NƯỚC SÔNG-SÔNG NƯỚC, CHUYỆN CỦA AI ?
Sau cuộc gặp 25/7/2013 giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang, Hoa Kỳ và Việt Nam ra tuyên bố chung về quan hệ "đối tác toàn diện" (comprehensive partnership).
Trong rất nhiều lĩnh vực, có cả vấn đề của sông Mekong, một con sông cách Hoa Kỳ nửa vòng trái đất.
"…Hai nhà lãnh đạo đồng thời nhất trí hợp tác với các nước đối tác LMI thúc đẩy nghiên cứu khoa học, xây dựng năng lực và đối thoại để bảo đảm sức sống lâu dài và bền vững của đồng bằng sông Mê Công và lưu vực hạ nguồn sông. Tổng thống Obama đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trên cương vị đồng chủ tịch Trụ cột Môi trường và Nước trong khuôn khổ LMI, trong đó có hai đề xuất nghiên cứu chung của Việt Nam về quản lý nguồn nước lưu vực sông".
LOWER MEKONG INITIATIVE -LMI là gì?
" Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông (LMI) được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton công bố chính thức lần đầu tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 7/2009 tại Phuket, Thái Lan. Mục đích của sáng kiến là đẩy mạnh hợp tác, trợ giúp về môi trường, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ đối với các nước thuộc khu vực hạ nguồn sông Mê Kông. Ban đầu gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, đến tháng 7/2012, Myanmar chính thức trở thành thành viên thứ 6 của LMI.
Những dự án triển khai
Kể từ đó đến nay, LMI nhận được sự hưởng ứng tích cực của các quốc gia trong khu vực và Hoa Kỳ đã triển khai, mở rộng nhiều dự án giúp các nước thuộc hạ nguồn sông Mê Kông nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên do sông Mê Kông mang lại, nhất là nâng cao khả năng quản lý nguồn nước, bảo vệ rừng, xây dựng quan hệ đối tác khoa học và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch.
Tháng 5/2010, Ủy hội sông Mississippi và Ủy hội sông Mê Kông kí kết thỏa thuận thiết lập “Quan hệ đối tác sông chị em Mississippi-Mê Kông” nhằm phát triển năng lực kỹ thuật và các công cụ tiên tiến đồng thời xây dựng năng lực thể chế cho các nước lưu vực sông Mê Kông.
Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang triển khai các dự án nâng cao cơ hội tiếp cận nước sạch và các thiết bị vệ sinh cho các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông, đối phó với nguy cơ đại dịch và các bệnh truyền nhiễm, giúp Ủy hội sông Mê Kông và các ủy ban sông Mê Kông quốc gia đẩy mạnh hợp tác khu vực trong chia sẻ nguồn nước.
Thách thức không nhỏ
Mục tiêu của LMI thúc đẩy sự phát triển công bằng, bền vững và hợp tác đối với sông Mê Kông, một nguồn tài nguyên xuyên quốc gia, sẽ đặt ra thách thức lớn nhất cho thành công của sáng kiến này. Khu vực này đang phát triển nhanh chóng và phải đối mặt với nhiều lựa chọn khó khăn, nhất là việc đảm bảo an ninh năng lượng. Thủy điện đang là lựa chọn chủ yếu đối với các nước trong khu vực nhưng hiện vẫn chưa có sự quan tâm thỏa đáng với những tác động môi trường và kinh tế - xã hội tiêu cực do việc phát triển thủy điện gây ra. Hoa Kỳ có thể giúp các quốc gia trong khu vực sông Mê Kông về mặt công nghệ, giúp đưa ra các quyết định chính xác hơn khi cân nhắc chi phí – lợi ích của các lựa chọn và thúc đẩy các giải pháp khu vực đối với nhu cầu ngày càng cấp thiết về năng lượng, lương thực và an ninh con người. LMI cần phải nâng cao việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Hoa Kỳ hoạt động trong lưu vực và cung cấp các công cụ tiên tiến mới để nâng cao chất lượng thông tin cho các nhà quyết sách trong khu vực.
Việc triển khai LMI sẽ là nhân tố đầy thách thức nhưng mang tính xây dựng trong sự can dự của Hoa Kỳ đối với khu vực và khuyến khích các nước vùng lưu vực sông Mê Kông hợp tác có tính xây dựng hơn đối với việc hình thành nên “Tiêu chuẩn Mê Kông” và tiêu chuẩn Đánh giá Ảnh hưởng Môi trường để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp trong hoạt động khai thác nguồn lợi của sông Mê Kông, nhất là việc phát triển thủy điện."
Theo thông tin mới nhất được Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp tại cuộc họp Nhóm công tác LMI lần thứ 4, ở TP.HCM (Việt Nam), ngày 25-4-2013:
" Tại Hội nghị bộ trưởng cơ chế hợp tác hạ nguồn Mê Kông - Hoa Kỳ lần thứ 5 (13-7-2012). Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã thông báo quyết định tài trợ 50 triệu USD cho Sáng kiến hạ nguồn Mê Kông (LMI) trong ba năm tới, đồng thời tài trợ 2 triệu USD cho hợp tác nghề cá và 1 triệu USD cho nghiên cứu thủy điện của Ủy hội sông Mê Kông."
Tới đây, ngày 01/8/2013, Mang lưới sông ngòi việt nam - Vietnam Rivers Network (VRN) sẽ tổ chức DIỄN ĐÀN NHÂN DÂN với chủ đề: Dòng sông Mekong trong tương lai: Mối quan tâm của người dân về phát triển thủy điện, tại Đại học An Giang-AGU. Được biết hiện đã có rất nhiều khách đăng ký là các nhà khoa học trong và ngoài nước.
VRN là mạng lưới duy nhất ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ sông ngòi và nghiên cứu các tác động môi trường, xã hội của phát triển thủy điện do một tổ chức NGO điều phối.
Nhiều nhà khoa học hàng đầu của VRN đã khảo sát, nghiên cứu và tổ chức Hội thảo, đưa ra các Kiến nghị tập thể, phản biện xác đáng với DA thủy điện ĐN6 & 6A. Sông Đồng Nai là con sông lớn duy nhất có lưu vực hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam. Hạ lưu con sông này là khu vực kinh tế trọng điểm năng động nhất Việt nam với gần 20 triệu dân chịu ảnh hưởng nguồn nước của dòng sông này.
Chúng ta tự hỏi, tại sao nước Hoa Kỳ xa xôi kia lại lo lắng và bỏ tiền ra giúp đỡ các nước hạ nguồn sông Mekong hợp tác, nghiên cứu tác hại rõ ràng trên một vùng châu thổ rộng lớn do các thủy điện xây dựng trên dòng chính mà các Chủ đầu tư cố tình làm mờ hoặc bưng bít. Vậy thì các tỉnh hạ lưu chịu tác động trực tiếp khi triển khai 2 DA thủy điện ĐN &6A trong đó có Đồng Nai, dù không được tham vấn ảnh hưởng môi trường, vẫn nghiên cứu, xem xét và đi đến quyết định kiên quyết chống đến cùng là điều chính đáng và ai cũng cảm nhận được.
Chẳng lẽ một doanh nghiệp tư nhân phất lên chủ yếu từ chế biến, xuất khẩu gỗ nơi rừng đại ngàn Tây Nguyên, tìm mọi cách chạy dự án nằm trong vùng lõi VQG Cát Tiên vẫn được ưu ái, dây dưa mãi sao? Hiện Đức Long Gia Lai đã xúc tiến đầu tư khá nhiều thủy điện nhưng rất bê bối. Xin điểm sơ một vài Dự án:
- Ngày 2/10/2010 CTCP Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai, là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLGL Group) đã khởi công dự án thủy điện Đăk Sepay tại suối Bài Thơ, xã Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 70 tỉ đồng, công suất 3 MW, diện tích sử dụng đất gần 30 ha, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2011, thời gian hoạt động của dự án là 30 năm. Tuy nhiên Dự án này đã bị UBND Tỉnh Gia Lai thu hồi giữa tháng 7/2013 do ĐLGL thiếu vốn, chưa triển khai hạng mục nào và Sở Công thương mới kiểm tra phát hiện chủ đầu tư không trung thực khai báo hiện trạng rừng ( thực tế có 26,4/30 ha là rừng giàu và trung bình).
- Ngày 08/4/2008 Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLGL Group) đã ký hợp tác đầu tư dự án Thủy điện Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP thủy điện Bản Vẽ (BVC) và Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 (PECCI), dự án này do DLGL Group nắm quyền chi phối. Tổ hợp nhà đầu tư đã trình và được Chính phủ chấp thuận cho phép đầu tư thủy điện Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An tại công văn số : 2667/VPCP-KTN ngày 26/4/2008. Thủy điện Mỹ Lý nằm trên Sông Cả thuộc huyện Kỳ Sơn, Tỉnh Nghệ An với công suất lắp máy 280 MW, điện lượng 1,12 tỷ KWh/năm, tổng mức đầu tư dự kiến là 7.000 tỷ đồng. Đây là một trong những hủy điện lớn còn lại trên lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng, theo Vietnamnet ngày 16/07/2012: " UBND tỉnh Nghệ An vừa ra văn bản chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 8 dự án thủy điện trên địa bàn. Theo đó các dự án bị “tuýt còi” gồm: Dự án Thủy điện Nậm Pu, Môn Sơn, Yên Thắng, Mỹ Lý, Nậm Hạt, Nậm Típ, Sông Quang 3 và dự án Thủy điện Hạnh Dịch 2." Nói thêm: Thủy điện Mỹ Lý là bậc ngay trên của thủy điện Bản Vẽ, lòng hồ có một phần thuộc đất Lào, là khu vực còn nhiều rừng nguyên sinh.
- Ngày 2/1/2011, qua buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã có chủ trương đồng ý cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư dự án Thủy điện Sông Sen, tại Lao Bảo. Dự án thủy điện Sông Sen có công suất 25 MW, đập hồ chứa tại xã Hướng Phùng, nhà máy nằm trên thị trấn Lao Bảo, thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 575 tỷ đồng, dự kiến sẽ cung cấp 106, 25 triệu Kwh/ năm. Chưa biết DA này đã triển khai tới đâu.
Như vậy, nếu 2 Báo cáo ĐTM thủy điện ĐN6 và 6A được thông qua, trình Quốc hội chấp thuận thì Cty CP tập đoàn ĐLGL cũng khó xoay đủ vốn, nhân lực để triển khai. Thế nhưng trong 2 Báo cáo ĐTM ( lập tháng 6/2013) đều xác định rõ chủ đầu tư được tận thu toàn bộ gỗ, lồ ô, lâm sản trên diện tích rừng giao cho 2 Dự án. Điều này trái ngược với khẳng định của Tiến sĩ Lung trong chương trình trực tiếp " Nghĩ mở- Nói thẳng" trên VTV2 phát lúc 20h38' ngày 19/7/2013 mới đây: chủ đầu tư không thể lấy một cây gỗ trong khu vực Dự án!
Làm thủy điện là phải phá rừng, đồng thời các con đường phục vụ xây dựng thủy điện và mặt nước hồ chứa đã tiếp tay cho " lâm tặc" tàn phá rừng không thể kiểm soát. Ai cũng biết rằng giá trị về gỗ của rừng chỉ chiếm từ 10-20% giá trị của rừng (tuỳ theo loài cây, từng vùng địa lý), còn lại 80-90% giá trị của rừng là giá trị phòng hộ, nuôi dưỡng nguồn nước, bảo vệ đất và bảo vệ môi trường sống cho con người và động vật hoang dã. Tác dụng sinh thái của rừng: là tác dụng to lớn không thể tính được giá trị bằng tiền. Rừng giữ vai trò điều tiết chủ yếu trong cân bằng thành phần đại khí quyển trên địa cầu. Dễ hiểu lý do Hoa Kỳ và nhiều tổ chức Quốc tế quan tâm giúp đỡ Việt Nam bảo vệ rừng, lập các Khu bảo tồn, Dự trữ sinh quyển và nghiên cứu tác động môi trường toàn diện tới cả vùng hạ lưu sông của các thủy điện.
Hy vọng các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước sẽ có cái nhìn tổng thể, khoa học, công tâm để xem xét vấn đề cho tiếp tục đầu tư hay rút khỏi Quy hoạch 02 DA thủy điện ĐN6 và 6A, dám công khai chính kiến và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
T.T.
SCT: Bài này tác giả gửi trực tiếp cho chúng tôi.
No comments:
Post a Comment