Wednesday, May 1, 2013

Hay quá, phải ráng mà giữ thôi!

Trong vương quốc pơ mu

01/05/2013 06:12 (GMT + 7)
TTCT - Người Cơ Tu sống ở đầu ngọn nước, di chuyển trên núi cao và chết vùi trong những thân cây cổ thụ. Đó là cây pơ mu lấy gỗ để đóng quan tài. Nhờ đó ngày nay những cánh rừng pơ mu vẫn đứng sừng sững giữa đất trời.


Đường vào vương quốc pơ mu thẳm sâu với đầy vắt rừng - Ảnh: Đăng Nam
Một trong số những cây pơ mu lớn gặp trên đường đi - Ảnh: Đăng Nam

Phải qua hàng loạt trạm kiểm soát của chính quyền địa phương và biên phòng, chúng tôi mới đến được trung tâm xã A Xan, giáp với biên giới Lào. Cách TP Đà Nẵng gần 200km về phía tây, ở độ cao trung bình hơn 1.100m so với mực nước biển, bốn xã biên giới của huyện Tây Giang (Quảng Nam) gồm A Xan, Tr’Hy, Ch’ơm và Ga ry như một Sa Pa thu nhỏ giữa miền Trung.
Sương sớm phủ kín các nẻo về bản nhỏ, chúng tôi phải đợi mặt trời hửng nắng mới tìm được đường đến thôn Ganil, nơi có những mái nhà tôn xanh thẫm như những chiếc nấm nhỏ lẩn khuất trong sương và được che chở bởi cánh rừng pơ mu ngàn năm.
Nơi không thấy mặt trời
Ông Dương Chí Công, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Nam, cho biết Hiệp hội Cây cảnh Việt Nam vừa chính thức có kiến nghị công nhận cây pơ mu khổng lồ số 477 ở Tây Giang là “cây di sản”. “Chúng tôi ủng hộ điều này, nhưng không khuyến khích mở đường vào rừng pơ mu bởi kèm theo những hệ lụy chưa lường trước được. Có thể mở tuyến cáp treo, có thể dùng đường mòn làm lối đi cho môtô mạo hiểm. Muốn khám phá cái đẹp, yêu thiên nhiên thì phải đổ tí mồ hôi” - ông Công nói.
Mất hơn bốn giờ cưỡi xe Minks, chúng tôi mới đến được chân núi Zi’lieng, ngọn núi thiêng cao ngất của người Cơ Tu. Chỉ tay lên đỉnh, anh Tăng Tấn Lộc, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Tây Giang, cười nói như cảnh báo: “Muốn khám phá rừng pơ mu phải tập thể lực trước và chịu khó tốn gần nửa lít máu thì mới thú vị! Ở đây vắt núi nhiều như nong tằm”. Giày vớ chôn chặt trong ống quần, chúng tôi nhắm thẳng ngọn đồi leo dốc.
Dốc nối dốc, hết dốc đến cua ngoặt liên tục, qua những ghềnh thác mà gót người đi trước chạm mũi chân người đi sau, mọi thứ tưởng chừng bế tắc. Hơn một giờ sau, chúng tôi lọt thỏm giữa những tán cây khổng lồ, lá rừng che kín mọi vật, mặt trời như tắt lịm.
Ngọn núi Zi’lieng đón khách bằng những trận cuồng phong. Chưa tới rừng pơ mu nhưng những cây tùng cao vút, lá kim nhỏ xíu vươn dài đón nắng, khác hẳn các khu rừng nhiệt đới chúng tôi từng đi qua. Nhiều năm trong ngành kiểm lâm, anh Lộc cho biết: “Pơ mu, loại gỗ có nhựa thơm hơn cây thông, lựa chỗ ở cũng cầu kỳ. Phải là nơi cao ráo, nhiệt độ mát mẻ mới có pơ mu và phân bố từ nửa đỉnh đồi trở lên”.
Đứng trưa, chúng tôi lọt thỏm giữa những tàn cây pơ mu cổ thụ bạt ngàn. Những cội cây xù xì, da đầy rêu xanh, cây to mấy người ôm không giáp, cao lừng lững chọc trời xanh. Thiên nhiên như quy hoạch hẳn một vùng dành cho “gia đình” pơ mu nên ở đây không lẫn một loài cây gỗ nào khác. Khu vực nhỏ chưa đầy 20m2 nhưng có đến ba cội pơ mu ôm chặt vào nhau phóng lên cao vút.
Mặt trời như bị che kín bởi lá cây, trưa nắng gắt nhưng cảm giác se lạnh bắt đầu quấn lấy da người. Một mùi hương ngai ngái tỏa ra khắp cánh rừng, bên dưới lớp thực bì dày hơn nửa mét cứ phập phồng theo bước chân, đi trên đất nhưng cảm giác cứ đu đưa như nằm trên võng. Một con rắn xanh phóng vút qua trước mặt, thi thoảng một chú chồn bay giật mình lao vút từ cành pơ mu này sang cành khác rồi đong đưa lơ lửng trên vòm cây.
Máu bắt đầu thấm dưới chân giày, từng tốp vắt đu đưa hút máu người. Một ít thuốc deep, đùm muối ớt quẹt vào nơi bị cắn, lập tức vắt sùi bọt rồi rơi xuống đất. Đây là bài thuốc mà kiểm lâm viên A Lăng Nhú bày cho chúng tôi trước khi vào rừng.
Khoác áo cho cây
Nơi chúng tôi đến, các cội pơ mu đều đã được kiểm lâm đánh số từ 001 đến 1037, tức những cây đã được phát hiện. Chỉ vào cội cây có số hiệu 368, A Lăng Nhú khoe: “Từ ngày phát hiện cánh rừng này, người Tây Giang mừng như gặp báu vật. Bây giờ công việc của tụi tôi càng nặng nề hơn bởi phải quản lý chặt chẽ khu rừng này khỏi tay lâm tặc”.
Pơ mu trong cánh rừng này to và thẳng, nhiều cây lâu năm hình thành những hình thù kỳ quái. Gốc cây pơ mu số hiệu 168 có hình thù như đầu một chú voi. Tàn cây hướng về phía tây, hai “tai” dang rộng, “ngà” thòng xuống đất, hai hốc cây sâu hoắm như cặp mắt đen ngòm.
Rút chiếc máy đo từ túi áo, A Lăng Nhú bấm một hồi ở cội cây số 477 rồi cho biết: cây có chiều cao 45m, đường kính 2,5m, có lượng gỗ khoảng 50m3. “Là người bản địa sống với núi rừng từ nhỏ, một đời làm kiểm lâm nhưng tôi chưa gặp cây nào to như vậy. Đây là cây pơ mu cao, to nhất mà kiểm lâm Quảng Nam phát hiện đến lúc này” - anh khẳng định.
Ông Lê Phước Sang, hạt phó Hạt Kiểm lâm Tây Giang, tâm sự: “Thật ra cánh rừng này được phát hiện từ mùa thu năm 2008, nhưng chúng tôi và chính quyền phải giấu thông tin. Lúc đầu tưởng một vài cây, ai ngờ càng đi xa càng đếm càng nhiều. Chúng tôi run lên vì vui mừng, do đó quyết định đo đếm và đánh số toàn bộ số cây vừa phát hiện. Đến nay chính thức có 1.037 cây đã đánh số. Việc đánh số bảo vệ cũng như “khoác áo” cho cây vậy!”.
Theo thống kê của hạt kiểm lâm này, đến nay đã có gần mười đợt khảo sát, đo đếm cây. Pơ mu phân bố rộng trên vùng đất khoảng 300ha từ tiểu khu 94 đến tiểu khu 97, kéo dọc sang tận biên giới Lào. “Không những kiểm lâm mà hầu như tất cả lãnh đạo huyện đều xắn quần lội rừng kể từ ngày phát hiện pơ mu. Việc bảo vệ cánh rừng bây giờ không chỉ của ngành kiểm lâm mà còn là việc chung của người dân và chính quyền huyện, tỉnh” - ông Sang chia sẻ.
Gia tài về cõi chết
Pơ Loong Đinh - bí thư kiêm chủ tịch UBND xã A Xan, người cùng đi trong chuyến này - vẫy chúng tôi lại nơi một thân pơ mu đã ngã đổ nhiều năm, vung rìu chặt mạnh vào lớp vỏ mục đầy rêu xanh, xám xịt. Từng thớ vỏ bung tróc văng tung tóe, để lộ thân còn tươi. Ông giải thích: “Pơ mu có tinh dầu nhựa thơm, gỗ nhẹ, thân già hay bị rỗng ruột, chôn dưới đất lâu ngày vẫn giữ được hình hài tươi rói. Chính vì vậy mà người dân chỉ dùng gỗ này để đóng quan tài”.
Với người Cơ Tu, dù để ngàn năm sau thì cánh rừng pơ mu này vẫn nguyên vẹn như thuở chưa có dấu chân người khai hoang, theo khẳng định của ông Đinh. Người Cơ Tu chết đi, gia tài chia đều, nhưng những thứ đó chỉ đặt trên nấm mồ. Chỉ có chiếc quan tài làm bằng thân pơ mu là theo họ vùi sâu dưới đất vĩnh viễn.
Ông nói: “Từ nhỏ cha mẹ người Cơ Tu dạy con khi vào rừng phải biết săn con gì, chặt cây gì. Pơ mu là thứ để dành cho người chết, không ai dám chặt cây này làm nhà, đóng tủ, bàn ghế. Ai về già cũng chuẩn bị cho mình chiếc quan tài bằng khúc gỗ khoét sẵn để trước sân nhà”.
Hai lần khảo sát thực tế từng cội cây trong cánh rừng pơ mu, nhưng chủ tịch UBND huyện Tây Giang, ông B’hling Mia, cho biết vẫn có kế hoạch đi chuyến tiếp theo vào mùa nắng. Phân vân nhất của ông là có nên mở một tuyến đường vòng vào khu vực rừng để lực lượng bảo vệ đi tuần tra, canh giữ hay không.
“Chúng tôi sẽ biến khu vực này thành một “tiểu Sa Pa” cho mọi người đến nghỉ dưỡng. Một rừng cây thảo quả phía dưới chân núi đang hình thành, cộng với đặc sản rượu Tr’đin, rượu sâm Ba kích, sâm Ngọc Linh, cá tầm nước lạnh đã nuôi thành công, hồ nước nóng tự nhiên sẵn có… Không có gì là không thể nghĩ tới” - ông Mia hi vọng.
Riêng bí thư huyện Tây Giang, ông B’hriu Liếc, thì cương quyết: “Chúng tôi quyết tâm giữ rừng bằng mọi khả năng có thể, sẽ giữ rừng như chính mái ấm của mình, như chính lá phổi của chúng tôi. Tương lai không xa, “vương quốc pơ mu” ở Tây Giang sẽ là điểm đến của những người yêu rừng, quý rừng, giữ cây, xem rừng là sự sống”. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, ông Phan Tuấn, cho biết thông tin về việc phát hiện rừng pơ mu đã được báo cáo ra Cục Kiểm lâm.
Theo tính toán, khoảng đầu quý 2-2013 Cục Kiểm lâm sẽ khảo sát lại toàn bộ khu rừng và có phương án cụ thể để bảo tồn.
Ông B’hling Mia cho biết kiểm lâm đang hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan chức năng khởi tố một người dân đã chặt cây pơ mu trong cánh rừng vừa phát hiện theo hướng xử lý nghiêm để làm gương. Ngoài ra, huyện cũng sẽ thưởng người dân nào phát hiện thêm cây pơ mu và báo cáo với cơ quan chức năng.
“Hình như người dân vừa phát hiện thêm mấy cây, chính quyền còn nợ người dân dưới nớ mấy triệu! Mỗi cây phát hiện thưởng cho họ triệu đồng” - ông Mia nói.
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

No comments:

Post a Comment