Friday, May 10, 2013

Hãy thận trọng khi mua cá Tầm- Lầm hàng Trung Quốc!

Bà Irina Laskova, chuyên gia về cá tầm tại Việt Nam:
“Cá tầm Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn”

SGTT.VN - Là một chuyên gia người Nga về nuôi cá tầm tại công ty cổ phần Cá tầm Việt Nam, bà Irina Laskova cho rằng, dù hiện tại, nghề cá tầm Việt Nam (CTVN) đang gặp khó khăn do hàng cá tầm Trung Quốc nhập lậu, đội lốt nhãn mác CTVN nhiều nhưng ngành nuôi CTVN vẫn có triển vọng phát triển rất lớn, đặc biệt là xuất khẩu trứng cá tầm. 

Theo bà thì nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam có thị trường tốt ở bên ngoài không ?  
Sau một thời gian công tác ở Việt Nam thì tôi thực sự bất ngờ về tiềm năng phát triển việc nuôi cá tầm ở nhiều địa phương của Việt Nam cho dù Việt Nam vốn không phải là một nước truyền thống nuôi, xuất khẩu loại cá có giá trị cao này. Theo như tôi biết thì nhiều nước vốn có thế mạnh về nuôi, lấy trứng cá tầm cũng thấy lo ngại trước tiềm năng xuất khẩu cá tầm, đặc biệt là trứng CTVN. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước xuất khẩu mạnh nhất về trứng cá tầm.
Bà Irina Laskova (bìa phải) trao đổi với cán bộ kỹ thuật công ty Cá tầm Việt Nam về nuôi cá tầm giống. Ảnh: M.Q
Hiện nay tôi làm việc ở công ty cổ phần CTVN. Ở đây, chúng tôi cũng xác định xu hướng chính là xuất khẩu trứng còn bán thịt cá tầm ở thị trường trong nước. Hiện nay, khách hàng ở nhiều nước, trong đó có một khách từ từ Pháp –nơi tiêu thụ tới 25% sản lượng trứng cá tầm của thế giới và nhiều khách hàng từ Lucxambourg, Italia, Đức….đã sang Việt Nam, có làm việc với chúng tôi để hợp tác, nhập trứng CTVN. Họ đã khảo sát rất kỹ và đánh giá cao chất lượng trứng CTVN. Họ có nói rằng, trứng cá ở đây chất lượng không khác gì các sản phẩm mà họ đang phân phối ở các nước châu Âu và Mỹ.

Theo bà, với quy mô phát triển như hiện nay thì trong thời gian tới, nếu đẩy mạnh xuất khẩu thì các doanh nghiệp nuôi cá tầm của Việt Nam gặp phải cạnh tranh từ đâu ?  
Tôi nghĩ các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là những nhà chăn nuôi cá tầm ở Mỹ, Italia, Pháp, Nga vì họ có ngành sản xuất này lâu rồi. Nhưng tôi cũng tính, trong 3 năm tới, sản lượng nuôi cá tầm, lấy trứng cá tầm của Việt Nam thậm chí vượt xa cả một số nước này và họ sẽ không phải là đối thủ của Việt Nam về sản lượng.
Còn tại châu Á như Trung Quốc, và các nước Trung Đông như Iran, Ả rập Xê út họ cũng có chính sách phát triển nuôi cá tầm trên qui mô lớn nhưng họ không thuận lợi bằng Việt Nam do khí hậu không thuận lợi, chi phí nuôi nhiều. Trung Quốc cũng đáng ngại nhưng họ lại nuôi cá lai nhiều và thường là bán dưới mác cá tầm Nga hay như sang Việt Nam thì phải lẩn dưới mác CTVN. Các khách hàng nước ngoài khi họ kiểm tra ngẫu nhiên các mẫu cá tầm Trung Quốc thì họ phát hiện là cá lai, không phải cá thuần chủng nên Trung Quốc rất khó bán cá, khó phát triển nghề này. Khách châu Âu, Mỹ họ rất khó tính. Nói chung là họ không chấp nhận sản phẩm cá lai của Trung Quốc, nhất là trứng cá.

Theo bà, nhu cầu và khả năng tiêu thụ sản phẩm thịt và trứng CTVN ở thị trường nước ngoài đến đâu ?
Sản lượng trứng CTVN những năm tới sẽ rất cao nhưng không lo không tiêu thụ được vì nhu cầu của thị trường thế giới là rất lớn vì đây là sản phẩm khan hiếm, có giá trị cao, không phải nước nào cũng làm được. Người ta đánh giá nhu cầu hàng năm với sản phẩm này vẫn tăng ít nhất 10-15%. Nhưng hiện nay, khả năng cung ứng của thị trường mowius đạt độ 170-180 tấn trứng/năm. Thậm chí có nước có truyền thống sản xuất nhưng hiện nay, do biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân khác, sản lượng lại bị giảm mạnh. Do đó, cánh cửa của thị trường thế giới cho sản phẩm trứng CTVN là rất rộng lớn. Vấn đề quan trọng nhất của các nhà xuất khẩu trứng CTVN bây giờ là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Tôi nghĩ là các nhà xuất khẩu trứng CTVN cần hướng tới các thị trường chính như: Mỹ, Nhật, các nước châu Âu, Singapore…đây là các thị trường có nhu cầu rất cao về trứng cá tầm. Mình lại có sản phẩm chất lượng cao ngang họ mà giá mềm hơn.

Hiện nay thì ngành nuôi CTVN đang rất khó khăn trước làn sóng xuất (lậu) cá tầm Trung Quốc sang, theo bà thì ngành nuôi CTVN làm gì để tồn tại và phát triển được qua khó khăn này ?  
Thị trường CTVN còn tương đối mới so với các nước. Người dân Việt Nam đa số chưa phân biệt, đánh giá được sự chất lượng của CTVN khác với cá tầm Trung Quốc thế nào nên tôi nghĩ cần có chiến dịch tuyên truyền, phổ biến kiến thức để họ biết cách dùng cá, phân biệt vị cá. Người dân hiện nay chỉ biết cá rẻ thì mua mà không biết nó khác nhau thế nào. Cho nên, tôi đến Việt Nam cũng có tham gia hoạt động như chủ trì giúp công ty Cổ phần CTVN mã hóa sản phẩm, gắn mác lên cá để người tiêu dùng truy cập mã sản phẩm một lần. Chúng tôi cũng có hệ thống cửa hàng, kênh phân phối riêng để người tiêu dùng biết và lựa chọn mua.
Mạnh Quân (thực hiện) 

Nguồn: 

SCT: Một người ủng hộ nhóm SCT chia sẻ:
Hiện cá Tầm Trung Quốc vào VN khá nhiều, kể cđường Hàng không tới SG. Ăn thịt bở nhẽo, không ngon, và có thể làm " bụng dạ bất an". Hãy hỏi rõ xuất xứ cá khi mua.
 
 

No comments:

Post a Comment