Friday, May 10, 2013

Thư gửi người thương ngày 10 tháng 5 năm 2013.


Ngồi giữa gió Xuân. (Tọa Xuân Phong, Xuân Ngồi Yên, Xuân An Tọa)


Em thương mến!


Trên đường đời có lúc ta đi ngang qua một cơn đau, nỗi khổ, lo lắng và tuyệt vọng. Đó là chuyện rất bình thường. Chúng ta là sản phẩm của môi trường sống, chúng ta là sản phẩm của tâm thức cộng đồng, tâm thức đất nước, tâm thức thế giới. We are the environment, we are the country, we are the world. Nó là thử thách như hầm hố, như chông gai trên một con đường. Chúng ta đang cùng nhau leo đồi thế kỷ, cùng nhau ngồi giữa gió Xuân mát lành để tận hưởng hạnh phúc, tận hưởng trăng thanh, hoa thơm, cỏ lạ cùng sự có mặt của muôn loài tự do ca hát, nhảy múa trong tự nhiên. 

Thử thách này có thể đến từ bên trong tâm hoặc từ ngoại cảnh. Nhưng thử thách này là cơ hội cho em lớn lên như sau cơn bạo bệnh em cảm thấy mạnh khỏe hơn, yêu thương mình hơn và yêu đời hơn. Nếu em biết cách ngồi yên, biết cách đi cho thảnh thơi thì em sẽ biết cách nuôi dưỡng và trị liệu. Em hãy trở về với em, về với hiện tại. Em hãy tập ngồi yên cho giỏi, tập thở cho sâu-chậm-nhẹ-đều, cho khỏe. Em bước đi cho thanh thản, nhẹ nhàng. Mỗi bước chân hãy như một nụ hôn sâu sắc và trọn vẹn hôn lên Mẹ Đất, hôn lên Mẹ Thiên Nhiên. Đó là cách thương mình, yêu quê hương và thương "Mẹ" hay nhất. Em ngồi thật yên, buông thả toàn thân, làm lắng đọng tâm tư. Đây là sự thực tập ôm lấy niềm đau. Khi căn nhà bị cháy, việc đầu tiên là phải dập tắt ngọn lửa. Chứ ai dại gì mà chạy ra ngoài để đi tìm người đốt nhà, bởi vì như thế thì ngọn lửa sẽ thiêu rụi cả căn nhà. Khi đối diện một cơn đau buồn, em hãy trở về chăm sóc cho nó. Hãy thở để làm lắng dịu cảm xúc trong lòng. Từ đó, em mới có đủ sự bình tĩnh, lắng đọng, trong sáng và thảnh thơi mà nhìn sâu vào lòng cơn đau, nhìn sâu vào thực tại để hiểu rõ mọi nguồn cơn và biết mình nên làm gì và không nên làm gì. 
 An tọa
Ngồi Yên giữa thiên nhiên.
"Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi ngẫm lại mình,... tôi chợt biết rằng..." 

Em hãy có mặt cho bước chân, có mặt với hơi thở, có mặt cho sự sống. Có mặt cho tiếng suối, tức là em biết lắng nghe con suối hát. Có lẽ, bấy lâu nay em đã quên đi điều quan trọng này nên em thường vắng mặt đối với hơi thở, bước chân, tiếng gió, tiếng chim ca, trăng thanh bình, gió mát mẻ, chồi non chớm nở, lá vàng rơi, ánh mắt và nụ cười trẻ thơ,... Có mặt là có ý thức, có sự tiếp xúc, nên em có sự sống. Thiên nhiên mầu nhiệm luôn chờ đợi em đó. Thiên nhiên có công năng nuôi dưỡng và trị liệu lạ thường! Chỉ cần có mặt với tiếng suối ca và hoa đang nở một vài phút thôi, cũng đủ cho em thấy khả năng trị liệu tuyệt vời của nó. Em thử thở để có mặt đi nhé. Khỏe và nhẹ lắm em ạ. Sắp tới nhóm "Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên" (SCT) chúng ta sẽ sớm ra mắt trang website lovemothernature.org là để tri ân Mẹ Thiên Nhiên, Mẹ Đất cùng nhau đi như một dòng sông biểu hiện tình thương chân thật cho ta và cho "Mẹ". Trang web này sẽ có tiếng Việt và tiếng Anh để chia sẻ các hoạt động tình nguyện của nhóm trong việc "ươm mầm xanh" (trồng người và trồng cây) từ bậc học Mầm Non đến Đại học. 

Nhóm SCT của chúng ta với sự chung tay tình nguyện của em cùng nhiều người thương đã làm lợi lạc biết bao nhiêu người và muôn loài. Từ việc lên tiếng để bảo vệ 400 ha rừng nguyên sinh Cát Tiên và vùng ven cho đến các hoạt động triển lãm vẻ đẹp Cát Tiên, vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam (HCM, Hà Nội, Hạ Long,...) cũng như tổ chức các buổi nói chuyện, các đợt thi vẽ, thi viết, thi thuyết trình, thi sân khấu hóa và triển lãm xoay quanh chủ đề "Em yêu quê hương, Yêu quý Bảo vệ Thiên Nhiên" với nhiều trường từ bậc Mầm Non đến Đại học (Mầm Non, Tiểu học, THCS, PTTH, Trung cấp, Cao Đẳng, Đại học). Bên cạnh đó nhóm cũng đã làm việc với các cơ quan đoàn thể gồm đoàn Thanh niên và các hội: Khuyến học, Nông dân, Hưu trí, Cựu Chiến Binh, Phụ nữ để tổ chức các buổi tọa đàm chủ đề "Yêu quý Bảo vệ Quê Hương, Yêu quý Bảo vệ Rừng, Yêu quý Bảo vệ Thiên Nhiên".

Món quà cao quý nhất mà chúng ta dành tặng nhau đó là sự có mặt tươi mát, sự không lo lắng, không sợ hãi, không tuyệt vọng, tấm chân tình và tình yêu đích thực không vụ lợi của chúng ta. Em hãy là em, hãy là đóa hoa, là bình minh tỏ rạng, là tiếng chim hát ca không đắn đo suy tính em nhé. "Mẹ" hiểu và thương chúng ta nhiều lắm.     

Mẹ Đất, Mẹ Thiên Nhiên đang đau khổ vì phần nhiều, đại đa số còn những đứa con dại dột chưa tỉnh thức của mình. Những lần Mẹ quặn đau, Mẹ "giận", Mẹ ối mửa là mỗi lần những cơn động đất, những trận đại hồng thủy, những cơn hạn hán và lũ lụt đau lòng xảy ra. Càng lúc hậu quả biến đổi khí hậu càng rõ rệt. Nền sân UB thị trấn Cái Đôi Vàm và bệnh viện Đa Khoa huyện Phú Tân - Cà Mau cao như vậy mà năm nay khi triều lên, nước biển dâng ngập sân 50cm(!). 

"Mẹ" có mặt cho ta, nuôi dưỡng và trị liệu ta. Vậy thì chúng ta hãy biết ơn "Mẹ" và có mặt cho "Mẹ". Có mặt thật sự với trời xanh, mây trắng, gió reo, hoa nở hoặc nỗi khổ, niềm đau của chính ta và đồng loại. Có mặt thật sự em sẽ có khả năng đi vào kho tàng bí mật của sự sống. Em biến thành nắng. Em là cơn mưa. Em trở thành một với không khí. Em là áng mây bay. Em là một với người thương, là một với người hạnh phúc và cũng là một với người đang đau khổ. Nghĩa là em biết chơi và chịu chơi với sự sống. Do vậy mà chúng ta phải chung tay chăm lo bảo vệ môi trường, bảo vệ "Mẹ", bảo vệ các cánh rừng, bảo vệ những mảng xanh còn sót lại, dù đã muộn! 

Để thương yêu chân thật (đích thực or true love) em phải tập kiên nhẫn. Em hãy để cho thời gian thương yêu em. Cái gì rồi cũng sẽ đi qua. Chuyện đâu còn đó. Nỗi buồn nào rồi cũng vơi đi. Khổ đau nào rồi cũng được trị liệu. Mưa sẽ tạnh, trời sẽ quang, đông tàn xuân lại đến. Em hãy vui như mọi ngày và vui liền lúc này, giờ này. Tình thương và niềm tin yêu vẫn còn nguyên vẹn. Tình thương em dù chứa đầy thử thách, nhưng nó vẫn đẹp như ngày nào. 

Hãy mở tung cánh cứa tâm hồn để cho nắng mai chiếu rọi, cho mưa nhẹ hạt rơi vào mảnh đất tâm, cho mầm xanh hé nụ thành cây đạo đức tỏa hương hiến dâng cho đời, cho sự sống em nhé. Hãy cùng anh thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên nhé em. 

Ôm em vào lòng! 
Nguyễn Huỳnh Thuật
T/M nhóm SCT

No comments:

Post a Comment