Monday, July 15, 2013

Tín hiệu tốt cho Cát Tiên.

SCT-Nguyễn Huỳnh Thuật, người sáng lập nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên (SCT) sau khi lên tiếng đến lãnh đạo cấp cao nhất nhằm ngăn chặn quyết định sai lầm có thể xảy ra cho  phức hợp rừng Cát Tiên và môi trường cả nước nói chung thì lập tức 17 nhà khoa học đa ngành hàng đầu Việt Nam ủng hộ cũng như các nhà khoa học của Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ ASEAN, Các chuyên gia IUCN, UNESCO,... cũng như các phóng viên báo đài trong và ngoài nước viết thư đến Thuật và nhóm SCT biểu dương, ủng hộ việc làm của Thuật và nhóm SCT, đặc biệt là thiền sư Nhất Hạnh.

7 lý do để dừng dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A Thứ hai, ngày 08 tháng 07 năm 2013 cập nhật lúc 07:00
Nếu 2 dự án xây Thủy điện ĐN 6&6A sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng ngập nước quan trọng của thế giới Ramsar Bàu Sấu - Vườn Quốc gia Cát Tiên.




















Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái vừa ký Văn bản số 5222/UBND-CCN kiến nghị Quốc hội  và Chính phủ cho dừng 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (thủy điện ĐN 6&6A) vì 7 lý do. Theo đó, việc dừng triển khai Thủy điện ĐN 6&6A phù hợp với Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở Việt Nam, phù hợp với Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường…và các Công ước quốc tế, phù hợp với ước vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. Đây là lần thứ 3, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị dừng triển khai 2 dự án này.

Theo văn bản trên, căn cứ bản đồ di tích Vườn Quốc gia cát Tiên thì vị trí dự án Thủy điện ĐN 6&6A do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư đã vi phạm các quy định luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế, cụ thể:
Vi phạm Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009: Dự án thủy điện ĐN 6&6A đã xâm hại trực tiếp vào khu vực I (khu bất khả xâm phạm) – vùng lõi di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên tại địa phận tỉnh lâm Đồng là 137,5 ha, cách Bàu Sấu – khu Ramsar là vùng ngập nước quan trọng của thế giới (trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) chỉ khoảng 25-30km, làm ảnh hưởng đến yếu tố cấu thành di tích. Dự án này còn phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù của Khu di tích Vườn Quốc gia Cát Tiên (làm mất đi một diện tích rừng lớn, mất đi nơi ở, kiếm ăn, sinh sống của các loài sinh vật tại Vườn). Mặt khác, dự án Thủy điện ĐN 6&6A không phải là công trình xây dựng nhằm mục đích trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Vườn Quốc gia Cát Tiên được ưu tiên xây dựng.
Vi phạm vào Khung chiến lược của Khu dự trữ sinh quyển của MAB/UNESCO quy định: “Vùng lõi được thành lập hợp pháp dành cho bảo vệ lâu dài theo mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học”. Tổ chức con người và sinh quyển UNESCO (MAB) đã có công văn số 04/MABVN ngày 11/10/2012 đề nghị dừng triển khai 2 nhà máy  thủy điện vùng lõi khu Dự trữ sinh quyển.
Vi phạm Luật Đa dạng sinh học: Di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên có giá trị đa dạng sinh học, các tài liệu và kết quả nghiên cứu khoa học từ hơn 20 năm nay cho thấy tại khu vực Cát Lộc (Lâm Đồng) – khu vực bị tác động của thủy điện ĐN 6&6A có nhiều loài đặc hữu quý hiếm, đang bị đe dọa tuyệt chủng cao. Khi hàng trăm ha rừng tự nhiên giàu có, đa dạng sinh học bị nhấn chìm dưới long hồ thủy điện ĐN 6&6A, hình thành hồ chứa nước lớn kéo dài trên một đoạn sông sẽ làm thay đổi đáng kể môi trường sống của các loài động, thực vật đặc hữu tại đây.
Vi phạm Luật Bảo vệ phát triển rừng (2004): Di tích Vườn quốc gia Cát Tiên là khu rừng đặc dụng, chịu điều chỉnh của Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Theo các quy định tại Quyết định số 186/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý rừng thì Vườn quốc gia Cát Tiên cần phải được bảo vệ toàn bộ diện tích và tài nguyên đa dạng sinh học của Vườn.
Vi phạm Luật Bảo vệ môi trường (2005): Tại khoản 12 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường nghiêm cấm những hành vi “xâm hại di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên”.
Bản đồ Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
 Vi phạm Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước: như khu Ramsar (Bàu Sấu), phải được bảo vệ nghiêm ngặt, vùng đệm của các Khu bảo tồn ngập nước phải được quản lý và hạn chế khai thác. Thủy điện ĐN 6&6A tuy không xâm hại trực tiếp đến khu Ramsar-Bàu Sấu, nhưng việc hình thành hồ thủy điện chỉ cách Bàu Sấu 25-30km sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đặc điểm thủy văn của khu vực này.
Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc Việt Nam đang đề cử Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới: Vườn Quốc gia Cát Tiên rất khó có thể trở thành Di sản thiên nhiên thế giới nếu dự án thủy điện ĐN 6&6A được quy hoạch xây dựng ngay bên trong vùng lõi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn, điều này vi phạm vào luật pháp Việt Nam. Chính việc vi phạm Luật Bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo tồn vùng đất ngập nước tại Việt Nam là nguyên nhân chính để Đồng Nai xin rút hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới, cho đến khi 2 dự án thủy điện ĐN 6&6A loại ra khỏi vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên…
Căn cứ vào luật pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế và sự ảnh hưởng nghiêm trọng của 2 dự án Thủy điện ĐN 6&6A đến Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên và hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo và kiến nghị Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho dừng và loại bỏ 2 dự án Thủy điện ĐN 6&6A ra khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai.

Bài & ảnh: Tường Tú

No comments:

Post a Comment