Hưởng ứng loạt bài về dự án Tam Đảo II - Một nhà bảo tồn trẻ lên tiếng
2008-01-14 22:06:39 đăng tại http://www.vfej.vn/ (Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam)
Dưới đầu đề “Vài điểm đề về chính sách của Nhà Nước Việt Nam
đối với việc quản lý các khu rừng đặc dụng và cảnh quan văn hóa Việt Nam”, nhà
khoa học trẻ công tác ở một vườn quốc gia phía Nam gửi một thỉnh nguyện thư lên
lãnh đạo nhà nước và các cơ quan thông tấn với nội dung như sau:
Kính gửi: - Chủ tịch
nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết
- Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Tấn Dũng
- Các ông/bà tổng
biên tập các cơ quan ngôn luận Việt Nam
Nhân việc dư luận cả nước xôn xao về Dự án Du lịch Sinh thái
Tam Đảo 2 và Công viên Thống Nhất, tôi xin mạn phép đóng góp một số ý kiến.
Các khu rừng đặc dụng nói chung và đặc biệt là các khu vực
có tầm quan trọng về văn hóa, tinh thần (sacred sites) luôn là điểm ngắm hấp dẫn
của các nhà đầu tư, kinh doanh. Các bài học kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt
Nam từ những kế hoạch hay dự án phá rừng, cảnh quan để xây dựng và phát triển
không bền vững vẫn còn nguyên giá trị.
Các khu vực nhạy cảm cho đầu tư các hoạt động kinh doanh có
thể được nhà nước chính thức công nhận và đưa vào hệ thống các khu rừng đặc dụng
như Vườn Quốc gia Tam Đảo. Cũng có thể nằm ngoài hệ thống các khu rừng đặc dụng
như trường hợp Công viên Thống Nhất
Tuy nhiên cả hai khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức,
đặc biệt liên quan đến việc công nhận giá trị tổng thể và quản lý chúng. Có nhiều
lý do khiến nhiều người bản địa và địa phương sống gần gũi và gắn bó với thiên nhiên
mà không cần hay không liên quan gì nhiều đến kinh tế, tiền bạc.
Giá trị cuộc sống của họ nằm ở chỗ họ hít thở không khí
trong lành, không gian yên tĩnh, nghe chim hót, tiếp xúc với những điều kỳ diệu
của cuộc sống xung quanh có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm rất hiệu
quả. Họ biết rằng họ đang sống hạnh phúc hàng ngày và hạnh phúc của họ có ảnh
hưởng đến toàn nhân loại.
Văn hóa của họ ta cho thấy có một mối liên hệ mật thiết giữa
người và những loài cầm thú, cỏ cây và đất đá, giữa người với thiên nhiên, với
núi rừng. Họ ý thức rằng cái gốc của con người nằm ở các loài khoáng vật, các
loài thực vật và các loài động vật khác. Vạn vật đều có linh hồn.
Họ hiểu sâu sắc rằng, nếu không bảo hộ môi trường, không bảo
hộ các loài động vật, không bảo hộ các loài thực vật, nếu phá rừng, hủy diệt
cây cối, sử dụng toàn xi măng, làm ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và cả đất
đá, v.v…, họ sẽ làm hư nền tảng sự sống của chính họ. Làm như thế chẳng khác gì
họ tự tử một cách từ từ.
Bản sắc văn hóa này là nền tảng tạo nên những gia đình hạnh
phúc, những thôn làng yên vui, những khu phố văn minh không bị những tệ hại xã
hội như tội phạm, bạo động, ma túy, băng đảng và sắc dục xâm chiếm.
Tất cả những giá trị này là không đếm được. Nó thuộc về giá
trị văn hóa tinh thần hay văn hóa phi vật thể.
Trong quá trình thành lập, công nhận và quản lý các khu vực
nhạy cảm, giá trị văn hóa, tinh thần, tâm linh và hệ thống kiến thức bản địa
thường không hiểu đầy đủ hoặc lờ đi. Điều này dẫn đến sự không hiểu và tin tưởng
lẫn nhau, tạo nhiều xung đột và cản trở phát triển quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa
dân với chính quyền từ bao đời nay.
Những người vốn bảo vệ tốt các khu vực này nay trở thành nạn
nhân của quá trình phát triển không bền vững. Họ rất dễ bị tổn thương, dễ du nhập
các luồng văn hóa ngoại lại theo hướng có hại. Nhiều người trong số họ trở
thành lâm tặc hay tay sai cho bên ngoài.
Trong quá trình hội nhập, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa,
các nhà đầu tư thường theo hướng năng suất cao và thu hồi vốn nhanh, hay phớt lờ
tính thiêng liêng của khu vực nhạy cảm mình định đầu tư, xem nhẹ không gian đa
dạng văn hóa trong khu vực.
Kết quả là môi trường sinh thái nhân văn và môi trường sinh
thái tự nhiên bị xâm hại và làm hỏng mục đích kinh tế của chính doanh nghiệp.
Trong khi chưa có các tiêu chí rõ ràng cho việc đầu tư và quản
lý các khu vực này, chúng ta nên tham khảo và vận dụng cho phù hợp các hướng dẫn
quốc tế có liên quan. Cụ thể:
1. Hướng dẫn của
UNESCO/IUCN về bảo tồn và quản lý các khu vực tự nhiên linh thiêng (The
UNESCO/IUCN Guidelines for the Conservation and Management of Sacred Natural
Sites);
2. Công ước Đa dạng
Sinh học Akwé: Hướng dẫn Kon về Đánh giá Tác động Văn hóa, Môi trường và Xã hội
Liên quan đến Dự án Phát triển Ảnh hưởng Khu vực Thiêng liêng (The CBD Akwé: Kon Voluntary Guidelines for
the Conduct of Cultural, Environmental and Social Impact Assessment Regarding
Developments Proposed to Take Place on, or which are Likely to Impact on,
Sacred Sites and on Lands and Waters Traditionally Occupied or Used by
Indigenous and Local Communities);
3. Tuyên bố Yamato
cho cách tiếp cận tổng hợp để bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (The
Yamato Declaration on Integrated Approaches for Safeguarding Tangible and
Intangible Cultural Heritage)
Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu và động lực
phát triển đất nước. Đa dạng văn hóa là nền tảng và kho tàng trí tuệ để bảo vệ
đa dạng sinh học. Mất mát về đa dạng văn hóa kéo theo mất mát về đa dạng sinh học
và ngược lại. Đây sẽ là nguy cơ đe dọa lớn cho sự nghiệp phát triển bền vững của
nước nhà.
Do vậy, nhà nước cần có chính sách nghiên cứu sâu về đa dạng
văn hóa, chú trọng đến nghiên cứu hệ thống kiến thức bản địa và khía cạnh giá
trị văn hóa, tinh thần, tâm linh trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học
cho sự nghiệp phát triển bền vững theo đúng tinh thần trong Chương trình Nghị sự
21 (Agenda 21).
Là một nhà khoa học trẻ, tôi rất mong nhận được ý kiến chỉ bảo,
đóng góp và chia sẻ từ quý lãnh đạo và tất cả những ai tâm huyết và nặng lòng với
vấn đề này.
Kính thư!
Nguyễn Huỳnh Thuật
Dự án Tam đảo 2
Vĩnh Phúc đang rốt
ráo tiến hành các thủ tục nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng 190 ha rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của
Vườn Quốc gia Tam Đảo (lúc đầu là 300
ha) phục vụ cho một dự án có tên: “Dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 và Tây Thiên”, với số vốn đầu tư khoảng
300-500 triệu USD nhằm xây dựng khách sạn,
sòng bài, sân golf, chuồng ngựa, cáp treo, v.v...
Cụ thể mục tiêu và
phương án quy hoạch theo đề án như sau:
Mục tiêu: Quy hoạch
du lịch sinh thái khu Tam Đảo 2 được xây dựng trên cơ sở khai thác hợp lý điều kiện tự nhiên nhằm biến
một đỉnh núi hoang sơ thành một quần thể
du lịch sinh thái bền vững, có quy mô quốc
gia và quốc tế mà không làm ảnh hưởng đến VQG Tam Đảo (trang 17, bản tóm
tắt báo cáo tổng kết đề tài xác định cơ
sở khoa học để đánh giá tác động môi trường phục vụ dự án xây dựng khu du lịch sinh thái bền vững
Tam Đảo 2, do UBND tỉnh Vĩnh Phúc làm
chủ quản và Trường Đại học KHTN chủ trì và
GS.TS Trần Nghi, hiệu phó nhà trường, làm chủ nhiệm)
Phương án quy hoạch và diện
tích rừng trên đỉnh núi:
- Khu công viên thiên nhiên và hồ nước sinh hoạt: 23,3 ha. (trong đó diện tích xây dựng hồ nước chiếm
2,4 ha ở nơi tụ của hai dòng suối)
- Khu nhà nghỉ cao cấp, trung tâm hội nghị: 20,1 ha
- Hai sòng bạc lớn 18 ha (thiết kế theo mô hình ở Ma Cao hoặc Malaysia)
- Khu sân golf 9 lỗ: 31,5 ha
- Khu villa 11,3 ha
- Trại sinh thái 21 ha
- Khu điều dưỡng (trại an dưỡng) 4 ha
- Khu chuồng ngựa 0,1 ha
Và các hạng mục khác chưa thể hiện bằng con số cụ thể trong bản đồ quy hoạch và báo cáo như
đường đi bộ, ô tô, đường đi ngựa, đường
cáp treo, ga tàu điện, bãi đỗ trực thăng, xử
lý rác và nước thải, v.v...
Tuy nhiên sau khi
nghiên cứu kỹ “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” này, do GS. TS Trần Nghi làm Chủ nhiệm; tỉnh
Vĩnh Phúc đã nghiệm thu và thanh lý
xong hợp đồng.
Ý kiến cá nhân
Tôi thấy có quá nhiều
bất ổn và không bền vững cho việc thực thi dự
án này. Rừng lùn trên đỉnh núi Tam Đảo được coi là kiểu phụ đặc thù của rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới với
thực vật chủ yếu gồm các loại cây thuộc
họ Đỗ Quyên, họ Re, họ Hồi...
Các loại cây trong hệ
sinh thái này này có bộ rễ rất tốt, lan rộng, dày đặc, xuyên sâu nên có tác dụng phòng hộ, bảo vệ
núi, chống sạt lở, giữ nước và điều tiết
khí hậu tuyệt vời, là một phần quan trọng của lá phổi miền Bắc có ảnh hưởng đến hàng triệu người sống trong
khu vực. Đây là ngôi nhà lý tưởng của
nhiều loài đặc hữu và của ít nhất 13 loài thú
có nguy cơ tuyệt chủng (trang 13, báo cáo tóm tắt tổng kết đề tài, GS.TS. Trần Nghi).
Hơn nữa, Tam Đảo 2
là vùng đất địa linh thiêng liêng (79 đình, chùa, đền, miếu và nhà thờ: 64 công trình nằm ở vùng đệm,
15 công trình nằm ở vùng lõi, nhiều dân
tộc và bản sắc văn hóa khác nhau, gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng của vua Hùng, Lý-Trần,...).
Dự án nếu thực thi sẽ ảnh hưởng và xâm
hại đến các công trình văn hóa, bản sắc và
không gian văn hóa sống của vùng này.
”Báo cáo đánh giá
tác động môi trường” thể hiện quá đơn giản, không đầy đủ, toàn diện, không khách quan và có phần
thiên vị. Điều đáng chú ý là trong báo
cáo đánh giá không có sự tham gia ý kiến của dân địa phương, ban quản lý vườn quốc gia; cũng như
không có nghiên cứu và đánh giá tác động
văn hóa, xã hội.
Do vậy báo cáo này
chưa đủ cơ sở khoa học cho việc ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay lựa chọn giữa
việc bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng
văn hóa và phát triển khu du lịch sinh thái theo dự án đề nghị.
Chúng ta có thể xây
những tòa tháp đôi còn hơn tòa tháp đôi WTC ở New York, Mỹ trong vòng vài năm.
Nhưng nếu không giữ không giữ được hệ
sinh thái đặc biệt ở Tam Đảo 2, vĩnh viễn chúng ta không bao giờ lấy lại được.
Dự án Công viên Thống Nhất
Căn cứ quy định xây dựng của Bộ Xây dựng ban hành, mật độ xây dựng các công
trình trong công viên là 10 phần trăm tổng
diện tích đất. Như vậy với 21 ha hồ và 27 ha mặt đất, khoảng 2,7 ha đất có thể được giành để xây dựng.
Đáng tiếc, đây lại là khu vực có tầm quan trọng lớn về văn hóa, lịch sử, tinh
thần, nghỉ dưỡng. Với diện tích đất sử
dụng cho mục đích kinh doanh, chỗ này 300m, chỗ kia 500m, chỗ nọ 700m, 1000 m để xây dựng những khu
vui chơi giải trí, làm sàn nhảy, dịch vụ
chụp ảnh, ăn nhanh, v.v… Các hoạt động này sẽ gây tiếng ồn lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian
yên tĩnh của công viên.
Nhà nước và các cấp ra quyết định cần thật sự hiểu, quan tâm và bảo tồn
lá phổi của Hà Nội, di sản văn hóa dân
tộc, dấu ấn thời kỳ chống Mỹ cứu nước trước khi còn quá muộn.
Nguyễn Huỳnh Thuật là chuyên gia bảo tồn công tác tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (CTNP) từ năm 2000, ngay
sau khi anh tốt nghiệp loại giỏi Trường
Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Công việc chính của anh hiện nay là nghiên cứu và tư vấn cho CTNP về các vấn đề
địa phương và bản địa trong quản lý rừng.
Anh còn là trợ lý giám đốc về hợp tác quốc tế và rừng cộng đồng.
No comments:
Post a Comment