Friday, September 21, 2012

Bộ NNPTNT (MARD) phải xem xét lại từ công tác quy hoạch, không thể đá "quả bóng" sang Bộ TNMT (MONRE)?


Nhóm chúng tôi đã có một vài tài liệu của dự án, theo con đường phi chính thức. Thư điện tử của ông Nguyễn Huỳnh Thuật là thành viên Nhóm chúng tôi ngày 13/09/2012 gửi Ông Nguyễn Vũ Trung đề nghị công khai Báo cáo ĐTM, và thư của GS.TS Nguyễn Trường Tiến gửi Tập đoàn Đức Long Gia Lai ngày 05/09/2012, đề nghị cung cấp thông tin của dự án đầu tư, vẫn chưa nhận được hồi âm.
Nhóm chúng tôi cần có tài liệu chính thức của dự án, và thời gian để đưa ra các nhận xét về các khía cạnh khác nhau của dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A, ví dụ như kiểm nghiệm đánh giá lại mô hình toán cho hai đập ĐN 6 và ĐN 6A; và kết quả phân tích sẽ được tiếp tục gửi đến một số thành viên của Hội đồng thẩm định.
Các chuyên gia am hiểu sâu về mô hình thủy văn, mô hình thủy lực cũng sẽ kiểm nghiệm theo góc nhìn của mình để có đối chứng càng tăng thêm giá trị của phản biện.
Theo ý kiến của Nhóm chúng tôi, trong giai đoạn trước mắt chưa nên họp Hội đồng thẩm định đánh giá ĐTM (để tiếp tục lắng nghe phân tích các ý kiến đa chiều, thu thập bổ sung phân tích các luận cứ pháp lý, các thông tin, tư liệu cần thiết).
Chúng tôi có thể tiếp tục viết thư riêng gửi một số vị lãnh đạo có trách nhiệm về quan điểm xử lý dự án ĐN 6 và 6A. Các thư này, với các luận chứng, và dẫn chứng về bài toán "trade off" đánh đổi, sẽ đề nghị phải thận trọng trước khi quyết định về dự án ĐN6 và 6A. Thậm chí có những công việc đề nghị Bộ NNPTNT phải xem xét lại từ công tác quy hoạch, không thể đá "quả bóng" sang Bộ TNMT. 
Chúng tôi giữ quan điểm rằng, cần mời bổ sung một số thành viên tham gia trong Hội đồng Thẩm định (kể cả những người có ý kiến khác biệt). Ba (03) tỉnh thành phía hạ lưu (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM) về nguyên tắc người ta có thể chỉ xin ý kiến bằng văn bản, nhưng đối với dự án nhạy cảm, chúng tôi cho rằng nên mời tham gia trực tiếp Hội đồng vẫn tốt hơn. 
Mặc dù chỉ dựa trên các tài liệu dự án chưa đầy đủ và không chính thức về mặt danh nghĩa, nhưng các ý kiến nhận xét của Nhóm Save CATTIEN sẽ cố gắng tiếp tục cập nhật, phân tích, lập luận chắc chắn trên cơ sở khoa học, lời lẽ ôn hòa, xây dựng trên tinh thần đối thoại, không đối đầu để thuyết phục những người có trách nhiệm.
Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các vấn đề, hoặc đơn giản chỉ là các câu hỏi, về các khía cạnh liên quan thể hiện trong một số hình vẽ dưới đây.


Câu hỏi 1: Các phương án tuyến đập thủy điện Đồng Nai 6 & 6A đã phải là cuối cùng chưa? Điều chỉnh Quy hoạch thế nào? Sự phối kết hợp và "đá bóng" giữa bốn (04) Bộ: Bộ NN&PTNN (MARD), Bộ TNMT (MONRE), Bộ Công thương (MOIT), Bộ VH-TT-DL (CINET) đã đến hồi kết chưa, và đã/sẽ tham mưu tốt cho Thủ tướng chưa/không? 


Câu hỏi 2: Tại sao chỉ có sơ đồ tổng mặt bằng xây dựng cho thủy điện Đồng Nai 6 mà không có sơ đồ tương tự cho thủy điện Đồng Nai 6A?



Câu hỏi 3: Hình này thể hiện sơ đồ vị trí thủy điện Đồng Nai 6A so với VQG Cát Tiên. Độ chính xác của khoảng cách 25km - 30km? Phải chăng, Chủ đầu tư & Tư vấn muốn nói rằng, khoảng cách đó là an toàn cho Cát Lộc, Cát Tiên và Bàu Sấu? 

Câu hỏi 4: Hình này thể hiện Vị trí chiếm đất của dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A trong VQG Cát Tiên. Bản thân chữ trong, và những chữ "bảo vệ nghiêm ngặt", "phục hồi sinh thái"..., là có hàm nghĩa rằng, cứ làm thủy điện vô tư?



Câu hỏi 5: Vị trí khu vực cấp đất xây dựng công trình của dự án thủy điện Đồng Nai 6, giáp và vắt ngang ranh giới VQG Cát Tiên




Câu hỏi 6: Bản đồ ngập lũ thượng lưu sông Đồng Nai từ bậc thang thủy điện Đồng Nai 5 đến Hồ Trị An cho mô phỏng vỡ đập ĐN 6 bằng phần mềm MIKE 11. Các thông số đầu vào / Input data cho phần mềm được lựa chọn thế nào?



Câu hỏi 7- Đã tính toán khả năng động đất như thế nào? cơ sở khoa học nào bảo đảm rằng các đứt gãy sụt lún này trong tương lai không có động đất.

Câu hỏi 8. Tại sao lại cho phép 2 tram 6 và 6A quá gần nhau như vậy, cơ sở khoa học?

Câu hỏi 9- Tại sao hầu hết các nước trên thế giới đều ngưng phát triển thủy điện vì cái "lợi bất cập hại" về tài nguyên-môi trường, hệ sinh thái tự nhiên và môi trường nhân văn mà VN vẫn làm?

Câu hỏi 10- Khi cho phép xây dựng 6 và 6A đã tính toán "khả năng chịu tải" của hệ sinh thái lưu vực và khả năng chịu tải môi trường lưu vực chưa? kết quả ra sao?



3 comments:

  1. Trích bài TÀN SÁT THIÊN NHIÊN trên báo Người Lao động, Thứ Sáu, 21/09/2012 21:39:
    http://nld.com.vn/20120921093921416p0c1002/tan-sat-thien-nhien.htm

    “Chạy giỏi” là được!
    Với trọng trách cảnh báo, bảo vệ môi trường và “song hành” để dự án được bền vững trong suốt quá trình hoạt động, đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) được ví như một trong những người “gác cửa” về môi trường. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội ĐTM Việt Nam, nguyên vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường - Bộ TN-MT, hiện nay ĐTM không được coi trọng hoặc coi trọng một cách hình thức để làm cho “văn bản được tròn trịa và hợp mốt mà thôi!”.

    Các quy định của pháp luật hiện nay khiến cho ĐTM chỉ là thủ tục “vuốt đuôi”. Cụ thể, Nghị định 21/ 2008/NĐ- CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 80/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và nghị định 29/2011/NĐ- CP quy định về đánh giá môi trường chiến lược thì các dự án chỉ trình thẩm định và phê duyệt ĐTM sau khi địa điểm dự án đã được chấp nhận. Việc này vô hình trung đã làm vô hiệu hóa tác dụng của ĐTM, trái với thông lệ quốc tế và không phù hợp với tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
    “Vấn đề quan trọng nhất, ĐTM hiện nay do chủ đầu tư bỏ tiền túi thuê tư vấn thực hiện. Chủ đầu tư tất nhiên phải thuê những đơn vị nói dự án không ảnh hưởng gì cả, và tốt nhất là thuê những đơn vị thật dở hoặc không có chuyên môn nhưng cứ “chạy” giỏi qua các cửa địa phương, bộ ngành… là được!” - TS Kinh nhận xét. Vì vậy, đa số đều nhìn nhận, một khi Việt Nam còn quy định cơ chế chủ đầu tư bỏ tiền thuê tư vấn làm ĐTM thì báo cáo này không còn ý nghĩa.
    ...

    ReplyDelete
  2. Theo Phó cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường - Bộ TN-MT Mai Thế Toản, trong bài:
    'Đánh giá tác động môi trường vẫn còn mang tính hình thức'
    08:42 | 18/08/2012
    http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=255597

    "Để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển các hoạt động ĐMC, ĐTM ở Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong công tác thẩm định báo cáo, trong hoạt động hậu kiểm, nâng cao vai trò quản lý trong công tác BVMT, để các dự án đầu tư được triển khai theo đúng quy hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững..."

    ReplyDelete
  3. Chuyên gia môi trường quốc tế Nguyễn Bích Thái Nguyên: "Phục hồi" Vườn Quốc gia
    http://nangluongvietnam.vn/news/vn/tranh-luan/du-an-thuy-dien-dong-nai-6-va-6a-sau-cau-hoi-lon-ve-quy-hoach-con-bo-ngo.html

    Đứng trên quan điểm sinh thái học và bảo tồn Vườn Quốc gia thì không thể yêu cầu ”trồng và phục hồi rừng” được. Nguyên tắc bảo tồn Vườn Quốc gia là “không lấy gì từ trong mang ra ngoài, không mang gì từ ngoài vào trong”. Khi đã phá hoại Vườn QG thì đã vi phạm vế 1, còn trồng rừng thì vi phạm vế 2.

    Làm thế nào có thể ”trồng và phục hồi rừng” với hàng trăm hoặc hàng nghìn chủng loại nấm, địa y, dương xỉ, cây thân thảo, dây leo, cây nhỡ, cây to...? Hay là chỉ trồng vài chủng loài cây? Lại còn nhắm đến cây kinh tế? Hoặc là cây du nhập có sức tăng trưởng nhanh để nhanh phủ xanh, nhanh báo cáo thành tích?

    Tóm lại, đã mất hệ sinh thái Vườn QG là xem như mất hẳn, không mong gì “phục hồi” được. Đó là cái mất 100%. Hãy xem cái được sẽ bù lại 100% đó hay không.

    Việc khác: tôi đọc thấy ý kiến là 1 đoàn đông bị cho là cưỡi ngựa xem hoa, không đi sâu đi xa đủ để khảo sát hiện trạng hệ sinh thái. Mấy ông bà đó đâu có đủ trang bị, sức lực mà đi khảo sát cho có bài bản nghiêm túc!? Và có đủ kiến thức về phương pháp khảo sát các hệ sinh thái khác nhau? Còn phải đo đếm mật độ, tỷ lệ phân bố chủng loài... Có chuyên gia về chim không? về côn trùng? về nấm? về thủy sinh? Rồi thì làm sao quan sát được thú hoang dã khi chỉ đi 1 đoạn nhanh chóng? Người ta lặn lội hàng tuần nơi rừng sâu, bãi lầy, ven suối... thì mới mong quan sát và ghi chép quần thể, chủng loài... thú hoang dã.

    Cái phản biện là ở chỗ đó: anh nào, đoàn nào đã đi sâu và xa đến đâu, thấy những gì, đo đếm những gì, chụp ảnh được những gì... thì cần được mời phát biểu

    ReplyDelete