM của 02 DA này nhưng qua theo dõi báo chí, tin tức gần đây có liên quan, tôi chỉ xin góp 01 ý vì chưa thấy ai nhắc đến: đó là việc sử dụng Vật liệu nổ công nghiệp lên tới hàng ngàn tấn sẽ tác động môi trường như thế nào??? Tôi đã từng tham gia tại Thủy điện Sông Đà từ 1984 ( thủy điện này có 8 đường nước vào; 4 đường nước ra, 2 đường xả lũ, hầm máy...đều đào ngầm trong lòng núi bằng khoan-nổ mìn). Gần đây tôi có đi thăm A Vương (Quảng Nam); TĐ ĐN 2 trên Di Linh đang xây dựng, ĐN 4; Đak R'Tit (bậc trên và dưới mới khánh thành ở Gia Nghĩa)...Nhìn chung bất cứ công trình thủy điện nào ở VN đều phải sử dụng Thuốc nổ rất nhiều: Ngay sát các đập thủy điện ít nhất phải có 01 mỏ khai thác và xay nghiền đá-vật liệu chính để xây dựng đập, cứ 01 khối đá XD cần 0,4 kg thuốc nổ thôi sẽ tính nhanh ra tổng lượng thuốc để khai thác. Chưa kể thuốc nổ để đào hố móng, đào kênh dẫn, xử lý bờ đập...vì hòan tòan phải khoan-nổ mìn vào đá gốc. Khi làm thủy điện bậc thang, mọi người còn nhớ hậu quả do nổ mìn: "khoảng 20h ngày 25/12/2010, hơn 40.000 m3 đất đá trên đỉnh núi từ cao độ 618 đã đổ ập xuống vùi lấp một trong số 3 tổ máy của thủy điện Sử Pán 2 tại thôn Bản Hồ, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai) làm thiệt hại nặng về kinh tế và cơ sở hạ tầng. Rất may, không có thương vong về người: Nhà máy thủy điện Sử Pán 2 bị đổ tường đầu hồi, đất đá vùi lấp đến gần mái nhà. Sự cố làm nhà máy thiệt hại hàng trăm tỉ đồng và chậm tiến độ phát điện khoảng 6 tháng". Nguyên nhân: "trên núi cách thuỷ điện Sử Pán 2 khoảng 5.000m là nơi thi công của thủy điện Nậm Toóng, do Công ty cổ phần thủy điện Sa Pa làm chủ đầu tư. Đơn vị này thường xuyên nổ mìn không theo thời gian cụ thể, đất đá thường trôi xuống suối Mường Hoa"... Hệ lụy của sử dụng Vật liệu nổ công nghiệp thì nhiều lắm. Trong vùng lõi khu bảo tồn mà nổ hàng ngàn tấn thuốc thì quả là sẽ gây hại khôn lường...Nếu không, chủ đầu tư có phương án chở hàng triệu khối đá từ các mỏ ngòai vuờn Quốc gia (trên 50km) về đổ bê tông đập không??? Vậy ai quan tâm ảnh hưởng dùng thuốc nổ ( chưa có cái gì thay thế) khi xây dựng thủy điện xin sẵn sàng trao đổi nghiêm túc và khoa học.

    ReplyDelete