Wednesday, September 5, 2012

Bảo tồn đa dạng sinh học phụ thuộc vào quy mô tỷ lệ: các bài học rút ra từ đối thoại giữa khoa học và chính trị


Phi lộ: Thấy mọi người bàn nhiều về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nhưng tôi nghĩ cũng ít người có đầy đủ thông tin để bàn, đây cũng là "nỗi khổ" của chúng ta, trong đó có tôi. Nhưng đây là những dự án nằm trong hoặc gần với một khu vực bảo tồn rất có giá trị thì tất nhiên sẽ làm cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, không chỉ vấn đề thuộc phạm vi địa giới của dự án mà có thể còn phải nhìn rộng hơn nhiều. Dưới đây tôi xin chia sẻ thông tin tóm tắt có liên quan tới Chiến lược Bảo tồn và Phát triển - một nội dung cốt lõi trong một Hội nghị khoa học ở châu Âu vừa kết thúc cuối tháng 8/2012 này. Xin trích nguyên văn tóm tắt đăng trên  Science Daily (Aug 30. 2012), hay có thể vào đường dẫn để đọc: 
http://www.sciencedaily.com/releases/2012/08/120830083334.htm (Conservation Scientists Call Policy-Makers to Be Scale-Aware)

Tôi nghĩ các ý kiến của cộng đồng đều rất tích cực. Mọi người đang băn khoăn là chúng ta đã nhìn thấy hết, thấy đủ và hành động đúng như chúng ta mong muốn hay chưa? Mọi việc chỉ được thỏa mãn khi vấn đề được tường minh, nhưng có lẽ còn khá xa !!!
TS. Lê Xuân Thuyên
Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP Hồ Chí Minh (HCMUS)

Ảnh: Chim ở Rừng Cát Tiên. Bao giờ bị người Việt Nam làm cho biến mất?


Các câu hỏi về tăng cường “nhận thức về quy mô"của các nhà hoạch định chính sách như thế nào đã được tích cực thảo luận tại một hội nghị chuyên đề đặc biệt SCALES tại Đại hội Bảo tồn Sinh học (ECCB) châu Âu lần 3 ở Glasgow vào ngày 28- 31 tháng tám năm 2012.

Để thành công, các biện pháp bảo tồn thiên nhiên phải tính đến sự phức tạp đến từ các tác động của con người và sự phản ứng của thiên nhiên, ở quy mô không gian và thời gian khác nhau như thế nào. "nghiên cứu quy mô nhạy cảm" đang nổi lên như là một lĩnh vực mới có tính liên ngành trong bảo tồn thiên nhiên, nơi mà các nhà nghiên cứu khoa học đang phải điều chỉnh từ khái niệm, phân tích, tới các công cụ liên quan tới quy mô có thể áp dụng. Còn về phía các nhà hoạch định chính sách, thì họ phải đảm bảo rằng các quyết định của họ giải quyết được vấn đề sinh thái ở quy mô liên quan về hành chính và không gian. Các nhà khoa học tham gia trong dự án SCALES - dự án tích hợp quy mô lớn được tài trợ bởi Chương trình khung thứ 7 (FP7) của Liên minh châu Âu, đã xác định được một loạt bất hợp lý về quy mô giữa nghiên cứu để bảo vệ đa dạng sinh học thế nào là tốt nhất và trong triển khai chính sách và quản lý, đặc biệt là trong việc thiết kế đề án Natura 2000 - cơ sở hạ tầng xanh và giám sát đa dạng sinh học.

Những mối quan tâm và những phát hiện mới đã được thảo luận tại cuộc họp chuyên đề về ‘Quy mô-SCALES” tại Hội nghị Bảo tồn Sinh học Châu Âu lần thứ 3 (ECCB) ở Glasgow vào ngày 28-ngày 31 Tháng Tám 2012. Tiến sĩ Klaus Henle từ Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz UFZ ở Leipzig, Đức và điều phối viên của SCALES đã mở đầu cuộc thảo luận: " từ lâu chúng ta đã biết rằng các vấn đề quy mô đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu sinh thái. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nó càng trở nên sáng tỏ rằng nhận thức về quy mô cũng rất quan trọng trong việc thiết kế và triển khai các hoạt động bảo tồn. Công tác bảo tồn trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi phải có cách tiếp cận hệ thống  và năng động để rút ngắn thời gian từ kết quả nghiên cứu đến thực hiện chính sách".

Giáo sư William Kunin từ Đại học Leeds, Vương quốc Anh, bổ sung thêm: "các nhà hoạch định chính sách cần xem xét không chỉ là sự cần thiết bảo vệ sự phong phú loài (đó là những gì mà các nhà khoa học gọi là" đa dạng alpha"), mà còn là những thay đổi trong thành phần loài từ một môi trường sống (habitat) này sang một môi trường sống khác, hoặc còn được gọi là "đa dạng beta." Cần tập trung vào đa dạng beta, chứ không phải là tập trung vào số lượng của các loài hoặc là loài chủ đạo nào trong một khu vực hay trong một quy mô nhất định, thì chắc chắn sẽ nâng cao được hiệu quả bảo tồn. "

Tiến sĩ Henle cho thấy rằng vấn đề biến thể có liên quan không chỉ tới yếu tố không gian mà còn tới thời gian. Ví dụ, một khu vực được xác định là rất quan trọng để bảo vệ thì có thể sẽ khác nếu chúng ta sử dụng dữ liệu thu được từ các năm khác nhau. Do đó, ngay cả các chương trình nghiên cứu được xem là tốt và lựa chọn được các khu vực cần bảo tồn cũng sẽ thất bại nếu họ không xem xét tới những thay đổi trong phân bố loài và thành phần loài theo thời gian nhiều năm điều tra (được các nhà khoa học gọi là "biến thể theo thời gian").

Tiến sĩ Guy Pe'er đến từ viện Môi trường UFZ (Đức) cho rằng "việc kết nối các mảnh còn sót của môi trường sống tự nhiên phải được làm hiệu quả hơn trong lập chính sách và lập kế hoạch để cho phép các loài sống sót qua biến đổi khí hậu: nếu môi trường sống tự nhiên vẫn còn bị phân mảnh, chia cắt quá mức thì hậu quả đơn giản là nhiều loài sẽ không bao giờ thích ứng kịp với biến đổi khí hậu”. Nhiều nhà khoa học nhận thức được vấn đề, nhưng vẫn thiếu một kết nối thu hút được sự chú ý hoàn toàn của các nhà hoạch định chính sách và người lập kế hoạch, một phần bởi vì họ cùng phải đụng tới vấn đề có "quy mô lớn hơn, phức tạp hơn" về chức năng hệ sinh thái và các dịch vụ hệ sinh thái. Trong phần trình bày của mình, Guy Pe'er và Greta Bocedi đã cung cấp cho một số công cụ để thu hẹp khoảng cách này và giảm nguy cơ bị lỗi khi chuyển từ các nghiên cứu quy mô địa phương đến giải quyết các mối đe dọa xuất hiện trên quy mô rộng lớn hơn, thông qua mô hình mô phỏng cá thể (individual-based simulation).

Tiến sĩ Szabolcs Lengyel và nhóm của ông từ Đại học Debrecen (Hungary) trình bày một cuộc khảo sát qua các tài liệu để tìm hiểu đặc trưng riêng trong chiến lược bảo tồn hiện nay ở những quy mô nhất định là như thế nào. Mặc dù họ thấy là nói chung có nhận thức ngày càng tăng liên quan đến vấn đề quy mô trong bảo tồn, nhưng cũng còn những kiếm khuyết quan trọng. Kết quả của nghiên cứu này kêu gọi các nhà bảo vệ môi trường và các nhà hoạch định chính sách cần phát triển cách tiếp cận theo quy mô nhạy cảm, tương tự như cách thức các nhà sinh vật học tế bào sử dụng độ phóng đại khác nhau sẽ tùy thuộc vào những gì họ muốn quan sát và nghiên cứu một đối tượng dưới kính hiển vi.

Diễn giả chính, Tiến sĩ Riikka Paloniemi đến từ Trung tâm chính sách môi trường thuộc Viện Môi trường (SYKE), tại Helsinki (Phần Lan) cho biết: "ở nhiều cấp độ hành chính, các chính sách quy định việc bảo vệ và quản lý đa dạng sinh học đều có sử dụng đến các công cụ ở các quy mô khác nhau, và nó liên quan đến một loạt những người thực hiện trong bộ máy nhà nước và trong khối tổ chức phi chính phủ. Những người này thường có cái nhìn khác nhau về quy mô trước một thách thức và làm thế nào để đối phó với nó, vì thế điều này chắc chắn dẫn đến các ý kiến ​​trái ngược nhau. "

"Đã từ lâu, các câu hỏi về quy mô, tỷ lệ đã chưa bao giờ được làm rõ. Chính sự sao nhãng, không chú ý tới quy mô không gian và thời gian dành cho chức năng các hệ sinh thái khi tiến hành thiết kế các biện pháp bảo tồn có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực lâu dài, và sự thất bại của mục tiêu hội nghị năm 2010 nhằm làm giảm và hạn chế sự suy giảm đa dạng sinh học ở châu Âu là một trong những ví dụ rõ nhất về điều đó " là ý kiến của tiến sĩ Klaus Henle đến từ Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz UFZ ở Leipzig (Đức) và là điều phối viên của dự án mang tên SCALES (Quy mô).

Kết luận chính mà các nhà khoa học tham dự hội nghị đưa ra là tất cả những bàn luận về các vấn đề liên quan đến quy mô-tỷ lệ, và các giải pháp tiềm năng cho chúng sẽ góp phần hoàn thiện sự hiểu biết chung về tính chất phức tạp của các quá trình này. Việc xử lý một loạt các vấn đề ở quy mô khác nhau cũng như quy mô bảo tồn đa dạng sinh học đang là sự thách thức, nó đòi hỏi có một cơ cấu phân tích và chính sách có khả năng đánh giá được tác động bất lợi của biến đổi toàn cầu, và còn vừa thực hiện được các chính sách ở quy mô – phạm vi có liên quan.

"Có lẽ có khoảng cách lớn nhất giữa các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách là khoảng cách về tốc độ. Chúng ta cần phải làm việc và xuất bản nhanh hơn. Công trình khoa học sẽ bỏ quên mục đích quan trọng nhất của nó là nhắm tới độc giả khi mà thời gian công bố quá chậm. Ngôn ngữ truyền đạt thường là quá nặng về kỹ thuật và kết quả công bố trong các tạp chí chuyên ngành nên lượng truy cập bị hạn chế. Thay vì như vậy, chúng ta cần giao tiếp, chia sẻ dữ liệu và những phát hiện của chúng ta một cách cởi mở hơn và nhanh hơn", đây là kết luận của Tiến sĩ Henle, chủ bút của tạp chí liên ngành mới, truy cập mở - tạp chí Bảo tồn Thiên nhiên (Nature Conservation), địa chỉ http://www.pensoft.net/natureconservation .

Tại đại hội này, Tiến sĩ Klaus Henle và GS Lyubomir Penev từ Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria đã giới thiệu ra mắt tạp chí Bảo tồn thiên nhiên nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa khoa học bảo tồn và thực tế thông qua phổ biến các sáng kiến mới và công nghệ có tính phổ biến. Tạp chí khuyến khích đăng các bài viết không chỉ về các chủ đề sinh học mà còn về đạo đức xã hội, kinh tế - xã hội, các vấn đề pháp lý và chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.


Chuyển ngữ: Lê Xuân Thuyên
Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP Hồ Chí Minh
05/09/2012.

* Tác giả gửi trực tiếp cho Save Cat Tien NP Group:
Chào các anh chị,
Tôi thấy thông tin từ Hội nghị khoa học này có lẽ bổ ích cho nhiều người nên thông báo cho mọi người. Kèm theo đây là bài lược dịch từ thông tin liên quan (trong file kèm).
Rất vui là có thể đóng góp được phần nào trong việc cùng nâng cao hiểu biết chung về Bảo tồn Tự nhiên.


Reference:

Biodiversity conservation across scales: lessons from a
science–policy dialogue
Riikka Paloniemi1, Evangelia Apostolopoulou2, Eeva Primmer1,
Małgorzata Grodzinska-Jurczak3, Klaus Henle4, Irene Ring5, Marianne Kettunen6,
Joseph Tzanopoulos7, Simon G. Potts8, Sybille van den Hove9, Pascal Marty10,11,
Andrew McConville12, Jukka Similä1
1 Environmental Policy Centre, Finnish Environment Institute (SYKE) 2 Department of Ecology, School of
Biology, Aristotle University of Thessaloniki 3 Jagiellonian University, Institute of Environmental Sciences
4 UFZ – Helmholtz Centre for Environmental Research, Department of Conservation Biology 5 UFZ –
Helmholtz Centre for Environmental Research, Department of Economics 6 Institute for European Environmental
Policy (IEEP), London / Brussels c/o Finnish Environment Institute (SYKE) 7 University of Kent,
Durrell Institute of Conservation and Ecology (DICE) 8 Centre for Agri-Environmental Research, School
of Agriculture, Policy and Development, University of Reading 9 Median SCP 10 UMR LIENSs (Coastal
systems, environment and human societies), CNRS (National Centre for Scientific Research) 11 University of
La Rochelle 12 Institute for European Environmental Policy (IEEP), London
Corresponding author: Riikka Paloniemi (riikka.paloniemi@ymparisto.fi)

Nature Conservation 2: 7–19 (2012)
doi: 10.3897/natureconservation.2.3144

No comments:

Post a Comment