Thursday, July 4, 2013

Miếng bánh thơm ngon!?

“Miếng bánh” thơm

Thứ Năm, 25/04/2013 09:30

Từ trước đến nay, chưa thấy dự án thủy điện nào phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để “xử lý” như 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, dù nó chưa được khởi công. Bản tin Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên mất 137 ha đầu tiên được đăng tải trên Báo Người Lao Động ngày 27-6-2011.


Trong gần 2 năm, khoảng 100 bài báo đã bàn về vấn đề “được và mất” nếu cho triển khai 2 dự án thủy điện này. Từ phản ứng của dư luận, ở cấp địa phương, cuối tháng 11-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, UBND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này đã có văn bản trình Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Các chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nhiều nhà khoa học cũng lên tiếng bác bỏ 2 thủy điện này.
Đáng chú ý, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng gửi văn bản đến UBND tỉnh Đồng Nai và Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đề nghị dừng 2 dự án thủy điện “tai tiếng”. Tất cả ý kiến đều bày tỏ lo ngại 2 dự án này sẽ gây nhiều hệ lụy về môi trường, đặc biệt là VQG Cát Tiên - khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tại sao chúng ta phải tốn quá nhiều công sức như vậy với 2 dự án thủy điện này, trong khi đây không phải là công trình trọng điểm quốc gia hay an ninh quốc phòng?
Nếu cho rằng hiệu ích kinh tế - xã hội mang lại rất lớn nên quyết phải làm thì không thuyết phục. Bởi lẽ, tổng sản lượng điện của 2 dự án chỉ chiếm 0,3% sản lượng điện toàn quốc nên không đáng để đánh đổi 370 ha rừng đầu nguồn sông Đồng Nai, đặc biệt là 137 ha khu dự trữ sinh quyển thế giới, làm ảnh hưởng quá trình công nhận di sản thiên nhiên thế giới của VQG Cát Tiên.
Hơn nữa, tác hại của việc làm thủy điện đối với môi trường và hệ sinh thái thì quá rõ ràng. Xu hướng của các nước phát triển là bảo vệ những khu rừng nguyên sinh cũng như hệ sinh thái đa dạng để góp phần giữ gìn cho thế hệ tương lai. Việt Nam muốn phát triển bền vững thì không thể đi ngược xu hướng này.
Lợi, hại đã rõ. Dư luận xã hội cũng như các nhà khoa học tâm huyết phản đối như vậy nhưng chủ đầu tư vẫn quyết làm, các bộ tham mưu cho Chính phủ thì nói “hàng hai” hoặc tích cực hối thúc tiến độ. Điều này khiến dư luận nghi ngờ phải chăng “miếng bánh” này quá thơm nên nhiều người quyết không buông? Bởi nếu dự án được thông qua, chủ đầu tư không phải tốn nhiều chi phí để đền bù cho người dân nhưng lại xén được hơn 370 ha rừng phòng hộ. Liệu diện tích rừng bị phá có dừng lại ở con số trên hay có người sẽ lợi dụng khai thác triệt để nguồn tài nguyên quý hiếm của thiên nhiên ban tặng cho VQG?
Điều gì ẩn giấu đằng sau 2 dự án thủy điện này? Nguồn điện cho đất nước hay tài sản quý giá của quốc gia đang dần được biến thành tài sản riêng của một cá nhân, một tập đoàn hay một nhóm lợi ích? Người dân đang chờ sự phán quyết sáng suốt của Chính phủ và Quốc hội.

LÊ CƯỜNG

Tham khảo chính theo mốc thời gian:

Cao trào lần 1 là vào từ đầu tháng 7 năm 2011.
http://nld.com.vn/20110629120725872p0c1002/ung-ho-pha-vuon-quoc-gia-lam-thuy-dien.htm (Bộ chủ quản ủng hộ phá rừng làm thủy điện, đăng ngày 29.6.2011)
.................... v.v.

No comments:

Post a Comment