|
Ông Nguyễn Trần Bạt. (Ảnh: Thu Hương) |
(TBKTSG Online) - Đạo đức trong kinh doanh đang ngày càng trở thành vấn
đề gây bức xúc trong xã hội. Từ làm hàng gian, hàng giả cho đến sử dụng
hóa chất độc hại trong sản phẩm và sử dụng ưu thế thị trường để o ép
người tiêu dùng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng giám đốc
Investconsult Group, trò chuyện với TBKTSG Online về vấn đề này.
TBKTSG Online: Thưa ông, câu hỏi về đạo đức kinh doanh ở
một thị trường lớn như Việt Nam vẫn chưa có lời đáp. Xin mở đầu bằng
chuyện thị trường sữa. Ở một nước đời sống đại đa số dân ở mức thấp, giá
sữa lại rất đắt và bị quảng cáo thổi phồng một cách phi lý như một hành
vi lừa người tiêu dùng. Ông suy nghĩ gì?
- Ông Nguyễn Trần Bạt: Đạo đức kinh doanh theo tôi
là năng lực để thực hiện các cam kết của người sản xuất, người buôn bán
với xã hội và với nhau. Trong một sản phẩm luôn hàm chứa cam kết của
người sản xuất, người cung ứng đối với xã hội, tức là bản thân nó là một
hợp đồng. Khi không đủ năng lực để thỏa mãn hợp đồng ấy thì người ta
buộc phải cung cấp các sản phẩm gian dối.
Gian dối là một trong những giải pháp để khắc phục sự thua thiệt trong
cạnh tranh khi người ta không đủ năng lực để thỏa mãn các cam kết lành
mạnh. Muốn có sữa mà không đủ năng lực nuôi bò thì chúng ta buộc phải
mua sữa bột, sữa không biết chắc chắn nguồn gốc của nó và đó là tiền đề
của việc cung cấp những sản phẩm không có chất lượng.
Hậu quả là sức khỏe toàn xã hội sẽ suy giảm, độ nhạy tiêu dùng của xã
hội sẽ suy giảm. Xã hội chúng ta sẽ biến thành một xã hội không có tiêu
chuẩn, không có phẩm hạnh, dùng thoải mái những thứ không dành cho con
người. Chấp nhận những sản phẩm phi con người là làm phi con người hóa.
Con người sinh ra là để tinh khôn, để giữ gìn được sự lành mạnh về thể
chất và tinh thần. Những sự phi lành mạnh hóa về thể chất là những bước
đầu tiên dẫn tới sự phi lành mạnh hóa đời sống tinh thần. Tức là chúng
ta chấp nhận một cách phi con người những sản phẩm, những đối tượng dành
cho con người.
Nguồn lực con người bị triệt tiêu dần cả về vật chất lẫn tinh thần.
Năng lực sản xuất của xã hội cũng bị triệt tiêu dần vì nó không cần phải
có những sản phẩm nghiêm túc, mà ngược lại nó có thể được thỏa mãn bằng
những sản phẩm láu cá và phi đạo đức.
Nhưng không phải chỉ có thị trường sữa mà còn rất nhiều thị trường hoặc
sản phẩm khác cũng có những vấn đề tương tự. Nói cách khác vấn đề của
thị trường sữa là một trong những dấu hiệu để phản ánh trạng thái suy
thoái về mặt con người trong quá trình vận hành và phát triển một nền
kinh tế thị trường.
Bởi chúng ta đều tham vọng về quyền lực, tiền bạc, danh tiếng…
không phải doanh nghiệp, doanh nhân nào đang sa chân theo con đường ấy
cũng biết giật mình lùi lại?
- Kinh doanh nào cũng có yếu tố đi ngược lại với lợi ích chung, bởi
kinh doanh là hành vi riêng có của từng cá thể hoặc từng nhóm lợi ích.
Nếu nói một cách rộng ra, suy luận một cách thoải mái thì phải nói rằng
chúng ta không được giáo dục đầy đủ khái niệm về quyền con người cho nên
chúng ta vi phạm quyền con người một cách ngây thơ, một cách tự nhiên
và bản năng. Chính sự vi phạm quyền con người một cách bản năng làm xuất
hiện những kẻ chuyên nghiệp vi phạm các quyền con người, cung cấp cho
con người những sản phẩm dành cho những thứ không người.
Nếu những nhà hoạt động chính trị không có tham vọng quyền lực, những
nhà kinh doanh không có tham vọng về quyền lợi thì sẽ không có cả kinh
doanh lẫn chính trị. Cho nên tham vọng của họ chỉ tiêu cực khi nó trở
nên thái quá, còn ở thời điểm trước sự thái quá ấy nó hoàn toàn tích
cực. Tôi không lên án tham vọng về quyền lợi của các nhà kinh doanh,
tham vọng về quyền lực của các nhà chính trị, mà thậm chí tôi khuyến
khích họ. Vấn đề là xã hội phải hình thành một phòng tuyến đạo đức để
tránh tất cả những sự thái quá của họ.
Đối với các nhà kinh doanh thì bằng thể chế kinh tế, bằng giáo dục
những kiến thức cơ bản để họ không điềm nhiên thái quá. Đối với các nhà
chính trị thì sự thất bại hay sự không hài lòng của nhân dân đối với họ
phải được phản ánh bằng báo chí một cách phổ biến, và đấy là một tấm
gương để họ nhận ra rằng sự thái quá của họ xuất hiện vào thời điểm nào
và nên lùi lại như thế nào. Khi nào mà thể chế không kiểm soát được sự
khác biệt hoặc sự mâu thuẫn trong quyền lợi cá nhân, quyền lợi của nhóm
lợi ích với quyền lợi của xã hội thì luôn luôn xảy ra trạng thái mà
chúng ta đang bàn.
Giá trị nào là mỏ neo để ta lùi về và neo lại?
- Tất cả mọi người đến một thời điểm nào đó đều hạ cánh, đều lùi cả.
Lùi về đâu? Tôn giáo đã chỉ ra rất rõ có hai điểm lùi cho khái niệm tham
vọng. Nếu nó thái quá và tiêu cực thì nó lùi về địa ngục, còn nó hăng
hái, nó tích cực, nó cao thượng thì nó có một điểm lùi là thiên đường.
Thượng đế chính là các giá trị cơ bản của mỗi người. Tiêu chuẩn để đạt
được việc lên thiên đường, có chỗ đứng bên cạnh thượng đế chính là các
tiêu chuẩn cơ bản của nhân cách của con người.
Có rất nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh, rất nhiều doanh nghiệp, kể cả
những người sản xuất nhỏ lẻ cũng đặt tiền lên trên hết qua hành động cho
thuốc độc vào trong thức ăn, cho thuốc độc vào trong các sản phẩm mình
làm ra để có lợi nhuận cao nhất. Có những người như vậy và địa ngục đang
chờ đón họ. Tác giả của tất cả những sự cao thượng đều biết rất rõ rằng
nếu họ không được lên thiên đường thì ít nhất họ cũng đứng được ngoài
cửa.
Con người gây ra tai họa bằng hai lý do, ngu ngốc và độc ác. Những ai
gây ra tai họa bằng ngu ngốc thì có một cơ hội đó là xám hối, còn những
ai gây ra tai họa bằng sự độc ác thì không có cơ hội ấy. Nếu để ý chị sẽ
thấy hạnh phúc đằng sau sự về hưu của rất nhiều người mà chị cho là có
quyền lực, và chị sẽ thấy những người tạo ra tội ác bằng sự độc ác thì
chỗ hạ cánh của họ là địa ngục.
Địa ngục ở trong chính mình. Cho nên điều chỉnh thân phận của con người
chính là điều chỉnh độ đậm nhạt của “chất lượng địa ngục” ở trong mỗi
một tâm hồn con người.
Nhưng chúng ta vẫn nói tường thấp thì kẻ trộm mới tới. Một nguyên
nhân quan trọng ở đây là do cơ quan quản lý đã để những hàng rào bị
thủng mà qua đó người ta vẫn có thể cung cấp được các dịch vụ, sản phẩm
gian dối?
Chúng ta không kiểm soát được. Nhà nước không tổ chức ra được những
chính sách, những hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng. Tức là
chúng ta không nhìn thấy vấn đề con người và sức khỏe con người như một
yếu tố tất yếu phải có trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời
nhân dân chúng ta cũng không được giáo dục đầy đủ để hiểu rằng bán được
những mặt hàng có thể làm suy thoái, làm chết người là một tội ác. Vì
thế ở đây có cả hai khuyết điểm. Khuyết điểm về phương diện quản lý nhà
nước là chúng ta không đủ năng lực để kiểm soát chất lượng đạo đức của
sản phẩm cũng như giáo dục không đủ để có thể kiểm soát, gìn giữ trạng
thái đạo đức nhân văn. Đây là khuyết điểm của cả đời sống tinh thần lẫn
đời sống quản lý kinh tế.
Cái tôi muốn nói khái quát hơn không phải chỉ có chuyện người ta cho
chất độc vào sữa. Bởi cho chất độc vào sữa chỉ là một trong các biểu
hiện tiêu cực, còn có những thứ chất độc vẫn đang được đưa vào một cách
đại trà trên nhiều sản phẩm, kể cả sản phẩm tinh thần mà không bị lên
án. Dư luận mới chỉ đủ dũng cảm để kêu gọi người ta kiểm soát những tội
ác khi cho chất độc vào thức ăn mà chưa đủ dũng cảm cũng như thông thái
để kêu gọi đừng cho các loại chất độc khác vào những sản phẩm khác,
không chỉ những sản phẩm mà con người nuốt vào trong mình, mà còn cả
những sản phẩm mà họ nhận vào trong miền tinh thần của mình.
Chúng ta không biết và không thể đến tận nơi, cũng không đủ năng lực,
đủ sức mạnh để đến vạch mặt chỉ tên những đối tượng cụ thể, chúng ta
phải nương nhờ vào thể chế. Cho nên lời kêu gọi của tôi là thể chế phải
được xây dựng để kiểm soát tội ác.
Thể chế chính là những quy tắc để chúng ta điều hành một xã hội làm cho
nó càng ngày càng lành mạnh hơn. Những thể chế nào mà các quy tắc của
nó không đủ sức mạnh để kiểm soát tội ác thì thể chế ấy vứt đi hay đến
lúc vứt đi.
Còn người tiêu dùng, họ có lỗi không nếu cố tình mua những thứ độc hại ấy?
- Còn người tiêu dùng thì không phải dễ dãi mà người tiêu dùng bí.
Chúng ta uống sữa có melamine thì phải mất 10 năm mới chết, nhưng nếu
chúng ta không có tí gì để ăn thì chỉ 10 ngày là chết. Chính vì thế
người ta chấp nhận ăn những thứ mà người ta biết chắc là ăn vào có hại.
Thứ hai, người tiêu dùng không có tiền thì phải mua hàng rẻ tiền, mà
hàng rẻ tiền thì đương nhiên chất lượng của nó cũng rẻ theo. Độ rẻ tiền
của các sản phẩm luôn luôn phù hợp với vốn đầu tư để nhồi vào sản phẩm
và năng lực tiêu dùng của khách hàng. Về bản chất nâng cao năng lực đạo
đức trong tiêu dùng chính là nâng cao túi tiền để chúng ta có thể mua
được những hàng hóa có chất lượng tốt. Đấy là góc độ kinh tế học của
việc chống tiêu cực trong cung cấp các sản phẩm cho con người.
Và cũng vì còn nhiều hiện tượng gian dối trong kinh doanh khiến xã
hội vẫn còn quan niệm coi thường những người làm kinh doanh, người giàu,
dường như điều này trì kéo sự phát triển của chúng ta hơn?
- Tôi nghĩ đấy là một cái sai khủng khiếp. Hoạt động kinh doanh là một
hoạt động thuộc về con người. Chúng ta có thể tôn trọng con người, kính
trọng con người, nhưng chúng ta không thích các hoạt động kinh doanh thì
đấy là do thói quen của xã hội phi kinh doanh như xã hội của chúng ta
từ những năm 90 trở về trước.
Nhiều nhà kinh doanh từng là anh hùng trong đời sống không kinh doanh
và đang cố gắng muốn trở thành anh hùng trong đời sống kinh doanh. Tôi
không lên án họ, không ghét bỏ họ được và càng không thể coi thường họ.
Đất nước của chúng ta cần những con người đặc biệt như thế, nhưng không
cần nhiều, mà cũng không có nhiều.
Cái chúng ta cần là nhiều người biết đến sự đúng đắn, sự cao thượng chứ
không phải nhiều sự cao thượng, nhiều sự cao quý, nhiều sự đặc biệt.
Một quốc gia, một dân tộc, một cộng đồng con người phát triển một cách
bình thường bằng những người bình thường, nhưng nó được hướng thiện,
hướng thượng bằng những yếu tố dị thường. Cái tối đa mà con người cần là
sự kính trọng đối với sự cao thượng chứ không phải bắt chước sự cao
thượng. Không phải ai cũng đi dép cao su và ăn cà như Bác Hồ được, nhưng
sự kính trọng về đôi dép cao su và về quả cà rất cần thiết, bởi nó là
chiếc phanh để con người dừng lại trước khi trượt đến tội ác.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/96000/Can-%E2%80%9Cchiec-phanh%E2%80%9D-de-kinh-doanh-dung-truot-den-toi-ac.html
No comments:
Post a Comment