|
Chất lượng rừng Việt Nam vẫn tiếp tục suy giảm trong những năm gần đây - Ảnh: TL. |
(TBKTSG Online) - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tổng diện tích rừng Việt Nam tuy có tăng trong những năm gần đây, nhưng chất lượng rừng tự nhiên ngày càng suy giảm.
Theo dự thảo đề án ứng phó biến đổi khí hậu đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lấy ý kiến các nhà khoa học vào cuối tuần qua, tính đến nay diện tích rừng toàn quốc là khoảng 13,5 triệu héc ta, độ che phủ gần 39,7%, trong đó rừng tự nhiên còn khoảng 10,3 triệu héc ta.
Nếu so với số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố năm 2009 khoảng 13,2 triệu héc ta với độ che phủ 39,1% thì diện tích rừng hiện nay đã tăng xấp xỉ 300.000 héc ta.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết diện tích rừng nguyên sinh giảm trầm trọng, hiện chỉ còn rất ít, chủ yếu còn ở những khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn, phần lớn rừng tự nhiên hiện nay chỉ còn lại là rừng nghèo. Diện tích rừng ngập mặn cũng đã giảm hơn một nửa trong các thập kỷ trước và vẫn tiếp tục suy giảm trong những năm gần đây. Đây là một thực trạng đáng báo động trong bối cảnh biến đổi khí hậu với những tác động gia tăng và khó lường.
Theo Bộ Công an thì có đến 43% vụ phá rừng liên quan đến việc chuyển đổi rừng nghèo, xây dựng thủy điện, thủy lợi, giao thông, khai thác khoáng sản, xây dựng các công trình văn hóa, tâm linh và đáng lo ngại là việc khai thác gỗ trái phép chủ yếu tập trung vào các loại lâm sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao ở các rừng nguyên sinh, rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn.
Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn ... tại Việt Nam đã làm chết và mất tích hơn 10.700 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP mỗi năm.
Đề án ứng phó biến đổi khí hậu của Bô Tài nguyên và Môi trường cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ nâng độ che phủ rừng lên 45%, ổn định diện tích rừng đặc dụng trên 2 triệu héc ta, phục hồi 0,62 triệu héc ta rừng tự nhiên, trồng thêm 250.000 héc ta và tái sinh tự nhiên 750.000 héc ta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cải tạo 350.000 héc ta rừng tự nhiên nghèo.
No comments:
Post a Comment