Monday, May 13, 2013

NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ

Số phận kỳ lạ của vị sư trụ trì chùa Trường Sa Lớn

GiadinhNet - Vị sư này cùng các đạo hữu của mình đã luôn bên cạnh các chiến sỹ, tiếp sức cho họ thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả là bảo vệ phên dậu của Tổ quốc…

Số phận kỳ lạ của vị sư trụ trì chùa Trường Sa Lớn 1
Sư thầy Thích Giác Nghĩa trao quà cho bà con quê hương trong một chuyến từ thiện gần đây. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
 
Cảm kích trước sự chịu đựng gian khó, hy sinh của quân và dân trên quần đảo Trường Sa, nhà sư Thích Giác Nghĩa đã tình nguyện ra đây tu tập.
 
Xa gia đình, đi tu năm 12 tuổi
Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ theo tàu của Lữ đoàn 146 đoàn Hải quân vùng IV ra đảo Trường Sa Lớn trước ngày 22/12/2012 – Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam để chia vui với các cán bộ và chiến sỹ trên các đảo. Tuy nhiên, do có việc cá nhân đột xuất nên tôi phải ở lại đất liền. Cũng nhờ sự cố này mà tôi có nhân duyên được gặp thầy Thích Giác Nghĩa (hiện trụ trì chùa Trường Sa Lớn trên quần đảo Trường Sa và chùa Vạn Đức ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa- PV).
Nụ cười nhân hậu, gương mặt sáng đầy vẻ an nhiên tự tại, cộng với chất giọng Huế nhẹ nhàng, thầy khiến người nghe bị cuốn hút với từng lời kể.
Ấm cúng Tết Trường Sa

Nói về ý định Tết năm nay, ánh nhìn của thầy như vụt sáng. Có lẽ, đây là điều thầy mong muốn chia sẻ nhất. Thầy Nghĩa nói: “Để quân dân Trường Sa có một cái Tết thật trang nghiêm, ấm cúng… chúng tôi đã lên kế hoạch hết cả rồi. Năm nay, chúng tôi sẽ đón thêm một số quý thầy từ đất liền ra để tổ chức một đại lễ lớn cầu quốc thái dân an. Sau đó sẽ quây quần bên bếp lửa với những nồi bánh chưng và vật phẩm đưa ra từ đất liền để cùng nhau đón giao thừa. Chúng tôi cũng có kế hoạch trao quà cho các chiến sỹ và người dân trong giờ khắc thiêng liêng nhất của năm mới...”.
Thầy Thích Giác Nghĩa sinh ra tại một ngôi làng thuần nông, rất nghèo ở ngoại thành TP Huế. Ngay từ hồi còn nhỏ, tự trong bản thân thầy đã có ước muốn được đi tu. Một lần, ba thầy gọi các anh chị em của thầy đến bên bàn thờ gia tiên và hỏi: “Các con hãy nói cho ba nghe, sau này ai muốn làm nghề gì?”. Các anh chị em của thầy, mỗi người chọn cho mình một nghề mà họ yêu thích. Riêng thầy, thầy nói với ba: “Con muốn được đi tu”. Ba thầy khi nghe cậu con trai nói vậy liền nổi trận lôi đình. Ba thầy cứ nghĩ, trận đòn nhớ đời đó sẽ khiến cho con trai thay tâm đổi tính mà chuyên tâm học hành, lo gây dựng sự nghiệp mai sau. Ai dè, trận đòn đau càng làm ước muốn đi tu của thầy thêm phần “cháy bỏng”. Rồi đúng vào mồng 2 Tết năm 1982, khi không khí Tết đang ngập tràn trong từng ngôi nhà thì thầy lặng lẽ xa gia đình, vào Nha Trang đi tu. Khi đó, thầy Thích Giác Nghĩa vừa tròn 12 tuổi.
Gia nhập đội quân “cái bang”
“Sở dĩ tôi tìm đến Nha Trang vì hè năm 1981, tôi được một bà chị dẫn lên thăm người quen ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ở đây, tôi đã có cơ duyên được gặp và quen biết các sư cô ở chùa Minh Đức (Nha Trang) lúc đó lên bán nhang. Cũng từ đó, hình ảnh nhà tu hành cứ ám ảnh tâm trí tôi khiến tôi bứt rứt không yên. Sau đó, khi trở về quê ăn Tết cùng gia đình, tôi quyết định phải trốn nhà để thực hiện ước mơ của mình” – thầy Nghĩa chia sẻ. Trên chặng đường dài từ Huế vào Nha Trang, để có tiền lộ phí, thầy buộc phải gia nhập vào một vào nhóm người ăn xin. Trong nhóm người này, có một cặp vợ chồng già, họ thấy thầy là một cậu bé khôi ngô tuấn tú và rất mực hiền lành nên ngỏ lời muốn nhận cậu làm con nuôi.
“Khi nhận tôi làm con nuôi, cụ ông nói với tôi: Tao với mày sẽ đi ăn xin, tao đóng vai cha, mày đóng con. Tao giả mù để mày đi trước cầm gậy dẫn đường, tao đi sau cầm nón lá. Hai cha con cứ thế mà kiếm cơm qua ngày. Tôi lúc đó mới 12 tuổi nên còn khờ khạo lắm, lại không có đồng cắc nào trong túi nên đành phải gật đầu theo vợ chồng ông lão. Nhờ “màn kịch” này mà chúng tôi xin được rất nhiều tiền nhưng được đồng nào ông lão lấy hết. Vì ông ấy giả vờ mù nên ai cho đồng nào, bao nhiêu là ông đều thấy hết. Ông chỉ cho tôi mấy đồng tiền lẻ còn lại thôi…”.
Ở với vợ chồng lão ăn xin được khoảng gần một tháng thì thầy theo đám trẻ ăn mày khác lên tàu vào Nha Trang. Khi vào đến TP. Nha Trang, thầy đã tìm ngay đến chùa Minh Đức gặp lại các sư cô quen biết. Nhưng đó là chùa ni (nữ giới), không cho phép nam giới tu ở đó. Thế nên, một sư cô ở chùa đã gửi thầy sang chùa Từ Vân (Cam Ranh). Thầy bắt đầu con đường tu học từ đó.
 
Số phận kỳ lạ của vị sư trụ trì chùa Trường Sa Lớn 2
Sư thầy Thích Giác Nghĩa đang trò chuyện cùng các em nhỏ.

Mỗi ngày cúi lạy 500 lần vì Trường Sa
Muốn chung tay với quân dân trên đảo

 Thầy Thích Giác Nghĩa nói: “Tôi là một tăng sĩ trẻ, khi chứng kiến những người dân và các chiến sỹ đang hy sinh tuổi xuân vì đất nước đã rất cảm phục, muốn chung tay cùng với họ. Bản chất của Phật giáo Việt Nam là đồng hành cùng dân tộc, ngày xưa, nhiều triều đại đã có các quốc sư hiến kế cho những đấng minh quân chống lại giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, phát triển đất nước. Với tinh thần đó, tôi phát nguyện ra Trường Sa để chung tay với quân dân vùng biển đảo bằng cách thiết thực nhất”.
Năm 2004, thầy Thích Giác Nghĩa xây dựng một ngôi chùa mới ở TP. Nha Trang là chùa Phước Trí.
Tôi hỏi thầy Nghĩa: “Vì sao thầy đã trụ trì hai ngôi chùa lớn ở TP. Nha Trang còn xung phong ra trụ trì chùa Trường Sa Lớn?”- Thầy tâm sự: “Tôi là một tăng sĩ trẻ, khi nhìn những người dân, chiến sỹ đang hy sinh tuổi xuân vì đất nước tôi đã rất muốn chung tay với họ. Bản chất của Phật giáo Việt Nam là đồng hành cùng dân tộc cơ mà? Ngày xưa, nhiều triều đại đã có các quốc sư hiến kế cho các vị minh quân chống lại giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, phát triển đất nước. Với tinh thần đó, tôi phát nguyện ra Trường Sa để chung tay với quân dân vùng biển đảo bằng cách thiết thực nhất”.
Khuôn mặt thầy Nghĩa rạng lên khi kể:
“Từ khi có sự hiện diện của các quý thầy trên các chùa ngoài đảo, đời sống của người dân và các chiến sỹ đã được tiếp thêm một luồng sinh khí mới. Chư tăng trở thành một trong những chỗ dựa tinh thần của quân dân trên đảo. Cũng vì thế mà chư tăng chúng tôi luôn bên cạnh các chiến sỹ, tiếp sức cho họ thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của mình”.
Thầy Nghĩa còn chia sẻ, mặc dù thầy vẫn phải đi đi, về về giữa đất liền và biển đảo vì không thể bỏ bê việc Phật sự trong đất liền nhưng một năm qua, dường như thầy sống ở đảo là chính. Đến bây giờ, dù phiến đá trước điện Tam bảo đã mòn vẹt nhưng hàng ngày thầy vẫn duy trì đều đặn việc rập đầu cúi lạy không dưới 500 lần để nguyện cầu cho quân dân trên đảo Trường Sa luôn bình yên.
Sắp tới đây, thầy Thích Giác Nghĩa sẽ cho xây dựng nhà thờ Tổ và nhà tăng. Tâm nguyện của thầy là tạc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua đã đi tu vì lợi ích của quốc gia dân tộc để thờ ở các ngôi chùa trên Trường Sa. Tuy nhiên, việc xây dựng ở Trường Sa không phải là việc đơn giản nên thầy sẽ cố gắng làm từng bước một.
 
Hà Tùng Long
Nguồn: 

No comments:

Post a Comment