SCT- Quyền quyết định xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là của Quốc hội nhưng hiện Chính phủ và 8 bộ, 3 tỉnh,...tất cả các bộ đều đổ sang cho Bộ TN&MT, còn lại không ai dám trả lời thẳng có đồng ý hay không!?.
“Có lợi ích nhóm” trong phá rừng làm thủy điện
01/07/2013
ThienNhien.Net – “Phải có lợi ích nhóm, vì xin chuyển mục đích rừng chủ yếu là cá nhân, còn doanh nghiệp nhà nước có mấy đâu”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền nói về việc lợi dụng các dự án thủy điện, trồng cây công nghiệp để chặt phá rừng, tận thu gỗ.
Bàn thêm về phá rừng làm thủy điện, trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê…) để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về vấn đề này.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2006-2012, cả nước đã chuyển diện tích gần 20.000 ha rừng sang làm thủy điện.
Còn tại Tây Nguyên, trong 8 năm (2005-2012), khu vự này mất hơn 205.000 ha rừng tự nhiên, bình quân mỗi năm mất 25.700 ha rừng. Trong đó, chuyển đổi sang trồng cao su (46,7%); xây dựng thủy điện, thủy lợi, khu công nghiệp (31,3%); khai thác, chặt phá, lấn chiếm trái phép (6%)… Khoảng 80% diện tích quy hoạch trồng cây cao su là trên đất có rừng tự nhiên mà không chú trọng khai thác quỹ đất trống, đồi trọc.
- Nghe các số liệu trên ông nghĩ gì về việc chuyển đổi rừng tự nhiên vì mục đích kinh tế?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Theo tôi nên cân nhắc thật thận trọng, vì dù có trồng rừng cao su thì rừng tự nhiên bao giờ cũng tốt hơn, cao su có thể phục vụ cho mục đích kinh tế, nhưng rừng thì có vị trí đặc biệt trong giữ nước. Như ở Lâm Đồng trồng có nhiều cao su chưa chắc đã hiệu quả, ngày xưa Pháp họ không trồng cao su ở đây chắc phải có lý do của họ, giờ mình mới trồng tôi cho rằng hiệu quả kinh tế từ cao su không cao.
Giữ rừng sẽ tốt hơn, vì nó giữ cảnh quan, môi trường, rồi còn hệ thực vật nữa, đâu cứ nói rằng trồng rừng là trồng cao su thay rừng.
Thứ hai, với mục đích thủy điện, giờ cần có sự cân nhắc, vì nó chiếm quá nhiều diện tích đất, trong đó có đất sản xuất và sinh sống của người dân, gây những bất cập, khó khăn trong tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.
Đáng lẽ làm thủy điện phải trồng lại rừng, nhưng hầu hết không làm, với nhiều lý do như không có đất để trồng, nhưng không ít Giám đốc Sở Nông nghiệp nói thẳng là sẵn sàng tạo điều kiện, cái chính là họ (chủ đầu tư – PV) có trách nhiệm, có nhiệt tình hay không.
- Các nhà môi trường nói rằng doanh nghiệp đang lợi dụng việc đầu tư thủy điện, trồng cây công nghiệp để được khai thác gỗ, tận thu rừng, và đây mới là nguồn lợi chính các chủ đầu tư hướng tới, ông nghĩ gì về điều này?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Tôi cho rằng cái đó cũng có phần đúng, vì thực ra nói rừng nghèo kiệt mới chuyển đổi để trồng cây khác thì phải nói thẳng là chỗ đất mà rừng tự nhiên còn không mọc được thì còn trồng được cây gì nữa, chỉ có rừng tốt mới trồng được. Người ta cứ nói là rừng nghèo kiệt, nhưng thực chất là rừng tốt.
Còn gỗ rừng thì mình chưa có số liệu, nhưng chắc chắn họ cũng lợi dụng các dự án để khai thác gỗ, vì có rất nhiều dự án chỉ nhắm vào cái thu gỗ để lấy bán. Vì đất tốt là rừng tốt, nên cũng có sự lợi dụng trong đó.
- Phải chăng vì chăm chăm vào rừng mà dẫn tới công trình thủy điện không đảm bảo, hậu quả là một số vụ vỡ đập thời gian gần đây?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Không nhất thiết là như thế, vì người ta một là cũng nhắm vào việc khai thác gỗ, nhưng cũng phải lo khai thác giá trị dự án, chứ không phải chỉ lo chặt cây mà quên chất lượng công trình để vỡ đập.
Còn vỡ đập thì có nhiều nguyên nhân, vì chủ đầu tư cũng phải thuê người làm, thuê các đơn vị thi công làm, có thể những người này chưa đủ tầm, chưa đủ tâm nên chất lượng không đảm bảo.
Còn tất nhiên, giá trị rừng ở những nơi đó cũng lớn, vì chủ yếu rừng nguyên sinh, rừng già, rừng tốt. Khai thác trồng cây công nghiệp cũng vậy thôi, phải là đất tốt mới trồng được.
- Tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nói quyền quyết định xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là của Quốc hội, tới lúc đó liệu ông có biểu quyết cho làm 2 dự án này?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Với cá nhân tôi thì tôi không đồng tình.
Quan trọng nhất là báo cáo tác động môi trường, nếu báo cáo là ảnh hưởng, thì chắc chắn Quốc hội sẽ không đồng ý. Tất cả các bộ đều đổ sang cho Bộ TN&MT, còn lại không ai dám trả lời thẳng có đồng ý hay không.
Còn Hội sông ngòi VN (VRN) có báo cáo là ảnh hưởng, tôi cho rằng báo cáo này là chính xác. Còn báo cáo của Bộ TN&MT chưa có, nhưng chắc đưa ra Quốc hội cũng khó được đồng ý.
- Nhiều người nghi ngại chủ đầu tư muốn làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A giữa rừng Cát Tiên là để tận thu gỗ rừng già, ông nghĩ sao về điều này?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Cũng có thể. Họ quyết tâm làm phần vì đã bỏ ra rất nhiều tiền để chuẩn bị đầu tư cho hai dự án này, lớn chứ không phải ít.
- Theo ông, có hay không lợi ích nhóm trong việc làm các dự án kinh tế, thủy điện để chặt phá rừng?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Phải có lợi ích nhóm, vì xin chuyển mục đích rừng chủ yếu là cá nhân, còn doanh nghiệp nhà nước có mấy đâu.
- Là đại biểu Quốc hội, có trách nhiệm với đất nước, ông sẽ làm gì để đóng góp bảo vệ rừng?
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Cần thật kiên quyết bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không được đụng tới, còn rừng sản xuất phải cân nhắc thật kỹ.
Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải cân nhắc chứ không phải đổi bằng mọi giá, loại bỏ tư tưởng chỉ tính hiệu qủa kinh tế mà không tính bảo vệ môi trường, cho nên cần hết sức chặt chẽ, kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa.
– Xin cảm ơn ông!
No comments:
Post a Comment