MYANMAR ĐÌNH CHỈ XÂY DỰNG ĐẬP THUỶ ĐIỆN
MYITSONE:
CÂU CHUYỆN CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI VÀ MÔI
TRƯỜNG
TS. Lê Anh Tuấn
Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu –
Đại học Cần Thơ
Quá trình lịch sử hình thành Dự án Đập nước Myitsone
Myitsone là một địa danh thuộc bang Kachin, phía cực bắc Myanmar, nơi đầu
nguồn sông Irrawaddy. Bang Kachin giáp ranh Trung Quốc cả hai phía bắc và phía
đông. Sông Irrawaddy là con sông dài nhất, có lưu vực lớn nhất và lưu lượng nước
lớn nhất Myanmar. Dự án đập nước Myitsone được đề xuất xây dựng theo một trao đổi
của Tướng Than Shwe, Chủ tịch Hòa bình và Phát triển Myanmar, và Chủ tịch Trung
Quốc Hồ Cẩm Đào nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Á – Phi, tháng 4/2005. Sau đó, bản
thoả thuận song phương xây dựng chuỗi đập thủy điện trên sông Irrawaddy được
hai bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc là Yang Jiechi và của Myanmar là U
Wunna Maung Lwin ký tại Bắc Kinh vào tháng 3/2009. Đây là giai đoạn mà quan hệ
ngoại giao giữa Myanmar và Trung Quốc đạt đỉnh điểm mặn nồng, lúc này Myanmar
đang là một quốc gia theo chủ nghĩa độc tài quân phiệt hà khắc, bị nhiều quốc
gia trên thế giới lên án, cô lập và cấm vận. Về mặt đối ngoại và vũ khí quốc
phòng, Myanmar gần như chỉ dựa vào một đồng minh lớn là Trung Quốc và một phần
từ Bắc Hàn.
Theo thiết kế của phía Trung Quốc, đập thủy điện Myitsone là một đập đá
đổ, mặt phủ bê-tông có chiều cao 152 mét, dài 150 mét, làm ngập một diện tích
766 km2 (gấp 1,5 lần diện tích đảo Phú Quốc, Việt Nam), công suất phát
điện theo thiết kế là 6.000 megawatts (MW). Đập Myitsone đã được khởi công xây
dựng từ tháng 11/2009 và dự kiến sẽ hoàn tất năm 2017. Đến lúc hoàn thành, nhà
máy thủy điện Myitsone có thể sản sinh một nguồn điện lên đến 29.400 GWH/năm. Đập
thủy điện Myitsone được xem là đập nước lớn thứ 15 trên thế giới. Chi phí xây dựng
cho dự án này tương đương 3,6 tỷ USD. Đập Myitsone là một trong bảy đập thủy điện
trên đầu nguồn sông Irrawaddy (Hình 1) với tổng điện năng lên đến 13.360 MW.
Toàn bộ chi phí xây dựng chuỗi đập nước này đều do Trung Quốc đầu tư, thông qua
Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc (China Power Investment Corporation, CPI).
Tổng kinh phí mà CPI ước tính đổ vào Dự án thủy điện ở vùng này lên đến 20 tỷ
USD. Cả người chủ đâu tư (CPI) và người đứng ra vừa khảo sát, vừa quy hoạch, vừa
thiết kế và vừa nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, tác động xã hội cho đập
thủy điện Myitsone đều người Trung Quốc, đại diện là Viện CISPDR (Changjiang
Institute of Survey, Planning, Design and Research). Theo CPI, việc cai quản
nhà máy thủy điện Myitsone sẽ được giao lại toàn bộ cho chính quyền Myanmar sau
50 năm do người Trung Quốc quản lý và vận hành.
Các tác động môi trường và xã hội
Bản báo cáo “Đánh giá Tác động Môi
trường Phát triển Thủy điện Đập nước ở phần Thượng nguồn Sông Ayeyawady”[1] của
CISPDR mô tả gần như đầy đủ các hạng mục xem xét môi trường, xã hội và cả về
kinh tế cho công trình này. Báo cáo này khẳng định các tác động tiêu cực do đập
thủy điện Myitsone gây ra gần như không đáng kể và có thể khắc phục, hạn chế. Phần
kết luận của của báo cáo này còn nhấn mạnh dự án thủy điện này là cơ hội hiếm
hoi cho Myanmar, có ý nghĩa lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội, cải thiện
cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho sản xuất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cũng
như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong vùng. Xem ra bản báo cáo
này làm như một thủ tục pháp lý phải thực thi theo nguyên tắc, vừa là văn bản
“che chắn” tạo nên sự an tâm của giới cầm quyền Myanmar và làm cơ sở cho việc
thúc đẩy quá trình xây dựng đập nước Myitsone.
Thật sự, vào thời điểm các thủ tục
phê duyệt dự án lúc ấy, Myanmar vẫn chưa có một hệ thống pháp luật toàn diện để
hỗ trợ đầy đủ nhằm giám sát nghiêm ngặt các mặt tiêu cực phát sinh từ một công
trình lớn như vậy. Ngoài ra, Myanmar cũng thiếu các nhà khoa học độc lập có tầm
cỡ về môi trường và xã hội để đánh giá và phản biện đầy đủ hết những gì mà bản
báo cáo đưa ra có đúng mức và hợp lý đến chừng nào. Các học giả Myanmar trước
đó đã đề xuất nên xây hai các đập nhỏ hơn thay vì một cái lớn như CIP thiết kế
nhằm giảm nhẹ các tác động tiêu cực nhưng đề xuất này đã không được chấp thuận.
Về mặt kinh tế, khoảng 15% lợi nhuận từ thủy điện sẽ chia cho chính quyền
Myanmar (xấp xỉ 500 triệu USD/năm). Theo kế hoạch, nguồn điện năng phát ra từ
công trình thủy điện này sẽ chuyển hơn 90%
qua Trung Quốc, người Myanmar chỉ hưởng phần còn lại, chưa đến 10%. Ngoài
ra, do toàn bộ trang thiết bị của nhà máy là của Trung Quốc sản xuất và lắp đặt
nên việc phụ thuộc kỹ thuật hoàn toàn từ Trung Quốc là điều chắc chắn. Theo ý
kiến của nhóm đối lập, thỏa thuận như vậy thì người Myanmar bị thiệt thòi rất nhiều
vì lợi nhuận chính sẽ đổ sang cho người Trung Quốc hưởng, còn những hệ quả môi
trường, xã hội và các rủi ro khác thì chính người dân Myanmar ở hạ lưu công
trình sẽ hứng chịu trọn vẹn.
Mặc dầu Trung Quốc cho rằng quá trình xây dựng công trình này sẽ tạo
thêm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động Myanmar nhưng thực
tế, số công nhân Myanmar trên công trường chỉ chiếm khoảng 1/3 số công nhân
Trung Quốc. Con số công nhân của Trung Quốc tại cao điểm thi công sẽ lên đên
40.000 người.
Công trình thủy điện Myitsone sẽ làm mất hơn 70.000 ha khu rừng nguyên sinh,
cùng các vùng đất canh tác và cư trú ở
đây, nhiều loài động và thực vật sẽ biến mất và tính đa dạng sinh học trong khu
vực sẽ sút giảm. Đây là nơi giáp ranh của khu vực Ấn – Miến (Indo-Burma) và khu
vực Nam Trung Hoa, được xem là một trong những điểm nóng đa dạng sinh học. Hệ
sinh thái nơi đây sẽ thay đổi đáng kể mà bản báo cáo đánh giá tác động môi trường
không thể liệt kê ra và tiên đoán trước hết được.
Vùng dưới hạ lưu sông Irrawaddy là những cánh đồng lúa trù phú của
Myanmar, nơi cung cấp cho phần lớn lương thực chính cho gần 60 triệu người dân
Myanmar. Hằng năm, phù sa của con sông lớn nhất Myanmar này cung cấp chất dinh
dưỡng cho các vùng đất canh tác nông nghiệp này. Đập nước sẽ giữ lại các lượng
phù sa cần thiết khiến đất đai sẽ nghèo nàn đi hoặc người nông dân sẽ phải mua
thêm phân bón hóa học để bù đắp. Khi đó lợi nhuận nông nghiệp chắc chắn sẽ suy
giảm. Mặc dầu nhà thầu Trung Quốc trấn an người dân Myanmar là đập nước này có
xây thêm công trình xả bùn cát đáy nhưng thực ra, việc xả bùn cát về hạ lưu chỉ
được thực hiện sau nhiều năm hồ chứa trữ nước. Do vậy, việc xả bùn cát cũng
không giúp gì cho việc thiếu hụt phù sa cho hạ lưu. Những năm đầu hình thành đập
và hồ chứa, chắc chắn nông dân Myanmar sẽ phải chịu những đợt khô hạn nặng nề
vì hồ chứa phải cần thời gian tích nước, thời gian này có thể kéo dài nhiều
năm.
Công trình này cũng sẽ làm giảm sút lượng cá trên sông do đập nước làm ngăn
cản đường di chuyển và môi trường sinh của cá. Báo cáo của CISPDR đánh giá rủi ro này rất hời hợt, báo cáo chỉ nói một cách chung
chung là các loài thủy sản sẽ bị ảnh hưởng do sự thay đổi chế độ thủy văn dòng
chảy của sông mà không có đánh giá định lượng rõ ràng.
Đập nước sẽ làm ngập 47 ngôi làng trong vùng và buộc hơn 10.000 người
dân tộc Kachin phải rời bỏ nơi sinh sống hằng bao đời nay đến chỗ ở mới. Trước
khi công trình khởi công, lực lượng quân đội Myanmar đã được sử dụng để cưỡng
chế tất cả người dân sống trong vùng dự án này di dời sang nơi ở mới hoàn toàn
khác với môi trường sống cũ của họ trước đó. Hồ chứa nước bao la phía trước đập
sẽ làm ngập chìm và xóa vĩnh viễn các di sản tự nhiên, văn hóa và lịch sử của
người Kachin. Việc cưỡng chế di cư này đã gây nên một làn sóng phẫn nộ cho các
bộ tộc sống ở bang Kachin.
Theo thiết kế, công trình thủy điện Myitsone chịu được các trận động đất
cấp 8 nhưng nguy cơ bị động đất cũng khá lớn vì toàn bộ khối nước khổng lồ và
trọng lượng công trình đền nằm trên đới đứt gãy Sagaing. Nếu có động đất trên cấp
8, đập sẽ bị vỡ kèm theo hiện tượng đất trượt tạo nên một trận cuồng lũ nhanh
chóng giết chết hàng ngàn người sinh sống ở thành phố Myikyina nằm phía dưới hạ
lưu của đập.
Các đợt phản kháng chống lại dự án
Dù thời điểm chuẩn bị dự án, đất nước
Myanmar còn nằm trong tay giới quân sự độc tài, các tổ chức đối lập đàn áp và
tiếng nói đối kháng của người dân bị kiểm soát chặt nhưng đã có những đợt phản
đối dự án Myitsone này. Năm 2007, 12 đại diện người dân bang Kachin đã ký tên
trong một bức thư gởi Tướng Than Shwe và Bộ Điện lực Myanmar đòi hủy bỏ dự án.
Mạng lưới Sông ngòi Miến Điện (Burma River Network - BRN) cũng đã gởi một lá
thư yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc phải đánh giá tác động môi trường và xã hội
một cách nghiêm chỉnh, công bố công khai bản báo cáo ra công chúng và phải có ý
kiến của các cộng đồng người dân bị ảnh hưởng trong quá trình ra quyết định.
Trong chính quyền Myanmar, dưới sự chỉ đạo của Bộ trường Bộ Môi trường Zaw Min,
một báo cáo của Hội Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học (Biodiversity And Nature
Conservation Association - BANCA) cũng đề xuất giảm quy mô xây dựng đập lớn bằng
cách làm hai đập nhỏ hơn nhưng báo cáo này cuối cùng bị ỉm đi, không được công
bố lúc đó.
Cuộc phản kháng đôi lúc đã xảy ra dưới
hình thức bạo lực. Ngày 17/4/2010, ba quả bom đã phát nổ ở công trường xây dựng
đập nước, giết chết 4 người Trung Quốc và làm bị thương 20 người khác. Chính
quyền Myanmar nghi ngờ lực lượng vũ trang đòi độc lập cho Kachin (KIA) là thủ
phạm gây ra vụ nổ này nhưng KIA đã bác bỏ cáo buộc trên.
Bên ngoài Myanmar như tại Mỹ, Anh, Đức, Nhật, thường xuyên có các cuộc
biểu tình trước Tòa Đại sứ Miến Điện chống Trung Quốc xây đập thủy điện của kiều
dân Miến Điện (Hình 2). Các cuộc phản kháng ôn hòa hơn trong nước đã diễn ra dưới
nhiều hình thức. Lãnh tụ đối lập ở Myanmar, nhân vật đã đoạt giải Nobel Hòa
bình, bà Aung San Suu Kyi đã nhiều lần lên tiếng cổ động chiến dịch chống lại việc
triển khai xây dựng thủy điện Myitsone, xem dự án là một đe dọa môi trường và
xã hội. Chính dự án thủy điện này đã làm gia tăng thêm sự cách biệt giữa chính
quyền và người dân Myanmar cũng như gia tăng làn sóng ngầm chống Trung Quốc
trong nội bộ nhân dân Myanmar.
Câu chuyện chính trị trong quyết định đình chỉ xây dựng đập thủy điện
Myanmar có một biên giới dài từ bắc xuống nam với Trung Quốc. Đất nước
này bị cô lập do cấm vận nhiều năm vì giới cầm quyền quân sự ở đây đã cai trị
hà khắc và đàn áp dân chủ. Chính quyền quân sự Myanmar thời đó chỉ còn biết bám
vào đồng minh lân cận là Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng cần một đất nước
Myanmar giàu tiềm năng thủy điện, khoảng sản, lâm nghiệp và nông nghiệp, đặc biệt
hơn hết là Trung Quốc cũng rất cần một tuyến đường ngắn nhất đi ra Ấn Độ Dương.
Tuyến đường này giúp Trung Quốc có thể chuyển dầu và gas khai thác từ vịnh
Bengal vào lục địa. Myanmar có vị trí địa lý đặc biệt này và Trung Quốc gần như
không còn lựa chọn nào khác.
Tháng 5/2008, trận bão xoáy Nagis
đã quét qua vùng đồng bằng Irrawady gây một thảm họa khủng khiếp về thiên tai
cho nhân dân Myanmar. Số người chết vượt trên con số 100.000 người, chưa kể
hàng trăm ngàn người chịu thương tích, hơn 90% nhà cửa và cơ sở hạ tầng trên đường
đi cơn bão Nagis này tàn phá gần như hoàn toàn. Khi đến thị sát vùng này, ông Thein
Sein, lúc đó vẫn còn là một vị tướng trong quân đội, mới chợt nhận thấy sự mất
mát quá lớn của đất nước, điều này đã thay đổi nhận thức lớn trong suy nghĩ của
ông. Nhìn lại quan hệ quốc tế của Myanmar, ông nhận thấy việc đóng cửa đất nước,
chỉ gắn kết với Trung Quốc nhiều năm chỉ làm đất nước luôn lẩn quẩn trong đói
nghèo, lạc hậu, bị Trung Quốc o ép và cộng đồng thế giới cô lập. Từ khi trở
thành tổng thống ngày 4/2/2011 và qua các thảo luận trong nội bộ chính quyền,
ông Thein Sein đề xuất ra các sáng kiến môi trường, trong đó có việc xem xét dự
án thủy điện trên sông Irrawady và đưa ra công khai cho công chúng góp ý. Dù
còn ít nhiều nghi ngại với chính quyền, nhưng kết quả khảo sát thật bất ngờ,
khoảng 90% người dân được hỏi đều phản đối dự án đập thủy điện Myitsone.
Ngày 30/9/2011, phát biểu trước quốc hội, tổng thống Thein Sein tuyên bố
đình chỉ việc xây dựng đập thủy điện vì những lý do nguy cơ môi trường và xã hội.
Dự án Myitsone (Hình 2) bị treo lại ít nhất cho đến hết nhiệm kỳ của Thein Sein
và gần như khó có cơ hội hồi phục nếu không có biến cố chính trị gì lớn như hiện
nay. Quyết định không xây tiếp dự án thủy điện Myitsone làm chính quyền Trung
Quốc vô cùng tức giận và quan hệ ngoại giao Trung – Miến đột nhiên xấu đi. Cùng
với việc thả hàng ngàn tù nhân chính trị, tạo điều kiện cho các nhà đối lập và
bà Aung San Suu Kyi trở lại chính trường, cho báo chí nhiều quyền tự do hơn, từ
chối mua vũ khí của Trung Quốc, mở cửa các cải cách dân chủ và quan hệ với nhiều
nước, Myanmar đã thực sự đứng lên đón nhận sự ủng hộ của quốc tế để phát triển
đất nước và nâng cao cuộc sống đích thực cho nhân dân.
Lê Anh Tuấn
6/7/2012
Hình 1: Vị trí đập Myitsone trên sông Irrawady
(Ảnh Google Map)
Hình 2: Phản kháng xây đập Myitsone và chống Trung Quốc
(Ảnh Reuter)
(Ảnh
International Heard Tribune)
[1] CISPDR, 2010. Environmental Impact Report of Hydropower Development
in Upper Reaches of Ayeyawady River, 313p.
---
Tác giả gửi trực tiếp cho Nhóm Love&Save Cat Tien NP:
2012/9/1 Le Anh Tuan
---
Tác giả gửi trực tiếp cho Nhóm Love&Save Cat Tien NP:
2012/9/1 Le Anh Tuan
Thân gởi các bạn,Các bạn có thể sử dụng bài viết này (xem file đính kèm) như một tham khảo.Thân ái,Tuấn
No comments:
Post a Comment