Saturday, July 6, 2013

Những gương điển hình tốt trong xã hội ngày nay.

Những tấm lòng vàng

Thứ Năm, 04/07/2013 22:47

Vượt lên nghèo khó, tật nguyền, những ông bụt giữa đời thường tìm mọi cách giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ hơn, chỉ với mong ước mỗi người góp một chút sẽ bớt đi nỗi khốn khó, đau buồn

Bị mù mắt sau một tai nạn, thầy giáo Đặng Ngọc Duy (SN 1976, ngụ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) vẫn đeo đuổi mục đích sống cao cả, quyết tâm học và dạy những đứa trẻ đồng cảnh ngộ để tương lai các em được rộng mở hơn.
Thầy giáo mù và mái ấm Hướng Dương
Lúc mới chào đời, Duy khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm 13 tuổi, trong lần đi học về, Duy nghịch một quả đạn nhặt được bên đường và bị mù cả hai mắt. Những tưởng tương lai sẽ khép lại nhưng Duy vẫn quyết tâm đến trường với đôi mắt mù lòa và một nghị lực phi thường bởi Duy hiểu rõ chỉ có học mới thay đổi được tương lai và mang lại lợi ích cho nhiều người.
Duy tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tại Trường Đại học Quảng Nam, sau đó anh tiếp tục học liên thông lên đại học. Năm 2009, bằng số tiền nho nhỏ từ việc in tập thơ và đi bán cho các trường học, anh Duy mở một mái ấm tình thương có tên gọi Hướng Dương ngay tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Mái ấm là nơi cưu mang, dạy chữ, dạy nghề cho những học sinh mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, mái ấm Hướng Dương là nơi trú ngụ của 21 trẻ em khuyết tật.
Anh Đặng Ngọc Duy dạy chữ cho trẻ em khuyết tật tại mái ấm Hướng Dương
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mái ấm Hướng Dương, anh Duy cho biết: “Bản thân tôi là người khuyết tật, gặp rất nhiều khó khăn và bất hạnh trong cuộc sống, vì vậy,  tôi không muốn có thêm nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự. Người khuyết tật nếu được chăm lo đầy đủ, được học hành và hướng nghiệp, chắc chắn có thể tự nuôi sống được bản thân và còn giúp ích đời”.
Ước mơ lớn nhất của anh Duy là cố gắng cho những trẻ em khuyết tật có một tuổi thơ trọn vẹn như bao trẻ em bình thường khác. Anh dự định sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng mái ấm Hướng Dương thành trường chuyên biệt để dạy dỗ và cưu mang những trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi hy vọng sẽ sớm thực hiện được dự định này để trẻ em khuyết tật không còn chịu bất hạnh, có cơ hội hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống. Đó là mơ ước lớn nhất của đời tôi” - anh Duy trải lòng.
Sót cây thuốc quý thì tiếc lắm
“Sống mà làm được cái gì giúp ích cho xã hội thì mới không uổng phí cuộc đời. Tôi thấy vui vì dù đã già cũng không phải là gánh nặng của xã hội, vẫn làm được chút gì đó cho mọi người” - bà Phan Thị Ngọc Huệ (78 tuổi) nói khi chúng tôi hỏi thăm về việc bà đi tìm cây thuốc nam đem về phơi khô, mang lên chùa để làm thuốc cứu người nghèo.
Bà Huệ cất thuốc đã phơi khô vào bịch. Ảnh: BÍCH VÂN - KIỀU HIẾU
Không chồng con, bà Huệ hiện sống một mình tại khu trọ ở phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM. Buổi sáng, bà  lấy vé số đi bán; đến trưa, bà về nhà ăn qua loa bữa trưa rồi chuẩn bị bao bì, đạp chiếc xe đạp cũ kỹ đi khắp ngõ ngách tìm cây thuốc nam, bất chấp trời mưa hay nắng. Hôm nào đi bán vé số về trễ hoặc không được khỏe,  bà Huệ đi tìm cây thuốc ở những chỗ gần; hôm nào khỏe, bà đi xa, có khi xuống tận quận 12, Thủ Đức. Mỗi lần tìm được cây thuốc, bà vui mừng mang về chặt nhỏ, phơi khô rồi bỏ vào bao ni-lông cất. Được kha khá, bà mang đến phòng thuốc từ thiện của chùa Linh Quang, Thái Bình (quận 11), Quan Âm tự (quận Phú Nhuận), Hưng Quang tự (quận 12)…
 “Hồi đó, tôi không biết nhiều cây thuốc nên phải lên chùa nhờ các sư chỉ bảo cặn kẽ rồi xin cây thuốc nguyên vẹn cầm đi theo để so sánh cho chắc ăn, bởi bỏ sót cây thuốc quý thì tiếc lắm” - bà Huệ nói. 11 năm lặn lội đi tìm cây thuốc nam, đến giờ hầu như cây thuốc nào, thường mọc ở đâu, công dụng ra sao bà đều khá tường tận. Các sư thầy thấy bà Huệ đã nhiều tuổi mà cứ rong ruổi đi tìm thuốc, khuyên bà ở nhà nghỉ ngơi nhưng bà nói: “Còn sống là tôi còn đi tìm thuốc, ít hay nhiều gì cũng cố, bao giờ hết cây thuốc thì thôi. Mình còn làm được mà không làm là có lỗi với bản thân”.
Bà Phạm Thị Lan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 7, quận Phú Nhuận, nói: “Chính quyền có hỗ trợ cho bà Huệ mỗi tháng 200.000 đồng và bữa cơm trưa nhưng bà không nhận, nói đi đến đâu thì ăn cơm chùa, nhờ chính quyền chuyển phần đó cho người nghèo khó khác”. Được biết, năm 2003, bà Huệ đã viết đơn trình lên UBND phường xin sau khi chết hiến xác cho Trường ĐH Y Dược TP HCM. Dường như với bà, lúc sống cũng như khi mất đi, được làm gì đó cho xã hội mới hạnh phúc, thanh thản.
Giúp người nghèo khó hơn mình
Mặc dù đã bước qua tuổi 60 và mang trong người nhiều chứng bệnh nhưng ông Nguyễn Văn Hai (SN 1950, ngụ phường An Sơn, TP Tam Kỳ) vẫn lặng lẽ giúp người, giúp đời.
Nhà ông Hai nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Hùng Vương, TP Tam Kỳ. Căn nhà cấp 4 cũ kỹ, mọi vật dụng đều rất đơn sơ, giản dị. Vợ chồng ông Hai là cán bộ ngành đường sắt đã về hưu, hiện tại phải nuôi hai con đi học cùng một mẹ già. “Mình cũng nghèo kém chi ai. Từ trong ra ngoài, nhà chẳng có gì đáng giá. Đồng lương hưu ít ỏi của hai vợ chồng để chi xài trong nhà và nuôi con. Tiền ổng chạy xe ôm, nhặt ve chai để giúp người hoạn nạn, khó khăn. Có người nói ổng lo chuyện bao đồng, ổng chỉ cười trừ. Hễ rảnh, ổng vào bệnh viện tìm những hoàn cảnh khó khăn để cho tiền. Ổng nói số tiền không nhiều nhưng hy vọng sẽ giúp họ vượt qua được khó khăn trước mắt” - vợ ông Hai kể.
Nghe vợ nói vậy, ông Hai cười hiền: “Mình nghèo nhưng mình còn có nhà để ở. Nhiều người không có chỗ ở, không có cả cơm ăn. Giúp được gì cho người ta thì cứ cố giúp thôi. Mỗi người góp một chút sẽ có nhiều người đỡ khốn đốn hơn...”.
Kỳ tới: Làm từ thiện

BÍCH VÂN - KIỀU HIẾU

No comments:

Post a Comment