Tuesday, May 7, 2013

RẤT CẦN NGƯỜI CÓ TẦM, CÓ TÂM QUẢN LÝ SỬ DỤNG.

Vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 đã vào quỹ đạo

Thứ Ba, 07/05/2013 09:08

(NLĐO)– Đúng 11 giờ 03 phút 55 giây sáng nay 7-5, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam, VNREDSat-1, đã vào quỹ đạo dự định. VNREDSat-1 được xem như là một "mắt thần" nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Tên lửa đẩy VEGA được phóng lên từ sân bay vũ trụ Kourou
 
Vệ tinh viễn thám quang học VNREDSat-1 được Công ty Arianespace phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy VEGA từ sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp vào 23 giờ 6 phút 31 giây ngày 6-5-2013 (theo giờ Kourou) tức 9 giờ 6 phút 31 giây ngày 7-5-2013 (theo giờ Hà Nội) sau khi bị hoãn phóng vì lý do thời tiết vào ngày 4-5.

Nín thở theo dõi giây phút lịch sử này từ trụ sở của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đông đảo các nhà khoa học thể hiện sự vui mừng và tự hào trước việc chúng ta đã có bước đi đầu tiên đến quá trình làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ. Với VNREDsat-1, Việt Nam gia nhập cộng đồng các quốc gia sở hữu vệ tinh viễn thám riêng (hiện có 25 quốc gia).

Sau khi rời mặt đất 1 giờ 57 phút 24 giây, vệ tinh VNREDSat-1 tách ra khỏi tên lửa đẩy VEGA và khởi động động cơ đẩy của mình để tự điều chỉnh tới quỹ đạo làm việc. Lúc 11 giờ 03 phút 55 giây (giờ Việt Nam), vệ tinh VNREDSat-1 đi vào quỹ đạo dự tính.
 
Vệ tinh mang Quốc kỳ Việt Nam gắn trên tên lửa đẩy VEGA trước khi phóng - Ảnh chụp qua màn hình
 
Tại Trung tâm điều khiển phóng vệ tinh - Ảnh chụp qua màn hình
 
Tên lửa đẩy VEGA mang vệ tinh VNREDSat-1 bay lên quỹ đạo - Ảnh chụp qua màn hình
 
Tên lửa mang vệ tinh VNREDSat-1 sau khi tách vỏ - Ảnh chụp qua màn hình
 
Chuẩn bị tách vệ tinh VNREDSsat-1 - Ảnh chụp qua màn hình
 
Vệ tinh VNREDSat-1 tách hoàn toàn khỏi tên lửa và đi vào quỹ đạo - Ảnh chụp qua màn hình
Các nhà khoa học theo dõi giây phút lịch sử của ngành khoa học vũ trụ Việt Nam từ Hà Nội
 
Vệ tinh VNREDSat-1 đã được đưa thành công lên quỹ đạo dự tính - Ảnh chụp qua màn hình 
 
Cùng với vệ tinh của Việt Nam, tên lửa VEGA mang theo 2 “hành khách” khác là vệ tinh Proba-V (Bỉ) và ESTCube-1 (Estonia). Các “hành khách” này cũng đã tách khỏi tên lửa đẩy an toàn.

Tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh VNREDSat-1 có thể được thu nhận được từ 14 giờ 30 ngày 7-5. Nếu mọi việc đúng như dự kiến, chúng ta có thể có được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên của vệ tinh sau 2 ngày và những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ Việt Nam sau đó 1 ngày nữa.

Khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian

Vui mừng trước sự kiện VNREDsat-1 được phóng thành công, GS-TS Châu Văn Minh, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học công nghệ, tiếp tục thể hiện và khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ vì các mục đích hòa bình phục vụ lợi ích con người.

Tiếp theo, sau giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong 3 tháng, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ được chính thức bàn giao cho Việt Nam khai thác sử dụng.

Vệ tinh VNREDSat-1 được thiết kế và tư vấn bởi Công ty Astrium SAS thuộc Tập đoàn Hàng không vũ trụ quốc phòng châu Âu (EADS) chuyên sản xuất vệ tinh của Pháp. Tên lửa đẩy VEGA được sử dụng trong lần phóng này là một chủng loại tên lửa mới, được phát triển bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Phác thảo vên tinh viễn thám đầu tiên VNREDSát-1 (nguồn: astrium.eads.net)
 
VNRED Sat-1 là vệ tinh có chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt trái đất. Với khả năng cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao gần như ngay sau khi chụp, vệ tinh này giúp Việt Nam chủ động nguồn thông tin nhằm giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu.

“Với VNRED Sat-1, chúng ta có được vệ tinh quan sát trái đất riêng, từ đó xây dựng hệ thống dữ liệu ảnh riêng. Từ đó, Việt Nam có thể theo dõi diễn biến thiên tai, giám sát biển đảo”, PGS.TS Doãn Minh Chung, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, đánh giá.

So với các vệ tinh viễn thông Vinasat 1, Vinasat 2 mà Việt Nam đã đưa lên quỹ đạo trước đây, VNRED Sat-1 có nhiều khác biệt.

Cụ thể, vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 nằm trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời (SSO) có thể chuyển động trên toàn cầu và có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt trái đất từ độ cao xấp xỉ 663 km, độ phân giải mặt đất là 2,5m trong khi các vệ tinh viễn thông Vinasat 1, Vinasat 2 làm việc ở độ cao khoảng 35.800 km trên quỹ đạo địa tĩnh, tức là có vị trí tương đối gần như không thay đổi so với Việt Nam.

Với kích thước 600mm x 570mm x 500mm, nặng khoảng 120kg, tuổi thọ thiết kế của VNREDSat-1 là 5 năm. Dự án VNREDSAT- 1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu euro, từ nguồn vốn vay viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Pháp và 64 tỷ 820 triệu đồng nguồn vốn đối ứng của Việt Nam.

VNRED Sat-1 sẽ khởi đầu cho hệ thống quan sát Trái đất của Việt Nam. Tại Việt Nam, 3 cơ sở mặt đất để điều hành, tiếp nhận và xử lý tín hiệu ảnh vệ tinh đã được triển khai chuẩn bị cho quá trình tiếp nhận và vận hành vệ tinh VNREDSat-1 gồm: Trung tâm điều hành (đặt tại khuôn viên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Trạm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh (Khu công nghệ cao Hòa Lạc); Trạm thu ảnh vệ tinh (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Trong khuôn khổ dự án, một đội ngũ kỹ sư, chuyên gia trẻ của Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận quá trình thiết kế, chế tạo vệ tinh với công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới, góp phần hình thành đội ngũ những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và chinh phục vũ trụ ở nước ta.

15 kỹ sư thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã được đào tạo để làm chủ quá trình điều khiển, khai thác vệ tinh, đồng thời bước đầu tiếp cận với các công đoạn thiết kế, chế tạo vệ tinh. 5 kỹ sư vận hành hệ thống thu nhận và xử lý tín hiệu ảnh tại Trung tâm Viễn thám Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã được đào tạo nâng cao để đảm nhận việc điều khiển và vận hành khai thác vệ tinh sau khi phóng vào quỹ đạo.
 
 
Theo TS. Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, Trưởng Ban quản lý Dự án vệ tinh nhỏ, do thời gian phục vụ trên quỹ đạo của vệ tinh viễn thám thường ngắn, chỉ  khoảng 5 năm, nên cần sớm xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp với hoạt động tại Trạm điều khiển vệ tinh và Trạm thu ảnh viễn thám.

Ngoài ra, cần sớm phê duyệt cơ chế chính sách cung cấp ảnh viễn thám VNREDSAT-1 và chuẩn bị kinh phí để vận hành Trạm thu và Trung tâm điều khiển vệ tinh (bao gồm cả kinh phí bảo trì, thuê đường truyền dữ liệu tốc độ cao và xăng dầu cho vận hành máy phát điện trong trường hợp mất điện).
 
Dương Ngọc
Nguồn:  

No comments:

Post a Comment