Phú quý giật lùi
Cần phải thay đổi tư duy, đi vào cái gốc của vấn đề, là phát triển nông thôn bao gồm cơ chế chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Đó mới là tiền đề để phát triển "tam nông" bền vững...
Nông thôn, trong nền kinh tế thị trường, vẫn luôn là một thế mạnh và cả thế...yếu của đất nước.
Ngày 27/6/2013 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ với sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh thành phố trong cả nước. Cuộc họp đánh giá nền kinh tế đang dần hồi phục, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên trong kinh tế hiện nay là sụt giảm tăng trưởng trong nông nghiệp, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ và so với nhiều năm trước. Đây là vấn đề nóng nhất đang được cả xã hội quan tâm.
Phú quý giật lùi
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/ 2013 so với năm 2012, có thể thấy nền nông nghiệp của nước ta đang đi vào con đường "phú quý giật lùi":
- Diện tích trồng lúa gạo không tăng nhưng năng suất giảm.
- Giá xuất khẩu hàng nông nghiệp giảm, đặc biệt là gạo -13%, hạt tiêu -11%
- Giá xuất khẩu cà phê không giảm nhưng xuất khẩu giảm - 22%.
- Giá nhập khẩu thức ăn gia súc tăng 24%, cộng với thực trạng nhập lậu thịt từ Trung Quốc thì ngành chăn nuôi coi như... "đi tong"!
- Trong cả nước, giá các hàng nông sản giảm trong khi hàng công nghiệp và dịch vụ tiếp tục tăng.
Nổi lên, là hiện tượng cả bốn ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản mấy năm nay đều chững lại, theo chiều hướng đi xuống. Khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay, là nhu cầu của thị trường giảm, giá lúa xuống thấp ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo và thu nhập của người nông dân.
Đương nhiên, trong cái yếu vẫn có cái mạnh. Điểm mạnh của nông nghiệp VN có thể thấy ở một loạt vấn đề sau:
- Khả năng nắm bắt khoa học công nghệ của người nông dân Việt Nam giờ đây khá cao. Nông dân mình có thể học tập và nhanh chóng áp dụng được các thành tựu khoa học kỹ thuật nếu họ thấy có lợi.
- Nông nghiệp VN có mức độ đa dạng về các vùng sinh thái: Bẩy vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau với hệ thống cây trồng vật nuôi đa dạng, phong phú.
- Hệ thống hạ tầng cơ sở trong nông nghiệp đã được xây dựng. Việt Nam có hệ thống kênh mương, hồ đập thủy lợi, trạm bơm tưới tiêu, hệ thống đê bao khá hoàn chỉnh.
- Có định hướng về chính sách "tam nông", đó là phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Người nông dân luôn thua thiệt
Nhưng điểm yếu của nông nghiệp của VN cũng lộ rõ hơn lúc nào hết:
Thứ nhất, nông dân không được tổ chức.
Mặc dù số lượng nông dân rất nhiều, gần 70% dân số sống ở nông thôn và khoảng 60% lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nông dân VN không có tiếng nói, và lao động sản xuất của họ không được tổ chức.
Nói như vậy, nhiều người sẽ có thể bắt bẻ lại rằng ở VN đã có tới 370 ngàn tổ hợp tác, trong đó khoảng 1/3 là các tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hơn 19 ngàn hợp tác xã (HTX), trong đó hơn 9000 HTX nông nghiệp. Về con số, đúng là như vậy thật, nhưng vẫn có thể nói nông dân VN không được tổ chức theo đúng nghĩa của nó.
Có rất nhiều dự án, chương trình hỗ trợ hình thành các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, nhưng các tổ chức này hầu hết chỉ tồn tại một cách hình thức, chưa thể trở thành các tổ chức mà ở đó các thành viên là người nông dân sản xuất qui mô nhỏ có thể tự hỗ trợ nhau thông qua tổ chức của mình.
Điều này khác với quan niệm phổ biến hiện nay là "làm thế nào để tổ hợp tác và HTX giúp được nông dân?" Chính vì quan niệm như vậy nên người ta cố công đi hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác và HTX, mà về bản chất không thực sự dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, nên dẫn đến tổ hợp tác và HTX thường mang tính hình thức. Sau khi kết thúc dự án hay chương trình thì các tổ chức này cũng tan rã hoặc chỉ tồn tại trên giấy.
Ảnh: Lê Hoàng Vũ/ DNSG
|
Thứ hai, chính sách của Nhà nước luôn ưu ái cho doanh nghiệp.
Hầu hết các chính sách của Nhà nước chỉ giúp doanh nghiệp làm giàu chứ không mang lại lợi ích gì cho nông dân, nếu có cũng không đáng kể. Ví dụ chính sách tạm trữ lúa gạo, hàng năm Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo cho nông dân.
Doanh nghiệp được vay vốn không phải trả lãi để mua lúa lúc giá rẻ và chờ đến khi giá cao thì bán, như vậy là doanh nghiệp được hưởng lợi "kép". Nhà nước trợ giá các đầu vào cơ bản cho sản xuất phân bón như điện, than, khí đồng hành nhưng khi sản xuất còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thì doanh nghiệp lấy lý do phân bón có thể bị buôn lậu để nâng giá bán ngang bằng.
Thậm chí cao hơn so với giá phân bón nhập khẩu của Trung Quốc khi mà nước này áp dụng thuế xuất khẩu. Có khi lên tới 135%, thậm chí 180% cộng với chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển, bốc xếp, lãi suất vay vốn ngân hàng, vv...
Nhưng khi mà sản xuất đã vượt nhu cầu thì doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón lại đang lập đề án đề nghị Nhà nước hỗ trợ họ xuất khẩu phân bón, có chính sách hạn chế nhập khẩu phân bón để bảo hộ sản xuất trong nước.
Về chính sách thuế đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, Nhà nước áp dụng thuế suất, thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ 0 đến 5%. Điều này, gây khó khăn cho người trồng ngô và đậu tương trong nước. Trong khi đó lấy cớ giá nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi tăng, các doanh nghiệp sản xuất tăng giá vô tội vạ làm cho người chăn nuôi điêu đứng và luôn trong tình trạng thua lỗ.
Khi không thể đòi hỏi giảm thêm thuế suất, thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nữa thì các đơn vị này lại yêu cầu Nhà nước giảm nốt thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi!? Nhưng hãy thử nghĩ xem, ngay cả khi Nhà nước bỏ 5% thuế VAT đi, thì giá thức ăn chăn nuôi cũng chỉ có thể giảm tối đa được 5%. Con số này chẳng thấm vào đâu so với mức tăng giá thức ăn chăn nuôi trung bình hàng năm lên tới trên dưới 30%.
Thứ ba, kinh tế vùng rất yếu.
Hay nói khác đi, là không có qui hoạch vùng, không có chiến lược phát triển kinh tế vùng một cách bài bản, khả thi.
Các tỉnh mạnh ai, người đó làm chạy theo GDP (tư duy nhiệm kỳ), cho nên ngân sách đã hạn hẹp lại đầu tư manh mún, dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp, chỉ số ICOR cao ngất ngưởng so với các nước trong khu vực.
Hệ thống hạ tầng cơ sở đã khá đầy đủ nhưng lại thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng nên xuống cấp. Hơn nữa, hệ thống hạ tầng cơ sở như hệ thống thủy lợi chỉ phục vụ tưới tiêu cho cây lúa là cây lương thực chính, nhưng không phải là cây mang lại nguồn thu nhập chính cho nhà nông. Ngược lại, các cây trồng có giá trị cao thì không được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng cơ sở khác như điện, giao thông vận tải, dẫn tới khả năng cạnh tranh của nông sản VN thấp.
Thứ tư, khâu tổ chức sản xuất rất manh mún, mạnh ai nấy làm.
Nhà nước lẽ ra chỉ đặt ra luật, giám sát việc thực hiện nhưng lại tham gia sản xuất kinh doanh và... bỏ bê giám sát.
Tình trạng các công ty bán giống kém chất lượng cho nông dân đến khi mùa màng thất bát thì đổ vấy cho thời tiết, biến đổi khí hậu để trốn tránh trách nhiệm. Các đoàn công tác cũng được cử xuống địa phương để kiểm tra nhưng rồi những kết luận vòng vèo, chung chung, thế là hòa cả làng.
Tình trạng gà loại thải, cá hồi, cá tầm, rau củ, trứng gà, vịt của Trung Quốc nhập khẩu tràn lan với giá rẻ mạt không chỉ làm người nông dân điêu đứng, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chừng nào, xã hội còn có sự lập lờ, không sòng phẳng giữa các thang giá trị, chừng nào cơ quan quản lý có trách nhiệm còn chưa phân biệt được giữa thật và giả, người làm tốt và không tốt thì rất khó có thể phát triển.
Thứ năm, chiến lược phát triển nông nghiệp của ta có vấn đề.
Chúng ta áp dụng mô hình "hai tăng" (tăng sản lượng và tăng vốn) để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Các quan chức chỉ luôn luôn "xui" nông dân sản xuất ra thật nhiều sản lượng (như biến vụ ba trồng lúa ở vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long thành chính vụ) nhưng tiếc thay, trong thực tế, nguồn cung càng nhiều thì người nông dân càng bị... ép giá.
Anh Bảy Nhị (nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang) là nông dân chính hiệu, am hiểu thực tế, tư duy sắc sảo, đánh giá cho rằng, lâu nay nông nghiệp ta mạnh là do nông dân ta thông minh và siêng năng. Đặc biệt, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa của cả nước, có kỹ năng sản xuất thuộc loại hàng đầu ASEAN, chủ yếu là tự lực chứ chưa phải nhờ khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp và chính sách "ba nhà" (Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) hỗ trợ như nông dân Thái Lan, Malayxia vv...
Nói tự lực không có nghĩa "ba nhà" không có tác động, nhưng có với liều lượng... không đáng kể, so với kết quả về lượng vật chất mà họ tạo ra.
Sau 10 năm đổi mới, người nông dân VN hăng hái, tạo ra thành quả rõ rệt về phát triển nông nghiệp. Nhưng từ sau năm 2000, cạnh tranh quốc tế gay gắt, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là lúa gạo ngày càng khó khăn. Yếu kém của quản lý và doanh nghiệp làm cả ngành cá tra chết, nay thì tới lúa gạo (lưu ý là chỉ có gạo VN sụt giá bán không được, chứ gạo các nước khác không giảm giá - Bản tin FAO tháng 5/2013).
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại tỉnh Ðồng Tháp
|
Hiện đại và "vô định"...
Đó là bức tranh tổng thể và cũng là nguyên nhân tồn tại của nền nông nghiệp nước ta.
Nghề trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt chủ yếu vùng tứ giác Long Xuyên (An Giang và Kiên Giang) bây giờ đã chạm đến "bờ" hiện đại: Gieo trồng giống xác nhận (mua của công ty), cơ giới hóa- điện khí hóa các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, sấy, vận chuyển...
Nhưng còn tiêu thụ sản phẩm và lợi tức thì chạm bờ "vô định"!
Nhân công hồi giữa thế kỷ 20 về trước là mướn năm, mướn mùa là phổ biến, sau đó mướn tháng, mướn ngày. Còn bây giờ thì mướn ngày là phổ biến và bắt đầu người ta mướn tính giờ ở một số khâu sản xuất. Tình hình đó đặt ra: Lao động dịch vụ nông nghiệp chuyên môn hóa cao, cạnh tranh mạnh và cũng phân hóa giàu nghèo rất nhanh, vì nó theo hướng hiện đại mà khâu quản lý sản xuất của ta còn ở tầm của gần cuối thế kỷ 20.
Mới đây, tôi đi khảo sát thực tế ở xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bà con nông dân cho biết trung bình nhà có ba nhân khẩu (thanh niên hầu hết bỏ quê đi làm ăn xa) được 1, 2 sào/ đầu người, tính ra một năm mỗi người được bốn tạ thóc bán được hai triệu đồng. Nhưng chi phí giống, tiền thuê cày, cấy, thu hoạch hết khoảng 1.200.000 đồng- 1.500.000 đồng (chưa kể các khoản phải đóng góp cho HTX vv...).
Đời sống nông dân rất bấp bênh, nghèo khổ. Ở xã có nhà thờ khang trang là do con em đi làm ăn ở xa và Việt kiều gửi tiền về xây dựng là chủ yếu.
Các giải pháp
Trước hết, phải thay đổi ở khâu tổ chức sản xuất với bốn nội hàm:
- Chính sách quản lý vĩ mô (bao gồm Luật Đất đai, khoa học công nghệ, tài chính - tín dụng, thuế khóa)
- Pháp luật và chế tài.
- Loại hình quản trị (công ty, trang trại, HTX...).
- Tôn trọng người nông dân với tư cách là người chủ thực sự.
Có hai việc quan trọng cần phải thực hiện sớm. Đó là:
1) Gia tăng năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá trị cạnh tranh thì phải đầu tư cho khoa học- công nghệ để tạo ra công nghệ sản xuất và cơ chế chính sách quản lý mới.
2) Để cho nông dân tiếp thu được khoa học- công nghệ, thì nông dân phải được đào tạo để trở thành nhà nông chuyên nghiệp, không phải kiểu nông dân "cha truyền con nối" như ngày xưa. Nông dân đương chức, phải được đầu tư đào tạo dưới hình thức khuyến nông theo vùng nông nghiệp sinh thái và khuyến nông của các doanh nghiệp mua nông sản, tạo ra tầng lớp mới "thanh nông tri điền" bằng đào tạo chính quy thông qua các trường ĐH nông nghiệp và trung cấp của cả nước.
Chúng ta không thiếu các chuyên gia nông nghiệp giỏi, và cơ sở đào tạo mà chỉ thiếu đầu tư và cơ chế chính sách thích hợp.
Làm được các việc nói trên, sẽ tạo ra hình thức tổ chức sản xuất theo hoạt động "Contract Farming", là hình thức tổ chức quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng, năng suất từ nông trại đến bàn ăn.
Trong đó, hai chủ thể quan trọng nhất là nhà nông và nhà doanh nghiệp. Nhà doanh nghiệp có trách nhiệm cung ứng đầu vào (đặc biệt giống xác nhận) và khuyến nông để nông dân biết thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP- Good Agriculture Practice).
Nhà doanh nghiệp đảm bảo mua, chế biến, bảo quản và sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với giá lợi ích hài hoà cho cả hai bên. Nhà nước chỉ làm chính sách như khuyến khích tích tụ ruộng đất, đầu tư cho giáo dục, và khoa học- công nghệ, thay đổi cơ chế quản lý khuyến nông, quản lý khoa học và quản lý đào tạo.
Vĩ thanh
Cuối 1998, trong lần họp tổng kết dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, tôi đã phát biểu đại ý: Bộ mang tên là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho nên hoạt động chỉ tập trung vào vế đầu- phát triển nông nghiệp- đó chỉ là cái ngọn. Cần phải thay đổi tư duy, đi vào cái gốc của vấn đề là phát triển nông thôn bao gồm cơ chế chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học- công nghệ và giáo dục- đào tạo. Đó mới là tiền đề để phát triển "tam nông"bền vững....
Sâu xa hơn, muốn "chấn hưng" được vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phải thay đổi được cái gốc của vấn đề. Có nghĩa là phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để tái cấu trúc cơ chế quản lý kinh tế, xã hội- chính trị, thông qua sửa Hiến pháp, sửa Luật Đất đai, tái cơ cấu hệ thống ngành quản lý nông nghiệp, cơ cấu lực lượng lao động nông thôn. Từ đó mới tái cơ cấu ngành hàng và thị trường.
Một vấn đề khác phải thực hiện đồng thời, là tái cấu trúc hệ thống quản lý giáo dục- đào tạo mà trọng tâm là vì con người tự do, vì một thế hệ nông dân mới sau năm 2020.
Tô Văn Trường
No comments:
Post a Comment